Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Thành phố của cung bậc và tiết điệu

Thành phố của cung bậc và tiết điệu

Viết email In

Có lẽ không miền đất nào trên nước Việt có nhiều tình ca như Đà Lạt. Tức cảnh sinh tình. Cái xứ thơ mộng, đồi dốc lượn lờ, thông xanh trùng điệp, sương mù lất vất, cỏ hoa muôn sắc hương, nhiều hồ lắm thác, trời se lạnh quanh năm... đã khiến bao người say mà gõ nên nhiều cung bậc, âm hưởng Dạt Dào. 

Là nơi hội tụ tạo tác đặc sắc nên trong bao tác phẩm âm nhạc viết về xứ mù sương này có đầy những hình ảnh, sắc màu và âm thanh. Hàng thông lấp loáng đứng trong im/Cành lá in như đã lặng chìm/Hư thực làm sao phân biệt được/Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm… Hàn Mặc Tử đề thơ vậy và nhạc sĩ Hải Linh phổ thành hợp xướng nghe thật vi vu, trầm bổng. Bài thơ Đà Lạt trăng mờ này từng được Hà Xuân Tế dịch sang tiếng Pháp đăng trên tạp chí Đông Dương (Indochine) số 25 năm 1941.  


Đà Lạt 1970.
Ảnh: TL 

Nơi gieo tương tư cho lữ khách 

Ở thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi theo gia đình lên Đà Lạt chơi dịp Giáng sinh và là lần đầu tiên được đặt chân đến thành phố sương mù. 

Cảm giác khi đó trong tôi, cậu bé mười tuổi, là xứ này đẹp như cổ tích! Trời lạnh, hoa nở tưng bừng, mai anh đào màu hồng phai nở phô phang theo các con đường lên rạp hát Hoà Bình, rạp Ngọc Lan, quanh bờ hồ Xuân Hương… Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa/Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa... Giờ nghe bài Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên càng vấn vương hơn, nhớ nhung cái thời Đà Lạt còn nên thơ chưa bêtông hoá, chưa bị nhà cửa vây hãm. Phố xá lưa thưa chỉ nhà trệt, nhà gác gỗ, biệt thự im lìm sau rào dậu, sau bãi cỏ hoa, sau những hàng thông. Không gian chưa bị cắt tầm nhìn mây xa xa… Gió cứ đi từ muôn phía, bởi đó mà tâm tư nghệ sĩ dễ lay động. Và đã đi vào lòng người. Ở đó, lữ khách cứ quyến luyến, nhớ thương mà tìm đến và gió cứ reo qua rừng thông, sương khói cứ vởn vờ, cỏ hoa ngập lối. 

Ra bến xe gần hồ Xuân Hương uống càphê quán cóc, cô hàng trong tà áo dài tha thướt bưng ly càphê kho lên khói mời khách – không nên thơ sao được! Bảo sao nhạc sĩ Song Ngọc, quê tận An Giang, Long Xuyên không cảm tác: Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt/Thành phố chiều sương khói buồn riêng em/Còn bao điều sao anh không nói/Tôi cúi đầu từ giã Đà Lạt ơi (bài Tình yêu như bóng mây). Bảo sao cách nay chừng chục năm, cầm cây guitar bắt giọng, mẹ tôi 80 tuổi cũng nghêu ngao được năm bảy câu Ai lên xứ hoa đào… 

Duyên đã nhạt thời đô thị hoá 


Bên trong chợ Đà Lạt mới xây xong – 1961. Ảnh: TL 

Đà Lạt thuở ấy còn là môi trường thanh thoát cho việc học hành. Viện đại học Thụ Nhân Đà Lạt ra đời năm 1957, là đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam. Được xem là một trong những đại học đẹp nhất Đông Nam Á, viện toạ lạc trên đồi rộng đến 38ha với 40 toà nhà là những giảng đường nằm chập chùng rải rác trong rừng thông già cao ngất, nối nhau bằng những con đường nhỏ lượn quanh thật diệu vợi. Có đường, bước chân học trò đi miết mà thành. Cũng thuở đó, thành phố cao nguyên mù sương này, dù dân số ít ỏi nhưng có rất nhiều trường trung học, lắm ký túc xá để sinh viên học sinh tứ xứ đến nội trú.

Cứ lui tới ngày này tháng nọ ở giảng đường Spellman, đại học Thụ Nhân mà chị Yến học năm thứ hai (1974) khoa chính trị kinh doanh đã lặng ghi: Chiều đứng bên Spellman/giảng đường ôi sao hoang vu/Chiều tàn bên Spellman/thương nhớ cung mineur buồn… Nhạc phẩm cung mi thứ Chiều Spellman nghe buồn thật, nhất là ngày chia tay tháng hè, mỗi người mỗi ngả quê. Đây là bản nhạc chưa từng xuất bản, chỉ được nghêu ngao trong sinh viên thời ấy.

Còn bao nhiêu nhạc phẩm không phát hành viết về Đà Lạt? Không thể thống kê. Bài được xuất bản, phổ biến đến nay phải cả trăm. Dù nhiều, nhưng chỉ chừng hơn 20 nhạc phẩm đi vào lòng người, và hầu hết đều được viết từ thập niên 1970 trở về trước.

Trò chuyện với ông chủ khách sạn Á Châu, Đà Lạt, ông nói: "Đà Lạt bây giờ hổ lốn rồi, không còn nét đặc trưng nữa". Phải chăng, vì Đà Lạt giờ đã phân lô xây nhà ống, thác cạn nước nguồn lềnh bềnh rác… mà cái duyên ngầm thi ca không còn bong ra ngoài được, sức cảm tác đã suy yếu? Mà có nên thơ nên nhạc đi nữa, e sức lay cảm, động lòng không được mấy… decibel.

Nguyễn Tâm 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo