Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Xã hội hóa để kéo dài tuổi thọ của các di sản vật thể

Xã hội hóa để kéo dài tuổi thọ của các di sản vật thể

Viết email In

Có nhiều công trình văn hóa tâm linh như đình chùa, nhà thờ... ở các vùng quê chỉ xây dựng bằng những vật liệu thông thường, kiến trúc gỗ tương tự nhà ở của người dân cùng niên đại; nhưng nó vẫn trường tồn theo thời gian, có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, trong khi các công trình cùng thời đã biến mất. Vì sao...?  

Trách nhiệm tự nguyện 

Tại làng Phong Lệ (Hoà Vang, Đà Nẵng) có ngôi đền cổ kính, tôn thờ vị tổ sư của ngành nông nghiệp - Thần Nông tồn tại hơn 4 thế kỷ nay. Đền được xây dựng vào cuối đời Vua Tự Đức (1848- 1883). Có ít nhất 3 lần phải di dời do giải tỏa xây dựng đường sắt thời Pháp thuộc, chiến tranh, trùng tu... 

Ngôi đền cũng từng bị hỏa hoạn, từng bị trúng bom, thế nhưng bây giờ vẫn trầm mặc, uy nghi, là nơi tôn nghiêm để người dân vùng nông thôn này thờ cúng tổ sư nghề nông (Thần Nông, mục đồng, các vị tiên hiền...). 

  • Ảnh bên: Hàng trăm ngôi nhà cổ ở Hội An vẫn “sống” tốt qua nhiều thế kỷ. 

Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân Phong Lệ xưa nay. Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng 4, nông dân đều tổ chức lễ xuống giống, tịch điền. Từ điền chủ đến mục đồng, từ phu cày thợ cấy đều được no say, vui chơi thỏa thích. Dịp này còn diễn ra lễ hội mục đồng, tôn vinh kẻ chăn trâu, tổ chức các trò chơi dân gian... 

Lễ hội này đã dần được phục hồi trở lại như xưa, còn là sản phẩm du lịch hấp dẫn. Giải thích sự trường tồn của ngôi đền cổ, ông Ngô Văn Nghĩa - đại diện bô lão của 17 chư phái tộc làng Phong Lệ - cho biết, nhà chỉ xây bằng vôi, gạch, lợp ngói âm dương, sườn nhà 5 gian, 2 chái đều bằng gỗ. Đền là tài sản chung của làng, thời điểm nào, ngôi đền cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người địa phương. Mỗi năm, trước ngày lễ hội, đại diện các chư phái tộc đều họp, bàn bạc việc làng, trong đó có tính đến chuyện quyên góp để sửa chữa hư hỏng, trùng tu... Công việc này là tâm nguyện, là trách nhiệm, là cả tấm lòng của cộng đồng ở địa phương. Vì vậy nó không bị xuống cấp nhanh. 

Đây không chỉ là câu chuyện riêng của các chư phái tộc ở làng Phong Lệ đối với đền Thần Nông, mà còn là cách bảo quản, giữ gìn những đình chùa, miếu mạo, các công trình văn hóa tâm linh trong cộng đồng người dân miền Trung xưa nay. Tại các ngôi làng cổ ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi nhà cổ có niên đại vài trăm năm tuổi. Dù nhiều thế hệ con cháu gặp khó khăn về kinh tế, song phần lớn các họ tộc đều cố gắng giữ gìn di sản của cha ông và cách cộng đồng trách nhiệm theo hình thức tự nguyện này đã giúp nó kéo dài tuổi thọ với thời gian. 

Trùng tu di sản vật thể phải bằng cả tấm lòng 

Ông Nguyễn Thanh Hưng - một nông dân ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng - cho biết: Tôi thấy báo đài đưa tin nhiều địa phương đã ''giết chết'' di sản bằng cách trùng tu duy ý chí, thiếu nghiên cứu mà áp đặt kiểu như vụ “chùa Trăm Gian”.

Theo tôi, di sản vật thể phải xem nó là công trình “hiện vật hóa” di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng địa phương đó. Việc sửa chữa, trùng tu phải là trách nhiệm, là tâm nguyện của người dân địa phương thì công trình mới đảm bảo các tiêu chí được. Tại thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, từ năm 2002 đến nay, người dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng tu sửa đình làng, bình phong để nơi tổ chức lễ hội hằng năm được khang trang.

Nhân dân các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cũng đóng góp hơn 20 triệu đồng để tu sửa đình làng của mình. Tương tự, dân làng Đà Sơn (quận Liên Chiểu) cũng tự bảo nhau, góp hơn 200 triệu đồng cùng với Nhà nước xây dựng lại đình Đà Sơn, nhân dân làng Yến Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đóng góp hơn 500 triệu đồng để tái thiết đình làng Yến Nê...

Ông Nguyễn Sự - Bí thư TP.Hội An - luôn tự hào về di “sản sống” ở đô thị cổ Hội An. Ông Sự cho rằng, hàng trăm ngôi nhà cổ, gỗ ở vùng thường xuyên bị ngập lụt hằng năm như Hội An mà tồn tại được qua nhiều thế kỷ là nhờ vào... ý thức của con người. Không có tiền bạc, kinh phí nào có thể lưu giữ cho những di sản vật thể vĩnh cửu được nếu nó không “sống” cùng với con người.

Bởi vậy, việc trùng tu, sửa chữa các di sản vật thể phải gắn liền với quyền lợi, trách nhiệm của người dân, phù hợp với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Đây có lẽ là giải pháp khả dụng, cần được nhân rộng đối với công tác trùng tu các di sản văn hóa vật thể hiện nay trên toàn quốc./. 

Thanh Hải 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo