Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại Quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận - Phỏng vấn KTS Cao Xuân Hưởng

Quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận - Phỏng vấn KTS Cao Xuân Hưởng

Viết email In

KTS Cao Xuân Hưởng, nguyên Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam là người chủ trì đồ án Quy hoạch (QH) bảo tồn, tôn tạo khu vực hồ Gươm và phụ cận. Đồ án này được phê duyệt năm 1996 và vẫn còn hiệu lực. Nhân sự kiện TP Hà Nội phát động cuộc thi ý tưởng QH khu vực hồ Gươm và phụ cận, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với KTS xung quanh chủ đề này.

Khu vực hồ Gươm và phụ cận được quan tâm sớm

Thưa ông, việc nghiên cứu QH hồ Gươm và phụ cận đã sớm được TP quan tâm?

- Năm 1988 UBND và Ủy ban Xây dựng cơ bản của TP Hà Nội giao Xưởng Kiến trúc thuộc Hội KTS Việt Nam nghiên cứu QH hồ Gươm và phụ cận. Sau đó Xưởng Kiến trúc đã giao cho tôi chủ trì đồ án. Thời điểm đó, nhiệm vụ của việc nghiên cứu QH hồ Gươm và phụ cận rất quan trọng. Bởi xung quanh hồ có rất nhiều công trình lịch sử, văn hoá, cảnh quan quan trọng cần được giữ gìn...

Giới hạn của khu vực nghiên cứu khi đó được xác định như thế nào?

- Hồ Gươm và phụ cận được xác định bởi các tuyến phố Cầu Gỗ - Hàng Bông - Hàng Trống - Nhà Thờ - Nhà Chung - Quang Trung - Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh - Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Huân, diện tích 75ha. Mới đây, tôi được mời tham gia lập đầu bài cho cuộc thi nên biết ranh giới nghiên cứu không thay đổi.

Vậy còn bối cảnh nghiên cứu thì sao?

- Thời điểm ấy, không gian hồ Gươm và phụ cận được giới hạn bởi 3 công trình là Nhà hát lớn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nhà Thờ lớn. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện QH, 3 công trình này vẫn giữ vai trò khống chế không gian của khu vực.

Kiến trúc xung quanh hồ Gươm phải tinh tế, nhỏ nhắn

Thách thức mà người nghiên cứu phải đối diện khi ấy là gì, thưa ông?

- Hồ Gươm và phụ cận là khu vực giao thoa giữa phố cổ và phố cũ. Phố cổ bao gồm các công trình dân tự xây, thường mang kiến trúc dân gian, một tầng, mái ngói thấp, đường phố ngoằn ngoèo. Còn phố cũ thường có công trình 2 - 3 tầng (hoặc chiều cao công trình 13 - 15m), đường phố được người Pháp QH thành những khu, ô phố rõ ràng. Các công trình trên phố cũ có bản vẽ kiến trúc, có tên nhà thiết kế chứ không mang dấu ấn phường hội làm nhà như phố cổ. QH phải làm cho người ta nhận biết sự chuyển đổi ấy.

Theo ông, kiến trúc nào là phù hợp trong khu vực?

- Kiến trúc ở đây tinh tế, nhỏ nhắn, có những đường cong, thường ở dưới tán cây. Đến hồ Gươm khách nước ngoài có thể nhận biết được sinh hoạt, văn hoá, con người và không gian đô thị của Hà Nội.

Tôi lo ngại việc xuất hiện công trình to quá, bố cục, tỷ lệ với con người không đúng.

Ông có thể ví dụ cụ thể?

- Khách sạn Dân Chủ (trên đường Tràng Tiền) sau khi xây mới tuy vẫn giữ hàng cột và mái che hành lang cho người đi bộ  làm nhắc nhớ công trình cũ nhưng cột cao quá so với con người Việt Nam. Theo tôi, tỷ lệ giữa con người và công trình kiến trúc rất quan trọng.

Một ví dụ khác, công trình trụ sở TCty Điện lực Việt Nam (EVN) trước kia mang dáng dấp kiến trúc của Cuba, thẳng băng, vuông thành sắc cạnh nên khi “đặt” công trình vào khu vực thấy cứng quá. Về sau, công trình đã được sửa, tạo thêm đường cong.

Tương tự như vậy, công trình Trụ sở báo Nhân dân xây dựng cùng thời với trụ sở EVN, sau khi chính tác giả đã sửa lại, thêm cột, đường cong, giả kiến trúc Pháp thì đã thấy công trình “ăn” hơn.

Nói như vậy là muốn xây dựng công trình mới nào trong khu vực này sẽ phải thiết kế theo kiến trúc giả cổ, giả Pháp?

- Không phải là công trình giả cổ, giả Pháp nhưng cụ thể kiến trúc công trình như thế nào thì còn phụ thuộc vào tài năng của KTS. Nhưng chắc chắn, công trình không cao to quá, phân vị vừa phải.

Có đề xuất được tuân thủ tốt nhưng cũng có những đề xuất bị bỏ qua

Ông từng nói rằng ngày ấy để lập QH, nhóm nghiên cứu đã phải đi đếm từng cây, vẽ từng mặt tiền công trình quan trọng?

- Đúng vậy. Cây xanh, mặt nước và kiến trúc xung quanh hồ Gươm luôn luôn đi với nhau. Các công trình thấp dần về phía mặt nước và cao dần về phía sau. Ngoài ra chúng tôi còn tiến hành điều tra dân số mất nhiều tháng trời. Nói tóm lại, QH đã được nghiên cứu cực kỳ kỹ lưỡng.

Đề xuất nào của đồ án đã được thực hiện tốt?

- Đồ án đưa ra danh sách 18 công trình cần bảo tồn, tu sửa, không được phép làm thay đổi. Đến nay, các công trình này vẫn được giữ nguyên. Chúng tôi cũng đề xuất giữ lại các công trình tâm linh (đền, chùa) xung quanh hồ Gươm.

Một ý tưởng khác cũng được thực hiện tốt là khu vực xung quanh câu lạc bộ văn hoá. Sàn biểu diễn đã được dỡ đi thay vào đó là khoảng không gian xanh kết nối câu lạc bộ và khu vực tượng vua Lê.

Đáng tiếc là đồ án cũng đề xuất nối liền trục không gian xanh bờ hồ - Nhà thờ Lớn. Trong khu vực này có một cây đa to, đẹp nhất Hà Nội. Cây đa này là bố cục chủ đạo của không gian xanh. Nhưng báo Nhân dân đã xây thêm công trình mới chắn không gian nói trên.

Hà Nội mở rộng địa giới, người ta nói trung tâm Thủ đô sẽ ở chỗ này, chỗ kia. Nhưng không phải, trung tâm Thủ đô vẫn là hồ Gươm vì hồ Gươm đã đi vào tiềm thức, trái tim của người dân Hà Nội và người dân cả nước.

Tức là công trình xây mới của báo Nhân dân không được xác định trong quy hoạch được duyệt?

- Theo QH, trên trục không gian ấy, ngoại trừ trụ sở Ngân hàng ANZ hiện trạng thì chẳng có thêm công trình nào nữa.

Vậy công trình mà dân gian vẫn quen gọi là “Hàm cá mập” thì sao? Có nằm trong QH không?

- Khu đất ấy trước là trạm điều hành xe điện. Nếu anh em có tầm nhìn rộng thì không nên bố trí công trình ở đây để nối thông không gian từ phố Đinh Liệt với bờ hồ, đón hướng gió đông nam rất đẹp. Tuy nhiên, QH vẫn bố trí công trình ở đây. Hàm cá mập xây dựng đúng chiều cao cho phép nhưng kiến trúc công trình lại là một câu chuyện khác.

Trở lại với cuộc thi ý tưởng QH hồ Gươm và phụ cận, ông có đưa ra gợi ý nào không?

- Tôi ủng hộ chính quyền tổ chức cuộc thi. Tôi hồi hộp chờ đợi các ý tưởng QH mới của nhà tư vấn tham gia cuộc thi, nhất là tư vấn nước ngoài. Không biết vào tay họ, khu vực hồ Gươm và phụ cận được xử lý ra sao.

Trân trọng cảm ơn ông!


>> Chọn 10 nhà tư vấn "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm"

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1920 khách Trực tuyến

Quảng cáo