Đã mấy ai khẳng định xây dựng công trình xanh có chi phí thấp hơn so với công trình thông thường? Liệu đã có bao nhiêu người tin rằng công trình Net Zero chính là mục tiêu tất yếu của con người thời đại văn minh hiện nay? Cuộc trò chuyện của Tạp chí Xây dựng cùng chuyên gia ThS.KTS.KS Trần Thành Vũ - CEO công ty TNHH Edeec, kiêm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu & ứng dụng công nghệ (IRAT) phần nào chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội trong lộ trình hướng đến Net Zero của Việt Nam.
Từ công trình "Green" đến công trình "Net Zero"
Thưa ông, thực tiễn phát triển Công trình Xanh hiện nay ở nước ta mới cũng chỉ đang ở giai đoạn đầu, nay lại tiếp tục đặt ra mục tiêu xa hơn, đó là Lộ trình phát triển Công trình Xanh hướng tới công trình Net Zero. Liệu đây có phải là một viễn cảnh quá sức so với hiện thực ở Việt Nam?
- Chúng ta đang ở trong bối cảnh cần có nhiều Công trình Xanh (CTX-Green Building-GB) là công trình hướng tới thiết kế, xây dựng, vận hành thân thiện môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo không gian sống tiện nghi cho người sử dụng trong cả vòng đời.
Còn công trình Net Zero là những công trình cân bằng về phát thải khí nhà kính, trước khi đạt tới công trình này cần đạt công trình cân bằng năng lượng (Net Zero Energy Building-ZEB). Nghĩa là tổng lượng năng lượng mà tòa nhà sử dụng hàng năm bằng với lượng năng lượng tái tạo được tạo ra tại chỗ hoặc bởi các nguồn năng lượng tái tạo từ bên ngoài.
Như vậy, có thể thấy, ZEB chính là sự phát triển cao hơn của CTX do mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc của công trình vào hệ thống cung cấp năng lượng chung, đặc biệt là nguồn điện. Nguồn điện này thông thường là một nguồn phát thải khí nhà kính, gây nóng lên toàn cầu với hậu quả là những cơn bão như vừa qua.
Đây là xu hướng tất yếu của con người trong tương lai để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Cho dù, một số người có thể cho rằng đây đang là mục tiêu quá sức so với năng lực hiện tại nhưng vì tính tất yếu của nó nên chúng ta đã cam kết mục tiêu thực hiện tới 2050 và tôi tin rằng đã có sự đánh giá khả thi.
Cân bằng năng lượng cho mỗi công trình, vâng, nghe thì dường như ai cũng mong muốn nhưng khi bắt tay vào cho từng dự án, chông gai không phải ít, đúng không ạ?
- Bạn có thấy sự tàn phá cơn bão số 3 (Yagi) vừa diễn ra ở nước ta không? Thật khủng khiếp! Rồi những diễn biến bất thường về khí hậu, thiên tai xảy ra nhiều nơi ở các quốc gia khác nhau ngày càng có tần suất dày đặc hơn…
Suy cho cùng thì đấy là những hậu quả của việc thiếu kiểm soát phát thải CO2 và các loại khí nhà kính của loài người, bao gồm cả hoạt động sử dụng và sản xuất năng lượng.
Chính vì thế, định hướng Net Zero Energy cùng lộ trình giảm phát thải CO2 là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới.
Trước xu thế này, việc thiết kế tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án, đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng… hướng tới hiện thực hóa cam kết trên.
Chông gai chắc chắn là có, nhưng tôi không nghĩ là không thể. Chúng ta đã có kiến thức, có con người cần cù thông minh, có chủ trương đúng đắn, giờ chỉ cần cụ thể các chủ trương hơn nữa là mọi thứ sẽ vận hành.
Trở lại ngành Xây dựng của chúng ta. Theo tính toán, lĩnh vực xây dựng và các toà nhà tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu chúng ta không có những nỗ lực phát triển ZEB thì lấy gì để hỗ trợ cho cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về việc sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050? Như vậy càng khẳng định rằng, đây là việc mà chúng ta phải làm! Tôi nhớ là tổ chức UNOPS ví von rằng việc thực hành tiết kiệm năng lượng chặt chẽ giống như xây một nhà máy điện xanh khổng lồ vậy.
Những việc này không đơn thuần chỉ là đáp ứng các cam kết quốc tế, mà việc này sẽ đem lại lợi ích quốc gia rất lớn về hiệu quả kinh tế cũng như phát triển nội lực khoa học kỹ thuật. Chông gai là thử thách, vượt qua chông gai sẽ tới cánh cửa hoá rồng.
Về lý thuyết, tòa nhà ZEB, còn được gọi là tòa nhà Net Zero Energy (NZE), là tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng bằng 0. Nghĩa là tổng lượng năng lượng mà tòa nhà sử dụng hàng năm bằng với lượng năng lượng tái tạo được tạo ra tại chỗ hoặc bởi các nguồn năng lượng tái tạo từ bên ngoài. Đấy là về lý thuyết. Nhưng trong thực tiễn, những yếu tố nào giúp công trình đạt được Net Zero Energy, thưa ông?
- Theo tôi, đôi khi một số người đang hiểu “mức tiêu thụ năng lượng bằng 0” đồng nghĩa với không phải trả tiền điện, cách hiểu này chưa đúng, khái niệm NZEB nên được hiểu theo nghĩa cân bằng thì đúng hơn, đôi khi thời tiết không thuận lợi, ta vẫn dùng điện lưới, lúc thời tiết đủ tốt, có thể thừa điện thì sẽ tích vào pin hoặc phát trả lại lưới (cục bộ hoặc quốc gia) để dùng cho việc khác. Cân bằng là giữa sử dụng và trả lại bằng nhau.
Hiện nay, có tới 99% công trình của Việt Nam vẫn làm theo cách truyền thống, trong khi đó vấn đề hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng năng lượng đang rất cấp thiết, thì lại chưa có cơ chế để kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thậm chí là đang xảy ra lãng phí trong đầu tư và vận hành.
Điều này khiến các CTX đạt được mức LEED Platinum ở Việt Nam hiện nay còn rất hiếm bởi hầu hết thiết kế thiết kế theo quy trình cũ, rồi chạy mô phỏng năng lượng để chứng minh thiết kế đó đã đủ tiêu chí xanh, chứ không phải là tập trung thực hiện thiết kế năng lượng cho tòa nhà. 2 cách làm này cho hiệu quả kinh tế năng lượng là hoàn toàn khác nhau.
Chính vì vậy, những công trình hiệu năng cao và siêu tiết kiệm năng lượng chưa xuất hiện và cũng chưa có sự yêu cầu rõ ràng nào từ phía các chủ đầu tư, ngoài việc yêu cầu toà nhà phải có tờ giấy chứng chỉ.
Cho nên để đạt được Net Zero Energy thì cần cần nhân lực kỹ thuật cao, tính toán chính xác. Cần chủ đầu tư “chuẩn”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cần các khuyến khích cụ thể, hấp dẫn cho cả tư vấn và cho cả chủ đầu tư.
Ý ông là để đạt được công trình Net Zero thì trước hết, công trình phải vượt qua các tiêu chí của CTX?
- Đúng vậy! Trước khi chúng ta đến được công trình Net Zero thì phải đạt được mục tiêu về CTX đúng nghĩa đã, là xanh với 3 lợi ích cốt lõi, đó là: (1) Tối ưu hóa chi phí đầu tư, giảm thiểu chi phí vận hành; (2) Hiệu quả năng lượng cao hoặc rất cao; (3) Kiểm soát được tiện nghi công trình. Đạt được 3 điểm này là xanh rồi, việc này không đồng nghĩa với phải có tờ giấy chứng chỉ nhé.
Hiện 3 nội dung này vẫn đang là điểm yếu tại Việt Nam do thiếu chuyên ngành đào tạo, chúng ta mới có kỹ sư thiết kế điều hoà thông gió thôi, nhưng kỹ sư thiết kế nhiệt, năng lượng toà nhà là một hạng mục công việc chưa tồn tại nhưng liên quan chặt chẽ tới phân bổ tài chính công trình, quyết định thiết kế và chất lượng tiện nghi sử dụng.
CTX của Việt Nam hiện nay thường là tập trung vào mục đích lấy chứng chỉ, phục vụ mục đích thương mại của chủ đầu tư chứ thực chất chưa có mấy chủ đầu tư yêu cầu tư vấn phải đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng là bao nhiêu % (ví dụ 40% so với mốc cơ sở của LEED chẳng hạn).
Với mục đích này thì đạt được chứng chỉ xanh không cần nhiều tính toán, chủ yếu là phải học thuộc yêu cầu và quy trình của LEED, sau đó ra bảng yêu cầu (checklist) cho chủ đầu tư, tư vấn thiết kế. Không cần hỗ trợ chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế thực hiện bài toán kinh tế năng lượng công trình.
Bởi vậy thiết kế nhiệt, HVAC, năng lượng chưa liên kết được chặt chẽ với bài toán tài chính. Nhưng phải qua các tính toán đó mới có sự so sánh lựa chọn phương án, giúp hỗ trợ ra quyết định để đạt tối ưu về chi phí. Với cách mà chúng ta đang làm thì thông thường sẽ tăng chi phí đầu tư.
Thực tế về CTX của Việt Nam sau 15 năm phát triển, chúng ta vẫn chủ yếu làm sao có được tờ giấy chứng chỉ, bởi vì với cách làm hiện tại thì ra được tờ giấy chứng chỉ cũng không dễ.
Điều này đã gây ra tâm lý nghi ngại cho các chủ đầu tư về sau. Đâu đó vẫn còn rào cản trong quá trình phát triển CTX, mà lo ngại nhiều nhất là tăng chi phí đầu tư, còn chi phí hoàn lại trong dài hạn không rõ ràng, lại còn có thể kéo dài tiến độ.
Cứ như cuộc đua vượt chướng ngại vật! Như vậy, sau đó là những gì mà chủ đầu tư cần phải quan tâm?
- Để công trình đạt được Net Zero Energy thì trước hết, chủ đầu tư cần phải chú ý đến thiết kế công trình đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cao nhất có thể, đặc biệt là giảm thiểu chi phí cho các hệ thống kỹ thuật, việc này cần năng lực tính toán tính xác mới có thể làm tốt được - Ở Việt Nam, ở mức độ đại trà, chúng ta thậm chí còn chưa làm tốt được việc này.
Sau đó phải tính dự báo tiện nghi sử dụng (chiếu sáng, nhiệt độ, độ ẩm, gió, bức xạ nhiệt, thậm chí cả âm thanh)…giúp đảm bảo sức khoẻ và sự thoải mái cho người sử dụng;
Có một số khâu chuyên biệt hơn nữa như tính toán lựa chọn thiết bị và thiết lập vận hành tối ưu dựa trên các số liệu về hiệu quả kinh tế, đặc trưng thiết bị sẽ lắp đặt... là các hạng mục chưa được biết đến trong quá trình thiết kế hiện nay.
Đây là những công việc thuộc chuyên môn của kỹ sư nhiệt, năng lượng toà nhà, anh ta sẽ cân đối cả bài toán tài chính đầu tư nữa. Các công việc này cần được lồng ghép vào quá trình triển khai thiết kế giúp đem lại hiệu quả tối đa cho nhà đầu tư, thậm chí với công trình dưới 5 tầng là có thể đạt được mức Net Zero Energy chỉ với phần mái được phủ tấm pin năng lượng mặt trời.
Làm được việc này rồi thì việc thêm vài hạng mục xanh dễ, đơn giản để có được tờ giấy chứng chỉ không có khó khăn gì nữa. Bởi vì để có được chứng nhận LEED Net Zero Energy thì trước hết công trình sẽ phải đạt chứng nhận xanh LEED đã, các hạng mục xanh dễ dàng triển khai có thể thấy như: Thiết kế tích hợp, đếm đủ các tiện ích xung quanh công trình trong bán kính quy định; Bố trí các trạm sạc cho xe điện; Giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình xây dựng; Bố trí không gian mở; Thu gom, tái sử dụng nước mưa; Giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt; Giảm thiểu ô nhiễm chiếu sáng vào ban đêm; Giảm sử dụng nước trong nhà và nước sân vườn; Lắp đặt các đồng hồ đo nước cho các hệ thống chính; Lắp đặt các đồng hồ đo năng lượng; Sử dụng năng lượng tái tạo; Quản lý hút thuốc bên trong và bên ngoài công trình; Sử dụng các vật liệu low-VOC…
Nhưng tất nhiên, vẫn có thể đạt công trình Net Zero Energy mà không cần chứng chỉ gì cả, tư vấn và chủ đầu tư có thể tự khẳng định bằng dữ liệu đo đếm tại công trình. Việc này giống như một cô gái đẹp, đẹp và đáng yêu, thông minh sẵn rồi, cũng không nhất thiết phải đi thi để có thêm danh hiệu hoa hậu, á hậu làm gì.
Có vẻ những vấn đề về kỹ thuật khó nêu trên đang là điểm còn thiếu của các công trình tại Việt Nam?
- Từ thực tiễn hoạt động của mình, chúng tôi nhận thấy, hiện tại, Việt Nam vẫn chưa phổ biến các công cụ và phương pháp tính hiện đại giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế năng lượng từ giai đoạn thiết kế của công trình.
Việt Nam đang trong dòng chảy phát triển của lĩnh vực công trình xây dựng thân thiện môi trường. Vì vậy, chúng ta cần đưa vào quy trình thiết kế các bước nghiên cứu, tính toán sâu các chi tiết kỹ thuật, nhiệt, năng lượng… nhằm tạo ra nhiều công trình tiện nghi hơn với hiệu quả đầu tư cao hơn đáng kể, thậm chí là đạt LEED platinum nhưng giảm chi phí đầu tư so với mặt bằng hiện tại.
Hiện nay, các tính toán tiện nghi nhiệt phổ thông đang dừng ở bảng kiểm kết quả công suất hệ thống điều hoà, trong khi quá trình tính công suất này thường không được kiểm tra kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh. Việc xem xét kỹ quy trình thực hiện thiết kế nhiệt, năng lượng, hiệu quả đầu tư, chi phí vận hành… bằng số liệu lượng hoá sẽ giúp đảm bảo tiện nghi công trình cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Chúng tôi cung đang có 1 số nỗ lực phối hợp với vài trường Đại học để từng bước khắc phục vấn đề này, nhân lực kỹ thuật cao luôn luôn là vấn đề dài hạn, và cũng rất mong các cấp để tâm hơn nữa, vì đây là vấn đề quan trọng số 1 cho hành trình Net Zero.
Cốt lõi là vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng
Chi phí cao đang là nỗi lo ngại của các chủ đầu tư khi phát triển CTX ở Việt Nam. Ông sẽ thuyết phục các chủ đầu tư như thế nào đây?
- Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy làm CTX có thể đạt được với chi phí thấp hơn so với công trình thông thường. Điều quan trọng là cần thay đổi cách nghĩ của chủ đầu tư. Hiện tại, theo thông tin từ Hệ thống đánh giá CTX trên thế giới và Việt Nam thì chi phí đầu tư xây dựng CTX trong khoảng 2 - 8%.
Nhưng đây là thế giới, nơi mà họ có ít sự lãng phí, còn ở Việt Nam thì nếu không lãng phí thì sẽ giảm chi phí đầu tư, đây là điểm then chốt để chúng ta đi được xa hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Mà thông thường là như vậy, phải hiệu quả hơn thì mới có tiền mà làm bền vững hơn được.
Có thể thấy, trong lộ trình phát triển CTX hướng tới công trình Net Zero hiện nay, không ít doanh nghiệp còn phân vân khi quyết định đầu tư phát triển các CTX do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng, thiết bị hiệu quả cao tiết kiệm năng lượng còn khó khăn và thiếu nhân lực đủ am hiểu để đưa vào sử dụng, dù đã có không ít sản phẩm trên thị trường.
Vấn đề quan trọng là làm sao phối hợp tổng hoà những thứ đã có trên thị trường vào bản giao hưởng kinh tế năng lượng toà nhà giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Vì vậy, để CTX tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng tiến tới mục tiêu Net Zero, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng. Khi có công trình khắc phục được rồi, thì cần làm truyền thông cụ thể về giải pháp, lợi ích đem lại, sẽ đem lại sự lan toả rất lớn.
Để hóa giải áp lực chi phí trong việc phát triển CTX, chuyển đổi xanh nên hướng tới thực hiện công trình thân thiện môi trường từ các lợi ích cốt lõi của thiết kế, thay vì thiết kế theo quy trình cũ rồi bổ sung thêm các đầu mục xanh dễ để lấy điểm nhằm đạt chứng chỉ.
Lợi ích cốt lõi của thiết kế bao gồm: Tối ưu chi phí đầu tư để giảm giá thành, tăng cao tối đa có thể hiệu quả năng lượng trong điều kiện chi phí cho phép, song song với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong tòa nhà.
Quy trình này sẽ giúp dự án đạt được các bước tiến quan trọng về tối ưu chi phí, giảm sử dụng điện, tăng tiện nghi cho người dùng và đạt tiêu chuẩn CTX, thậm chí công trình Net Zero Energy.
Còn đối với những chủ đầu tư dự án chỉ làm hiệu quả năng lượng, không lấy chứng chỉ xanh, quy trình cũng tương tự, chỉ không cần đưa ra tiêu chí bảng điểm, bỏ qua thu thập và nộp hồ sơ chứng chỉ xanh.
Hiện nay, đã có một vài chủ đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí xanh nhưng không lấy chứng chỉ xanh, lợi ích về tài chính sẽ là tối đa. Như vậy, vẫn đảm bảo công trình đáp ứng các tiêu chí bền vững, và khi đang triển khai mà có nhu cầu, họ chỉ cần nộp hồ sơ để có được chứng chỉ.
Thực tiễn với nhiều công trình xây dựng đang hiện hữu ở Việt Nam, dường như việc kiểm soát vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng của chúng ta vẫn còn mông lung?
- Đúng, đây là thực tế! Theo tôi, để chi phí đầu tư không bị lãng phí và tiết kiệm nhất cho công trình, dù ở vùng khí hậu nào, vật liệu ở địa phương nào… mọi công trình đều phải được thiết kế lớp vỏ bao che tốt, phù hợp khí hậu và liên kết được tính chất tốt của vỏ bao với hệ thống kỹ thuật bên trong công trình - Điểm liên kết này đang là chỗ yếu trong quy trình thiết kế hiện hành.
Nếu không làm được điều này sẽ dẫn đến chi phí đầu tư bị lãng phí, sự lãng phí đầu tư dẫn đến lãng phí về năng lượng trong quá trình vận hành của tòa nhà. Đây chính là thực trạng tồn tại ở Việt Nam, thậm chí tồn tại ở cả khu vực Đông Nam Á nói chung, nhưng chưa được các chủ đầu tư thực sự lưu tâm đến.
Nếu chúng ta cắt giảm được sự lãng phí này, sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả kinh tế cho công trình, cả dài hạn và ngắn hạn. Bởi vì do bị tính thừa, tính lãng phí, nên thiếu tiền để đầu tư cho thiết bị có chất lượng và hiệu suất cao. Loại bỏ lãng phí đi thì sẽ có chi phí cho vật liệu, thiết bị hiệu suất cao hơn, đây là lợi ích kép cho các chủ đầu tư mà ít người biết đến.
Với xu hướng hiện nay, nếu xác định hướng đến Net Zero thì phải sử dụng năng lượng hiệu quả nhất có thể, vì phát thải của tòa nhà trong suốt vòng đời công trình chiếm tới 60 - 75% tổng phát thải của công trình.
Thực tế hiện nay, chúng ta không có thói quen tính dự báo chi phí vận hành, đó là bài toán đầu tư thiếu số liệu, đặc biệt với các toà nhà yêu cầu vận hành cao như bệnh viện, khách sạn, văn phòng, nhà máy có yêu cầu kiểm soát môi trường chặt chẽ.
Ở các nước phát triển, dự báo sử dụng năng lượng, tính toán phát thải và chi phí vận hành tòa nhà phải được thẩm tra, và có sự kiểm soát chặt trong quá trình cấp phép xây dựng, không cần biết công trình đó có lấy chứng chỉ xanh hay không…Còn hiện nay chúng ta chưa kiểm soát dự báo tiệu thụ năng lượng ở khâu cấp phép xây dựng.
Nếu làm theo xu hướng này, các dự án khi thiết kế sẽ phải dự báo năng lượng rất kỹ, bất kể công trình đó có thực hiện chứng chỉ xanh hay không, việc này sẽ tạo ra ngành nghề mới. Nghề này sẽ giúp giải bài toán tối ưu về đầu tư cho chủ đầu tư và cho người sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư bất động sản nói chung cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho người dùng cuối.
Theo ông, đây có phải vấn đề cốt lõi mà chủ đầu tư muốn công trình hướng tới Net Zero cần phải quan tâm?
- Đúng vậy, đôi khi CTX được hiểu là đã bao gồm hiệu quả năng lượng, nhưng không có gì chắc chắn cả. Thiết kế để đạt hiệu quả năng lượng tối đa là một dạng nỗ lực thiết kế khác hẳn.
Nhìn chung công trình có chứng chỉ xanh không có nghĩa là công trình được tối ưu về hiệu suất sử dụng vốn đầu tư, hay giảm thiểu sử dụng năng lượng và chi phí vận hành.
Trước đây, toà có thể chỉ cần tiết kiệm năng lượng tối thiểu 3 - 5%, hiện nay tối thiểu là khoảng 8 - 10% (tính theo mốc cơ sở của LEED), tuỳ dạng công trình, rồi bổ sung các hạng mục dễ là có thể đạt chứng chỉ xanh LEED.
Việc tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững mà còn là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên.
Theo tôi, với chủ đầu tư đang mong muốn hướng tới Net Zero thì việc thiết kế hiệu quả năng lượng song hành với đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải.
Do đó, để đạt hiệu quả cao với công trình mới, chúng ta rất cần các số liệu kỹ thuật có liên kết với tài chính công trình. Tư vấn có năng lực tính toán kỹ thuật về nhiệt, năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chi phí, thậm chí hỗ trợ cả tối ưu về kết cấu, rồi tối ưu hệ thống điều hoà, hệ thống điện… bằng cách đưa ra các giải pháp để đảm bảo chi phí đầu tư vào các hệ thống này, tới mức nhỏ nhất có thể.
Tiếp nữa là các vấn đề sâu hơn liên quan hiệu quả tài chính năng lượng khi đứng giữa các lựa chọn thiết kế khác nhau như chọn vật liệu, thiết kế giải pháp che nắng, lựa chọn giải pháp điều hoà, thiết kế giải nhiệt dàn nóng VRF, lựa chọn thiết bị, lập số liệu cho kịch bản vận hành...
Đây là các hạng mục cốt lõi của công trình hiệu năng cao, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có nhu cầu, thông thường chủ đầu tư sẽ nghĩ làm sao có phối cảnh đẹp, ra bản vẽ thi công thật nhanh, chứng chỉ xanh… Rất tiếc là thị trường hiện chưa tồn tại nhu cầu cần phải tính chuyên sâu các hạng mục này.
Các tính toán dạng này cũng là chìa khoá để phân tích hiệu quả kinh tế năng lượng toà nhà khi thực hiện nâng cấp hiệu quả năng lượng cho công trình đang vận hành. Một số trường hợp chỉ cần tính toán lại kịch bản điều khiển là đã giảm được chi phí vận hành, gần như không tốn kém gì lớn.
Đứng ở góc độ nhà tư vấn kỹ thuật, ông có lời khuyên nào với các chủ đầu tư để khắc phục tình trạng này?
- Tôi cho rằng, chủ đầu tư nên đưa ra các yêu cầu thiết kế chặt chẽ hơn, thay vì chỉ yêu cầu chung chung kiểu như phải xanh, phải thân thiện môi trường, tốt hơn hết là nên có các số liệu cụ thể trong đề bài về hiệu quả năng lượng, tính toán giảm phát thải, tính toán tác động môi trường của vòng đời công trình...
Nói chung không dễ, cho nên cứ bắt đầu từ việc làm tốt nhất về hiệu quả năng lượng và tối ưu chi phí đã. Ví dụ: Cần giảm 40% sử dụng năng lượng so với quy định của LEED hoặc LOTUS, chưa cần biết có đăng ký chứng chỉ hay không. Để thực hiện được một câu này thôi cũng sẽ là nỗ lực lớn của đội ngũ thiết kế.
Để thay đổi được điều này, trước hết cần nhìn nhận thói quen từ lâu nay, chúng ta thường chưa chú trọng đến chi phí cho tư vấn. Trong khi chi phí thêm cho tư vấn thực hiện tính toán tối ưu hoá là không đáng kể so với những gì chủ đầu tư có thể tiết kiệm được khi so sánh giữa công trình được tối ưu hoá và công trình thiết kế thông thường, theo kiểu tính toán rất ít, tập trung làm sao vẽ thật nhanh để đem ra thi công.
Tâm lý của phần lớn các chủ đầu tư muốn khoản chi phí cho tư vấn nhỏ nhất có thể, nhưng chính vì quan niệm đó dẫn đến chi phí cho các hệ thống kỹ thuật về sau lớn hơn rất nhiều so với việc bỏ ra một khoản nhỏ chi phí ban đầu để đầu tư vào tư vấn tối ưu thiết kế.
Như vậy, sự tiết kiệm ban đầu này đã “phản bội lại chính mình”. Câu chuyện ở đây cần giải quyết là “đả thông” tư duy của chủ đầu tư để họ sẵn sàng chi trả thêm cho tư vấn một cách xứng đáng, và chi trả theo bậc thang sẽ làm cho động lực để nỗ lực là cao nhất.
Ví dụ: Tiết kiệm năng lượng 20%, 30%, 40%, 50% thậm chí đạt tới Net Zero Energy nhưng chi phí đầu tư các hệ thống kỹ thuật là giảm so với công trình tương tự thì tư vấn sẽ đạt được các mốc chi trả khác nhau.
Tôi nghĩ, tâm lý ngại áp dụng cái mới đã khiến sự đổi mới, sáng tạo còn dè dặt. Nếu không đả thông thì làm sao đưa được sự đổi mới sáng tạo vào trong đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế thật?
Đây chính là những điều chúng ta cần khắc phục và thúc đẩy bằng sự khuyến khích từ chính sách theo cách tốt nhất để cho các chủ đầu tư dám làm. Và sự khuyến khích này nên được bắt đầu từ các công trình có vốn nhà nước để thí điểm thống kê về hiệu quả thực, sau đó là truyền thông và áp dụng rộng rãi.
Cần một khung chính sách hoàn thiện để thực thi
Theo lộ trình, năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon, đến năm 2028 sẽ chính thực vận hành. Đây có được coi là thách thức lớn, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy phát triển công trình Net Zero Energy không thưa ông?
- Có thể nói chiến lược Net Zero đem lại cơ hội lớn trong dài hạn cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân về nhiều mặt, như là hiệu quả kinh tế, nhân lực, môi trường... Chính phủ có thể xem xét việc áp dụng chính sách hỗ trợ vốn, thuế, thưởng trực tiếp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường trong các ngành chủ chốt.
Theo lộ trình, khi những ưu đãi về chính sách được hình thành, vd hiện tại đã có một vài ngân hàng áp dụng ưu đãi lãi suất. Có thể các ưu đãi khác như giảm thuế, thưởng trực tiếp cho chủ đầu tư, cho đơn vị thiết kế, giảm giá điện trong 3 - 5 năm, tài trợ truyền thông cho các dự án đặc thù như các công trình ZEB, công trình siêu tiết kiệm năng lượng… thì việc triển khai các công trình dạng này trong xây dựng có thể sẽ là cơ hội cho những chủ đầu tư tiên phong trong xu thế phát triển bền vững mà cả thế giới đều đang mong muốn hướng tới.
Hiện tại vài ngân hàng đã có chương trình ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp phát triển CTX, nhưng còn chưa có định hướng rõ ràng cho Net Zero, đây cũng là mảng mà các ngân hàng sẽ cần tư vấn chuyên sâu hơn về phương thức giải ngân, không đơn thuần là cứ có chứng chỉ công trình xanh thì sẽ được nhận vốn xanh.
Do đó, phần tài trợ vốn của ngân hàng hay những ưu đãi về thuế cũng nên đưa ra những điều kiện kiểm soát về năng lượng, giảm phát thải thay vì chỉ thiết kế để đạt chứng nhận xanh. Và rất nên làm theo dạng bậc thang.
Tức là, nếu chủ đầu tư nỗ lực giảm năng lượng, giảm phát thải càng nhiều thì sẽ càng nhận được nhiều ưu đãi từ phía ngân hàng, thậm chí có thể khuyến khích đặc biệt không lãi suất với những toà nhà điển hình về hiệu năng cao.
Vậy là, đã đến lúc chúng ta cần có một công cụ, cơ chế giám sát hay một khung pháp lý để việc thực thi các cam kết nói chung cũng như mục tiêu phát triển CTX hướng đến Net Zero được chặt chẽ?
- Vấn đề này tôi thấy Chính phủ cũng như các Bộ ngành ở từng lĩnh vực đã và đang xây dựng các nội dung pháp lý gắn với mục tiêu chung mà Việt Nam cam kết.
Với lĩnh vực toà nhà, trong quá trình cấp phép xây dựng, chúng ta mới chỉ tập trung vào việc toà nhà đó có thể “vận hành” được không, chữ vận hành được nên được hiểu theo nhiều nghĩa. Nhưng đó chỉ là một phần, bởi phát thải lớn nhất của một công trình lại là giai đoạn vận hành.
Đây mới chính là giai đoạn cần phải giám sát rất chặt chẽ trong suốt vòng đời của nó. Mà để hiệu quả cao thì giám sát thiết kế, giám sát dự báo sử dụng năng lượng sẽ là yêu cầu số 1.
Từ lâu, Bộ Xây dựng đã hướng tới sử dụng mô hình công trình (BIM) là công cụ thiết kế cũng như công cụ quản lý, nhưng nhánh khác của BIM là BEM - kiểm soát về năng lượng và tài nguyên, hiệu năng vận hành của công trình - thì chúng ta lại có rất ít chương trình và đề tài nghiên cứu.
Ở các nước phát triển thì BEM (Building energy modeling) giúp hỗ trợ thiết kế chính xác, đạt hiệu quả kinh tế cao đã được nghiên cứu ứng rất nhiều, rất sâu (có lẽ phải khoảng hơn 100 năm rồi), sau đó mới đến BIM.
Bởi vậy chúng ta cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo về BEM để hoạch định cho từng công trình, và đây cũng là công cụ để hỗ trợ hoạch định các chính sách sử dụng năng lượng trong ngành Xây dựng hiệu quả hơn.
Nếu kiến trúc sư, kỹ sư biết sử dụng công cụ BEM sẽ hỗ trợ cho thiết kế rất nhiều. Thay vì việc chỉ quan tâm đến hình thái, thẩm mỹ của ngôi nhà để chốt với chủ đầu tư thì tư vấn sẽ chỉ cho chủ đầu tư những lợi ích tài chính hết sức cụ thể thông qua các kết quả của BEM.
Với vai trò là nhà tư vấn và thiết kế, chúng tôi cũng đã có thí điểm đào tạo Đại học để phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Đây là một nỗ lực nhỏ để cải thiện vấn đề về nguồn nhân lực thiết kế chất lượng cao, cho Việt Nam cũng như cho chính sự phát triển của chúng tôi.
Ở thời điểm này, ông thấy những khó khăn chủ yếu trên Lộ trình phát triển CTX hướng tới công trình Net Zero gồm những yếu tố gì?
- Hiện nay, mục tiêu của chủ đầu tư phần lớn chỉ là có được tờ giấy chứng chỉ, còn hiểu rõ chứng chỉ đó giúp giảm được phát thải bao nhiêu thì chưa, nhưng số lượng chủ đầu tư quan tâm tới công trình xanh đã nhiều lên rõ rệt trong 1 năm qua. Đây là tín hiệu rất tốt để tiến xa hơn tới mục tiêu Net Zero.
Trong lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero, có thể nói khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về lĩnh vực này. Xanh thì có thể làm để có chứng chỉ, nhưng Net Zero Energy sẽ cần có các bài toán chuyên biệt hơn về năng lượng, kỹ thuật, tài chính công trình thì mới làm được.
Tiếp đến, về khung chính sách, dù rất mừng là đã có, thậm chí có tới Thông tư hướng dẫn rồi, nhưng Thông tư vẫn chưa có số liệu rõ ràng để áp dụng, nên tôi nghĩ giới thiết kế cũng đang rất chờ đợi và hy vọng sẽ sớm có con số cụ thể.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có quy định về giới hạn mức tiêu thụ năng lượng theo dạng công trình. Khi thiết kế cần dự báo sử dụng năng lượng, thấp hơn mốc cho phép mới được cấp phép xây dựng. Như vậy thì việc phát thải của công trình đã được dự báo ngay từ khi toà nhà còn đang trên giấy.
Tính dự báo dạng này rất quan trọng, nhưng có lợi nhất sẽ là chủ đầu tư vì họ được hỗ trợ ra quyết định với các số liệu lợi ích rõ ràng và tránh bị phạt khi công trình đi vào vận hành vượt quá mức cho phép.
Nhưng thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có yêu cầu nào dạng này, nên tình trạng lãng phí đầu tư kéo theo lãng phí vận hành vẫn còn tồn tại. Mong rằng thời gian tới sẽ có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Đánh giá của ông về mục tiêu thực hiện các công trình Net Zero của Việt Nam thời gian tới?
- Ở bình diện rộng, về cam kết của Chính phủ đến năm 2050 sẽ đạt được Net Zero, tôi tin chúng ta có thể đạt được mục tiêu này, nhưng cần phải chung tay thực hiện và nỗ lực về nhiều mặt, qua mới có thể chạm đích Net Zero.
Hiện nay, do chưa hình thành thị trường thực sự, nên cơ hội thực hành CTX là khá ít, nhất là với các văn phòng kiến trúc nhỏ. Nếu chưa có thị trường thì rất khó có thể đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050.
Do đó, Nhà nước cần tạo ra thị trường bằng cách đặt hàng và tiên phong làm công trình hiệu năng cao, tập trung tối đa vào hiệu quả năng lượng siêu cao và công trình Net Zero Energy. Đồng thời, cần tạo ra sự hấp dẫn với các chính sách khuyến khích như một số nước phát triển đã thực hiện rất thành công.
Nguồn lực con người là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Do đó, muốn phát triển bền vững cần phải tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Đây luôn luôn là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào.
Nhưng muốn có nguồn lực con người thì ngoài nghiên cứu ra còn phải tạo ra điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu có thể thực hành và đúc rút kinh nghiệm, từ đó nhà nghiên cứu mới có thể trở thành chuyên gia được.
Song song với đó thì chính sách khen thưởng, đãi ngộ thực chất cũng sẽ là động lực lớn để thu hút nhân tài, thay vì hiện trạng học sinh giỏi ứng tuyển gần hết vào các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị như hiện nay, điểm đầu vào các ngành kỹ thuật có vẻ càng ngày càng thấp. Như vậy thì nền kinh tế nói chung sẽ bị lệch và thiếu chắc chắn.
Thêm nữa cần nhìn nhận rõ vai trò của chính quyền. Nếu đi theo hướng Net Zero thì không thể thiếu vai trò của chính quyền và hoạch định các chính sách liên quan tới thưởng phạt mạnh mẽ.
Sự tham gia của chính quyền trong việc triển khai các toà nhà thân thiện môi trường bằng cách đưa ra các chương trình thí điểm, thử nghiệm thưởng phạt về lãi suất, thuế, giảm giá điện, thưởng trực tiếp cho người thiết kế, cho nhà đầu tư… có các cơ chế đó mới có thể có số liệu để thử nghiệm, xem xét mức độ phù hợp với thị trường, giúp tiến tới áp dụng trên diện rộng.
Mục tiêu của chúng ta hiện nay không chỉ là nhiều CTX mà đã chuyển thành mục tiêu hướng đến Net Zero. CTX chỉ là một phần trong câu chuyện Net Zero. Net Zero là mục tiêu tập trung chuyên sâu hơn nhiều… làm sao cân bằng được năng lượng, rồi giảm phát thải khi sản xuất, vận chuyển vật liệu, dùng năng lượng tái tạo hay mua tín chỉ carbon, trồng rừng, nuôi tảo để bù lại...
Đây là những phương thức mà chúng ta cần phối hợp, may đo cho từng toà nhà, từng khu phố, rồi tiến tới cả thị trấn, thành phố… Nhưng không thể nào thiếu được vai trò của kỹ sư thiết kế và phân tích kỹ thuật kinh tế năng lượng giúp hỗ trợ tối ưu về đầu tư. Nếu đầu tư sai, tính thừa… thì sẽ rất khó vì sẽ vô cùng tốn kém để đạt được mục tiêu này.
Trân trọng cảm ơn ông với cuộc trò chuyện thú vị này!
Thu Thảo thực hiện
Thiết kế: Nguyễn Thạc Cường
(Tạp chí Xây dựng)
- Lũ giảm nhưng ngập đô thị tăng ở ĐBSCL: vấn đề ở đâu?
- Doanh nghiệp Việt muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam…
- Tái thiết đô thị Hà Nội: Tạo lập “cơ chế niềm tin” giữa ba bên
- Để Làng cổ Đường Lâm trở thành Di sản văn hóa thế giới
- TS Đinh Thế Hiển: Nhà ở xã hội nhìn từ góc độ cung – cầu