1. Hà Nội cổ về lịch sử mà chưa hẳn đã cổ về quỹ kiến trúc đô thị. Các di tích khảo cổ học có niên đại cả nghìn năm. Song quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu, tính cả các di tích, có độ tuổi hầu hết không quá hai, ba trăm năm. Đa số công trình kiến trúc và phố xá xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 19. Nói gọn, đô thị cổ, kiến trúc cũ. Ngay cả khu phố thường quen gọi là cổ, thì trên những gì còn lại, cũng nên gọi là cũ.
Ở tình trạng hiện nay, Hà Nội, ngoại trừ lãnh thổ, vẫn là một thành phố có quy mô không lớn, quỹ kiến trúc đô thị cũ và cũ kỹ, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu. Hiện hữu nhiều tồn dư kiến trúc tích tụ qua thời gian, thí dụ là hàng chục làng cổ và cũ, lèn chặt, chỉ còn cơ may phát triển lên trời; các khu tập thể xây dựng cấp tập cách nay ngót dăm chục năm đã lỗi thời; khu bờ sông Hồng nảy sinh hoàn toàn tự phát, nham nhở, v.v.
(Minh họa: Phạm Luận)
Vài chục năm qua đã có những nỗ lực lớn để cải tạo và hiện đại hóa Thủ đô. Từng nơi và từng mảng, thành phố tươm tất và tân tiến hơn. Công cuộc hiện đại hóa đang vào guồng, kéo theo vô số mâu thuẫn của một đô thị phát triển trong thời kỳ quá độ. Đô thị bước dài và nhanh, ít ngoái lại dĩ vãng và ít nhìn vào mình.
Hà Nội hôm nay, về kiến trúc và toàn bộ cơ sở vật chất - kỹ thuật, chưa thỏa mãn các đòi hỏi cũng như tầm cỡ của Thủ đô một quốc gia lớn, đang phát triển tăng tốc. Hà Nội có ưu thế đương nhiên về chính trị và hành chính, song về phương diện quỹ vật chất kỹ thuật và kiến trúc, về mức độ thành thị hóa dân cư, có lẽ cần thủ đô hóa hơn nữa.
Những năm trước, chúng tôi từng gợi ý thành phố nên tiến hành một cuộc tổng điều tra và kiểm kê toàn bộ tài sản tích lũy qua hơn nghìn năm: tài nguyên thiên nhiên, quỹ kiến trúc đô thị, cơ sở kỹ thuật hạ tầng, v.v. Ta làm việc ấy với Thủ đô hệt như người quản kho. Trước là để đánh giá tổng thể, lần đầu tiên, các gia tài - nguồn lực, ta sở hữu ở mốc 1.000 năm. Hai là để, từ đó, hoạch định các chiến lược và các quy hoạch phát triển. Ba là để lập sổ bàn giao cho hậu thế. Các cụ có bàn giao như vậy cho ta đâu. Tiếc rằng, gợi ý ấy không được để ý đến. Giá mà cuộc đại kiểm kê ấy được thực hiện, có phải những người xây dựng chiến lược và người làm quy hoạch Hà Nội lúc này dễ biết bao, vạch ra cái gì là cái nấy có sức thuyết phục, là khả thi. Không có những dữ liệu điều tra cơ bản như thế, ta đành làm cái việc nhắc lại những điều đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sau 1-8-2018, Hà Nội làm chủ một cơ ngơi thiên nhiên và đất đai đồ sộ, đủ để cho một thành phố lớn và một thủ đô thỏa sức mở mang. Tất cả những gì cần cho Hà Nội về phương diện tài nguyên thiên nhiên đã hội tụ đủ, thậm chí dư, chỉ thiếu biển. Song, sông ngòi và ao hồ hầu hết đã lâm bệnh, núi rừng đa phần nhân tạo hóa, quỹ đất bị chiếm dụng nham nhở. Thiên nhiên suy xuyển nhiều, ngay bây giờ đã phải tính chuyện chữa trị.
Những phác thảo quy hoạch sử dụng đất hôm nay và mai sau, nên xuất phát từ bài tính chiến lược: Trời - Đất - Ta, một cách hết sức tằn tiện, dụng chỗ nào và dụng vào việc gì, phải so đo cho kỹ. Chí ít ta cũng phải như anh thợ đồ da trước tấm da bò. Ta quen rồi lối nghĩ cái gì cũng tái tạo được, làm giả được. Song, thiên nhiên, hỏng hoặc mất, thì không tài nào tái tạo được. Đất ruộng đô thị hóa thì dễ, đã đô thị hóa thì không trở lại trồng trọt được nữa. Tôi mong các nhà quy hoạch trên lãnh thổ mở rộng của Hà Nội, ghi khắc dòng: Nương nhẹ thiên nhiên, tiết kiệm đất trời, dành cho con cháu!
Về quỹ kiến trúc đô thị, Hà Nội đang sở hữu năm thành phần lớn: Khu phố Việt truyền thống; khu phố thời thuộc địa; các làng cổ và cũ; quỹ kiến trúc xây dựng sau năm 1954; các khu vực cảnh quan thiên nhiên văn hóa.
Khu phố cổ, là một di sản đô thị, có giá trị không hẳn bởi niên đại và cũng không hẳn bởi kiến trúc. Giá trị ở chỗ nó là một cấu trúc phố thị truyền thống thuần Việt, với một cộng đồng thị dân vẫn lưu giữ phần nào nếp sống và cách làm ăn xưa cũ. Cách ứng xử đúng và khả thi hơn cả là kết hợp bảo tồn, cải tạo và hiện đại hóa. Chính sự kết hợp ấy bảo đảm dòng chảy tự nhiên và sự hòa nhập với cơ thể đô thị hiện đại.
Khu phố và các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, rõ ràng là di sản đô thị của Hà Nội, đa dạng về thể loại, phong phú về phong cách, bền dai về thẩm mỹ, có vai trò đặc biệt trong diện mạo đô thị Hà Nội. Cơ may duy trì vốn liếng kiến trúc này chính là chính sách và các chế độ trong ứng xử. Đặc biệt cần giảm thiểu sự thách thức về quy mô và độ cao của các công trình xây xen kẽ. Cả ở trường hợp khu phố cổ lẫn khu phố Tây, mấu chốt cho mọi giải pháp chính là vấn đề sở hữu.
Các làng cổ và làng cũ trong cơ thể Hà Nội đặt ra những bài toán cải tạo khó gấp bội so với những thành phần đô thị khác. Người dân hẳn sẽ tiếp tục xây cất nhà nhiều tầng, lèn nén không gian vốn đã chật. E ngại, đây sẽ là những dị thể của thành phố hiện đại, càng ngày càng bế tắc trong bài toán hòa nhập chung vào cơ thể thành phố.
Quỹ kiến trúc hình thành sau năm 1954, khá lớn và rất đa dạng. Trong đó các khu xây dựng thời chiến tranh và bao cấp đang trở thành những tồn đọng kiến trúc - lịch sử khó bề giải quyết.
Các khung cảnh thiên nhiên văn hóa của Thủ đô, trước tiên là hồ ao và sông ngòi, có vai trò đặc biệt trong cấu trúc hình thái không gian. Song, chúng đang đòi hỏi chữa trị, phục sức và sự hoàn trả vị trí chúng từng có và phải có.
Hà Nội về tổng thể vẫn còn là một cơ thể đô thị chưa hẳn đã tan vỡ, nó vẫn duy trì được sự chuyển hóa mềm mại, không gian đô thị và một khung cảnh đô thị phần nào gắn kết. Về phương diện hình thái học đô thị, Hà Nội có khuôn mặt của sự chuyển hóa và hòa đồng giữa các làng ven và thành phố, làm cho Thủ đô ta giàu chất Á Đông. Chưa đến nỗi nén và cũng chưa cỗ máy hóa, điều mà có vẻ như ta đang hướng tới.
Hà Nội mở rộng 3.340 km2, có nghĩa là sự phát triển theo bề rộng là chính yếu rồi. Song, Hà Nội cũ, để thành nhân tố trung tâm, phải được chủ trương phát triển theo phương thức thâm canh, kết hợp cải tạo và hiện đại hóa. Ngược lại, nhân tố trung tâm cũ có thể trở thành thực thể kiến trúc và lịch sử thiểu năng. Sự lan tỏa từ cái hạt nhân đô thị, được củng cố và nâng cao, sẽ quyết định tính đặc sắc trong diện mạo của Thủ đô mai này.
2. Trong công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa và thành thị hóa, có hai cục diện rất bản chất, diễn ra xuyên suốt và song song, nhưng mâu thuẫn và thách thức, đó là: đô thị hóa đất đai và thành thị hóa dân cư.
Các nhà quy hoạch ở ta và nước ngoài hoạch định: đến năm 2030, đất đô thị hóa Hà Nội sẽ là 880 km2, trên tổng diện tích là 3.340 km2. Ai đó phân vân: nghìn năm vun đắp và hơn 100 năm đô thị hóa theo khái niệm hiện đại, Hà Nội mới chỉ đô thị hóa 100 km2, nay chỉ cần 20 năm đã tăng lên gần chín lần! Ai đó e ngại, sự chiếm dụng đất đai, nhanh và gấp gáp như vậy, sẽ dẫn đến những lãng phí tài nguyên đất đai, hủy hoại môi trường, hủy hoại môi trường tự nhiên. Nạn xây dựng đô thị nham nhở dạng quảng canh, khó bề tạo dựng nên một đô thị phát triển bền vững và thật sự hiện đại. Vấn nạn ấy đã hiển thị rồi.
Thành thị hóa dân cư đặt ra những vấn đề nan giải gấp bội, so với việc mở rộng địa giới hành chính và đô thị hóa đất đai. Mọi cấu trúc quần cư chỉ trở thành thành phố đích thực, có sức hút và sức tỏa, tính tiêu biểu, có sức cạnh tranh và có thương hiệu, khi dân cư đã thành thị hóa và tạo lập cho thành phố mình những giá trị đặc trưng văn hóa chốn thị thành.
Trong phát triển Thủ đô hơn nửa thế kỷ qua đã có những biến động lớn về dân cư. Một mặt, dân cư Hà thành đổi máu và tiếp thu đời sống mới đem từ ngoại thị. Mặt khác, yếu tố thành thị và văn hóa thành thị gốc đặc trưng lại bị vơi hụt đi. Thêm vào đó hàng chục thôn làng hòa nhập vào cơ thể nội thị, xóa mờ những giới hạn mỏng manh giữa thành thị và thôn quê. Với việc bành trướng Hà Nội hiện nay, vấn đề văn hóa thành thị và văn hóa dân cư đặt ra gay gắt bội phần.
Về phương diện thành thị hóa dân cư, đang hình thành bốn nhóm: dân nội thành - dân vùng ven - dân nông thôn và dân nhập cư. Trong đó, ngay dân cư nội thành chưa đạt độ thành thị hóa cao. Dân cư vùng ven trong quá độ thành thị hóa. Dân cư nông thôn chắc phải có thời gian dài để trở thành người thành phố. Mở rộng lãnh thổ, mở rộng địa hạt đô thị hóa, ở mức độ nào đó, tỷ lệ nghịch với thành thị hóa dân cư, kéo dài thời kỳ quá độ của công cuộc hiện đại hóa Thủ đô.
Thủ đô, hơn nơi nào khác, phải là nơi kết tụ những tinh hoa.
Hơn 1000 năm trước, Đức vua Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô về đây, đứng trước nhiều tham vọng và những trăn trở. Hơn 1000 năm sau, thế hệ chúng ta quyết chí xây dựng Thủ đô rộng lớn và đồ sộ gấp trăm lần. Tham vọng và trăn trở tăng lên bội phần. Hà Nội, đi vào thiên niên kỷ thứ hai, cần tầm nhìn cùng tư duy thực tế.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
(Nhân Dân hằng tháng)
- Chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi: Đối kháng hay cộng sinh?
- Ai vô can với dòng sông?
- Khơi nguồn sáng tạo
- Mơ về con đường di sản trên bến dưới thuyền
- Nhà hoang sau chợ hoa
- Cố đô “cởi chiếc áo chật” để làm du lịch
- Di sản là… của ai?
- Môi trường sống của ai?
- Nhìn bài học từ Hội An, Mai Châu để làm du lịch làng cổ hiệu quả
- Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Chỉ lựa khu “đất vàng”?