Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Đối thoại Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được"

Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được"

Viết email In

"Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm" - Từ Mỹ Đức - Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao đổi với VietNamNet.

Lo cho dân không bị đói, rét

Trận mưa lớn đã kéo dài từ rạng sáng 31/10 đến chiều nay. Vậy, Lãnh đạo Thành phố đã có đánh giá sơ bộ gì về thiệt hại chưa?

- Đợt mưa năm nay có lượng nước và cường độ lớn chưa từng có, lớn hơn rất nhiều so với tất cả các trận mưa trong vòng 30 năm đến 40 năm trở lại đây. Nhiều người so với trận mưa năm 1971 nhưng tôi thấy mực nước năm đó còn thấp hơn nhiều so với trận này.

Chưa kể diện mưa úng ngập rộng lớn khắp phạm vi miền Bắc chứ không chỉ riêng Hà Nội và các vùng lân cận nên khả năng nước rút sẽ rất chậm.

Về thiệt hại, tính đến hôm qua, số người chết là 17, với nhiều lý do, bị nước cuốn, bị sét đánh, điện giật...

Thiệt hại về vật chất rất lớn, bây giờ mới ước tính ở mức tương đối, có thể lên đến hàng nghìn tỷ. Nhất là với bà con khu vực nông nghiệp, nông thôn. Diện tích cây trồng gần như toàn bộ mất trắng, biến thành biển nước mênh mông hết.

Đối với bà con ở trong nội thành có nhiều thay đổi nghiêm trọng như đảo lộn sinh hoạt, ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến công việc, thiệt hại tài sản.

Dự kiến mưa lớn còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới, thành phố đã lên những phương án gì để đối phó tiếp theo?

- Chúng tôi huy động tất cả nhân lực, các phương tiện và lực lượng. Lãnh đạo thành phố hầu như đã xuống cơ sở đi ứng cứu tại chỗ, triển khai các biện pháp phòng chống ngập lụt. Cố gắng lớn nhất là không để phát sinh tai họa từ ngập lụt.

Chẳng hạn nhiệm vụ khó khăn là cố giữ cho đê điều không bị vỡ. Sức chịu đựng của đê có hạn. Bây giờ phải dầm trong mưa suốt cả tuần, diện lại rộng.

Ngoài ra, phải phối hợp với các địa phương lân cận để tạo mối liên kết, liên hoàn cho nước tiêu thoát nhanh. Chứ nếu riêng Hà Nội thì không biết thoát nước đi đâu? Xung quanh, bốn bề nước sông đã cao hơn nước đồng, còn bơm nước đi đâu được? Phải phối hợp cùng Hà Nam, Nam Định cùng với Bộ NN&PTNT để lo điều tiết cho nước thoát thì rút mới tương đối nhanh.

Điều quan trọng là làm sao lo cho dân trong những ngày này không bị đói, bị thiếu, bị rét, bị bệnh dịch. Nếu nơi nào khó khăn phải báo cáo kịp thời và thành phố sẽ kiểm tra cụ thể. Cần lương thực thì hỗ trợ lương thực, cần thuốc men sẽ hỗ trợ thuốc men...

Đặc biệt phải chuẩn bị kế hoạch chu đáo để sau khi nước rút giúp dân khôi phục sản xuất, có lương thực, thực phẩm và đi làm trở lại.

  • Ảnh bên: Xe từ các tỉnh về Bến xe Giáp Bát do ngập lụt nên đổ hết khách xuống đầu đường Giải Phóng. Hành khách buộc phải đi thuyền, xe kéo, xe ngựa, xe tải hoặc đi bộ... lũ lượt kéo nhau lội qua đoạn đường ngập lụt. Ảnh chụp lúc 9h sáng ngày 2/11.


Trong công tác quy hoạch thoát nước, trong dự báo thiên tai, thành phố đã lường hết những khó khăn này chưa?

- Đây là trận mưa không chỉ lớn mà còn rộng. Chứ nếu diện của nó hẹp thì ứng cứu còn dễ. Ở đây lại rất rộng nên không có chỗ thoát từ nơi này sang nơi kia.

Thiên tai thì không tính trước được. Chỉ dự phòng được với tần suất trung bình thôi còn với lũ đỉnh cao thế này thì không dự phòng trước được.

"Đúng là hôm qua chưa kịp làm"

Nhưng ít nhất các phương tiện truyền thông hoặc loa đài cũng phải thông báo cho người dân diễn biến thời tiết những ngày tiếp theo hoặc thông báo cho dân biết những tuyến đường nào có thể đi lại, những tuyến nào ngập lụt để người dân có thể chủ động. Theo dõi bản tin thời tiết trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trưa hôm qua vẫn chỉ có mấy dòng thông báo nhiệt độ từ 23 - 26 độ C, ngoài ra không có thêm thông báo gì khác?

- Sáng nay tôi đã nói với Phó Chủ tịch phụ trách giao thông là cho thông báo trên báo đài đoạn nào ngập lụt và đoạn nào còn đi được để dân biết mà tránh ra. Còn ngày hôm qua (1/11) thì đúng là chưa kịp làm.

  • Ảnh bên: Định Công vẫn bị vây bởi nước.


Người dân cho rằng phản ứng của lãnh đạo thành phố còn chậm trễ, vì đã có những cái chết thương tâm xảy ra như có một em bé chết trên đường đi đến trường. Ông giải thích sao với người dân?

-  Lãnh đạo đều đi chỉ đạo hết. Không ai nghỉ ngơi. Việc gì cũng phải tính đến hoàn cảnh thực tế. Có cái chậm một chút nhưng khả năng ứng phó cũng có lý do khách quan.

Bây giờ là vấn đề thiên tai, phải cùng cố gắng khắc phục. Nếu tại người thì còn phê bình kỷ luật người này người nọ, chứ còn do thiên tai thì chịu....

Sáng hôm qua (1/11), thành phố họp tổng kết vấn đề tôn giáo, chiều tôi đi ô tô kiểm tra các điểm ngập lụt trong nội thành, hôm nay đi ra ngoại thành. Từ chiều qua lãnh đạo thành phố đều đi kiểm tra hết.

Có những cái chết bất ngờ không ai lường trước. Có người do  điện ẩm ướt chạm vào, có học sinh, sinh viên đi ứng cứu đồ đạc cho dân thì bản thân lại bị cuốn trôi. Đó là những sự cố rất đau lòng và đáng tiếc.

Mất điện kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và việc làm của người dân. Lãnh đạo TP có biết điều này?

- Bất khả kháng thôi. Do trạm biến thế ngập nước, đành phải khắc phục bằng cách câu nối từ khu vực khác, có nơi kéo được, nơi không. Nhưng thiên tai bắt nguồn từ chỗ lượng mưa năm nay lớn bất thường, hạ tầng đầu tư dù cố gắng nhưng chưa phải đủ khả năng đối phó với thiên tai lớn.

  • Ảnh bên: Anh Hùng (Thanh Trì) làm phu khuân vác, tranh thủ mấy ngày mưa lớn kéo xe ngựa chở khách, mỗi lượt cả người và xe 80.000 đồng.


Dân còn ỷ lại Nhà nước

Sau thiệt hại từ trận mưa lũ này, thành phố đã rút ra những kinh nghiệm gì?

- Trận mưa lũ này là thông số để chúng tôi có căn cứ dự phòng cho các cảnh báo thiên tai trong tương lai. Lấy mốc giới này để tính các chỉ tiêu như xử lý nước, lụt, đê điều....

Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.

Dân cũng đang tự lo tích trữ lương thực, thực phẩm, thưa ông. Nhưng thực tế là do ngập lụt nên chợ không hoạt động và các siêu thị hiện nay đã hết sạch hàng khiến những người nội trợ rất lo lắng. Liệu tình hình này có kéo dài? Thành phố giải quyết thế nào?

- Lương thực thì không đáng ngại. Chuyện mọi người đổ xô đi mua là do tâm lý đề phòng mưa kéo dài nên tạo ra lượng cầu quá lớn. Hơn nữa có lý do khách quan là rau hỏng hết, không có hàng cung cấp. Giải pháp khắc phục là phải đưa từ nơi này qua nơi kia. Nhưng vấn đề khan hiếm lương thực, thực phẩm không lớn, nhất thời chỉ mấy ngày thôi.

Trong khi chưa dự tính hết những vấn đề về thoát nước cho nội thành để đối phó với trận mưa cường độ lớn, thì diện tích Hà Nội sau sáp nhập với địa bàn rộng hơn có gây thêm khó khăn gì cho thành phố trong đối phó thiên tai không, thưa ông?

- Không khó hơn. Nguồn lực mở rộng thì khả năng hỗ trợ cho nhau còn tốt hơn. Trên thực tế là xã nào, nhà nào vẫn phải tự chủ. Thành phố mở rộng rồi thì khả năng chi viện còn lớn hơn chứ.

Lê Nhung thực hiện

>> Hôm nay đã hết ngập chưa? 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2031 khách Trực tuyến

Quảng cáo