Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Kiến trúc xanh: Góc tiếp cận và đối thoại mở

Kiến trúc xanh: Góc tiếp cận và đối thoại mở

Viết email In

Tại trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, số 244 Điện Biên Phủ, Q.3, sáng ngày 24/11 đã diễn ra hội thảo chủ đề Kiến trúc xanh do câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP.HCM và trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM tổ chức. Trong một quy mô không quá hoành tráng và mang nhiều tính học thuật, hội thảo đã tạo điều kiện cho nhiều góc tiếp cận kiến trúc xanh khá phong phú, với nhiều đối thoại còn để ngỏ về một vấn đề xem ra vẫn còn khá mới mẻ. 

Không đi sâu vào định nghĩa kiến trúc xanh hay “học hỏi” kinh nghiệm thế giới, sáu báo cáo tại hội thảo đã trực diện trao đổi nhiều khía cạnh khác nhau, từ yếu tố kỹ thuật đến quan niệm thiết kế thực tế, từ hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh thời gian qua đến giới thiệu công trình cụ thể.  


Phối cảnh công trình Farming Kindergarten ở Đồng Nai
(Ảnh: An Nguyên) 

Theo trình bày của KTS Trần Khánh Trung, các hoạt động thúc đẩy sự phát triển công trình xanh diễn ra trong thời gian qua chưa đầy đủ và đồng bộ, tuy có những ghi nhận đáng khích lệ, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt đầy chông gai trong bối cảnh kinh tế chưa khởi sắc như hiện nay. 

ThS.KTS Trần Nhân Hải, diễn giả trình bày phần “Kiến trúc xanh và xu hướng” đã đưa ra một thông điệp khá cô đọng: “Ngôi nhà xanh là ngôi nhà không được xây” mới nghe có vẻ cực đoan nhưng thực chất là triết lý đúng đắn về công trình nhân tạo luôn luôn có không ít thì nhiều tác động vào môi trường tự nhiên. Vấn đề là cách xử lý sao cho thông minh, phù hợp. Trong giới hạn của nghề thiết kế, ngoài việc hiểu biết và hợp tác hiệu quả với các chuyên ngành kỹ thuật khác, kiến trúc sư có thể tác động trực tiếp vào lớp vỏ bao che của công trình, cụ thể là vấn đề khối tích, mái, tường, các lớp kết cấu ngoại biên vì chính đó là “lớp da” bên ngoài chịu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, cũng là yếu tố thẩm mỹ cụ thể, trực tiếp nhất. Hệ thống thu năng lượng mặt trời chẳng hạn, cũng chủ yếu là nằm trên mái hoặc các bề mặt tường bao che bên ngoài nhận nhiều nắng. Do đó nếu có thiết kế hình khối, cấu tạo phù hợp thì hiệu quả tiết kiệm năng lượng sẽ rất lớn. 

Với góc nhìn rộng trong một chuyên đề tương đối hẹp là chiếu sáng công trình và không gian đô thị, TS.KTS Trần Văn Thành đã gợi mở ra những trăn trở khá thú vị: sử dụng thiết bị chiếu sáng xanh hay lắp đặt hàng loạt đèn LED màu xanh có khiến công trình thực sự xanh? Đáp án ở đây mang tính tổng hợp: chiếu sáng xanh = sử dụng hiệu quả năng lượng + tiện nghi + thẩm mỹ hài hoà + thân thiện môi trường. Ví dụ đơn giản: một công trình văn phòng ở Anh thiết kế hệ thống màn sáo thông minh, tự động xoay góc che nắng theo cường độ bức xạ mặt trời bên ngoài, nhưng khi đưa vào vận hành lại khiến các nhân viên (nhất là những ai ngồi gần cửa sổ) bị khó chịu. Kết quả là họ đã… tắt hệ thống cảm ứng tự động đó, thay bằng cách điều chỉnh thủ công sao cho họ thấy thoải mái nhất. 

Không ít kiến trúc sư và sinh viên kiến trúc tham dự hội thảo đã thắc mắc về một thiết kế cụ thể đang xây dựng được trình bày với phần dẫn dắt ý tưởng khá hấp dẫn, nhưng thực ra yêu cầu về kiến trúc xanh theo chuẩn thì chưa hiện diện, có chăng là một phong cách tạo dựng hình khối uốn lượn, sử dụng lam và đổ đất trồng vườn trên mái bằng theo cùng một kiểu mà công ty này đã thực hiện ở vài nơi khác. Việc sử dụng hệ thống lam đứng bọc hết toàn bộ các bề mặt công trình là giải pháp chưa nghiên cứu cụ thể điều kiện khí hậu và kỹ thuật. Cũng ở công trình này, phần cỏ trồng phủ kín mái còn mang tính hình thức. Có lẽ quan niệm về giới thiệu ý tưởng đã khiến công trình thiên về quảng bá năng lực công ty, mà chưa thực sự đưa ra các thông số, tính toán có tính thuyết phục. 

Tuy nhiên, KTS Trần Khánh Trung trong phần trình bày cuối vừa tổng kết vừa giới thiệu chi tiết về một công trình xanh thực tế ở Thẩm Quyến, đã hầu như chỉ ra đa số các điểm mấu chốt cơ bản của vấn đề thực hiện kiến trúc xanh hiện nay. Theo ông Trung, chúng ta có thể làm được công trình xanh với chi phí hợp lý, không nhất thiết phải dùng các hệ thống kỹ thuật cao tốn kém. Ông Trung cũng nêu đích danh các bên liên quan cần vào cuộc chứ không chỉ đơn giản là nâng cao ý thức của kiến trúc sư hay chủ đầu tư. 

Huân Tú 

ThS.KTS Đặng Thanh Hưng (Đại học Kiến trúc TP.HCM): 

Vấn đề kiến trúc xanh tại các nước tiên tiến, cụ thể là Anh được pháp luật bảo hộ nên khá rõ ràng và chỉ có những công trình nào đảm bảo các yêu cầu về sử dụng hiệu quả năng lượng mới có thể cấp chứng chỉ kinh doanh. Đó là một cách ứng xử theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, và cái lợi lâu dài cho cộng đồng được đặt lên trên hết. Dĩ nhiên để đạt được một hệ thống cần có lộ trình cụ thể, theo tôi thì không thể liền lập tức đạt được các yêu cầu về công trình xanh, kiến trúc xanh, nhưng nếu không làm ngay từ bây giờ thì biết bao giờ chúng ta mới có thể đặt những viên đá đầu tiên, bước những bước đi đầu tiên cho lộ trình hướng đến kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững được.

ThS Nguyễn Doãn Chi (Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM): 

Có ba nguyên tắc chung để lựa chọn thiết bị kỹ thuật cho công trình xanh, đó là tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và hài hoà với kiến trúc. Các hệ thống kỹ thuật của một công trình thì vốn có nhiều và phức tạp, nhưng về cơ bản thì hệ thống điện, cấp thoát nước và điều hoà không khí là ảnh hưởng nhiều nhất đến tiện nghi sử dụng cũng như các vấn đề về năng lượng và môi trường. Một giải pháp thiết kế ban đầu có tầm nhìn toàn diện sẽ kết nối tốt các hệ thống kỹ thuật và đem lại hiệu quả kinh tế cũng như thẩm mỹ tốt hơn là làm chắp vá thiếu đồng bộ.

KTS Hồ Văn Thọ (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP.HCM): 

Tại Việt Nam hiện nay, khi các bộ tiêu chuẩn về công trình xanh do những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau chưa chuẩn hoá rộng rãi, chưa được áp dụng cụ thể thì các thiết kế vỏ bao che phù hợp điều kiện khí hậu là bước cơ bản khả thi. Ngay trong hội thảo này cũng có nhiều anh em trong nghề chưa phân biệt rõ hai khái niệm là kiến trúc hướng tới thân thiện môi trường (đang được thể nghiệm bước đầu ở Việt Nam với một số thành công cũng như hạn chế nhất định) và khái niệm công trình xanh đã được các tổ chức uy tín trên thế giới cấp chứng chỉ công nhận. Để có được công trình xanh đòi hỏi quá trình và sự hợp tác mang tính toàn diện, còn các kiến trúc hướng tới xanh có thể chỉ mới giải quyết được một hay vài phần nào đó trong quy trình hướng tới công trình xanh. Chúng ta cần tôn trọng các lộ trình và cố gắng của mỗi cá nhân, công ty đều đáng quý. Cần từng bước phổ biến, nâng cao ý thức về thiết kế xanh, công trình xanh đến người trong và ngoài nghề nhiều hơn nữa. Triết lý thiết kế Better design - better life là kết luận đáng được ủng hộ, vì chỉ với những thiết kế biết tôn trọng môi trường chúng ta mới có thể hướng đến một không gian sống tốt đẹp hơn. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo