Sẽ ra sao nếu mai này không còn những gánh hàng rong…? Chắc là không sao cả khi dòng đời vẫn cuộn chảy trong con kênh đào hay những cống nước quy củ, trật tự. Nhưng rồi hẳn sẽ có người lại quay quắt nhớ về một thời cơm hàng cháo chợ, một thời cóc ổi mía ghim, một thời của tuổi ô mai, tuổi thần tiên…
Nghệ thuật đường phố
Tôi có người bạn hành nghề nhiếp ảnh, hay lang bạt đó đây. Có lần anh khoe là có sưu tập đủ các… bài chửi của các bà các cô người miền Bắc, anh có bỏ tiền thuê các “nghệ sĩ chửi” đóng để thu âm ghi hình hẳn hoi. Tôi gợi ý cho anh thu luôn cả những tiếng rao của những “nghệ sĩ” bán hàng rong…
Nếu một mai hàng rong chỉ còn là ký ức...? (Ảnh: Trần Việt Đức)
Trong các loại ký ức âm thanh của người đô thị, có lẽ những tiếng rao bán hàng chỉ xếp sau âm nhạc mà thôi. Tiếng rao trong những buổi trưa hè hay đêm khuya thanh vắng luôn là những âm thanh đầy nhạc điệu, có sức gợi cảm, gợi nhớ, gợi buồn. Chúng như một thể loại của “dân ca ba miền”, có đủ giọng điệu của Bắc, Trung, Nam. Đó là chưa kể đến những lời ca tiếng hát buồn đến thảm não của những người ca hát dạo bán vé số, những tiếng lóc cóc vang vang của những hàng mì gõ, tiếng kéo lắt xắt của những xe gỏi khô bò, hay những tiếng xập xoè của các tay đấm bóp dạo vang trong đêm thanh…
“Trường đời” là một sân khấu rộng lớn cho những nghệ sĩ đường phố bán hàng rong. Thật đáng ngạc nhiên là cho đến tận thế kỷ 21 này mà vẫn còn những gánh “mãi võ Sơn Đông” hay các gánh “hội chợ”. Những gánh hàng tạp kỹ này dù những chiêu trò đã quá xưa cũ, nhưng vẫn luôn làm náo nhiệt các miền quê. Ở thị thành, những “biến tấu” của các gánh mãi võ chính là những gánh xiếc rong, những ban nhạc di động bán kẹo kéo, chuyên hát những bài ca và nhảy những điệu nhảy thời thượng.
Có ai đã nghĩ đến việc tổ chức một “đại nhạc hội” cho những nghệ sĩ đường phố này…?
Miếng ngon ký ức
“Ăn hàng” từ lâu đã là một niềm vui thú bất tận của giới trẻ. Mấy ai trong đời mà không trải qua một thời tuổi thơ với những hàng quà bánh mộc mạc? Tuổi “teen”, tuổi thần tiên hay tuổi hồn nhiên, tuổi học trò, đã có một thời được các văn nghệ sĩ gọi là “tuổi ô mai”. Ngay cả những người đã trưởng thành, đã già dặn và chai sạn với cuộc đời, đôi lúc cũng muốn tìm về cả một miền ký ức tuổi trẻ qua những món hàng rong, vỉa hè. Ăn một đĩa gỏi khô bò hay vài cuốn bò bía, có khi đó lại là một lần “Để sống thêm một lần trẻ thơ…” (nhạc Vũ Thành An)
Vẫn còn đó những xe ô mai đủ các loại, những gánh cóc, ổi, mía ghim, me dầm, xoài ngâm (nghe mà chảy nước miếng). Vẫn còn đó những xe gỏi đu đủ khô bò, bánh bột chiên, bò bía hay phá lấu, những gánh xirô đá, me đường hay gánh chè… Danh sách này giờ đã có thêm những món “độc chiêu” như món bánh khoai mỡ chiên bột, bánh tráng trộn, súp cua, bạch tuộc nướng hay trà sữa trân châu…
Một trong những con đường lớn của ẩm thực Việt có lẽ là đường đi của các món ăn từ nhà bếp của bà nội trợ ra vỉa hè, quán cóc rồi mới được “hàn lâm”, “chính thống” hoá bằng tiệm ăn hay nhà hàng. Thế nhưng, khi xã hội ngày một sung túc hơn, điều ngược đời là những món ăn dân dã lại ngày càng lên ngôi. Có lẽ chỉ trừ những quan chức hay giới thượng lưu, những quán cóc vỉa hè hay hàng rong vẫn là nơi đông đảo người dân lao động, và cả giới trung lưu ưa chuộng chọn ăn. Không khó để thấy hình ảnh các cô gái xinh đẹp trong đồng phục văn phòng, công sở nhưng vẫn vô tư lê la thưởng thức những món ngon vỉa hè…
Và những mảnh đời phiêu dạt…
Không phải chờ đến bây giờ mà ngay từ thời xa xưa như thời nhà văn Nga Chekhov, ông đã phản ảnh thân phận “ngoài cuộc”, “bên lề” của những người bán hàng rong vỉa hè… Trong tác phẩm Con tắc kè ông đã tả: “Cảnh sát viên Otsumelov mình vận bành tô mới, tay cầm cái gói, đang đi qua bãi chợ. Bước theo sau y là một người lính cẩm, tóc hung đỏ, tay xách đầy một giỏ phúc bồn tử mới tịch thu được…”
Ai là những người bán hàng rong? Là những phận người phụ nữ, là mẹ, là chị, tần tảo sớm hôm cả đời để nuôi chồng, nuôi con ăn học. Là những phận đời phiêu dạt tha phương cầu thực, sống lam lũ khắc khổ để dành tiền về nuôi gia đình ở quê. Ngay cả đến những anh bán hàng miệng rao dẻo quẹo, nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta thấy anh cũng không hành nghề bán dạo để sống cho riêng mình, mà tất cả đều lo toan cho người thân. Có nhiều người đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho gia đình, cho những đứa em như người chị trong một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến.
Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của một vị tiến sĩ, trong hành lý của ông khi đi công tác ở nước ngoài bao giờ cũng có chiếc áo vá chằng vá đụp của bà mẹ đã mất của mình. Mẹ ông cả đời buôn thúng bán mẹt nuôi ông ăn học, đến khi ông thành tài thì bà mẹ qua đời… Xã hội của chúng ta còn biết bao nhiêu tấm gương cao cả của những người mẹ, người chị như thế, nhưng tất cả chỉ nằm trong hình hài, dáng dạng “lôi thôi”, “nhếch nhác” của những người bán rong như nhận định của không ít người quản lý phố thị.
Do vậy, miếng ngon vỉa hè còn đậm vị… nhân văn.
Một ngày nào đó, khi hoàn thành việc “dọn dẹp” buôn bán vỉa hè, khi không còn những gánh hàng rong, thì chúng ta sẽ làm gì? Có lẽ chúng ta sẽ khôi phục lại, sẽ đóng giả những người buôn thúng bán mẹt ấy, trong những “lễ hội giả trang”…
Đoàn Đạt
- Thành phố của cung bậc và tiết điệu
- Một nền kiến trúc xoàng xĩnh nhất cũng đáng được mổ xẻ
- Giấc mộng làng
- “Trùng tu văng mạng, tôn tạo quá tay”
- Kon K'Tu - Làng văn hóa cổ nhất của người Ba Na
- Bảo vệ di sản sống: Cần văn hoá, “tầm” và ý thức
- Cafe Hà Nội - một không gian đặc sắc
- Thị trường bất động sản: Lòng tham và nỗi sợ
- Chất lượng hạ tầng Việt Nam bị xếp thứ 119 thế giới
- Nguồn cội bạc phơ