Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn

Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn

Viết email In
Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân lên tiếng phản đối dự án xây khách sạn tại công viên Thống Nhất trong "Thư ngỏ gửi các ông chủ khách sạn Sas Hanoi Royal": 

Dự án khách sạn 4 sao SAS Hanoi Royal, nay đổi tên thành Novotel on the Park vốn manh nha từ những năm 90 thế kỷ trước. Thời Chủ tịch TP Hà Nội là ông Hoàng Văn Nghiên, dự án khách sạn này cùng rạp xiếc hiện hữu từng được chỉ đạo phải nghiên cứu di dời, cũng như việc qui hoạch lại tuyến đường từ Nguyễn Đình Chiểu đến Đại Cồ Việt để tách khu dân cư ra khỏi công viên.

Tuy nhiên, nhiều năm sau, khách sạn này chẳng những không phải "rời khỏi vị trí" mà còn tiếp tục được triển khai xây dựng. 
Thư ngỏ gửi các ông chủ khách sạn Sas Hanoi Royal,

Đặc biệt ông Michael Issenberg - Chủ tịch Accor Châu Á Thái Bình Dương.


Tôi là kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân, sống ở Hà Nội, nhân dịp Tết đón năm mới 2009, tôi xin gửi tới quý ông lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc.

Đầu tiên, tôi xin nhân danh cá nhân tôi và thay mặt một số đồng nghiệp cảm ơn các nhà đầu tư SIH Investment Limited Singapore, và đặc biệt cảm ơn Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Âu Accor, đã đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch tại Việt Nam, đã và đang có nhiều dự án đầu tư khách sạn cao cấp tại nhiều tỉnh thành trên đất nước chúng tôi, đặc biệt ở Hà Nội. Các vị đã rất quan tâm và có kế hoạch đầu tư rất mạnh để đón lễ lỷ niệm 1000 tuổi của Thủ đô chúng tôi.
  • Ảnh bên : Dự án khách sạn cao cấp Novotel Hanoi on the park (ô màu vàng bên trái). Ô màu vàng bên phải là Liên đoàn xiếc VN.

Trong bức thư ngỏ này, tôi xin phép quý ông, được nói đến công viên Thống Nhất, một lá phổi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Hà Nội, đang không ngừng bị xâm hại, trong đó có khách sạn cao cấp Novotel Hanoi on the park mà các ông đang liên doanh với Tổng công ty du lịch Hà Nội đầu tư. 

Thưa quý ông, công viên Thống Nhất đã hình thành từ 50 năm nay, diện tích tổng cộng trên 50 ha. Xưa kia nơi đây là ao hồ và bãi rác bẩn thỉu, từ năm 1958 đến 1960 đã được học sinh và sinh viên Hà Nội (trong đó có tôi), dùng sức lao động chân tay và mang bánh mỳ, cơm nắm của cha mẹ mình chuẩn bị cho, để đến đây làm nên công viên.

Đó là việc làm công ích của tuổi trẻ chúng tôi, không có cơ quan nhà nước nào trả lương và cũng không có một tổ chức nào đài thọ, dù chỉ là một bữa ăn trưa. Gần 50 năm qua, nơi đây là không gian xanh nghỉ ngơi duy nhất của hàng triệu người dân sống gần khu vực này.

Tuy vậy, do quản lý kém và do nhiều lý do lịch sử để lại, nhiều mảnh đất xung quanh đây đã biến thành đất xây nhà ở hoặc các hoạt động khác.

  • Ảnh bên : Người dân Hà Nội lao động công ích, xây dựng công viên Thống Nhất (Ảnh tư liệu)

Thưa các ông, ngày 3/8/2007, bức xúc trước việc công viên Thống Nhất có thể bị một nhóm người biến thành của riêng của họ, trong một dự án xây trung tâm thương mại, trạm điều hành xe taxi, rạp chiếu bóng 3D và nơi vui chơi giải trí như một Disneyland giữa lòng thành phố, Quỹ Health Bridge của Canada do bà Debra Efroymson làm giám đốc vùng, đã phối hợp với Hội Quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam do Giáo sư KTS Nguyễn Thế Bá làm Chủ tịch, tổ chức một buổi hội thảo, lên tiếng phản đối việc phá không gian xanh công cộng của Thủ đô Hà Nội để kinh doanh kiếm lời.

Hội thảo đã thu hút rất nhiều nhà khoa học, các kiến trúc sư Việt Nam và Mỹ tham gia với thái độ kiên quyết chống lại ý tưởng sai trái đó. Sau hội thảo hai tuần, cuộc tranh luận trên còn tiếp tục rất gay gắt và UBND Thành phố Hà Nội đã công bố dừng ngay dự án đó và sẽ có kế hoạch nghiên cứu lại sau.

Vào thời điểm đó, chúng tôi được biết Tổng công ty Du lịch Hà Nội đã lập dự án xây khách sạn SAS Hanoi Royal ở Công viên Thống Nhất trên khu đất gần 10.000 m2. Nhưng trước làn sóng phản đối việc lấy đất công viên để xây các công trình kinh doanh, UBND Hà Nội đã có chủ trương di chuyển khách sạn SAS và rạp xiếc ở cạnh đó đi nơi khác. Bởi vậy, khi cuộc hội thảo tháng 8 năm 2007 diễn ra, khách sạn SAS không bị lên án nữa.

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu đã nhiều năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Pháp, kể lại việc năm 1995, Ủy ban hợp tác khoa học Việt - Pháp có dự kiến xây nhà chiếu hình vũ trụ trên 2000 m2 đất ở công viên Thống Nhất, gọi là cung khoa học. Phần thiết bị khoa học do Chính phủ Pháp tài trợ, với mục đích phổ biến kiến thức khoa học cho thanh thiếu nhi.

Theo ông Riệu thì việc làm đó có ý nghĩa và không ảnh hưởng đến công viên. Ở Paris, nhà chiếu hình vũ trụ được đặt tại một vườn hoa sát đại lộ Champs Elysées ở khu trung tâm.

Nhưng năm 2002, chính quyền thành phố Hà Nội đã vì “không vi phạm công viên” nên đã thông báo với Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội không đồng ý cho sử dụng diện tích đất đó. Công trình cung khoa học phải bỏ.

Trái lại, hơn một năm qua dự án xây khách sạn ở đây vẫn được âm thầm xúc tiến và ngày 6/6/2008 lễ khởi công xây khách sạn Novotel Hanoi on the park đã diễn ra. Lần này khách sạn đã được đổi tên và đổi chủ đầu tư nên nhiều người chưa kịp biết. Hơn nữa thời gian qua thành phố chúng tôi có quá nhiều sự kiện lớn thu hút sự chú ý của công luận và giới chuyên môn.


Phối cảnh khách sạn Novotel Hanoi on the Park trong công viên Thống Nhất (Ảnh tư liệu dự án).

Thưa các ông, tôi cho rằng muộn còn hơn không. Tôi xin phép thông báo với quý ông rằng :

Thứ nhất, đất này là đất công viên công cộng, nó được tạo nên bằng sức lao động của tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi, cho mục đích công cộng. Việc Tổng công ty Du lịch Hà Nội lấy mảnh đất này để góp vốn với các ông xây khách sạn là sai cả về quy hoạch lẫn chủ quyền.

Đất đó không phải của họ thì tại sao họ được “góp vốn” ?

  • Ảnh bên : KTS Trần Thanh Vân

Thứ hai, tôi có tìm hiểu về sự phát triển và tư duy của những người quản lý thành phố Paris thì được biết từ những năm 1852 đến năm 1870, tỉnh trưởng Seine, nam tước Georges Engène Haussmann đã mua nhà của dân rồi phá đi để mở rộng đường, xây công viên và quảng trường. Bởi thế nên Paris ngày nay vẫn giữ được vẻ cổ kính nhưng không gian thoáng rộng, hiện đại. Nhờ đó, Paris có nhiều rừng cây và có nhiều công viên như Buttes - Chaumont, Monceau và Montsouris…

Tôi không thấy thí dụ nào cắt xén đất công viên để xây khách sạn như ở đây.

Là một kiến trúc sư cảnh quan, đã được đến khá nhiều thành phố nổi tiếng ở châu Âu, tôi chưa thấy ở đâu có một cái khách sạn cao cấp mà không có mặt tiền quay ra phố, lại lọt thỏm trong công viên, cổng vào khách sạn cũng phải đi qua công viên, còn được gọi đó là “một resort trong lòng thành phố”. Như vậy có khác nào khi đầu tư khách sạn này, các ông đã chủ tâm lấy một phần công viên và mặt hồ cho mục đích kinh doanh?

Xin các ông xem lại có ở đâu có bản vẽ quy hoạch vô lý như bản vẽ này không? Theo chỉ giới “đường đỏ” thì khách sạn Novotel được sử dụng gần 1ha. Nhưng với cách bố trí một khách sạn đường bệ chịu “khép mình nấp đằng sau” dãy cửa hàng buôn bán và nhà dân dọc đường Lê Duẩn còn lối vào phải đi vòng vèo men theo hồ một cách rất “khiêm tốn”, khiến những người có con mắt nghề nghiệp như chúng tôi “đọc” được ngay thâm ý là sẽ dần dần lấy nốt mặt hồ và dãy nhà dân này. Không gian sử dụng của Novotel on the park sẽ phình ra khoảng 4ha.

  • Ảnh bên : Công trình khách sạn Novotel on the park đang được thi công (Ảnh: Phạm Hải)

Là một người dân Hà Nội, chúng tôi rất biết “đất vàng” ở Hà Nội trị giá ra sao. Trong một cuộc đấu giá cách đây không lâu, người thắng thầu đã bỏ ra 30.000 USD để mua được 1m2 đất ở khu phố trung tâm. Vậy mới tính sơ sơ, thì 40.000m2 của khách sạn này sẽ trị giá đến 300 triệu USD, thưa ông.

Tập đoàn Accor đứng hàng đầu châu Âu là một tập đoàn đầu tư du lịch có tầm nhìn xa, vậy xin ông kiểm tra lại tầm nhìn và nhãn quan của mình. Trước khi Thủ đô Hà Nội được Quốc hội Nhà nước chúng tôi thông qua nghị quyết mở rộng thì các nhà đầu tư bị trói buộc trong nội thành cũ, nay Thủ đô của chúng tôi đã mở rộng ra trên 3000 km2 rồi, vùng phía Tây rộng mênh mông đang có rất nhiều công trình mọc lên.

Thứ ba, vừa qua các ông đã khởi công, đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường, dân chúng phàn nàn rất nhiều, tôi đề nghị các ông nên dừng lại khi chưa quá muộn.

Hơn nữa, dự án xây dựng khách sạn Novotel đã từng bị đề nghị di dời đi nơi khác, nhưng cuối cùng vẫn được ở lại phần đất công viên.

Cuối cùng, xét về mặt phong thuỷ, thì nơi đây rất kìm hãm việc kinh doanh. Có thể các ông sẽ có một khách sạn rất đẹp, rất sang trọng, nhưng vẫn không thể thu hút được khách. Việc làm này rất mất lòng dân, đặc biệt là dân sống trong vùng gần đó, bởi vậy các ông sẽ không thể gặp thuận lợi trong kinh doanh. Một người làm nghề kinh doanh thì xin các ông nhớ cho điều đó.

Xin cám ơn các ông!

>> Đối thoại: "Dự án khách sạn không có trong quy hoạch công viên Thống Nhất" - Ông Huỳnh Đăng Hy 

>> Rao bán linh hồn Thành phố 

Chiều 1/12, tại khu vực hàng rào phía bắc công viên Thống Nhất (cạnh đường Lê Duẩn), bùn đất và nước bẩn lấp đầy trên thảm cỏ. Nhiều vũng bùn lớn tràn qua diện tích hàng trăm m2 khiến cỏ chết khô hàng loạt.

Một đoạn đường ray tàu điện chạy qua đây cũng ngập trong bùn. Phế thải còn tràn qua phần đường đi bộ, chảy xuống tạo thành một cù lao nhỏ ở góc hồ Bảy Mẫu.

Người đi bộ tập thể dục qua đây đều phải đi lên các mép đường. Ai cũng nhón chân nhanh qua khu vực có bùn đất và máy móc từ công trình khách sạn 4 sao SAS Hanoi Royal đang hoạt động ầm ầm.

Bùn đất từ phía công trình khách sạn 4 sao đã lấp một phần hồ Bảy Mẫu
Ảnh: VnExpress.net


... Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc công ty một thành viên Công viên Thống Nhất cho biết, hơn một tháng nay, từ khi khách sạn SAS Hanoi Royal thi công phần móng, nước bẩn và bùn đất đã tràn qua. Phía công ty đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công xử lý nhưng đến nay vẫn không có biến chuyển.

"Chúng tôi đã gửi giấy mời để làm việc với chủ đầu tư. Nếu họ vẫn không xử lý dứt điểm chúng tôi sẽ mời các cơ quan chức năng vào cuộc",

Theo VnExpess.net (2/12/2008)


“Hai tháng gần đây, do tốc độ xây dựng thi công dồn dập, các loại máy móc liên tục vận hành khiến nhiều ngôi nhà xung quanh bị chấn động rất mạnh. Đáng nói hơn, hiện tượng này xảy ra nhiều lần trong ngày, thậm chí cả về ban đêm với cường độ rung chuyển ngày một tăng, có nguy cơ gây sập đổ những ngôi nhà cũ xây lâu năm, nguy hại đến tính mạng và tài sản của người dân...”.


Bà Bùi Thanh Hằng ở số nhà 271 Lê Duẩn đang lo ngại vì nhiều vết nứt xuất hiện.
Ảnh: An Ninh Thủ Đô


Theo An Ninh Thủ Đô (5/12/2008)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...