Mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng công nghiệp khai khoáng đang được lãnh đạo Quảng Ninh xem là “có vấn đề”.
Quảng Ninh, tỉnh ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, trữ lượng lớn, điển hình nhất là nguồn tài nguyên than đá, trữ lượng khoảng 3,6 tỷ tấn, tập trung tại 3 khu vực Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều; mỗi năm cho phép khai thác khoảng 30 - 40 triệu tấn…
Kinh tế Quảng Ninh suốt nhiều năm qua, do vậy, vẫn trông vào công nghiệp khai khoáng than, kế đến là nhiệt điện và xi măng.
Tuy nhiên, sản lượng than tăng hàng năm, nhưng công nghệ khai thác, nhất là việc đảm bảo môi trường thì lại không theo kịp. Khai thác lộ thiên vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trên 50%. Ngoài ra, vấn đề về bãi thải, hệ thống cảng biển, các điều kiện đảm bảo giảm thải ô nhiễm môi trường như xử lý nước thải, bụi, khí thải… cũng quy hoạch chưa đến nơi đến chốn.
Đứng thứ hai là nhiệt điện. Hiện Quảng Ninh có khoảng 5 nhà máy nhiệt điện, được phân bố đều ở Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long và Cẩm Phả (hai nhà máy). Nhiệt điện phát triển ồ ạt, tăng nhanh nhưng công nghệ cũng “không ổn” vì là công nghệ thế hệ cũ của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng chất thải ra môi trường lớn, đặc biệt là bụi.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, quy hoạch nhiệt điện vẫn theo cách “làm sao để tiện lợi nhất cho doanh nghiệp, không tính cái về lâu dài”. Những điểm đặt nhà máy chỉ thuận cho đầu vào của doanh nghiệp, gần sông, gần bến cảng, tài nguyên… nhưng lại rất gần với địa bàn trung tâm về du lịch, trung tâm về đô thị.
Xi măng cũng không nằm ngoài quỹ đạo bất cập về quy hoạch.
Toàn tỉnh có bốn nhà máy với gần 10 chục triệu tấn/năm, phát triển nhanh, tuy nhiên, vị trí của các nhà máy xi măng lại đặt ngay ở những điểm “nhạy cảm”, như hai nhà máy Thăng Long, Hạ Long đặt ngay cửa sông Cửa Lục; nhà máy ở Cẩm Phả đặt ngay vịnh Bái Tử Long…
“Quy hoạch như trên là rất có vấn đề, rất nóng, đấy là chưa nói đến công nghệ. Phát triển mới chỉ quan tâm đến sản lượng, chưa nghĩ đến vấn đề tác hại môi trường. Mâu thuẫn trong quy hoạch và thực tế dẫn đến tình trạng hiện tại là tăng trưởng nóng, nghĩa là không bền vững”, Phó chủ tịch Hậu nói.
“Dù vậy, đó là hậu quả thời trước để lại, là quá khứ, không thể trách cứ, giờ phải điều chỉnh lại”, ông Hậu nói tiếp và cho rằng “trong xu thế hiện nay anh (Quảng Ninh) không điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng thì chắc chắn sẽ bị trả giá, không chỉ một thế hệ mà rất nhiều thế hệ, kể cả về vấn đề môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế”.
Theo ông Hậu, cơ cấu kinh tế hiện nay của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp thì định hình mấy chục năm tới sẽ là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Với công nghiệp, những ngành hiện hữu không thể xóa đi được (như than, nhiệt điện, xi măng hiện tại) thì phải có nhiều biện pháp để cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Song hành, khi mở rộng công nghiệp sẽ ưu tiên các ngành chế tạo, phụ trợ, chế biến - đó là những nhóm ngành "sạch".
Nhiệt điện cũng sẽ điều chỉnh về quy hoạch. Địa điểm đặt các nhà máy chuyển vào vùng xa hơn.
Đồng thời, tỉnh sẽ lập quy hoạch về bảo vệ môi trường cho hai ba chục năm tới và trên cơ sở đó lập đề án cải tạo môi trường. Đề án này phải được Chính phủ chấp thuận vì nguồn lực rất lớn, phải thu hút từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
“Đấy là những định hướng mà Quảng Ninh sẽ điều chỉnh lại”, ông Hậu cho biết.
Theo lãnh đạo tỉnh, hiện Quảng Ninh đang làm quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhờ tư vấn nước ngoài, cố gắng giữa năm 2013 thì xong. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường cho vài chục năm tới, mục tiêu giữa năm 2013 sẽ xong để trình các cấp phê duyệt và triển khai.
“Chúng tôi chọn Nhật Bản quy hoạch môi trường cho Quảng Ninh vì Nhật cũng có biển, có công nghệ hiện đại, làm việc kỷ luật, uy tín. Hơn nữa, sau khi làm quy hoạch, Nhật Bản có thể giúp mình kêu gọi vốn đầu tư”, Vị Phó chủ tịch Quảng Ninh cho biết.
Mới đây, đã có phương án tập đoàn SE của Nhật Bản đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, từ Hải Phòng đi Quảng Ninh, dài 4,3 km, đổi lại, Quảng Ninh sẽ giao một quỹ đất rất lớn ở Quảng Yên cho tập đoàn này để lập khu công nghiệp, và từ khu công nghiệp này sẽ kêu gọi các đối tác Nhật Bản vào đầu tư.
“Trước kia mình có phong trào nhà nhà “rải thảm đỏ”, các tỉnh đua nhau thu hút đầu tư, cứ có doanh nghiệp vào đầu tư là quý lắm rồi, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian, thấy tăng trưởng nóng quá và phải điều chỉnh lại, điều chỉnh lại cơ cấu, tăng trưởng. Quảng Ninh cũng không ngoại lệ. Chúng tôi phải chọn lọc chứ không phải phát triển bằng mọi giá”, ông Hậu nói.
Theo ông, trong những lĩnh vực mà tỉnh đang cần thu hút đầu tư, như công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, du lịch, dịch vụ…, các đối tác phải có năng lực tài chính, công nghệ, phải "sạch" và thân thiện.
Mạnh Chung
- Một chút Noel
- Sinh thái không chỉ là mảng xanh
- Chất lượng cuộc sống người dân TP.HCM
- Người Hà Nội gốc?
- Thiết kế đô thị TPHCM: Vội làm sẽ kém chất lượng
- Khoảng tối trong mùa chiếu sáng
- Khu thương mại - Từ trung tâm ra vùng ven
- Làm sao giữ “hồn vía đô thị” trước áp lực “cơm áo gạo tiền”
- Di sản và con đường phát triển "du lịch trách nhiệm"
- Những góc nhìn chân thực về Sài Gòn xưa và nay