Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Ký ức những dòng kinh

Ký ức những dòng kinh

Viết email In

Đi về miền Tây, dọc đường qua Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… sẽ thấy một số nhà máy xay lúa nằm ở ven sông, dấu hiệu nhận biết từ xa là những băng chuyền hay "vòi hút" lắp đặt sát bờ sông, chuyển lúa gạo từ ghe sang kho hay ngược lại. Trong mỗi khu vực cùng với hệ thống nhà máy xay là hệ thống kho chứa lớn còn gọi là xilô. Từ những năm 1970, vùng Tứ giác Long Xuyên đã được xây dựng nhiều xilô trữ lúa vào vụ thu hoạch, giảm thiểu đáng kể những thiệt hại sau thu hoạch và còn chứa gạo thành phẩm để dự trữ hoặc xuất khẩu. Những nhà máy và xilô như thế đã có ở Nam bộ từ rất lâu rồi.  


Tắm giặt ở những dòng kinh năm 1920 (Ảnh: CAOM) 

Má tôi kể, ngày trước ngoại tôi có một nhà máy xay lúa ngay con rạch Cái Tôm ở Hoà An, Cao Lãnh. Hồi đó ông nội của má lặn lội ra tận ngoài Trung mua lại cái nhà máy xay này, tháo dỡ rồi thuê ghe chở về Cao Lãnh ròng rã hàng tháng trời. Ông ngoại tôi là con lớn nhứt nên lãnh phần điều hành nhà máy đầu tiên. Vài năm sau ăn nên làm ra, ông cố tôi xây thêm hai, ba nhà máy nữa, cũng ở Cao Lãnh, giao cho các ông chú của tôi quản lý. 

Những nhà máy này lúc đầu chạy bằng máy hơi nước dùng trấu đốt, đến cuối thập niên 1960 chuyển sang chạy bằng dầu. Cạnh nhà máy là những đống trấu rất lớn, những đống tro xám đen cũng rất lớn. Tro bán làm phân bón, trấu dùng làm chất đốt cho những ông lò đắp bằng đất rất tiện dụng và tiết kiệm, vì chỉ cần một cửa cho trấu vào nhưng lửa và nhiệt có thể dùng cùng lúc nhiều bếp. Cũng như những ngôi nhà miệt vườn Nam bộ, nhà bếp của ngoại cũng có một bếp lò như vậy đặt ở gian giữa rộng rãi, sáng sủa, cửa ra vào hai cánh bằng gỗ luôn rộng mở. Cửa sổ sát mé con rạch Cái Tôm đón từng cơn gió mát rượi ngày hai lần nước lớn, lúc nước ròng thoảng mùi bùn non và tiếng cá quẫy… Ngay cửa bếp là sàn nước rửa chén bát và làm đồ ăn. Bước vô, một đầu gian bếp là khuôn bếp đóng bằng cừ tràm lâu ngày đen bóng. Cạnh đó là "ông lò" có ba miệng bếp đều đặt miếng cà ràng (vòng bằng gang) để chặn khói giữ cho nồi chảo không bị ám khói đen, rồi ống thổi, kẹp gắp củi than, miếng lót nhắc nồi... Phía trên ông lò có mái tôn nối ống khói. Phía dưới khuôn bếp xếp củi đã chẻ nhỏ, từng bó lá dừa chặt đầu đuôi bằng nhau, gọn gàng. Đi nhiều vùng miền trong nước mới nhận thấy gian bếp của những gia đình Nam bộ thật đặc biệt. Bước vào bếp có thể nhận ra sự vén khéo của người phụ nữ trong gia đình vì nhà bếp luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đồ đạc sắp xếp thật tiện lợi, nhất là khuôn bếp đứng, khi nấu nướng không mất công ngồi xuống, đồ dùng đặt để đúng tầm tay, dãy nồi xoong luôn chùi rửa sạch boong, người phụ nữ khi làm bếp cũng thong thả ung dung hơn… 

Sài Gòn – Chợ Lớn nay còn một vài dấu tích những nhà máy – kho chứa – bến cảng xuất khẩu gạo có từ cuối thế kỷ 19 mà ta có thể thấy dọc trên kênh Tàu Hũ, rạch Chợ Lớn. Qua cầu Xóm Củi (còn gọi là cầu Chà Và vì khu vực này xưa có nhiều người gốc Ấn), quẹo phải sát chân cầu đi cặp theo kênh Tàu Hũ là đường bến Bình Đông. Đi mãi đi mãi… tới đường bến Mễ Cốc. Đi hoài đi hoài… đến đoạn kênh Tàu Hũ gặp Rạch Cát thì hết đường. Đoạn bến Bình Đông phía bên quận 5 quận 6 là đại lộ Đông Tây, còn bến Mễ Cốc phía bên kia là Phú Định – một làng cổ thuộc xóm lò gốm Sài Gòn xưa. Ngỡ ngàng khi gặp một nhà quê yên bình đến thế. Đám dừa nước rậm rạp, trên chiếc ghe đậu nhỏ bếp cà ràng đỏ lửa chiều, khói quẩn trên ngọn dừa cao cao in bóng xuống dòng kinh… Vùng này còn mấy cây cầu sắt cũ từ thời Tây, chênh vênh mỗi cây mỗi kiểu, lót ván gập ghềnh, nay chỉ dành cho người đi bộ. Chắc không lâu nữa sẽ thay bằng những cây cầu bêtông vững chắc nhưng vô hồn bởi chúng rất giống nhau, ngang bằng, đơn điệu.

Hồi xưa, trên bến kinh này từ trước ngày rằm tháng chạp ghe chở "ông lò" (bếp lò đất) đã về. Ngày 23 cúng ông Táo nhà nào nhà nấy đốt than trong ông lò mong cho nhà cửa luôn ấm êm, hạnh phúc. Sau ngày ông Táo, những "ông lò" cũ đem đặt ngoài vườn, dưới gốc cây hay ven hàng rào… lâu ngày ông lò hoá thổ, trở về với đất, như con người… Những chiếc ghe lớn chở than đước ngày nào cũng cặp bến, lái mua than cả cần xé chở đi khắp thành phố cũng có mà người mua lẻ vài ba ký cũng có. Mấy anh bán than mặt mày đen nhẻm, đôi mắt như biết nói, mải miết vác than chọn than tốt cho người mua. Còn ghe chiếu nữa, chất đầy chiếu bông chiếu trắng đương bằng những cọng lát tròn bóng thơm mùi gió chướng, mùi đất phèn miền Tây… Trưa vắng khách văng vẳng câu vọng cổ nghe buồn chí xứ "chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…" Mấy năm rồi vắng bóng ghe than ghe chiếu… mà phải thôi, bây giờ ở thành phố còn mấy nhà chụm than bếp lò, mấy nhà còn trải chiếu Cà Mau…

Sau 23 tháng chạp là ghe trái cây về san sát, chuyển hàng lên bến khỏi cần bắc ván làm cầu. Nhưng độc đáo nhứt ở bến Bình Đông là chợ mai, tắc kiểng dài suốt con đường. Không hiểu sao nhìn chợ hoa tết bao giờ cũng thấy buồn… nghĩ đến trưa 30 chợ hết, tiếc hoa, thương người trồng hoa, tội người bán hoa… Từ năm ngoái, ghe kiểng về không đậu bên kia vì bến Hàm Tử đã giải toả làm đại lộ Đông Tây. Vài năm nay bến Bình Đông là bến chính. Đoạn đường hẹp lổn nhổn ổ gà, dãy nhà phố một trệt một lầu mái ngói thâm đen tường vôi loang lổ. Tầng trệt còn buôn bán mà những cánh cửa gỗ xộc xệch trên lầu một hình như đã lâu lắm không được mở ra… 

Bạn bè ngồi lai rai trong quán nhỏ, nhìn qua bên kia nhà cao tầng đại lộ tám làn xe vun vút chạy, nhìn lại bên này cầu cũ, kinh đen, nhà xưa, ghe nhỏ… Rồi tránh nhìn nhau. Cảm giác như thấy người thân yêu xa dần mà không cách gì níu giữ... 

Sài Gòn 2011 – 2013 

Tạp bút: Nguyễn Thị Hậu 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...