Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Sinh thái không chỉ là mảng xanh

Sinh thái không chỉ là mảng xanh

Viết email In

"Sự sinh thái" trong đô thị và kiến trúc là một đề tài rất rộng, cũng giống như việc kiến tạo nên nó vậy. Đó là một định nghĩa chưa kết thúc và ngày càng được làm rõ hơn, đặc biệt khi nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng lộ rõ.  

Mốt thời thượng?

Thị trường bất động sản Việt Nam đã và đang có nhiều dự án cố gắng đưa hai chữ "sinh thái" vào tên mình, như là một mỹ từ nhằm thu hút sự chú ý với mục đích tăng thêm khách hàng. Nhưng thực tế mấy ai đánh giá được chính xác tính "sinh thái" của dự án đó. 

Thật ra, các định nghĩa về sinh thái trong dự án bất động sản rất rộng và khác nhau, tùy từng quốc gia. Một số quốc gia xây dựng các định nghĩa về sinh thái thành một chuẩn mực với các cấp bậc chứng nhận rõ ràng. 

Theo đó, các dự án khi được chứng nhận đạt chuẩn "sinh thái" thì khách hàng hoàn toàn yên tâm. Tại Việt Nam, mỗi dự án tự đặt ra "chuẩn" sinh thái khác nhau. Có dự án được thiết kế với công viên cây xanh bắt mắt nhưng trong thực tế thì công viên đó không được phủ xanh đúng theo thiết kế. 

Thậm chí có dự án chỉ hoàn toàn là sinh thái trên bản vẽ, nghĩa là khi vào xây dựng thực tế, yếu tố "sinh thái" biến mất. Và thực tế có rất nhiều công trình kiến trúc cũng như khu đô thị hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy chuẩn. 

Tại sao lại cần "sinh thái"?

"Sự sinh thái" trong đô thị và kiến trúc rất phong phú. Và việc áp dụng nó vào thực tế cũng đa dạng không kém. Không phải bất kỳ dự án nào cũng có đủ khả năng, điều kiện và sự hiểu biết (của chủ đầu tư) để áp dụng được nhiều tiêu chí sinh thái. 

Trái đất vốn dĩ tồn tại dựa trên sự cân bằng sinh thái. Mọi hoạt động của mỗi loài đều có một đóng góp nào đó vào sự cân bằng này. Nhưng từ khi loài người bắt đầu trở nên quá thông minh thì sự cân bằng này dần dần mất đi. 

Đô thị, kiến trúc và nhà máy phát triển vô tội vạ, chiếm chỗ, lấn dần thiên nhiên, thậm chí có những khu rừng rộng hàng chục vạn hecta mất hẳn trong một thời gian ngắn. Con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thể là vô tận... 

Trái đất tồn tại trên sự cân bằng. Nếu có một sự mất cân bằng nào đó thì sẽ có những tác động ngược lại để tạo lập ra một trạng thái cân bằng mới, thường là xấu hơn trạng thái cũ. 

Con người bắt đầu nhận ra những vấn đề về mất cân bằng sinh thái do chính mình gây ra, và trào lưu đô thị - kiến trúc sinh thái sinh ra từ đấy. 

 

Nên bắt đầu từ đâu?

"Sự sinh thái" trong đô thị và kiến trúc rất phong phú. Và việc áp dụng nó vào thực tế cũng đa dạng không kém. 

Không phải bất kỳ dự án nào cũng có đủ khả năng, điều kiện và sự hiểu biết (của chủ đầu tư) để áp dụng được nhiều tiêu chí sinh thái. Xin đề cập đến yếu tố sinh thái trong một số khía cạnh sau. 

Bắt đầu từ cái đơn giản nhất 

Áp dụng "sinh thái" vào trong công trình hay đô thị không nhất thiết phải làm điều to tát, nên bắt đầu từ cái đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được. Có rất nhiều cách để bắt đầu việc này. 

Một trong những kỹ năng và kiến thức mà kiến trúc sư đã được học nhưng rất hay bỏ qua khi thiết kế công trình thực, đó là "Bố cục và hướng của công trình".
Bố cục và hướng của công trình cần tránh được tối đa những yếu tố bất lợi trong khi vẫn tận dụng được nhiều nhất yếu tố tích cực của tự nhiên. 

Đó gần như là bài học vỡ lòng về công trình sinh thái. Chẳng hạn đối với các công trình trên địa bàn TP.HCM, kiến trúc sư cần thiết kế để làm sao công trình đón được hướng gió mát và tránh được tác động của ánh nắng mặt trời. 

Chỉ như vậy thôi là người sử dụng công trình đã có thể không cần nhiều đến máy lạnh hay đèn điện - những vật dụng sử dụng năng lượng điện.

Hoặc, tránh tận dụng tối đa khoảng không để xây dựng mà nên dành nhiều diện tích cho việc tái tạo mảng xanh. Đấy là những bước đơn giản để tiếp cận tiêu chuẩn "công trình sinh thái". 

Một số giải pháp hướng đến sự sinh thái trong công trình xây dựng: 

- Bố cục và hướng của công trình sao cho vừa đón gió vừa tránh ánh nắng mặt trời; 
- Mật độ xây dựng công trình vừa phải, dành nhiều diện tích cho mảng xanh và mặt nước; 
- Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, nước; 
- Sử dụng năng lượng mặt trời làm nóng nước sử dụng; 
- Dần dần sử dụng năng lượng mặt trời cho việc tạo ra điện năng sử dụng cho một phần thiết bị điện trong nhà. 

Sinh thái trong nhận thức

Có công trình sinh thái nhưng người sử dụng không có ý thức thì tính chất sinh thái cũng trở nên vô nghĩa. Có lẽ con người cần được trang bị lại kiến thức nhằm sử dụng công trình sao cho sinh thái nhất trước khi mơ đến những điều to tát khác về công trình sinh thái. 

Những việc đơn giản và có lợi ích thiết thực như cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải trong nhà cho đúng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước, sử dụng nước đúng cách và tiết kiệm... là những điểm khởi đầu của "tư duy sinh thái". 

Sinh thái theo thời điểm phát triển 

Tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, việc kiến tạo đô thị sinh thái hay kiến trúc sinh thái khó thể được hiện thực hoá ngay tức thì mà phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và sự tiến bộ trong nhận thức của con người (bao gồm cả các cơ quan chuyên môn của chính quyền).

Cư dân đô thị và các chủ đầu tư luôn có những sự ưu tiên kinh tế khác trước khi hướng đến "sinh thái", do ngộ nhận rằng việc hướng đến sinh thái sẽ là một sự đầu tư khá tốn kém, trong khi nó không hoàn toàn như vậy. 

Do đó, khi các cơ quan chuyên môn và ban ngành không có những cách thức khuyến khích, tuyên truyền và tưởng thưởng hữu hiệu cho những công trình hướng đến sự sinh thái thì có lẽ sẽ rất ít cư dân nhận ra được "chân lý” của "sự sinh thái". Việc hướng đến sinh thái cần có sự phối hợp đồng bộ và từng bước một là vì vậy. 

Hướng đến sự sinh thái trong đô thị và kiến trúc là đích cần phải đến. Đó không chỉ là "nợ" mà con người cần phải trả lại thiên nhiên vì những "tai họa" do mình gây ra, mà còn là vì một môi trường sống tốt đẹp và hoàn hảo cho chính con người. 

ThS.KTS Trần Thái Nguyên 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo