Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Đối thoại Khu vực Hồ Gươm và phụ cận: Tìm giải pháp giữa phát triển và bảo tồn

Khu vực Hồ Gươm và phụ cận: Tìm giải pháp giữa phát triển và bảo tồn

Viết email In

Được phát động từ ngày 25-6-2008, cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị  khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã nhận được sự hưởng ứng của 20 đơn vị tư vấn kiến trúc. Vừa qua, UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã chính thức công bố danh sách 10 đơn vị tư vấn đủ năng lực tham gia vòng thi chính thức.

>> Chọn 10 nhà tư vấn "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm"

Phỏng vấn PGS.KTS. Trần Hùng, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một thành viên trong ban tổ chức cuộc thi này.

-  Thưa Phó giáo sư Trần Hùng, ông đánh giá thế nào về giá trị của khu vực Hồ Gươm và phụ cận trong lịch sử hình thành đô thị Hà Nội?

 - Có thể nói, khu vực Hồ Gươm và phụ cận chính là hạt nhân lịch sử đô thị Thăng Long Hà Nội. Cụ Lý Công Uẩn đã rất sáng suốt khi lựa chọn mảnh đất này làm kinh thành. Nếu nhìn   vào bản đồ ngập lụt thì rẻo đất bên sông Nhị Hà này chính là chỗ cao nhất, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi, đất rộng và bằng phẳng, cao ráo sáng sủa, dân cư không phải khổ vì ngập lụt, muôn vật phồn thịnh, tốt tươi”. (Trong Chiếu dời đô). Hồ Gươm gắn kết với sự phát triển đô thị theo suốt chiều dài lịch sử: Thời kỳ phong kiến, thời Pháp thuộc, thời kỳ sau giải phóng và thời hiện đại ngày nay. Có thể nhìn thấy những dấu ấn kiến trúc tiêu biểu của mỗi thời kỳ xung quanh Hồ Gươm và phụ cận. Trên bản đồ Hà Nội, Hồ Gươm chính là trung tâm kết nối giữa Thành cổ - phố cổ và phố cũ. Khỏi phải bàn về giá trị tuỵệt vời của Hồ Gươm trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt hàng ngày của Hà Nội: cảnh quan đẹp thơ mộng là nguồn cảm hứng sáng tạo của văn học nghệ thuật, không gian cây xanh mặt nước tạo nên lá phổi của khu trung tâm, cảnh quan  đường phố và lễ hội trở thành nét đặc trưng riêng của Hà Nội,... có thể nói đó là giá trị của một tổng thể hài hòa giữa văn hóa vật thể và phi vật thể, giữa lịch sử, văn hóa, kiến trúc và thiên nhiên.

- Theo ông, vì sao cần tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận trong thời điểm hiện nay?

- Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, các công trình xây dựng xung quanh Hồ Gươm có xu hướng thiếu kiểm soát, gây nhiều tranh cãi, phản ứng dữ dội của dư luận, như các dự án khách sạn Hà Nội Vàng (dự định xây cao hơn 30m), tòa nhà trung tâm thương mại Cá mập, Tràng Tiền Plaza trước đây và gần đây là dự án Trung tâm tài chính thương mại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (dự định xây 14 tầng). Đô thị liên tục phát triển, các nhà đầu tư muốn xây dựng những công trình to lớn, những người bảo vệ muốn được gìn giữ những giá trị di sản. Làm sao để tìm ra giải pháp giữa phát triển và bảo tồn? Năm 1996, UBND TP Hà Nội đã giao cho Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) lập “quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận”. Qua hơn mười năm, những quy hoạch cũ tỏ ra bất cập và không còn phù hợp. Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam thấy cần phải tổ chức một cuộc thi nhằm tuyển chọn phương án thiết kế có ý tưởng tốt về quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận nhằm phục vụ việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển  bền vững  của đô thị.

- Thưa Phó giáo sư, ông có thể nêu ra một số yêu cầu chính của cuộc thi đối với các đơn vị tư vấn kiến trúc?

 - Không gian Hồ Gươm rất tinh tế đòi hỏi các giải pháp kiến trúc đưa ra cũng phải rất tinh tế. Để khai thác ý nghĩa, chức năng công cộng của khu vực này có hiệu quả và bền vững, các ý tưởng đề xuất cần có  giải pháp tốt về cảnh quan kiến trúc, giao thông, hạ tầng... phù hợp với việc Thủ đô Hà Nội đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thủ đô cũng như của khách du lịch ngày càng cao về tiện nghi và thẩm mỹ. Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận cần thể hiện rõ nội dung bảo tồn và tôn tạo những giá trị, đạt tới hiệu quả tối đa của việc khai thác không gian đáp ứng tốt cho các yêu cầu hoạt động công cộng của thành phố tại khu vực này. Cần nghiên cứu rất kỹ để xác định tầng cao tối đa, tầng cao tối thiểu của công trình xây dựng trong khu vực nghiên cứu, đánh giá các công trình kiến trúc hiện có, xem xét chức năng sử dụng để phù hợp với tính chất sử dụng của khu vực Hồ Gươm nhằm đề xuất phương án cải tạo, sử dụng thích hợp,... Hy vọng cuộc thi sẽ huy động được các ý tưởng hay từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

-  Xin cảm ơn Phó giáo sư đã trả lời phỏng vấn!

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3887 khách Trực tuyến

Quảng cáo