Trong năm 2012, đã không dưới hai lần hơn 20 lò ngói cổ của xã Kim Quan (huyện Thạch Thất) có lệnh cưỡng chế, buộc xoá sổ theo chủ trương xoá lò gạch thủ công của TP Hà Nội. Song đến nay số phận của làng cung cấp ngói cổ cho hầu hết các đình chùa lớn trên cả nước này vẫn chưa rõ hồi kết.
Một góc mái ngói cổ ở Kim Quan.
Gộp lò gạch cũ với lò ngói cổ
Năm 2010, khi Thủ tướng có quyết định phát triển vật liệu không nung, trong đó nói sẽ xoá bỏ lò gạch thủ công trước năm 2011 thì TP Hà Nội cũng có chỉ thị số 15 và sau đó là một loạt kế hoạch để thực hiện chủ trương này. Theo rà soát của thành phố, hơn 20 lò ngói chuyên sản xuất ngói cổ cho các công trình di tích, đình chùa trên cả nước tại xã Kim Quan được xếp chung với gần 1.000 lò gạch thủ công khác trên địa bàn TP Hà Nội – tức thuộc diện phải xoá bỏ. Ông Đỗ Văn Hậu, chủ tịch xã Kim Quan cho biết, xã đã hai lần cưỡng chế 23 lò ngói cổ này nhưng đều bất thành vì dân không phục. “Người dân có cái lý của họ, vì các lò ngói của Kim Quan không dùng than đá mà nung bằng rơm, trấu, củi... nên không hề ô nhiễm. Thực tế, khi dân kêu nhiều, mới đây đoàn của sở Xây dựng xuống kiểm tra cũng nói rằng đúng là không ô nhiễm như lò gạch thủ công nên nếu phải chịu chung số phận với lò gạch cũ thì “oan” cho lò ngói Kim Quan”, ông Hậu chia sẻ.
Một chiều cuối năm 2012, chúng tôi có mặt tại lò ngói của nhà ông Đỗ Thanh Thực ở thôn 2 khi lò đang đỏ lửa để nung 2,5 vạn viên ngói mũi hài (loại ngói chuyên dùng cho Văn miếu). Lò gốm của ông Thực nằm sát nhà chính và được bao bọc bởi bốn cây sanh, sung, si, tốt um tùm, lá vẫn mơn mởn. Xúc từng xẻng mùn cưa, dăm bào để đốt lò, ông Thực nói: “Nếu nói ô nhiễm thì nhà tôi “chết” đầu tiên, song sự thực thì ba đời nhà tôi đều làm lò gốm, đặt ngay cạnh nhà và đều gắn bó với nó đến tuổi cổ lai hy! Mấu chốt nằm ở chỗ chúng tôi đun toàn bằng vật liệu tự nhiên như củi, rơm rạ, trấu, mùn cưa… nên chỉ như… nấu bếp!” Ông Cấn Văn Hồng, chủ một lò ngói khác ở thôn 5 cho hay, đoàn kiểm tra do lãnh đạo sở Xây dựng dẫn đầu đã thừa nhận lò không hề gây ô nhiễm như các lò gạch thủ công.
Ngày 1/1/2013, trao đổi với phóng viên, ông Hà Ngọc Hồng, phó giám đốc sở Xây dựng Hà Nội, cho hay dù thời hạn xoá lò gạch thủ công là 31/12/2012, song đối với Kim Quan thì bên cạnh các yếu tố môi trường cần đánh giá lại một cách khoa học, còn có thêm yếu tố lịch sử phải đặc biệt lưu tâm: “Với những tính chất như vậy thì quan điểm của chúng tôi là không thể gộp chung lò ngói Kim Quan với các lò gạch thủ công khác để xử lý (xoá sổ), còn thực hiện như thế nào thì chúng tôi đang đợi huyện đề xuất”. |
Nói trước dân, lãnh đạo sở Xây dựng cũng cho rằng đây là lò gốm, cần bảo vệ chứ không thể xếp chung với lò gạch thủ công. Chủ tịch Hậu thừa nhận, do chủ trương chung nên xã phải tổ chức cưỡng chế, nhưng chỉ ở mức tạm ngừng hoạt động thay vì phá bỏ theo thời hạn 31/12/2012, trong khi đó xã sẽ kiến nghị để thành phố đánh giá lại. “Vì ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm con người, đây còn là nơi cung cấp ngói cổ hầu như duy nhất cho các đình chùa trong cả nước. Nhiều kiến trúc sư nói với tôi, nếu xoá sổ nó thì mai này công tác trùng tu các di tích sẽ mất đi cái hồn vía là mái ngói cổ xưa được làm từ đây”, ông Hậu nói.
“Lưu giữ một phần hồn di sản”
Ông Bùi Văn Minh, chủ một lò gốm ở thôn 5 không nhớ nổi có bao nhiêu ngói mũi hài, ngói quả đấm, hay gạch bát cổ của Kim Quan đã đi đến bao nhiêu đình làng, chùa chiền trên khắp cả nước bởi các nhà thầu từ Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội… đều về đây đặt hàng khi một ngôi chùa, ngôi làng nào đó được trùng tu, tôn tạo. Nhưng những ngày chuẩn bị ngói cho đợt trùng tu Văn miếu Hà Nội đầu những năm 1990 thì ông Minh nhớ như in: “Ngày ấy, để có đủ ngói mũi hài trùng tu Văn miếu, hơn 20 lò ngói của Kim Quan đã hoạt động hết công suất, làm ngày làm đêm trong ba năm”. Tương tự như thế là đợt trùng tu làng quan họ Bắc Ninh, chùa Yên Tử, chùa Hương, đền Hùng... Trở lại với nỗi lo lò ngói Kim Quan, ông Minh cho hay “án treo xoá sổ làng nghề” vẫn lơ lửng trên đầu họ. “Hợp đồng mới nhất chúng tôi có được là làm hơn 7 vạn ngói cho công trình chùa Tản Viên Sơn trên đỉnh Ba Vì, nếu bây giờ lò bị phá thì không hiểu công trình này sẽ thế nào”, ông Minh băn khoăn.
Người dân cho rằng do nung bằng vật liệu tự nhiên như mùn cưa, củi, trấu... nên những lò ngói này không gây ô nhiễm như lò gạch đốt than.
Điều ông Minh không khỏi xót xa nữa là hồn vía của làng – như bao nhiêu làng cổ khác – đang bị cơn lốc đô thị hoá làm mai một. Men theo những con đường lát gạch bát cổ phủ một màu rêu phong cổ kính, những mái ngói thâm nâu trầm mặc, thi thoảng một mái nhà bằng, lợp tôn chóp đỏ đâm lên như xé toạc bầu trời quê; những cổng nhà có ghi những con số 1928, 1930 đang dần được đập bỏ để thay vào đó là những cổng gạch đỏ tươi, ngói tây tàu lẫn lộn… Ông Bùi Văn Hậu cho biết thêm, huyện Thạch Thất từng có ý định quy hoạch các lò ngói ra một khu riêng để vừa bảo tồn được nghề truyền thống này, lại vừa giữ được mỹ quan cho làng, tuy nhiên việc thực hiện ra sao còn là câu chuyện dài từ quy hoạch, kinh phí không nhỏ… Còn KTS Phan Đức Bình, một người rất gắn bó với những viên ngói cổ, đang ấp ủ một dự án bảo tồn làng ngói cổ bắt đầu bằng việc khuyến khích người làng dùng gạch ngói tự sản xuất thay cho gạch ngói công nghiệp. “Tôi biết họ rất muốn nhưng chưa biết cách, thế nên tôi sẵn sàng thiết kế những phương án kiến trúc mới, miễn phí để tạo ra những công trình vừa tiện lợi trong cuộc sống mới của người dân, vừa giúp họ dùng chính vật liệu đã có từ thời cha ông để nối tiếp quá khứ, để người ta có thể nhận diện thương hiệu làng ngói Kim Quan từ chính những nóc nhà nơi đây”, KTS Bình chia sẻ.
Chí Hiếu
- Lạc vào "phố Hàn" giữa lòng Hà Nội
- 7 nét khác biệt của Hà Nội không đâu có
- Đồng bằng sông Cửu Long - Cần tăng cường liên kết để phát huy thế mạnh
- Đất “vàng” đắt nhất Việt Nam ở đâu?
- Tâm-thái-phố của người trẻ tỉnh lẻ
- Nhiếp ảnh và Kiến trúc
- Phố đi bộ Hà Nội đã trở thành một cái chợ to và rất dài
- Xã hội hóa để kéo dài tuổi thọ của các di sản vật thể
- Kiến trúc xanh: Góc tiếp cận và đối thoại mở
- Gieo tình làng, nghĩa xóm trong chung cư