Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Góc nhìn Cố đô “cởi chiếc áo chật” để làm du lịch

Cố đô “cởi chiếc áo chật” để làm du lịch

Viết email In

Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế trong năm qua đã đón sự trở lại của thị trường khách Âu, Mỹ truyền thống bên cạnh sự gia tăng khách Á một phần nhờ khai thác các dịch vụ du lịch mới chứ không chỉ chủ yếu dựa vào di tích như lâu nay.


Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang cố gắng đẩy mạnh nhiều loại hình du lịch khác nhau để thu hút du khách. Ảnh minh họa: (từ trên xuống) Chùa Thiên Mụ, Kinh thành Huế và huyện vùng cao A Lưới.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Từ tour Mắt biếc đến xích lô học tiếng Hàn

Cụ thể, tổng lượt khách đến Thừa Thiên-Huế năm 2019 đạt gần 5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,1 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2018, một phần nhờ sự quay trở lại của khách truyền thống Âu, Mỹ và sự tăng mạnh của khách Thái Lan (chiếm 12% trong tổng lượng khách quốc tế), trong khi khách Hàn Quốc sụt giảm, chỉ còn chiếm 20% so với 30% năm 2018.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế những con số tích cực này của ngành du lịch có được là do những năm gần đây, Thừa Thiên-Huế đã đa dạng hóa một số loại hình dịch vụ du lịch. Đặc biệt, trong năm 2019, cố đô đã thêm một số hình thức du lịch mới bên cạnh phát huy tiềm năng du lịch từ di sản.

Điều mới nhất mà ông Phúc nhắc đến đó là làm tour du lịch theo phim "Mắt biếc" được lấy bối cảnh và quay ở một số địa phương tại huyện Quảng Điền, Thị xã Hương Trà và thành phố Huế.

Cụ thể, Sở Du lịch và một số doanh nghiệp lữ hành đã thống nhất đưa ra tour mới hoặc ghé các điểm đến trong tour để du khách có thể vừa check-in phim trường vừa có trải nghiệm địa phương như tham quan làng nghề mây tre Bao La chẳng hạn. Theo ông Phúc, tuy rằng hình thức này mang tính ngắn hạn, nhưng vẫn cần có sự quan tâm hỗ trợ địa phương và cộng đồng ở đó.

Quan trọng hơn, ông Phúc hi vọng sẽ vận động được các doanh nghiệp làm mới tour của họ để kéo dài hiệu ứng phim lâu hơn cho du khách nội địa.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Duy Nhất Đông Dương, cũng đồng tình và cho rằng thế giới và các nước châu Á đã dùng nhiều bộ phim hay, có tính lan tỏa nhanh và hiệu ứng xã hội tốt để khai thác du lịch, như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Vì vậy ngành du lịch Huế cũng cần có những bước đi để phát triển loại hình dịch vụ này.

Biến đội ngũ xích lô thành những hướng dẫn viên du lịch không chuyên cũng đang là cách làm mới của du lịch Thừa Thiên-Huế.

Sở Du lịch phối hợp với Liên đoàn Lao dộng Thành phố Huế và Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Hàn cho đội ngũ xích lô phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh lớp ngoại ngữ này, sắp tới Sở Du lịch sẽ hợp tác với Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn thành phố Huế về hỗ trợ các bác tài xích lô học các kỹ năng làm du lịch, ứng xử với khách và kết nối với các công ty lữ hành. Cụ thể, các bác tài xích lô sẽ được ưu tiên kết nối với các hãng lữ hành, khách sạn trên địa bàn thành phố Huế để tìm kiếm nguồn khách cũng như tiến tới đăng thông tin của bác tài xích lô để du khách được biết.

Bên cạnh xích lô, một dự án xe đạp thông minh hứa hẹn du lịch Huế có thêm sản phẩm mới. Dự án du lịch bằng xe đạp thông minh do Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro) làm chủ đầu tư hứa hẹn tạo ra một sản phẩm phù hợp, bổ trợ thêm cho danh hiệu thành phố du lịch sạch của ASEAN.

Một khảo sát của Sở Du lịch cho thấy, hình thức du lịch bằng xe đạp rất phù hợp với dòng khách châu Âu. Bằng chứng tại các điểm du lịch nhà vườn, khám phá di sản thu hút nhiều đoàn khách châu Âu đạp xe đến trải nghiệm, lưu trú.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên về vấn đề giao thôn, thời tiết… để dịch vụ xe đạp này thực sự mang lại hiệu quả.

Khai thác thêm di sản, ẩm thực

Lâu nay, khách châu Âu và Mỹ rất thích tham quan Kinh thành Huế cũng như các lăng như Minh Mạng, Khải Định và Tự Đức để khám phá lịch sử và văn hóa phong kiến của Việt Nam ngày xưa. Tuy nhiên, việc khai thác cũng hạn chế nhằm tránh làm tổn hại di sản.

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đến nay, hầu hết các hoạt động dịch vụ trên địa bàn khu di tích Huế đều triển khai theo hướng xã hội hóa hoặc thực hiện liên doanh, liên kết. Tổng doanh thu bán vé tham quan di tích Cố đô Huế đạt 380,5 tỉ đồng.

Trong năm 2020, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch khai thác hiệu quả quần thể di sản Huế, bao gồm khai thác du lịch khu vực Thượng Thành – Eo Bầu và tuyến phòng lộ cũng như mở rộng thêm vài điểm trong Kinh thành Huế để khách tham quan du lịch.

Trình chiếu ánh sáng nghệ thuật trong Kinh thành Huế cũng là một điểm mới. Vietnam Telling, trực thuộc Chuỗi dự án văn hóa – nghệ thuật – du lịch và giáo dục của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn hóa nghệ thuật ICEP – HanoiClassy, sẽ triển khai trình chiếu lần đầu tiên vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, từ ngày 24 đến 30 tháng 1 năm 2020.

Sau hoạt động này, dự án sẽ triển khai các hoạt động trước và sau Festival Huế, tạo ra những sản phẩm du lịch về đêm cho di sản.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với Vietravel thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Tại một buổi hội thảo gần đây diễn ra ở thành phố Huế, các chuyên gia du lịch đánh giá, ẩm thực chính là lợi thế cạnh tranh nổi bật của vùng đất cố đô khi sở hữu 1.300 món ăn trong tổng số khoảng 1.700 món ăn ở Việt Nam đã được ghi chép lại.

Với những cách làm mới trong du lịch, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang cố gắng dần xóa đi cái mác “du lịch buồn” cho cố đô lâu nay để có thể phát triển du lịch ở một tầm cao hơn.

Nhân Tâm

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...