Ashui.com

Sunday
Dec 08th
Home Tương tác Đối thoại "Đô thị Việt Nam khá hỗn độn" - KTS Nguyễn Hữu Thái

"Đô thị Việt Nam khá hỗn độn" - KTS Nguyễn Hữu Thái

Viết email In

Tại hội thảo quốc tế về Việt Nam học, thảo luận của tiểu ban “Đô thị và đô thị hóa” đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả. Xung quanh những vấn đề nóng về phát triển đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (ảnh) đã chia sẻ những lo lắng về quá trình phát triển đô thị “trống rỗng về lý luận”:

- Tham luận tại hội thảo lần này, tôi muốn đề cập tác động của toàn cầu hóa đến quy hoạch đô thị. Do tác động của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, tại nhiều nước đã hình thành các thành phố toàn cầu, từ đó trên toàn thế giới hình thành mạng lưới đô thị toàn cầu. Điểm chung của các thành phố này là cái lõi kinh doanh, dịch vụ trung tâm, các nút giao thông lập thể, xa lộ băng ngang thành phố. Chúng là các công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh kinh tế, đáp ứng đòi hỏi của thị trường và lợi ích tài chính tư nhân. Tuy nhiên, lối quy hoạch đó đã từng làm hại môi trường lẫn chất lượng cuộc sống đô thị, mầm mống của nhiều bất ổn xã hội.

Những thách thức lớn

Theo ông, các thách thức của phát triển đô thị Việt Nam hiện nay là gì?

- Đô thị Việt Nam có chung các đặc trưng cơ bản của thành phố châu Á. Tuy vậy, vừa thoát khỏi chiến tranh và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nước ta vẫn còn là một nền kinh tế đang phát triển với một khu vực nông thôn to lớn. Quần cư đô thị Việt Nam thường xuất hiện với một thành phố hạt nhân luôn quá tải, bao quanh là nông thôn bao la mang nặng cơ cấu truyền thống với mặt bằng dân trí thấp. Trong cơn sốt phát triển theo kinh tế thị trường, đô thị Việt Nam như một công trường xây dựng lớn, khá hỗn độn. Thiên nhiên bị phá hủy, đất nông nghiệp bị lấn chiếm để xây dựng các khu công nghiệp, nhà ở ngoại ô và cả sân golf. Bùng nổ đầu cơ nhà đất đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, một yếu tố gây rối loạn nền kinh tế trong nước.

Các mặt yếu kém của đô thị xuất hiện ngày càng nhiều: ô nhiễm, nhà ổ chuột, úng ngập, tắc nghẽn giao thông. Không ít trung tâm lịch sử bị phá hủy như khu phố cổ Hà Nội, khu phố Pháp, phố Tàu cũ ở TP.HCM.

Trong tham luận, ông có đặt câu hỏi “đô thị Việt Nam: toàn cầu hóa hay phát triển bền vững”. Như vậy, phải chăng quá trình toàn cầu hóa có ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững?

- Toàn cầu hóa gây ra sự bất bình đẳng giữa các nước và trong lòng mỗi nước. Về mặt quy hoạch đô thị, nhiều dự án phát triển đô thị mới dựa trên cơ sở lý luận quy hoạch hiện đại chủ nghĩa phương Tây, thỏa hiệp với sức mạnh của lòng tham và lợi nhuận. Đô thị Việt Nam có chung những thách thức mà các đô thị của hầu hết các nước hiện nay phải đối mặt. Đó là sự phá hủy môi trường và lối sống địa phương chưa từng thấy do quá trình đô thị hóa. Đó là tình trạng dân nghèo đô thị - nạn nhân của sự giải tỏa đô thị và tái phát triển, những người không được hưởng phần chia công bằng đáng ra phải có từ lợi ích của sự phát triển. Mặt khác, còn có một sự trống rỗng của lý luận đô thị mới, phần nhiều các đô thị đang sao chép lại mô hình đô thị hiện đại của phương Tây.

  • Ảnh bên : Kiến trúc tuyến đường mới Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội)

Riêng trong lĩnh vực đô thị, phát triển bền vững nên được hiểu cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Một đô thị phát triển bền vững là đô thị mà trong đó con người sống hòa thuận với tự nhiên, hình thành các dải đô thị sinh thái chứ không phải đô thị công nghiệp. Thứ hai là trong đô thị đó phải có công bằng xã hội. Người nghèo, người mất đất ở đô thị vẫn khổ quá. Để quy hoạch đô thị phát triển bền vững, có kiến trúc sư Singapore đề xuất “phát triển đô thị theo đạo lý châu Á”. Kiến trúc sư người Malaysia S. W. Lim (nguyên chủ tịch khu vực châu Á của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế) cho rằng quy hoạch kiến trúc đô thị có tầm nhìn phải giải quyết được ba vấn đề: Phục hồi và sáng tạo lại quá khứ; tham gia vào xã hội hậu hiện đại toàn cầu và phát triển đô thị cho nhân dân theo các tiêu chí công bằng và bình đẳng.

Bảo vệ tương lai

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua ở Hà Nội đã gây ngập lụt lớn ở khu đô thị mới Mỹ Đình và Trung tâm Hội nghị quốc gia. Điều này khiến nhiều người lo lắng về chất lượng quy hoạch của các khu đô thị mới. Ông nghĩ gì về điều này?

- Theo tôi biết thì các khu đô thị mới có xây dựng hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, nước thoát khỏi khu vực đó thì thoát đi đâu khi rất nhiều hồ trong thành phố đã bị bê-tông hóa. Vấn đề là sự lúng túng trong quy hoạch tổng thể. Theo tôi, việc quy hoạch khu đô thị mới như ở Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) có thể là một kinh nghiệm mà các nhà quy hoạch, kiến trúc sư Việt Nam nên học hỏi. Nhà đầu tư Đài Loan thuê hẳn một công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trước rồi mới bắt tay xây dựng các khối nhà, công viên cây xanh, hồ điều hòa nước... Tôi thấy cách làm của họ khá bài bản.

Theo ông, nếu phát triển đô thị Việt Nam không nên sao chép lại quy hoạch hiện đại chủ nghĩa của phương Tây thì nên theo mô hình nào?

- Có thể học được những bài học phát triển đô thị từ các nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Á. Các kiến trúc sư hàng đầu ở Malaysia và Singapore đã thành công khi thiết kế nhà chọc trời xanh, mang tính nhiệt đới. Hong Kong là hình ảnh rõ rệt nhất của thành phố toàn cầu với hải cảng, nhà chọc trời và giao thông không ngớt. Nhưng nơi đây vẫn có bản sắc riêng của nó vì đằng sau nhà chọc trời là công trình thương mại, nhà ở gồm các khối nhà có hình thù, số tầng và quy mô khác nhau, mang bản sắc “phố Tàu”. Công tác chỉnh trang gọi là “hậu quy hoạch” ở thành phố này có ý thức và khá sáng tạo đã biến thành phố vừa hiện đại vừa mang bản sắc riêng.

Ông có kiến nghị cụ thể nào về hướng phát triển cho đô thị Việt Nam?

- Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm về phát triển đô thị ở các nước châu Á. Tìm cách biến sự phát triển chậm của mình thành thế mạnh và bảo vệ tương lai bằng cách phát huy chứ không nên làm lu mờ những đặc điểm lịch sử, di sản văn hóa, lý tưởng công bằng xã hội của mình trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc đô thị.

>> Nghề Kiến trúc - Thách thức và Hội nhập (tác giả: KTS Nguyễn Hữu Thái) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2328 khách Trực tuyến

Quảng cáo