Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Đối thoại Làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế): Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam

Làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế): Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam

Viết email In

Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, thì làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung.

  • Ảnh bên : Hai hàng chè tàu ven ngõ dẫn vào một ngôi nhà rường, nét đặc trưng ở Phước Tích.

Đây là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Lễ công bố quyết định quan trọng này diễn ra song song với "Festival nghề truyền thống Huế - 2009" (ngày 13-6), mở ra cơ hội phát triển mới cho Phước Tích. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Trong một chuyến điền dã vào Huế năm 2003, tình cờ KTS Hoàng Đạo Kính "gặp" Phước Tích và thốt lên: "Tôi thực sự sửng sốt khi bắt gặp một ngôi làng Việt cổ ở vùng đất không phải là cổ xưa của người Việt, với quá nhiều những ngôi nhà rường cổ tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu…". Và sự phát hiện đó được KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá là tương đương với sự phát hiện phố cổ Hội An vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhận xét như thế liệu có "lạc quan" quá không thưa bà?

- Nhận xét trên hoàn toàn có cơ sở. Khác với những ngôi làng ở miền Trung cát trắng, làng Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu xanh mát với lịch sử ngót 500 năm. Làng còn 27 nhà rường hơn trăm năm tuổi, tập trung chủ yếu ở xóm Đình. Xóm Đình đẹp như bức họa cổ. Ngõ xóm thẳng tắp, sau những chiếc cổng xưa cũ vẫn là hai hàng chè tàu dẫn vào sân gạch và một ngôi nhà rường lặng lẽ phía sau bức bình phong. Đầu làng có văn miếu thờ đức Khổng tử và các vị hiền nhân, cuối làng có miếu Đôi thờ ngài Khai canh và ngài Bổ nghệ (ông tổ nghề gốm của làng), giữa làng là ngôi miếu thờ các vị thần linh, tương truyền được xây dựng trước khi lập làng.

Về kiến trúc, làng Phước Tích như một bảo tàng về di sản văn hóa vật thể của làng quê với 17 nhà thờ, trong đó có 10 nhà là nhà rường và còn lưu giữ đầy đủ gia phả, hương án, mộc chủ của dòng họ mình cùng với hoành phi câu đối từ khi thành lập đến nay. Bên cạnh đó là hàng chục đình, chùa, miếu phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng có dấu tích của nền văn hóa Chăm cổ. Đây chính là những thiết chế tổ chức làng Việt…

- Xưa dân làng Phước Tích không có ruộng mà sống bằng nghề gốm. Theo đánh giá, nghề gốm và các sản phẩm gốm là yếu tố không thể thiếu tạo nên giá trị di sản văn hóa độc đáo ở Phước Tích. Nay nghề gốm ở đây không còn, xin bà cho biết, nghề gốm sẽ được khôi phục như thế nào trong phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng Việt cổ?

- Mẻ gốm đầu tiên ra lò vào ngày 13-6 vừa rồi thay lời khẳng định của các cấp chính quyền và người dân Phước Tích quyết tâm "đỏ lửa" lại nghề gốm một cách chắc chắn nhất. Song để làm sống lại một làng nghề với chúng tôi thật không dễ dàng.

  • Ảnh bên : Đình làng Phước Tích (Ảnh: Thảo nguyên)

Tại Festival Huế năm 2006, xã Phong Hòa đã đầu tư cho làng Phước Tích phục hồi nghề gốm phục vụ cho tua du lịch "Hương xưa - làng cổ", nhưng cũng chỉ được vài mẻ. Năm 2007, UBND huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng và cử 2 người có kinh nghiệm ở làng Phước Tích ra làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) học cũng không thành công vì công nghệ làm gốm bằng lò ga ở Bát Tràng khác với công nghệ làm thủ công ở Phước Tích. Đầu năm 2009, Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomine (Bỉ) phối hợp với Viện Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam hỗ trợ xây dựng lò nung có thể nung tới nhiệt độ 1.400-1.600oC tại Phước Tích… Với công nghệ này, nghề gốm có thể sống lại, nhưng đó sẽ là những sản phẩm gốm mới. Để làm ra những sản phẩm nhỏ, xinh với họa tiết, hoa văn, nước men độc đáo, tinh xảo dùng để trang trí những nơi sang trọng hoặc để làm sản phẩm phục vụ cho du lịch thì chúng tôi vẫn chưa khôi phục được. Khó khăn hơn, số người biết nghề gốm ở Phước Tích còn lại chưa đến 10 người.

- Bài học nhãn tiền từ nhiều khu di tích cho thấy số di sản được bảo tồn luôn tỷ lệ nghịch với sự phát triển của hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch. Với vai trò của mình, xin bà cho biết hướng quản lý để làng cổ Phước Tích vừa được bảo tồn, vừa được phát huy?

- Khi đã được công nhận là di tích, làng Phước Tích được phân vùng bảo vệ rất rõ ràng. Do đó, việc quản lý trước hết phải tuân theo Luật Di sản Văn hóa. Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang củng cố nhân sự để thành lập Ban Bảo vệ và phát triển làng cổ Phước Tích; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa lịch sử của làng nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong mỗi người dân. Tới đây, Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh) sẽ phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Đại học Nữ Showa (Nhật Bản) tiến hành khảo cứu để có thể đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Nhưng dù làm gì chúng tôi cũng sẽ coi trọng yếu tố gốc của di sản và bảo vệ, giữ gìn chúng một cách tối đa, từng bước đưa Phước Tích trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn của du khách trong hành trình đến Huế.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Thu Hiền (thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3703 khách Trực tuyến

Quảng cáo