Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Vượt qua “khủng hoảng môi trường đô thị”

Vượt qua “khủng hoảng môi trường đô thị”

Viết email In

Cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đặc biệt là môi trường tại các đô thị lớn của Việt Nam.

Những chỉ số đánh giá môi trường mà giới chuyên môn đưa ra đang cho thấy, thời tiết cực đoan ngày càng dày thêm cả về số ngày, tần suất và chu kỳ lặp lại.


(Ảnh minh họa /Nguồn: internet)

Ngay tại Hà Nội, những ngày đông giá với các đợt gió mùa đông bắc cũng đang giảm. Cái nóng bất chợt giữa mùa đông không còn hiếm nữa. Hiện tượng mưa phùn cũng giảm một nửa. Những ai yêu mùa đông sẽ còn phải buồn bã hơn nữa khi biết rằng, toàn miền Bắc đang đứng trước nguy cơ bị cái nóng "nuốt" mất.

Cả tuần qua, người dân Thủ đô Hà Nội bị ám ảnh bởi màu tím của chỉ số cảnh báo về môi trường không khí. Thế nhưng, không thấy cơ quan chức năng có những biện pháp giảm ô nhiễm quyết liệt như các nước, trong khi tình hình ngày càng đáng lo ngại. Thay vào đó, chỉ thấy giải thích “chung chung” và khuyến cáo người dân các biện pháp tự bảo vệ bản thân. Nhiều người đã bắt đầu nghĩ phải “sống chung với ô nhiễm".

Thực tế hiện đang cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM là ở mức rất nghiêm trọng, vượt ngưỡng cho phép. Nguyên do được “nhìn thấy” là bởi cây xanh ở đô thị bị giảm, trong khi nạn chặt phá rừng vẫn diễn ra; tốc độ xây dựng trong các đô thị lớn, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm còn hạn chế; lưu lượng giao thông tăng cao, cộng thêm chất lượng phương tiện tham gia giao thông phát thải lớn…

Đó là một thực tế nghiệt ngã khi nhiều đô thị lớn ở châu Á đang phải gánh chịu. Và để vượt qua “khủng hoảng môi trường đô thị”, nhiều thành phố đã lựa chọn hướng xây dựng thành phố sinh thái, thành phố không phát thải khí nhà kính.

Chẳng hạn, Kawasaki (Nhật Bản) vốn là một thành phố công nghiệp. Trước khi Chính phủ Nhật Bản đầu tư vào phục hồi thành phố này, nơi đây đã phải vật lộn với tình trạng thiếu không gian, chất thải công nghiệp không được quản lý và ô nhiễm quá mức. Dựa trên nguyên lý "không chất thải", thành phố nhắm mục đích tái chế chất thải trong một ngành công nghiệp hoặc trong các hộ gia đình và tái sử dụng nó trong một lĩnh vực khác như chế tạo vật liệu. Và nay, nơi đây đã là một trong những thành phố sinh thái phát triển.

Tại Việt Nam, hôm qua (16/12), Đà Nẵng và Cần Thơ là hai thành phố đầu tiên tham gia vào mạng lưới HINKU - một tổ chức có tính kết nối các thành phố trên thế giới hướng đến không phát thải khí nhà kính, nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, một trong các cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam là mô hình thành phố không phát thải khí nhà kính (HINKU) đã được áp dụng thành công tại Phần Lan từ năm 2008, với mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 xuống 80% vào năm 2030 tại tất cả các thành phố triển khai. Đến nay, có 64 thành phố tham gia vào mạng lưới HINKU này và đã đạt được các kết quả khả quan.

Khi gia nhập mạng lưới HINKU, các thành phố phải đảm bảo hoàn thành các tiêu chí HINKU, nghĩa là tính đến việc giảm phát thải khí nhà kính trong mọi quyết định quan trọng. Các thành phố cũng tham gia vào Thỏa thuận sử dụng năng lượng hiệu quả của các ngành cấp thành phố, với mục tiêu tiết kiệm 7,5% năng lượng trong giai đoạn 2017 - 2025.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, sự khơi dậy và phát triển thành công các thành phố sinh thái phụ thuộc vào sự cân bằng lành mạnh trong quản trị từ trên xuống và từ dưới lên ở cấp địa phương.

Trong công cuộc hướng đến một cuộc sống đích thực vì con người, vì thiên nhiên ấy, chúng ta có một lợi thế rõ ràng, đó là văn hóa, là triết lý sống hài hòa với thiên nhiên đã sâu rễ trong tâm thức, trong truyền thống. Chỉ có điều, làm sao chúng ta gắn kết hành động thành một mối, thành động lực để hướng tới một cuộc sống xanh.

Dù nhìn thấy điều đó, nhưng với Việt Nam, có lẽ con đường xây dựng các thành phố sinh thái sẽ còn không ít chông gai.

Lý Ngọc Thanh - Báo Tài nguyên & Môi trường


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...