Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Vật liệu / Thiết bị Vật liệu xây dựng Phát triển vật liệu không nung cần giải pháp đồng bộ để phát triển

Phát triển vật liệu không nung cần giải pháp đồng bộ để phát triển

Viết email In

Sau 5 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), cùng với việc các chủng loại sản phẩm đạt và vượt mục tiêu đề ra thì nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về vấn đề này cũng đã tăng lên đáng kể. 

Với nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, để đưa loại vật liệu này trở nên phổ biến thì còn rất nhiều trở ngại, chậm phát triển.  

Trên thế giới sử dụng VLXKN đã có từ lâu với tỷ lệ sử dụng rất cao, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia có mức sử dụng VLXKN tới 70-80%, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ nằm ở mức 5-8% vào những năm trước 2010. Bộ Xây dựng khẳng định, việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung là vấn đề mới, khó khăn, phức tạp và cần kiên định với nhiều giải pháp quyết liệt trong thời gian tới. 


Biệt thự xây bằng gạch không nung KĐT mới Quang Minh, Hà Nội. 

Sự cần thiết phát triển vật liệu xây không nung

Theo dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào các năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC). Để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung chúng ta phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150 ngàn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác. 

Cũng theo quy hoạch ngành điện và luyện kim, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30-40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu về vấn đề vật liệu xây ở Việt Nam cho đến nay phần lớn vẫn là gạch đất sét nung không những tốn đất, các loại nhiên liệu chất đốt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi. Có thể dễ nhận thấy đất hàng năm bị cắt xén, than là loại tài nguyên không thể tái tạo sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, ảnh hưởng đến môi trường, lượng khí thải đó sẽ gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm bầu khí quyển, như vậy vấn đề phát triển vật liệu không nung là xu thế tất yếu của ngành xây dựng.

Công nghệ phát triển cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất VLXKN, ngành Xây dựng khẳng định VLXKN thay thế cho gạch đất sét nung là giải pháp căn cơ nhất có thể khắc phục những hậu quả trên.

Hiện nay, theo Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, có 3 chủng loại VLXKN được phát triển sản xuất và sử dụng là gạch xi-măng - cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác. Trong đó, gạch xi-măng - cốt liệu được ưu tiên phát triển và sử dụng, với tỷ lệ khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020 trên tổng số VLXKN; gạch nhẹ (gồm 2 loại gạch từ bê-tông khí chưng áp và gạch từ bê-tông bọt) chiếm tỷ lệ khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020. Còn các loại gạch khác, bao gồm gạch đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát… đạt tỷ lệ khoảng 5% vào năm 2015.

Việc phát triển sản xuất VLXKN từng bước sử dụng các nguồn phế thải này làm nguyên liệu sẽ giảm ô nhiễn môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh, xây dựng lên những công trình xanh. Sử dụng VLXKN loại nhẹ còn giảm tải trọng công trình xây dựng, do đó tiết kiệm vật liệu móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, gạch nhẹ với tính cách nhiệt cao còn góp phần tích cực vào Chương trình tiết kiệm năng lượng. 

Thực tiễn và những vấn đề đặt ra cho phát triển VLXKN

Việc hạn chế sản xuất gạch nung và thay thế bằng gạch không nung đang là chủ trương lớn của Nhà nước và các bộ, ngành địa phương. Điển hình nhất là quyết định số 567/QĐ-TTG ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung với các mục tiêu cơ bản: Gạch không nung thay thế gạch nung 20%-25% vào năm 2015, 30%-40% vào năm 2020; Hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm đất nông nghiệp và hàng ngàn ha đất chứa phế thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến. Và sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung như một “cú hích” tạo đà cho việc sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây dựng ưu việt này.

Trong nỗ lực thúc đẩy việc phát triển VLXKN, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật, các hướng dẫn làm cơ sở cho việc sử dụng VLXKN như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm VLXKN; Công bố định mức dự toán liên quan đến công tác xây sử dụng VLXKN; Bộ Xây dựng ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp”; Và thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Thông tư 09 quy định cụ thể: Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ, trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây); Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% loại vật liệu không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Và các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 thì phải sử dụng 100%.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình theo Quyết định số 567/QĐ -TTg, kết quả như sau: tổng công suất đầu tư vào 3 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt) đạt trên 6,3 tỷ viên QTC/năm. Như vậy, nói về công suất hiện có gạch xi măng cốt liệu đang chiếm khoảng trên 80%, gạch nhẹ mới khoảng gần 20% so với tổng số gạch xây không nung.

Về thực tế sử dụng, năm 2014 cả nước đã sử dụng tổng cộng 17,1 tỷ viên gạch xây QTC, trong đó có 13 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung và 4,1 tỷ viên QTC là VLXKN. Với tỷ lệ 24% VLXKN trong tổng số vật liệu xây được sử dụng trên toàn quốc, có thể nói mục tiêu của Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã đạt về tỷ lệ chung ( 20-25% vào năm 2015, 35-40% vào năm 2020). Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với tỷ lệ đó, vì đây là vấn đề bảo vệ tài nguyên không thể tái tạo và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Vì vậy các biện pháp nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng đất sét nung càng phải đẩy mạnh. Trong sử dụng VLXKN, tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ đang quá thấp so với mục tiêu (chỉ khoảng 10% trong VLXKN), cũng là một kết quả hạn chế trong việc thực hiện Chương trình.

Những con số, những chuyển biến bước đầu về nhận thức là kết quả 5 năm thực hiện Chương trình Phát triển VLXKN, đã khẳng định phát triển VLXKN nhằm thay thế dần gạch đất sét nung là một chủ trương đúng đắn. Hầu hết các địa phương đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung, các cấp chính quyền của các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung; tăng cường chỉ đạo khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN. Đặc biệt tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Hải Dương, TP HCM, Đồng Nai… Các chủ đầu tư, nhà thầu, đặc biệt là các kiến trúc sư, các nhà tư vấn đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo để tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình 567, cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương nêu khó khăn muốn trì hoãn lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến; Nhiều chủ đầu tư vẫn hướng tới vật liệu xây truyền thống; Tỷ lệ vật liệu nhẹ đang chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số vật liệu xây nói chung và VLXKN nói riêng. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là thói quen. Thói quen từ phía người sản xuất gạch nung, thói quen từ phía người sử dụng gạch nung, thậm chí thói quen từ các cấp quản lý.

Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN nói chung và bê tông khí nói riêng.

Các nhà đầu tư sản xuất VLXKN của chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ mua các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt; đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo; các nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất.

Một số nhà máy do hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.

Đối với gạch bê tông khí chưng áp (AAC), là sản phẩm tiên tiến, có nhiều tính năng ưu việt, tuy nhiên do mới được phát triển tại Việt Nam và có những yêu cầu đặc thù về kỹ thuật, nên có nhiều hạn chế trong việc sản xuất và sử dụng.

Các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời vào lúc kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, chi phí tài chính lớn, do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ. Tình trạng này cũng đang dần được khắc phục. Về nguyên liệu: Hiện nay mới có 2 cơ sở sản xuất vôi công nghiệp ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, còn chủ yếu sản xuất theo công nghệ thủ công, chất lượng vôi chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất bê tông khí. Các cơ sở ở miền Nam còn gặp khó khăn trong việc cung ứng vôi cho sản xuất do nguồn vôi cung ứng xa (từ miền Bắc vận chuyển vào).

Đối với gạch xi măng cốt liệu (block bê tông): Nhiều hộ cá thể và doanh nghiệp không quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng gạch xi măng cốt liệu, đầu tư thiết bị cũng như sản xuất ra sản phẩm chưa đảm bảo kỹ thuật. Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường, gây tác động tiêu cực trong dư luận về VLXKN nói chung. 

Về các chính sách ưu đãi đầu tư: nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất khi mở rộng đầu tư sản xuất VLXKN lại không được hưởng các chính sách ưu đãi. Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có hướng dẫn sử dụng Quỹ chuyển giao công nghệ như quy định tại Quyết định 567, nên các doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình, hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Có địa phương sẵn có nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch xi măng cốt liệu và đã có nhà đầu tư sản xuất, tuy vậy đến thời điểm hiện tại có tỉnh vẫn có văn bản xin lùi thời gian thực hiện Thông tư 09; Còn có tỉnh khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố nứt tường khi xây bằng VLXKN, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho thay đổi VLXKN bằng vật liệu nung. 

Cần giải pháp đồng bộ để phát triển

VLXD không nung thay thế gạch nung là định hướng đúng, phù hợp điều kiện Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững của thế giới, tuy nhiên cũng cần một chương trình và lộ trình cụ thể vì liên quan trực tiếp đến đời sống của nhiều bộ phận người dân nông thôn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Theo Bộ Xây dựng, để phát triển VLXKN cần có những nhóm giải pháp đồng bộ. Như vậy sẽ có 3 nhóm giải pháp, gồm giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ và về thông tin, tuyên truyền. Trong đó, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành, còn được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm. 

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn (riêng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXKN của cả nước đến năm 2020 khoảng 5.200 đến 6.500 tỷ đồng), thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Chẳng hạn ở Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất VLXKN được miễn thuế suất VAT cho sản xuất gạch bê-tông nhẹ. Ðồng thời có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung. Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể. 

Thứ hai, từng bước hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện Việt Nam, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng vật liệu không nung. Hiện nay, nước ta cần thêm các tài liệu chuyên nghiệp và mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng vật liệu không nung. 

Thứ ba, công tác tuyên truyền về vấn đề phát triển vật liệu không nung đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền để các nhà quản lý chính quyền, đặc biệt là chính quyền đô thị, các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng và mọi người dân khi có liên quan đến xây dựng cần được phổ biến ưu điểm và ưu đãi đối với sản xuất và sử dụng VLXKN, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung vẫn tồn tại trong quá trình xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng gạch xây không nung, góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nước ta hiện đại, bền vững. 

Vật liệu xây, trong đó có VLXKN là chủng loại phải tuân thủ theo quy chuẩn 16:2014/BXD. Nghĩa là ngoài việc sản xuất đạt tiêu chuẩn, chủ cơ sở sản xuất phải làm thủ tục công bố hợp quy cho sản phẩm. Như số liệu thống kê đã nêu ở trên, hiện nay đang có hàng ngàn cơ sở nhỏ lẻ sản xuất gạch xi măng cốt liệu (block bê tông). Chúng ta không cấm những cơ sở nhỏ lẻ (công suất dưới 7 triệu viên QTC/năm), tuy nhiên chất lượng sản phẩm gạch block bê tông từ các cơ sở nhỏ lẻ này phần lớn khó đạt tất cả các tiêu chí quy định trong tiêu chuẩn TCVN 6477:2011, đặc biệt là chỉ số hút ẩm. Vì vậy việc sản xuất gạch block bê tông bằng các dây chuyền nhỏ lẻ không được khuyến khích và đến một thời điểm nhất định chắc chắn phải dừng sản xuất. 

Sử dụng vật liệu gạch xây không nung thay thế gạch nung truyền thống là xu thế hiện đại và tất yếu trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài việc hạn chế sử dụng khoáng sản, hạn chế hủy hoại đất đai, hạn chế phát thải ra môi trường; sản xuất VLXKN còn sử dụng được tro xỉ, bã vôi thạch cao là phế thải từ các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy hóa chất phân bón với hàng chục triệu tấn mỗi năm. Có thể nói, công nghệ sản xuất vật liệu gạch không nung là công nghệ sạch và tiên tiến, tuy nhiên cần nhiều hơn nữa những nghiên cứu, những chủ trương và các giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình theo Quyết định số 567/QĐ-TTg, tổng công suất đầu tư vào 3 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt) đạt trên 6,3 tỷ viên QTC/năm chiếm khoảng trên 80%, gạch nhẹ mới khoảng gần 20% so với tổng số gạch xây không nung. Qua 5 năm thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế. VLXD không nung thay thế gạch nung là định hướng đúng, phù hợp điều kiện Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững của thế giới, tuy nhiên cũng cần một chương trình và lộ trình cụ thể vì liên quan trực tiếp đến đời sống của nhiều bộ phận người dân nông thôn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. 

Ths. Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng 
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...