Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Quản lý di sản, chuyện không chỉ của địa phương

Quản lý di sản, chuyện không chỉ của địa phương

Viết email In

Hiếm có văn bản lấy ý kiến nào lại có “tuổi thọ” ngắn như văn bản đề nghị cho ý kiến dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Văn bản được trưởng ban quản lý vịnh ký ngày 22/10, đề nghị chậm nhất là vào 16 giờ 30 ngày 25/10 doanh nghiệp gửi góp ý về việc tăng giá, nếu không có ý kiến gửi về thì coi như đã đồng ý với dự thảo. Tuy nhiên, trước phản ứng của doanh nghiệp, đến sáng 25/10, tức chưa đến thời điểm hết hạn lấy ý kiến, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu tạm dừng.


Phố cổ Hội An.
(Ảnh: Đào Loan)

Dự thảo có hai nội dung khiến doanh nghiệp bất bình. Đầu tiên là đề xuất tăng phí tham quan vịnh Hạ Long thêm 20-73% từ tháng 1/2020 được cho là quá cao và không hợp lý vì địa phương không giải thích được lý do tăng giá; thời điểm dự kiến tăng phí quá ngắn, doanh nghiệp không kịp điều chỉnh giá với các hợp đồng đã ký kết, đặc biệt là hợp đồng với đối tác nước ngoài thường được ký ít nhất là 6 tháng đến hơn một năm trước khi thực hiện.

Kế đến là thời gian lấy ý kiến quá gấp, tuy được ký vào ngày 22/10 nhưng đến ngày 24/10 nhiều doanh nghiệp mới nhận được, thậm chí có nơi nhận vào sáng 25/10 càng không kịp để góp ý.

Điều đáng nói là chuyện địa phương đòi tăng phí tham quan di sản và doanh nghiệp phản ứng những quyết định đó diễn ra khá thường xuyên trong vài năm trở lại đây. Với vịnh Hạ Long, danh thắng nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, câu chuyện cứ lặp lại theo diễn tiến: địa phương thông báo tăng giá, doanh nghiệp phản ứng, báo chí vào cuộc, cơ quan quản lý du lịch lên tiếng và cuối cùng địa phương rút lại ý định tăng giá (như sự việc vừa xảy ra) hoặc vẫn giữ nguyên quan điểm như nhiều lần trước.

Những vụ việc này đặt ra vấn đề về tính hợp lý của các quyết định tăng giá và cách quản lý cũng như sự phân quyền trong quản lý di sản, đặc biệt là những di sản đã trở thành thương hiệu không chỉ của địa phương mà còn là của quốc gia.

Trước hết, hầu như các địa phương đều chưa đưa ra được lý do thuyết phục khiến du khách phải chi nhiều hơn. Chẳng hạn, với vịnh Hạ Long, nhiều lần Quảng Ninh cho rằng việc tăng phí sẽ giúp địa phương có thêm kinh phí để cải thiện dịch vụ cũng như môi trường của vịnh, nhưng cho đến nay doanh nghiệp vẫn than phiền, cho rằng tình hình không mấy cải thiện. “Rác vẫn rất nhiều, còn bãi tắm cho khách thì ít hơn. Chẳng hạn, dù tuyến 4 có nhiều bãi tắm đẹp nhưng khách lại không được tắm mà không có bất cứ giải thích nào”, ông Phạm Hà, CEO của Công ty Du lịch Luxury Travel, một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và tàu lưu trú trên vịnh, nói.

Một lý do khác được đưa ra trong thời gian gần đây, đó là tăng giá để giảm tải lượng khách đến, góp phần cho du lịch bền vững và bảo vệ di sản. Nhưng lý do này cũng có vẻ chưa hợp lý vì địa phương không đưa ra các nghiên cứu khoa học về sức chịu đựng của di sản. Hiện nay, nhiều di sản đón hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm, cảm quan thì thấy đông đúc nhưng liệu đó đã là lượng khách tối đa được phép ghé thăm các danh lam thắng cảnh này hay không thì vẫn chưa có câu trả lời.

Cuối cùng là vấn đề quản lý hoạt động kinh tế liên quan đến di sản. Theo Nghị định 109/2017/NĐ-CP về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, nơi được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới được tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ có nhiệm vụ phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực di sản và vùng đệm của di sản.

Tuy nhiên, nội dung này có vẻ chưa đủ vì nếu không quy định chi tiết các cấp, các ngành ở đây là những cấp, ngành nào; mức độ can thiệp ra sao thì dễ dẫn đến vấn đề địa phương hóa khi đưa ra quyết định. Nhận định này có cơ sở trong bối cảnh nhiều địa phương đang cố gắng tăng thu ngân sách, và nguồn thu từ việc bán vé tham quan di sản lại không hề nhỏ, có nơi đã lên đến cả ngàn tỉ đồng mỗi năm.

“Tuy địa phương có trách nhiệm lớn trong quản lý di sản nhưng với những di sản là thương hiệu của cả nước thì quy định phải khác cũng như cấp quản lý phải cao hơn, bao trùm hơn, vì nếu những quy định này gây tổn hại đến hình ảnh thì không chỉ là hình ảnh của địa phương”, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, nói.

Đào Loan

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo