Cuối năm là dịp nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là Chính phủ và chính quyền các địa phương, tổng kết lại những gì đã làm được trong năm đồng thời vạch ra những chương trình, kế hoạch lớn cho năm tới.
Thiết nghĩ việc tổng kết này từ nay cần bổ sung một mục quan trọng: chúng ta đã làm được gì để góp phần giảm nhẹ các tác nhân gây ra biến đổi khí hậu; chúng ta đã làm được gì để khắc phục các biểu hiện của biến đổi khí hậu lên môi trường sống như ô nhiễm không khí ngày càng nặng, ngập lụt, triều cường, hạn hán, mưa lũ ngày càng khốc liệt.
Tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường sống ngày càng nặng. (Ảnh minh họa: Thành Hoa)
Các chỉ số khác thường được nêu lên trong dịp tổng kết như sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp mới thành lập, doanh số bán lẻ... vẫn rất quan trọng nhưng sẽ không có ý nghĩa gì nếu cuộc sống của người dân bị xáo trộn bởi không khí đặc quánh chất nguy hại, đường về nhà ngập dưới dòng nước bẩn.
Trong khi đó, vẫn có suy nghĩ biến đổi khí hậu là chuyện toàn cầu, từng cá nhân đã không làm được gì mà ngay cả từng quốc gia cũng khó lòng tạo ra được sự biến chuyển có ý nghĩa.
Tuy nhiên, từng chính sách, tuy nhỏ, nhưng tổng hợp lại sẽ có những tác động nhất định lên chất lượng cuộc sống của người dân nên đòi hỏi người làm chính sách, ngay từ bây giờ, phải tính đến vấn đề biến đổi khí hậu trong hoạch định cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Lấy ví dụ chuyện ấn định giá mua điện mặt trời đối với hộ gia đình. Có thể với giá mua điện mặt trời đối với các dự án lớn Nhà nước cần thời gian cân nhắc để tránh trường hợp đầu tư ồ ạt gây tắc nghẽn đường truyền hay gây rủi ro về mặt tín dụng... nhưng với giá điện mặt trời mua của hộ gia đình thì đâu có gì lớn phải bàn thảo.
Khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái là xu hướng của nhiều nước, trước mắt là nhằm giảm tải cho lưới điện quốc gia, nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân và cao hơn hết là tạo ra một nguồn năng lượng sạch dần dần thay thế các nhà máy điện chạy than cực kỳ ô nhiễm.
Hiện nay, công nghệ điện mặt trời áp mái ngày càng được cải thiện cho hiệu suất cao hơn, giá thành giảm hơn. Trong tương lai nếu áp dụng thêm công nghệ pin để tích điện lúc công suất dư thừa để sử dụng vào ban đêm hay ngày thời tiết xấu, điện mặt trời ở hộ gia đình càng thêm phát huy tác dụng.
Thế nhưng, việc chậm ban hành giá mua điện mặt trời đã có tác dụng làm giảm mức độ lắp đặt một cách rõ rệt. Chỉ tính riêng ở TPHCM, sáu tháng đầu năm 2019 tổng công suất điện mặt trời áp mái đạt 40 MWp, nhưng từ 1/7 đến đầu tháng 12 con số này chỉ đạt 17 MWp, bằng chưa đến 50% so với kết quả của sáu tháng đầu năm, theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Giá áp dụng trước ngày 1/7 là 9,35 xu Mỹ/kWh, sau ngày đó thì chưa có giá và đến nay Bộ Công Thương chỉ mới đưa ra mức giá đề xuất là 8,38 xu. Thiết nghĩ khi cân nhắc giá mua, người làm chính sách phải tính cả những chi phí cần thiết để khắc phục hậu quả ô nhiễm không khí nếu vẫn sử dụng điện than thay vì điện mặt trời.
Rất nhiều ví dụ khác như thế cần đưa vào kế hoạch hành động bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bởi biến đổi khí hậu thật sự đang tạo ra những chi phí trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế mà chúng ta không thể ngó lơ được nữa.
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- Di sản là… của ai?
- Môi trường sống của ai?
- Nhìn bài học từ Hội An, Mai Châu để làm du lịch làng cổ hiệu quả
- Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Chỉ lựa khu “đất vàng”?
- Qua 2020, vì sao đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa vận hành?
- Đừng biến mình thành cừu non
- 20 năm gìn giữ Đô thị cổ Hội An
- Sự cố công trình công nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?
- Vượt qua “khủng hoảng môi trường đô thị”
- Luật Xây dựng sửa đổi: rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng xuống 20 ngày