Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Góc nhìn Sự cố công trình công nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự cố công trình công nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?

Viết email In

Sự cố trong các công trình công nghiệp thường để lại hậu quả lớn, nhất là những công trình đã đi vào vận hành. Tuy nhiên, một câu hỏi luôn được nêu ra, từ khâu thiết kế đến quá trình vận hành đi vào sử dụng, nếu công trình gặp sự cố thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?


Nhà máy bóng đèn và phích nước Rạng Đông tan hoang sau sự cố chập cháy do điện.

Đi tìm nguyên nhân để phân định trách nhiệm

Ngày 15/3/2019, tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Bo Hsing, khi các công nhân đang tô trát tường thì toàn bộ bức tường dài khoảng 30m và cao hơn 12m bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn khiến 7 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương. Gần 5 tháng xảy ra vụ sập nhà xưởng, ngày 2/8/2019, Bộ Xây dựng đã có thông báo gửi UBND tỉnh Vĩnh Long kết luận nguyên nhân sự cố.

Theo đó, trên cơ sở báo cáo kết quả giám định, đánh giá nguyên nhân sự cố của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, ý kiến đánh giá của các chuyên gia và ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ Xây dựng kết luận nguyên nhân chính gây ra sự cố là do tính toán, thiết kế kết cấu tường đầu hồi nhà xưởng tại trục A3 với sơ đồ không hợp lý (chiều cao, diện tích lớn và đứng độc lập với hệ khung thép của công trình) và không đảm bảo khả năng chịu lực.

Ngoài ra, quá trình thi công cũng gây một số tác động đến kết cấu tường như: Tác động do quá trình thi công đổ, đầm bê tông cột, giằng, xây, trát tường; rung động do xe chở vật liệu xây dựng và lu nền, chất lượng bê tông cột không đồng đều, cốt thép chịu lực của cột khung ở một số vị trí không đúng thiết kế; một số vị trí tường xây thiếu vữa chèn mạch dọc.

Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân. Theo đó, lỗi trước hết thuộc về chủ đầu tư là Công ty TNHH Bo Hsing không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công và lựa chọn nhà thầu. Tiếp theo là lỗi của đơn vị tư vấn thiết kế tính toán, thiết kế xây dựng tường đầu hồi có nhiều sai sót, không đảm bảo khả năng chịu lực. Đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi đã báo cáo thẩm tra thiết kế thiếu các nội dung tính toán, kiểm tra lại hạng mục tường đầu hồi; không chỉ ra được những sai sót, bất hợp lý trong thiết kế tường đầu hồi nhà xưởng…

Thêm một sự cố khác, năm 2018, tại Đồng Nai, 7 công nhân đang hoàn thiện phần sàn bê tông ở Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Tiến Nga. Lúc thi công, trời chuyển mưa, gió giật mạnh khiến sàn bê tông rung lắc và đổ sập ngay sau đó. Hậu quả hai công nhân bị bê tông sập đè tử vong tại chỗ; 2 công nhân khác cũng bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn lao động được xác định là do việc thi công đổ sàn bê tông chưa đảm bảo kỹ thuật, khi gặp gió mạnh dẫn đến rung lắc và bị đổ. Trách nhiệm này thuộc nhà thầu thi công xây dựng.

Năm 2019, vụ tai nạn lao động sập khung nhà xưởng làm một người chết, ba người bị thương, xảy ra tại Công ty TNHH TA HSING ERICTRIC WIRE &CABLE (vốn đầu tư nước ngoài), nằm trên đường D5, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Vụ tai nạn khiến một nam công nhân 16 tuổi, quê Gia Lai tử vong và ba người khác cũng bị thương.

Bên cạnh những công trình bị đổ sập trong quá trình thi công thì vẫn còn tồn tại những nhà xưởng đã đi vào hoạt động bị sự cố xảy ra. Các nhà xưởng đã vận hành bị chập cháy ngày càng gia tăng, tiêu biểu trong năm 2019 phải kể đến vụ cháy 10.000m2 nhà xưởng của Công ty Cổ phần May Nhà Bè; Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông… Trong đó vụ cháy ở Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra vào tối 28/8/2019 có tác động xã hội rất lớn.

Theo giới luật sư, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, trong vụ cháy này có lỗi vô ý trong việc quản lý, vận hành nhà máy của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Bởi lẽ, việc để nguồn điện thắp sáng 1 bóng đèn 24/24h rõ ràng luôn tiềm ẩn nguy cơ chập điện, cháy trong nhà máy có khối lượng nguyên vật liệu sản xuất và hóa chất lớn. Vụ cháy gây thiệt hại cho Công ty và thiệt hại đến tài sản, sức khỏe và môi trường sống của các hộ dân xung quanh khu vực.


Các công trình công nghiệp ngày càng nhiều.

Trách nhiệm được phân định rõ ràng

Trước những sự cố xảy ra, bên cạnh việc thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản thì việc tìm ra trách nhiệm của chủ thể liên quan là quan trọng. Theo ThS. Nguyễn Hữu Sà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố trong xây dựng công trình, xong những sự cố thường gặp cần phân loại các nguyên nhân theo các giai đoạn hoạt động xây dựng và các yếu tố khách quan và chủ quan như sau: Nguyên nhân do khảo sát, thiết kế; Không có chứng chỉ khảo sát, thiết kế hoặc vượt cấp chứng chỉ; Chất lượng khảo sát không đạt yêu cầu; Tính toán thiết kế sai, không phù hợp; Bố trí lựa chọn, địa điểm, lựa chọn phương án quy trình công nghệ, quy trình sử dụng không hợp lý phải bổ sung, sửa đổi, thay thế.

Nguyên nhân do thi công; Năng lực nhà thầu thi công không phù hợp, nhà thầu không có hệ thống quản lý chất lượng, trình độ năng lực đạo đức nghề nghiệp của tư vấn giám sát và nhà thầu kém; Sử dụng vật liệu và chế phẩm xây dựng không phù hợp yêu cầu của thiết kế; Áp dụng công nghệ thi công mới không phù hợp, không tính toán đầy đủ các điều kiện sử dụng; Biện pháp thi công không được quan tâm đúng mức dẫn đến sai phạm, sự cố…

Mục tiêu quan trọng nhất của bất kỳ cuộc điều tra sự cố công trình hay điều tra sự xuống cấp sớm là tìm nguyên nhân kỹ thuật của sự việc đó để từ đó tìm ra bài học để những sự cố, sự xuống cấp đó không xảy ra trong tương lai. Khi đã có nguyên nhân được xác định một cách khoa học, khách quan, chính xác thì việc phân định lỗi của tổ chức, cá nhân.

Theo quy định tại Điều 48, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) cũng quy định, phân cấp trách nhiệm để giải quyết sự cố.

Để giải quyết và khắc phục sự cố công trình xây dựng, tại Điều 119, Luật Xây dựng 2014 cũng quy định cụ thể như sau: Trong quá trình thi công xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng công trình nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm sau:

Kịp thời yêu cầu dừng thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; Thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; thông báo kịp thời cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có liên quan; Bảo vệ hiện trường, trừ trường hợp phải khắc phục khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại.

Khi phát hiện, được thông báo về sự cố công trình, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau: Thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố; Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình. Công trình có sự cố chỉ được thi công xây dựng hoặc tiếp tục vận hành, khai thác sử dụng khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết sự cố cho phép.

Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan, bị xử lý vi phạm hành chính; Cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Vũ Huyền

(Báo Xây dựng)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...