Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại "Dự án khách sạn không có trong quy hoạch công viên Thống Nhất" - Ông Huỳnh Đăng Hy

"Dự án khách sạn không có trong quy hoạch công viên Thống Nhất" - Ông Huỳnh Đăng Hy

Viết email In
"Dự án khách sạn đang được xây dựng ở công viên Thống Nhất không có trong quy hoạch chi tiết... Nếu chính quyền Thành phố vì dân, vì môi trường sống của cộng đồng, vì cảnh quan của Hà Nội, thì nên yêu cầu dừng lại".  - Ông Huỳnh Đăng Hy (ảnh), Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Giải quyết dự án trên cơ sở quy hoạch nào?

Tại công viên Thống Nhất, dư luận đã từng đồng loạt lên tiếng phản đối xây dựng công trình giải trí Disneyland, nhưng sau 1 năm, người ta lại cho xây dựng tại đây một khách sạn. Ông có bình luận gì về việc này?

Việc này đã được làm lặng lẽ, thú thực là chúng tôi cũng không được cung cấp thông tin. Nhưng ngay sau khi nhận được tin báo là công trình này đã khởi công, chúng tôi lập tức xem lại và thấy đúng là công trình này đã được triển khai rồi.

Vì tình hình khẩn trương, chúng tôi phải lên tiếng, và đã có các cuộc gặp với tổ chức Health Bridge (Canada) và một số đơn vị khác để tổ chức một hội thảo bàn về việc này.

Theo quy hoạch chi tiết mới nhất của Thành phố, có công trình Khách sạn  tại vị trí đó không?

"Bản quy hoạch chi tiết mới của Thành phố vẫn đang lập ở giai đoạn đưa đầu bài và chưa được duyệt.

Không hiểu người ta đã giải quyết dự án này trên cơ sở quy hoạch nào." 
Khi nghe thông tin này, tôi đã điện cho Sở Quy hoạch Kiến trúc, đề nghị cung cấp bản quy hoạch chi tiết mới nhất của khu vực này, nhưng được trả lời là chưa có quy hoạch chi tiết mới nào cả. Bản quy hoạch chi tiết mới của Thành phố vẫn đang lập ở giai đoạn đưa đầu bài và chưa được duyệt. Không hiểu người ta đã giải quyết dự án này trên cơ sở quy hoạch nào.

Vấn đề này xuất hiện từ năm 1992, khi ông Trương Tùng còn làm Phó Chủ tịch Thành phố, chúng tôi đã phản đối và Thành phố đã cho dừng lại.

Không gian xanh ngày càng "teo tóp"

Việc cho xây khách sạn tại công viên, người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Đương nhiên họ bị thiệt thòi nhiều. Công viên là khoảng không gian tự nhiên, là chỗ người dân nghỉ ngơi, thư giãn, nơi giao tiếp cho người cao tuổi, nơi vui chơi cho thanh thiếu niên… giờ bị thu hẹp lại thì người dân thiệt thòi là đương nhiên.

Trong quá trình quy hoạch đô thị của ta, có rất nhiều diện tích vườn hoa, công viên, cây xanh đã bị xóa xổ. Với nhãn quan của một chuyên gia về quy hoạch, theo ông điều này có hợp lý không?

Đúng là trong cả quá trình làm quy hoạch, quản lý, phát triển quy hoạch, chỉnh trang quy hoạch, chúng ta đã không tạo ra thêm được công viên mới cho Thành phố. Nhìn lại cả quãng thời gian qua, qua các đời Chủ tịch Thành phố, tôi thấy chỉ có duy nhất cố Chủ tịch TP Trần Duy Hưng (30/8/1945 đến 12/1946; và từ 1954 đến 1977) đã xây dựng cho nhân dân Thủ đô được 2 công viên lớn nhất là công viên Thống Nhất và công viên Thủ Lệ.

Hiện nay, công viên Bách Thảo cũng đang bị chiếm dụng dần.

Ở công viên Thành Công, Tập đoàn Dầu khí, một nhà hát to tướng và một sân tập golf cũng lấn dần vào đó.

Tuy Thành phố được mở mang, nhưng diện tích công viên và cây xanh công cộng ngày càng mất dần đi. Đây là sai lầm của quy hoạch, sai lầm của quản lý, khi chúng ta để cho diện tích cây xanh, hồ nước, vườn hoa ngày càng "teo tóp" và mất dần.

Trong nhiều cuộc hội thảo, tôi chứng kiến nhiều nhà khoa học và các báo đã gay gắt chất vấn, thậm chí họ còn chỉ ra từng dự án sai lầm và chỉ trích Hà Nội không biết giữ gìn không gian xanh, nghĩa là sai cả về kiến thức quy hoạch.

Còn hiện nay diện tích cây xanh công cộng đầu người, đúng lý ra theo quy hoạch được duyệt năm 1998 đến năm 2020 là 12-16m2/đầu người, nhưng theo tính toán của JICA (Nhật Bản) , ta chỉ mới đạt 1-2m2/người thôi.
  • Ảnh bên : Bản quy hoạch chi tiết mới của Thành phố vẫn đang lập ở giai đoạn đưa đầu bài và chưa được duyệt. Không hiểu người ta đã giải quyết dự án này trên cơ sở quy hoạch nào. (Ảnh: Phạm Hải)

Lãnh đạo Thành phố phải chỉ rõ quỹ đất cho vườn hoa, cây xanh

Thời Pháp, Hà Nội được quy hoạch cân đối giữa các khoảng không gian tự nhiên và xây dựng…?

Tuy qui mô nhỏ, nhưng quả thực lúc đó, người Pháp đã quan tâm khá toàn diện, bối trí giao thông, nhà ở, vườn hoa rất cân đối.

Nhưng giờ tôi cảm thấy mình đã và đang làm theo lối tư duy nhiệm kỳ. Nhưng là nhiệm kỳ cũng phải có quy tắc của nó chứ. Ở Mỹ người ta cũng có nhiệm kỳ đó, nhưng ở mỗi đời tổng thống người ta cũng phải quan tâm sẽ để lại được cái gì.

Ở ta, thử hỏi kể từ sau nhiệm kì cố Chủ tịch Thành phố Trần Duy Hưng, đã có ai tạo thêm hành lang cây xanh hay cái công viên nào khác đáng nói như 2 công viên đã có từ xưa không?

Vừa rồi, Hà Nội cũng đã có thêm một số vườn hoa?

"Vai trò của Chủ tịch Thành phố là vai trò của người lãnh đạo, không đơn giản là việc đi trồng mấy cái cây rồi tươi cười để quay phim, chụp ảnh.

Người ta mong muốn với vai trò của mình, các ông ấy phải chỉ đạo rõ, đâu là quỹ đất cho vườn hoa, cây xanh công cộng của toàn Thành phố, của từng quận, của từng phương… và các phải tạo cơ chế, mặt bằng cho các công trình đó..." 
Đúng, nhưng đó là bị thúc ép mà có thôi, chứ ý thức mở mang cây xanh và vườn hoa công cộng thì tôi chưa thấy. Việc này, tôi cho rằng là vai trò, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Thành phố đương nhiệm.

Vai trò của Chủ tịch Thành phố là vai trò của người lãnh đạo, không đơn giản là việc đi trồng mấy cái cây rồi tươi cười để quay phim, chụp ảnh. Nhiệm vụ của các ông ấy không phải như vậy, người dân cũng không yêu cầu các ông ấy phải làm gương như thế.

Người ta mong muốn với vai trò của mình, các ông ấy phải chỉ đạo rõ, đâu là quỹ đất cho vườn hoa, cây xanh công cộng của toàn Thành phố, của từng quận, của từng phường… và phải tạo cơ chế, mặt bằng cho các công trình đó.

Phần còn lại nên để cho xã hội lo. Việc trồng cây, trồng hoa nên huy động lực lượng các cụ hưu trí, thanh thiếu niên và học sinh cùng tham gia trồng cây, trồng hoa. Tôi tin rằng người dân sẽ rất phấn khởi.

Nhớ hồi những năm 1960, khi còn là sinh viên, tôi đã từng tham gia xây dựng công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ. Vai vác đất mà ai cũng phấn khởi lắm.

Lặng lẽ xây khách sạn, không ai biết, ai hay

Quay trở lại dự án khách sạn đã được khởi công, Hiệp hội sẽ có thái độ thế nào?

Chúng tôi đang khẩn trương tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến từ các các khoa học rồi gửi bản kiến nghị đề nghị các cấp chính quyền suy nghĩ lại. Theo tôi, nếu chính quyền Thành phố vì dân, vì môi trường sống của cộng đồng, vì cảnh quan của Hà Nội, thì nên yêu cầu dừng lại.

Theo quy định, để phê duyệt một dự án ở đâu đó trong khu vực Hà Nội, quy trình chuẩn phải như thế nào, có phải công bố rộng rãi để dân biết, dân bàn không?

Dự án phải được căn cứ trên quy hoạch chi tiết (mà dự án đang được xây dựng ở công viên Thống Nhất là không có trong quy hoạch chi tiết). Trong Luật Xây dựng và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị cũng đều đề cập đến việc phải lấy ý kiến của dân. Dự án này được làm "lặng lẽ", thông tin không minh bạch.

Theo ông, để tránh được những vụ việc tương tự như thế này, chúng ta phải làm gì?

Mọi cái đều phải làm một cách minh bạch, cứ đưa ra công luận lấy ý kiến của dân một cách rộng rãi. Các cấp chính quyền địa phương phải nâng tầm nhận thức về chuyên môn, nâng tầm trách nhiệm.
  • Ảnh bên : Bảng thông tin về dự án được treo trong công viên Thống Nhất (Ảnh: Phạm Hải)

Tiêu cực trong quy hoạch là phổ biến?

Trong dự thảo luật Quy hoạch đô thị, dự kiến đưa ra Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới, việc này đã được đề cập như thế nào?

Luật cũng chỉ là văn bản thôi, quan trọng ở chỗ người quản lý như thế nào. Một phần về phía luật pháp của chúng ta cũng chưa chặt chẽ, rồi việc giám sát thực hiện, thi hành luật chúng ta làm cũng chưa chặt chẽ.

Với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, tôi thấy điều 1 và điều 2 (*) chệch rồi. Chệch ở chỗ, trong dự thảo cuối cùng của Luật Quy hoạch đô thị chưa thấy đề cập đến trách nhiệm của tổ chức chính quyền địa phương, của tổ chức giúp việc chính quyền trong quy hoạch. Mà đây chính là lý do khiến lâu nay trong nhiều dự án quy hoạch sai mà chúng ta không thể quy trách nhiệm được cho ai, không thể tìm được địa chỉ nào để gắn trách nhiệm.

Đây cũng là vấn đề chúng tôi sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo luật Quy hoạch. Để hạn chế những vấn đề như công viên Thống Nhất, TTTM 19/12, cần phải xác định rõ ràng mạch lạc trách nhiệm của từng cấp chính quyền thành phố, huyện, xã, phường…

Vừa rồi ông có nói về việc để một số công trình mọc sai địa chỉ, vậy theo ông đó là do nhận thức hay do sức nặng của tiêu cực xã hội?

Là cả ở nhận thức chuyên môn lẫn tiêu cực xã hội.

Ông nghĩ thế nào khi dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, tiêu cực xã hội trong vấn đề quy hoạch là phổ biến?

Tiêu cực xã hội có ở nhan nhản khắp nơi. Tôi cũng không hiểu tại sao ở nhiều tỉnh thuần nông mà người ta cho xây dựng hàng chục dự án sân golf, mới đây ngay tại Hà Nội cũng lại có 2 dự án sân golf mới được cấp phép. Ngoài ra là việc cấp đất xây các khu công nghiệp ở nhiều nơi cũng làm một cách vô tội vạ.

Tôi cho rằng, căn cốt nhất là do chúng ta đã không minh bạch. Luật pháp cũng đã tạo điều kiện để minh bạch, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia ý kiến, nhưng tất cả đều thua cách của người thực hiện.

Có những người đã trắng trợn nói thẳng với tôi, đại ý rằng: tôi có được vị trí này, tôi đã mất bao nhiêu tỷ, thế thì đương nhiên người ta phải tìm được khoản gì đó bù đắp chứ!

Thu Hà - Linh Thủy thực hiện


Ghi chú:

(*) Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; nước ngoài tham gia hoạt động quy hoạch đô thị hoặc có liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị trên lãnh thổ Việt Nam.

(Trích dự thảo Luật Quy hoạch đô thị) 

>> Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn 

>> Khách sạn gây tranh cãi: không thể đổ lỗi cho quá khứ 

>> 6 nghi vấn của công luận về Khách sạn Novotel on the Park 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1998 khách Trực tuyến

Quảng cáo