Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Tương tác Góc nhìn Hội An - Cảng trung chuyển giao thương Âu - Á

Hội An - Cảng trung chuyển giao thương Âu - Á

Viết email In

Trên 3200km chiều dài bờ biển của Việt Nam, trong lịch sử, có nhiều “điểm mở” thông thương với thế giới bên ngoài để đón nhận nhiều luồng mậu dịch quốc tế. Hội An chính là một “điểm mở” như vậy và nơi đây đã trở thành điểm trung chuyển trong giao thương Âu - Á.  

Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 17, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á. Nhờ ở vào vị trí địa lý thuận lợi nên hàng hoá từ bốn phương trong nước tụ về Thương cảng Hội An. Rồi lại chính từ thương cảng này, hàng hoá trong nước với những sản phẩm nổi tiếng như tơ, tằm, gốm, sứ, trầm hương, yến sào...được thuyền buôn các nước chuyển tải đến nhiều nước Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây. 

Hàng hoá nước ngoài cũng từ Hội An được toả khắp mọi miền đất nước. Hội An là cửa ngõ của Đàng Trong - Việt Nam thông thương với thế giới bên ngoài. Tầu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng biển Nam Á như Thái Lan Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn độ... và một số nước Châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp...hàng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền. 

Vào năm 1567, triều đình nhà Minh của Trung Quốc từ bỏ chủ trương bế quan tỏa cảng, cho thuyền buôn vượt biển giao thương với các quốc gia vùng Đông Nam Á, nhưng vẫn cấm xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng sang Nhật Bản. Điều này đã bắt buộc Mạc phủ Toyotomi rồi Mạc phủ Tokugawa cấp phép cho các thuyền buôn của công ty Chân Ấn mở rộng quan hệ thông thương với Đông Nam Á và mua lại hàng hóa Trung Quốc từ các quốc gia đó. Nơi thuyền Châu Ấn đi qua nhiều nhất chính là cảng Hội An. 

Khoảng năm 1617, phố Nhật Bản ở Hội An được hình thành và phát triển cực thịnh trong đầu thế kỷ 17. Nhưng khoảng thời gian tiếp sau, do chính sách bế quan của Mạc phủ Tokugawa cũng những chính sách đàn áp người Nhật Công giáo của chúa Nguyễn, khu phố Nhật ở Hội An dần bị lu mờ. Mặc dù vẫn còn một số nhỏ người Nhật định cư lại đây nhưng người Hoa dần thay thế vai trò của người Nhật trong việc buôn bán. 

Khác với người Nhật, những người Hoa biết đến Hội An từ rất sớm. Họ không chỉ tới buôn bán rồi mà còn chọn nơi đây để định cư, lập phố xá. Đặc biệt, vào nửa sau thế kỷ 17 khi nhà Minh bị thất thủ, người Hoa ở Hội An tăng lên đột biến, dần thế chân người Nhật nắm quyền buôn bán. Dân cư ở đây phần lớn là người Phúc Kiến, mọi người ăn vận theo trang phục của nhà Minh. Nhiều người Trung Quốc tới định cư để buôn bán đã kết hôn với những phụ nữ bản địa.

Trong số các nước phương Tây, Bồ Đào Nha là nước đầu tiên có mặt ở Hội An, khoảng năm 1540, thương nhân Bồ Đào Nha từ Macao hoặc Nam Dương (Indonesia) đến nơi đây vào tháng chạp hoặc tháng giêng bán, mua hàng như tơ, lụa, hồ tiêu, gỗ quý, thông qua các đại lý người Hoa hay người Nhật ở Hội An rồi quay thuyền về các căn cứ trên (Macao, Nam Dương). Mọi quan hệ giao lưu buôn bán đều thông qua môi giới trung gian để gom hàng hoá hoặc giao dịch. 

Từ năm 1640 trở đi, quan hệ buôn bán giữa Bồ Đào Nha với Nhật Bản ngày càng giảm, trong khi đó quan hệ buôn bán với Đàng Trong lại được tăng cường. Những sản vật mà các thương nhân mua của Đàng Trong là tơ vàng, một số trầm hương, kỳ nam và một ít benzoin. Đổi lại, các thương nhân Bồ Đào Nha mang súng ống, diêm tiêu, kẽm, đồng... có thợ kỹ thuật đi cùng để bán lại cho Đàng Trong.

Năm 1601, người Hà Lan đã đến Hội An để buôn bán. Những mặt hàng mà người Hà Lan thường mang đến buôn bán là những mặt hàng Đàng Trong cần như đại bác, diêm tiêu, lưu huỳnh; dạ châu Âu loại mịn, màu đỏ và màu sẫm; đồng bạc rénaux như tiền đồng, bạc nén và bạc đúc; hạt tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc; vải bông Ấn Độ, gỗ đàn hương... Đổi lại, người Hà Lan mua tơ lụa và các mặt hàng thổ sản như kỳ nam hương, gỗ quý, tơ lụa, xạ hương, vàng... mang về châu Âu. 

Trong thời gian đầu các thương nhân Hà Lan cũng được các chúa Nguyễn đón tiếp nồng hậu, thậm chí còn được triều đình ban tặng một số đặc quyền để buôn bán. Năm 1633, theo thư mời của chúa Sãi, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã có ý định đến buôn bán ở Quảng Nam và đến năm 1636, thương điếm của Hà Lan đã được thiết lập ở Hội An phố. Tuy nhiên, quá trình buôn bán của người Hà Lan tại Hội An chỉ diễn ra trong 4 thập niên đầu của thế kỷ XVII, về sau do mâu thuẫn với dân bản địa các thương nhân Hà Lan buộc phải rời khỏi Hội An.

Như vậy, không chỉ là nơi buôn bán giữa Đàng Trong với bên ngoài mà Hội An cò là cảng trung chuyển hàng hóa quan trọng của thương nhân Nhật, Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan,... các hoạt động đó đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp của Đàng Trong, thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa của Đàng Trong phát triển mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện để Đàng Trong tham gia vào quá trình hội nhập thương mại quốc tế. 

Thế kỷ 19, cửa sông Cửa Đại ngày càng bị thu hẹp, sông Cổ Cò cũng bị phù sa bồi lấp, khiến các thuyền lớn không còn ghé được cảng Hội An. Bên cạnh đó, triều đình nhà Nguyễn cũng thực hiện chính sách đóng cửa, hạn chế quan hệ với nước ngoài, đặc biệt các quốc gia phương Tây. Từ đó, Hội An dần suy thoái, mất đi vị thế cảng thị quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, với vị trí của mình Hội An vẫn xứng danh là hải cảnh quốc tế quan trọng của người Việt trong lịch sử hàng hải quốc tế. Giá trị một thời vẫn còn đến hôm nay và nhờ đó Hội An đã thành một di sản thế giới. 

Thanh Lê 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...