Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Khoảng tối trong mùa chiếu sáng

Khoảng tối trong mùa chiếu sáng

Viết email In

Những ngày lễ cuối năm, thường thì phố phường trở nên rực rỡ hơn. Một trong những điều dễ cảm nhận nhất là việc tô điểm phố phường bởi hệ thống đèn chiếu sáng đặc biệt so với ngày thường. 

Còn nhớ, con đường Đồng Khởi và Lê Lợi ở quận 1 các mùa lễ hội gần đây, lúc thì tưng bừng én liệng, khi thì tím ngập hoa đào; mỗi năm một vẻ, bao giờ cũng hoành tráng, rực rỡ nếu không muốn nói là khiến cộng đồng no mắt với ánh sáng.  

Sự rực rỡ, rộn ràng đó là nguyên nhân không nhỏ gây ra những cảnh kẹt xe, chen chúc, ùn tắc hỗn loạn kéo dài hàng giờ đồng hồ chứ không tạo ra được một không khí nhẹ nhàng, thư thái để người ta có dịp sống chậm hơn, trầm lắng và làm giàu mỹ cảm hơn. 


Việc chiếu sáng đồng bộ trong mùa lễ hội sao cho vừa tiết kiệm, vừa khoa học, lại vừa đạt hiệu quả mỹ thuật là điều rất cần được quan tâm
(Ảnh: Nguyễn Đình) 

Vậy, điều gì đang xảy ra phía sau cái quang cảnh muôn hồng nghìn tía giăng mắc sặc sỡ kia? Lỗi những doanh nghiệp tài trợ thiếu hiểu biết lại thừa táo bạo? Lỗi ở sự tắc trách, thiếu kiểm soát chuyên môn của các công ty chiếu sáng? Hay lỗi của nhà quản lý hô hào văn minh đô thị nhưng chưa đủ chuyên môn để nhìn thấy, giám sát và xử lý vấn đề? 

Không ai được biết. Phía sau ánh sáng luôn là những khoảng tối khó lường. Ai cũng biết là gì đấy nhưng thực ra khó xác định là gì. 

Vì thế mà các thiết kế chiếu sáng công cộng được trưng lên ở cường độ cao nhất có thể, hẳn nhiên sẽ xài tốn điện nhiều nhất có thể và rốt cuộc là hiệu quả thẩm mỹ đạt được lại khiêm tốn nhất có thể. 

Việc chiếu sáng tràn làn, tuỳ tiện tại các tuyến đường trung tâm đã không làm nổi bật những công trình kiến trúc di sản mà làm chìm khuất những công trình biểu tượng lẽ ra là điểm nhấn của Sài Gòn. Mặt khác, nó tạo ra cảm giác về sự hỗn độn, mất trật tự, sự gay gắt, “rối loạn” của ánh sáng điện cũng tạo ra sự bất lợi cho sức khoẻ, sinh hoạt của con người. Nhiều chuyên gia nghiên cứu y học, tâm lý trên thế giới cho rằng, cường độ chiếu sáng đô thị bất hợp lý ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thị dân. 

Cho nên, việc chiếu sáng đồng bộ trong mùa lễ hội sao cho vừa tiết kiệm, vừa khoa học, lại vừa đạt hiệu quả mỹ thuật là điều rất cần được quan tâm, để bộ mặt thành phố không hiện lên với một vẻ loè loẹt rẻ tiền mà tinh tế hơn, thanh thoát hơn; góp phần tạo ra ấn tượng về một không gian gợi cảm giác hài hoà, thân thiện và tạo chiều sâu cho thành phố. 

Được biết, giữa tháng 11 vừa qua, sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM phối hợp với sở Văn hoá – thể thao và du lịch, UBND Q.1 thẩm định đề cương và đề xuất UBND thành phố xem xét quyết định việc thực hiện chiếu sáng mỹ thuật bốn công trình, gồm: dinh Thống Nhất, bưu điện Sài Gòn, bảo tàng TP.HCM và nhà thờ Đức Bà. Trong đó, việc chiếu sáng mỹ thuật bưu điện Sài Gòn đã được Toà thị chính Lyon (Pháp) đồng ý tài trợ nguồn vốn và sẽ khởi công trong năm 2013. Vài năm trước, bốn công trình kiến trúc được đầu tư chiếu sáng mỹ thuật để tạo điểm nhấn ở khu vực trung tâm Sài Gòn là bến Nhà Rồng, nhà hát Thành phố, cầu Mống và toà nhà trụ sở UBND TP.HCM.

Có vẻ như việc đầu tư chiếu sáng mỹ thuật cho các công trình di sản đang được nhà chức trách tiến hành đầu tư. Song, vấn đề còn lại là, làm sao để hiệu quả của những đầu tư đó không hoang phí, thì phải cần đến những sự cộng hưởng khác trong quy hoạch kiến trúc và thiết kế chiếu sáng hợp lý. Để cải tạo vấn đề chiếu sáng, tạo nên diện mạo sang trọng hơn cho thành phố, rất cần tận dụng trí lực của giới chuyên gia, đội ngũ kiến trúc sư có tầm nhìn văn hoá, có tâm huyết và trách nhiệm để không xảy ra cảnh tượng chiếu sáng bát nháo, nhiễu loạn và lãng phí mà chúng ta vẫn thấy vào những mùa hội hè miên man cuối năm.

Nguyễn Vĩnh Nguyên 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo