Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Đối thoại Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội: Các chuyên gia nói gì?

Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội: Các chuyên gia nói gì?

Viết email In

TS Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: Do “lỗ hổng” trong công tác quy hoạch xây dựng
 
Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt ở Hà Nội đã trở nên phổ biến, đặc biệt trận mưa lớn vừa qua khiến cho đời sống sinh hoạt của người dân thủ đô gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nhận định nguyên nhân chủ yếu do lỗ hổng trong công tác quy hoạch xây dựng của TP.
 
Năm 2007, Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Xây dựng thanh tra toàn diện công tác quy hoạch xây dựng của Hà Nội. Qua đó, kết luận thanh tra đã nêu ra nhiều vấn đề mà các ngành chức năng có liên quan công tác quy hoạch xây dựng Hà Nội cần chấn chỉnh, ví dụ: hệ thống bản đồ quy hoạch 1/2000, 1/500 thiếu bản vẽ chính như quy hoạch không gian kiến trúc (thiết kế đô thị), các bản đồ quy hoạch hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật, cắm mốc chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ... Thanh tra xây dựng cho rằng đây là những bản đồ mang tính chất “linh hồn” của một đồ án quy hoạch xây dựng, thiếu bản vẽ này chưa gọi là đồ án quy hoạch xây dựng. 

Đặc biệt, trong quy hoạch xây dựng, để đảm bảo việc thoát nước, bất kỳ đô thị nào cũng phải có một cao độ chuẩn cho cả đô thị hoặc cho riêng từng khu vực. Cao độ chuẩn này đặc biệt quan trọng vì khi xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước, bao giờ cũng phải dẫn từ cao độ chuẩn với độ dốc từ 5 - 7% hoặc thấp hơn tuỳ theo địa hình từng đô thị để có thể đảm bảo nguồn nước thoát, nước mặt nước mưa tự chảy. Ở những điểm quá sâu so với mặt đất không cho phép nước thoát tự chảy thì phải có trạm bơm chuyển tiếp. Đặc biệt, trong đô thị phải xác định được có bao nhiêu hướng thoát nước để xây dựng những hồ chứa điều hoà, trong đó có hệ thống trạm bơm tính toán khi cần thiết để bơm thoát nước toàn đô thị tránh ngập lụt. 
 
Đáng tiếc trong kiểm tra quy hoạch những năm gần đây, TP Hà Nội không xác định được một cao độ chuẩn để từ đó xác định ra hướng thoát nước tự nhiên, đồng thời cùng chuyển giao cho một số cơ quan nhà nước quản lý và dời cốt xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Trong thoả thuận quy hoạch các KĐT mới như Mỹ Đình, Định Công, Pháp Vân..., TP không yêu cầu chủ đầu tư phải tôn cao khu vực cốt bao nhiêu, chủ yếu thoả thuận cốt cục bộ trên cơ sở mặt nền hiện trạng. Do đó, khi trời mưa, các đô thị vẫn ngập hơn so với khu phố cổ quanh Hồ Gươm. Qua kiểm tra sau nhiều đợt mưa, kết hợp các hồ sơ, chúng tôi thấy kết luận thanh tra là chính xác. Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra cho TP biết để khắc phục. TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các ngành liên quan nghiên cứu khắc phục tình trạng này. Nhưng tới nay, vấn đề  này chưa được khắc phục.
 
Người xưa đã tính toán kỹ lưỡng hướng thoát nước của đô thị khi xây dựng 36 phố phường và các vùng lân cận, mặc dù họ chưa có máy kinh vĩ, thủy chuẩn hiện đại như bây giờ. Ngày nay, khi Hà Nội mở rộng, các dự án về xây dựng đô thị hầu như ngập nước khi mưa lớn. Nếu không xác định ngay bây giờ cao độ xây dựng của các KĐT khớp nối với nhau, xác định hướng thoát nước của TP mở rộng thì trong tương lai, chúng ta sẽ không thể sửa chữa được. Có những KĐT mới phải tôn cao hàng mét hoặc nhiều hơn để đảm bảo cốt xây dựng TP, đảm bảo hướng thoát nước mà quy hoạch sẽ phải định ra.
 
 
TS.KTS Đỗ Tú Lan: Phải kiểm soát được hệ thống thoát nước
 
TS.KTS Đỗ Tú Lan, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng chiều 3/11 khi rất nhiều nơi của Thủ đô vẫn còn chìm trong nước. Bà Lan cho rằng:
 
Trước hết, có thể khẳng định việc Hà Nội được chọn là Thủ đô của nước ta là điều hết sức đúng đắn. Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực thoát nước, việc Hà Nội được bao bọc bởi các con sông lớn như: sông Hồng, sông Nhuệ và 1 hệ thống sông nhỏ như Tô Lịch, Kim Ngưu… một cách liên hoàn và các hồ điều hòa tạo sự cân bằng trong phát triển đô thị và đã ổn định nhiều năm trước mọi mùa mưa lũ.
 
Nếu so với trận ngập cách đây 24 năm thì có thể thấy những điều gì trong phát triển đô thị, thưa bà?
 
- Cách đây 24 năm Hà Nội cũng bị mưa to, cũng bị ngập nhưng thoát rất nhanh. Tức là chỉ bị ngập cục bộ rồi được giải quyết nhanh chứ không bị ngập trên diện rộng như thế này. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo tôi, với sự phát triển những năm 80 - 90, xu thế khắp nơi lấp hồ, ao để tạo quỹ đất một cách khá tự phát dẫn đến hàng ngàn héc-ta mặt nước bị lấn chiếm, bị lấp khiến hệ thống thoát nước tự nhiên bị thu hẹp dần dẫn đến sự mất cân bằng trong phát triển đô thị.
 
Như vậy liệu có phải Hà Nội bị ngập do công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa đúng tầm?
 
- Không hẳn như vậy. Có thể dễ dàng nhận thấy, khi tính toán quy hoạch, TP đã xác định ra các vấn đề nhưng từ quy hoạch đến thực hiện quy hoạch còn cần phải có tiền để thực hiện các quy hoạch đó hay không. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện các dự án đã triển khai mới chỉ đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu xây dựng, phát triển các dự án thoát nước đô thị TP.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận công tác quản lý quy hoạch xây dựng ở cơ sở thực sự có vấn đề. Bởi vậy, theo quy hoạch, ở nhiều khu dân cư, có công viên, hồ nước, vườn hoa… nhưng vì chưa có đầu tư nên không thực hiện được; thậm chí có chỗ còn mất đi. Hà Nội rất nhiều nơi bị như vậy.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển các dự án cao ốc, dự án đô thị mới hay nâng cấp đường giao thông không đúng cách cũng gây ngập úng?
 
- Đó cũng là một nguyên nhân. Tôi cho rằng, chính việc phê duyệt nhanh các dự án xây dựng nên chủ đầu tư, người cấp phép đã bỏ qua một số chỉ tiêu về thoát nước đã gây khó khăn cho thoát nước sau này… Ngoài ra, việc thu gom xử lý rác thải chưa triệt để cũng khiến hệ thống dòng chảy bị tắc dẫn đến ngập úng khi mưa đến.
 
Như vậy, để hạn chế ngập cho Thủ đô, theo bà cần làm từ đâu?
 
- Qua đợt mưa lũ vừa rồi, chắc chắn TP và các cơ quan phát triển cho TP phải có thống kê điều tra cơ bản, cấp bách về các hệ thống thoát nước, hệ thống cống chính để đảm bảo có kiểm soát dòng chảy dẫn ra cống chính trên địa bàn TP.
 
Theo tôi, cơ quan quản lý thoát nước TP phải kiểm soát bằng bản đồ, sơ đồ, bằng hệ thống thiết bị hiện đại. Cần có bản đồ thoát nước Hà Nội để quản lý mỗi khi cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư để đảm bảo dòng chảy. Ngoài ra, cần kiểm soát các cao độ TP hay nói cách khác là phải khống chế cốt nền một cách thống nhất.
 
Trong quy hoạch chung TP phải có quy hoạch chuyên ngành thoát nước một cách cụ thể để kiểm soát và có mạng lưới khống chế thoát nước để làm cơ sở xây dựng và quản lý lâu dài.
 
 
TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó cục trưởng Cục Phát triển Hạ tầng kỹ thuật: Ít đề cập đến quy hoạch thoát nước
 
Theo tôi, trận mưa lụt lớn vừa qua ở Hà Nội quá bất ngờ. Các nhà dự báo khí tượng thủy văn đã không dự báo được trước. Chính vì không dự báo được nên công tác chuẩn bị đối phó với mưa lớn bị động hoàn toàn.
 
Qua trận mưa này, người ta nói nhiều đến hiệu quả của Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, trong đó nhiều ý phàn nàn, chê trách. Đứng ở góc độ quản lý, cần phải nhìn nhận mục tiêu của dự án là gì? Đã triển khai được những gì? Từ đó mới đánh giá được hiệu quả của dự án.
 
Thông qua Dự án thoát nước Hà Nội qua giai đoạn 1, nhiều hệ thống sông hồ lớn của Hà Nội đã hoạt động tốt trở lại. Một số hồ, sông đã được nạo vét, kè bảo vệ, tạo cảnh quan như hồ Thuyền Quang, Định Công. Các sông Sét, Lừ, Kim Ngưu đã được khơi thông… Tuy nhiên, như đã nói, để nói chính xác hiệu quả của dự án phải đối chiếu với mục tiêu giai đoạn 1 mà dự án đề ra.
 
Trong khi người ta đặt nhiều câu hỏi đối với hiệu quả của Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 thì người ta lại ít đề cập đến quy hoạch thoát nước TP. Theo quy hoạch, TP sẽ có 3 trạm bơm nhưng hiện nay mới chỉ thấy trạm bơm Yên Sở hoạt động, các trạm bơm khác thì ít được nhắc đến. Nếu Hà Nội chỉ có một trạm bơm Yên Sở hoạt động thôi thì câu chuyện ngập lụt sẽ còn dài dài.
 
Với việc đầu tư không đồng bộ như hiện nay, xóa được điểm úng ngập này thì lại xuất hiện điểm úng ngập khác.
 
Về việc xây  dựng các công trình ngầm trong TP hiện nay có ảnh hưởng đến thoát nước TP hay không, tôi cho rằng sự ảnh hưởng tạm thời không đáng kể. Đồng thời có một hiện trạng đã được nhắc đến từ lâu là sự kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu đô thị chưa tốt, nhất là về thoát nước. Chính vì trong và ngoài khu đô thị không có cùng cao độ, không có liên kết nên thường gây ra úng ngập cục bộ. Mưa bình thường, có thể trong khu đô thị không ngập trong khi các khu bên cạnh ngập. Nhưng nếu mưa trên diện rộng thì cả trong và ngoài khu đô thị sẽ cùng ngập.
 
Về việc phần ngầm của tòa nhà C6 K2 Mỹ Đình bị ngập, tôi không đến hiện trường nên không thể nói cụ thể. Tuy nhiên, theo tôi, các tòa nhà các tầng cần bố trí các hộp kỹ thuật một cách hợp lý và tính đến yếu tố dự phòng. Thường thì hộp kỹ thuật, bao gồm cả hệ thống bơm tiêu thoát nước, nguồn điện các tòa nhà cao tầng đặt ở tầng hầm. Khi tầng hầm bị ngập, điện lưới mất, hệ thống bơm sẽ bị vô hiệu hóa. Nếu hộp kỹ thuật dự phòng bố trí ở vị trí hợp lý thì ngay cả khi mất điện trung tâm, tầng hầm của tòa nhà sẽ an toàn bởi nguồn điện dự phòng và máy bơm vẫn họat động, tầng hầm được bơm tiêu nước kịp thời.

>> Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được" 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3673 khách Trực tuyến

Quảng cáo