Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Nguồn cội bạc phơ

Nguồn cội bạc phơ

Viết email In

Trên đất Bắc cũ kỹ, đây đó vẫn còn những miền, những chốn quê mà, hễ bước ra ngõ, gặp ngay ngôi đình nếp chùa xưa, gặp ngay tàn dư và hình bóng của những thời trôi đi trong phối cảnh hun hút của thời gian. 

Đến với những miền, những chốn ấy, giữa những nếp nhà và cổng ngõ liêu xiêu, dưới bóng những cây đa, cây bàng già cội vắt kiệt nhựa nuôi màu xanh, ngạt ngào bởi hương nồng của rơm rạ quện lẫn mùi phân trâu và nước ao tù. Lạc lõng giữa dòng đời tưởng như ngưng đọng ấy, ta bật thốt lên: Nguồn cội hỡi, con đây!  

Quảng Oai xưa, thuộc xứ Đoài, là một trong những miền đất kỳ lạ ấy: Làng cổ toạ lạc trên những quả đồi đá ong, nhà cửa tường rào cổng ngõ xây toàn bằng đá ong. Thôn xóm, đâu đâu cũng đền, miếu, đình, chùa và am, dựng từ bao giờ không ai còn nhớ. Không đâu lại lắm đình cổ, đình đẹp đến thế: Tây Đằng, Thuỵ Phiêu, Chu Quyến, Đông Viên, Quang Húc, Cam Đà, Mông Phụ… Đi qua một lượt, ta bắt đầu lần dõi ra chặng đường tiến hoá của nghệ thuật kiến trúc Việt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Đi qua một lượt, ta thấm và thấu, dù chưa nói thành lời, cái chất và cái hồn Việt trong nghệ thuật. 

Đình Tây Đằng đứng đầu trong chuỗi đình - hạt ngọc của đất Quảng Oai. Xây dựng từ thế kỷ XVI, Tây Đằng thuộc loại cổ xưa nhất nước. Hơn thế nữa, trong di sản văn hoá vật thể của người Việt, chưa phát hiện ngôi nhà gỗ nào còn nguyên vẹn mà có niên đại xa xưa hơn.

Đình Tây Đằng bố cục theo kiểu đình nguyên thuỷ, mặt bằng hình chữ nhật, 5 gian, nơi thờ trên gác lửng ở gian giữa. Hầu hết các ngôi đình nguyên thủy đều bố cục tương tự. Tả mạc, hữu mạc, chuôi vồ xây thêm vào các đời sau. 

Cấu trúc gỗ đình Tây Đằng đặc trưng bởi bộ vì nóc làm theo kiểu “giá chiêng”, với con rường trên cong vồng, có hai trụ hai bên, với ván bưng hình lá đề, chạm đôi phượng. Vì nóc kiểu này chỉ có thể thấy ở một vài kiến trúc có niên đại rất xưa, như chùa Dâu ở Bắc Ninh, chùa Bối Khê và chùa Mui ở Hà Tây, chùa Thái Lạc ở Hải Dương. 

Thăm Tây Đằng, ngay từ đầu thu hút ta, mê hoặc ta là hàng chục hàng trăm hình rồng, chạm khắc hoặc đục đẽo thành tượng tròn, đặt ở các ván bưng, bức cốn, giữ vai trò đầu dư và con sơn. Chưa ở một ngôi đình nào, một ngôi đền nào, mà ta lại bắt gặp một sự thiên biến vạn hoá hình con rồng đến thế, có sức hút cuốn hồn ta, thôi miên ta đến thế. Thân rồng gầy rộc, con ngươi mắt vượt ra ngoài quỹ đạo, miệng há rộng mà không phát thành âm. Nó nhìn ta, xói vào cõi lòng ta, thổi lùa vào lòng ta cái khí lạnh tê tái từ những thời xa thăm thẳm. Nỗi cô quạnh, qua năm thế kỷ, còn nguyên. Ngắm nhìn những hình rồng, nghĩ đến những điêu khắc gia Việt thuở nào, với đôi tay con mắt bị thôi thúc, bị dẫn dắt bởi tinh thần và sự cuồng nhiệt, đục-đẽo-gọt, tước bỏ những gì thừa, những gì là xác thịt, để tìm cho được và lưu lại cho được những đứa con tinh thần của mình. Ngắm nhìn rồng, chợt nhớ tới những con quỷ si-me trên bờ nóc nhà thờ Notre Dame de Paris, chợt nghe ập tới dòng thác giai điệu của Berlioze. 

Ở đình Tây Đằng còn bắt gặp một thủ pháp bài trí hiếm thấy trong di sản kiến trúc Việt Nam: một dải trang trí gồm tượng các tiên nữ cưỡi rồng ở dạng con sơn, được kết nối bằng riềm hoa văn đặt cài dưới mái. Các tiên nữ thổi sáo, thổi tiêu, gảy đàn đáy, đàn nguyệt…Hình hoa sen, đặc biệt hình hoa cúc cùng các môtip hoa văn xoáy tròn, chạm trên các bẩy hiên, đường nét tinh tuý đến kinh điển, lại làm ta kinh ngạc hơn. Đình làng, vốn nghèo và hẻo lánh, mà vương vấn cái sự sang trọng, sự quý phái đến vậy.

Ngược với phong cách trào lộng trong sự thể hiện các con rồng và sự quý phái trong các hoa văn lá, ở đình Tây Đằng còn hiện hữu một sưu tập kiệt xuất những bức chạm mô tả và vĩnh cửu hoá những cảnh sinh hoạt đời thường: Gánh con đi chợ, đốn củi, cày bằng voi, săn hổ, chèo thuyền, con trai trêu ghẹo gái làng, uống rượu… Nghệ nhân xưa, phải có sự cảm thụ thế nào cuộc đời và kiếp đời họ sống, để mà can đảm bưng cấy vào chốn thờ thành hoàng những cảnh đời thật là đời. Để mà, rốt cuộc, tạo ra ngôi đền, nơi sum họp cả phần linh, phần tâm lẫn phần đời. Trong ngôn ngữ thể hiện cảnh đời bởi các nghệ sĩ vô danh Việt năm thế kỷ trước, có cái gì đó gần gũi với ngôn ngữ thể hiện của Ph.Legér, của các họa sĩ hiện đại thế kỷ XX.  

Một hình chạm trên ván gió đình Tây Đằng sẽ mãi mãi níu bám ta: Chú voi, tung cả bốn chân, cả vòi và đuôi, cười toét miệng, bay như làn gió, quên mất trọng lượng bản thân. Nghệ thuật muôn thuở tuôn chảy, nghệ thuật muôn thuở lấp lánh. 

Những thân cột, những xà, những đầu dư, kẻ bẩy đình Tây Đằng tồn tại đến hôm nay như một sự kỳ diệu, vượt qua các cửa ải sinh tử: Sự mục nát, sự huỷ hoại trong bão lũ và trong ngọn lửa, sự tàn phá và sự tham lam của người đời. Vượt qua hết thảy để tồn tại, tự vắt kiệt mọi nhựa sống, mọi cái gì có thể là nguyên nhân của sự diệt vong; chỉ giữ lại cái lõi, cái cốt. Những khúc gỗ, mảnh gỗ vô giác ấy bảo lưu cả một kho tàng sáng tạo, một kho tàng tình người và khát vọng, làm nhân chứng cho quãng thời gian không bao giờ quay lại. 

Từ đó, ai được giao sứ mệnh gìn giữ di sản bạc phơ này, hãy nâng niu và chữa chạy, còn nước còn tát. Giữ gìn thật nguyên vẹn, hệt vật báu vật thiêng. Bất đắc dĩ mới xê xích, mới thay thế. 

Đình ở ta, như nhà ở của ta, là sản phẩm của nền văn minh nước Việt. Phát triển qua nhiều thế kỷ, lan toả từ Bắc vào Nam, biến đổi theo vùng văn hoá và chịu ảnh hưởng từ các luồng văn hoá, đình vẫn rất Việt, như người Việt mình vậy. Ước mong ai đó sẽ dày công nghiên cứu, phát hiện, hệ thống hoá và đánh giá đầy đủ di sản văn hoá này. 

Giờ đây di sản cha ông ta để lại đã được ít nhiều chăm chút. Một vài khu di tích và danh thắng đã được toàn dân biết đến, Nhà nước tu tạo, quốc tế nhìn vào. Song, trong xã hội xuất hiện những con người kiểu gã Lôpakhin trong vở “Vườn anh đào” của A. Tsêkhốp, ham làm giàu bằng mọi giá. Họ ứng xử với di tích như những lái buôn. Bảo tồn thực dụng, họ đang biến thật thành giả, kinh doanh dĩ vãng. 

Chạnh lòng nghĩ tới những ngôi đình, nếp chùa bạc phơ bởi tuổi tác và cát bụi thời gian, lay lứt ở các làng quê xứ ta. 

Ai sẽ là người bỏ mũ, cúi chào chúng đây? Ai sẽ là người, như cha ông xưa kia, chống đỡ và che chở cho chúng để chuyển đến tay hậu thế, mà chẳng hay họ là ai. 

Dĩ vãng biệt trôi. 
Di sản bạc phơ. 

Hoàng Đạo Kính (ảnh minh họa trong bài: đình Tây Đằng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...