Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại Hà Nội cần "hy sinh" một số lợi ích! - Dương Trung Quốc

Hà Nội cần "hy sinh" một số lợi ích! - Dương Trung Quốc

Viết email In

Trả lời VietNamNet quanh việc Thành phố Hà Nội quyết định xây dựng trung tâm thương mại trên nền chợ 19-12 cũ, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định quan điểm "Hà Nội sẽ phải “hy sinh” một số lợi ích có thể tính đếm ngay bằng tiền cho thuê đất, nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài, rộng khắp cho cộng đồng..."

"Chỉ là cớ để tôi bày tỏ quan điểm của mình với lãnh đạo"

- Ông nghĩ gì khi viết thư ngỏ này?

- Như trong thư, tôi cảm thấy chạnh lòng khi Hà Nội mà ta vẫn tự hào là “thủ đô nghìn năm văn hiến” lại ít được quan tâm phát triển những thiết chế văn hoá và còn quá thực dụng trong tư duy lãnh đạo. Kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội mới xây lại Thư viện mà qui mô của nó chỉ đáng là thư viện của một quận chứ không phải là một thủ đô giờ đây thuộc loại lớn nhất thế giới! Đến bây giờ Hà Nội mới đầu tư xây bảo tàng nhân 1.000 năm. Các không gian vốn là những không giam văn hoá có từ thời thuộc địa như rạp chiếu phim, rạp hát đến nay nhiều nơi đã chuyển công năng phi văn hoá.

Nếu bạn đã thăm vườn thú của một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Dương (Lạc cảnh Đại Nam) thì thấy xấu hổ khi đến thăm vườn thú Thủ đô. Hở ra một không gian nào có thể phục vu công cộng (công viên, mặt hồ, bãi tập...) là lấp đi xây nhà hay cho thuê kinh doanh. Có bao nhiêu chợ truyền thống thì biến thành siêu thị cao ốc... Không gian mà tôi đề cập trong bức thư chỉ là một ví dụ và cũng là cái cớ để tôi muốn bày tỏ quan điểm cua mình với lãnh đạo mà thôi.

- Ông có nghĩ rằng siêu thị cũng cần thiết cho cuộc sống hiện đại?

- Hoàn toàn đúng, nhưng với nhà lãnh đạo lại là một kiến trúc sư như ông Chủ tịch Hà Nội đương nhiệm thì chỉ với con mắt nghề nghiệp và trách nhiệm chính trị biết lắng nghe dân cũng đủ hiểu rằng tại không gian ấy Hà Nội cần một con đường, một không gian tưởng niệm những người đã chết cho Hà Nội phát triển hôm nay hay là cho thuê đất để xây một siêu thị cao tầng phá vỡ cảnh quan tại một không gian đã bị phá vỡ.

Hà Nội mới đây dám hy sinh những lợi ích kinh tế để đáp ứng lợi ích công cộng bằng việc làm một vườn hoa trước Nhà Hát Lớn, tôi muốn khích lệ những việc làm tốt ấy và đặt câu hỏi vì sao nó không được ứng xử với khu vực mà chúng ta vẫn gọi là "chợ tạm 19-12"?

Chúng ta đang cần đến những nhà lãnh đạo có trình độ và đủ bản lĩnh để bảo đảm thực hiện những gì tương xứng với trình độ ấy. Đương nhiên bên cạnh "qui hoạch" hiểu theo quan điểm khoa học còn cả "qui hoạch" lợi ích gắn với cơ chế hiện nay. Đúng là khó nên mới cần những người đủ sức vượt khó. Bức thư tôi không chỉ đặt vấn đề phê phán những cái sai mà quan trọng hơn là khích lệ những cái đúng và để bớt sai.

  • Ảnh bên : Sẽ thêm một cao ốc cạnh hai cao ốc, thành ba cao ốc? (Chụp khu vực chợ 19/12 cũ)

- Trong lịch sử, Hà Nội đã là một trung tâm văn hiến nhưng cũng từng là một "Kẻ Chợ"?

- Đừng bao giờ tách kinh tế với văn hóa, nhất là trong thời kinh tế tri thức này. Bạn đọc sử đã thấy đức Lý Công Uẩn và những vị kế nghiệp sau khi định đô ở Thăng Long thì những công trình đầu tiên không chỉ là thành quách, cung điện mà ưu tiên hàng đầu vẫn là chùa chiền (như Tứ trấn, chùa Một Cột...), Văn Miếu rồi Quốc Tử giám... Tất nhiên cả con đê Cơ Xá để tránh úng lụt cho dân...

"Kẻ chợ" là cách gọi nôm chung cho những nơi có sự buôn bán, nhưng nâng "Kẻ Chợ" (viết hoa) để gọi Thăng Long thì không chỉ vì nó buôn bán sầm uất mà còn hàm lượng văn hoá đã tạo nên bản sắc của vùng đất này.


"Tầm nhìn nên dài hơn một nhiệm kỳ"

- Tiện đây xin hỏi, chỉ còn ngót 2 năm nữa đã đến Đại lễ nghìn năm, ông có băn khoăn về những công trình kỷ niệm sự kiện này hay không?

- Tôi chia sẻ với những vị lãnh đạo thành phố và chắc các vị ấy còn băn khoăn hơn chúng ta nhiều. Vì lẽ nếu như những công trinh kinh tế dù cũng có khó khăn nhưng chắc chắn nó sẽ hoàn thành và phát huy ngay hiệu quả, ví như những chiếc cầu sẽ có người đi, các tòa nhà cao tầng sẽ bán hoặc cho thuê được, những con đường được xây mới hoặc cải tạo.... nhưng các công trình văn hoá thì khác.

Ví như, chắc chắn tòa nhà Bảo tàng Hà Nội đang xây ở Mỹ Đình sẽ hoàn tất nhưng trưng bày như thế nào để mọi người thoả mãn là khó vô cùng. Xây công trình văn hoá thường khó hơn nhiều, bằng chứng cho thấy khá nhiều dự án về lĩnh vực này đã phải hủy bỏ hay vẫn chưa lường được sẽ thành công hay không. 

Tôi đã tham dự phản biện cho dự án xây Khải Hoàn Môn, rồi chuyển thành công trình Cửa ô phía Nam. Đầu tư không nhỏ, tâm huyết không ít nhưng cuối cùng cũng bị dẹp lại. Phim Lý Công Uẩn thì chắc chắn đã xếp lại rồi, các tác phẩm điện ảnh thay thế vẫn không biết sẽ ra sao?! Tóm lại, chuẩn bị công phu mà phần lớn không đi tới đích...

- Trở lại với ngôi chợ 19-12,  theo ông giải pháp thế nào là tối ưu?

- Một con đường vốn có từ khi không gian đô thị này được qui hoạch bởi những kiến trúc sư Pháp rất có kinh nghiệm sẽ đựơc phục hồi, nó sẽ đáp ứng việc lưu thông (kể cả giao thông tĩnh) ở một khu vực rất đông và đẹp này. Nó trở lại với ý đồ muốn tôn vinh sự uy nghiêm của thiết chế Tòa án tối cao trong khung cảnh 2 toà nhà cao tầng (Tháp Hà Nội và Khách sạn Melia) kẹp 2 bên là quá đủ rồi!

Hai hàng cây long não cũng sẽ được phục hồi và tại đó nên đặt một tấm bia hay công trình nghệ thuật tạo hình không cần lớn những trang trọng, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Hà Nội.

Đối xứng phía bên kia là di tích Hoả Lò. Tất cả sẽ làm tăng thêm hàm lượng văn hoá và tâm linh trong tổng thể khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm mà mới đây Hà Nội cùng khu vực Ile de France của Pháp vừa hội thảo để bảo tồn di sản kiến trúc, sao cho Hà Nội đẹp hơn, giá trị hơn...

Tôi  hiểu rằng như thế Hà Nội sẽ phải "hy sinh" một số lợi ích có thể tính đếm ngay bằng tiền cho thuê đất, nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài, rộng khắp cho cộng đồng... Song, quan trọng hơn là nó làm cho những người như tôi có được niềm tin rằng tương lai Hà Nội đang trong tay những nhà quản lý  trọng văn hóa, nghĩa là có tầm nhìn dài hơn một "nhiệm kỳ"!

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Huy (thực hiện)

Thư ngỏ gửi Chủ tịch Thành phố Hà Nội

                              Kính gửi:  Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo
                                            Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội


   Sáng hôm qua, 4-12-2008 tôi được mời lên nói chuyện tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh về chủ đề “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm” . Tôi thực sự ấn tượng khi đến khu trung tâm thành phố Bắc Ninh nơi có Quảng trường đặt tượng đài Đức Lý Thái Tổ, sừng sững hai công trình văn hoá mới xây dựng là Thư viện và Bảo tàng tỉnh. Vị trí trang trọng, không gian hoành tráng và kiến trúc quy mô, lại đặt đối xứng với trụ sở những cơ quan quyền lực cao nhất (Tỉnh uỷ và UBND) cho thấy quan điểm và tầm nhìn của lãnh đạo Bắc Ninh quan tâm đến sự nghiệp văn hoá như thế nào. Những người tôi tiếp xúc đều nhắc tới tên ông như một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất cũng là người có đóng góp quan trọng nhất đối với những công trình này khi Ông còn là Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

   Nghĩ vậy mà khi trở về Thủ đô nơi Ông đang đảm nhận trách nhiệm là Chủ tịch Thành phố tôi cảm thấy bức xúc muốn lưu ý Ông đến với một công trình đang gây dư luận trong xã hội. Đó là việc lãnh đạo Hà Nội đã cho phép xây dựng trên nền Chợ tạm 19-12 một toà nhà 17 tầng làm văn phòng và các hoạt động dịch vụ thương mại.

   Dư luận đã nêu, đơn từ của nhân dân đã gửi đến, nhưng quan trọng hơn là với con mắt nghề nghiệp của một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch Ông đủ hiểu những bất hợp lý về công trình này. Nó đã làm mất đi một con đường đã tồn tại ngót một thế kỷ tạo nên sự hoàn chỉnh về quy hoạch đô thị khu vực xung quanh một kiến trúc có công năng cần đến sự uy nghi và uy nghiêm là Toà án Tối cao.  Những giải pháp mang tính tạm thời như làm nơi quy tập hài cốt những người chết trong chiến tranh (thời kỳ đầu Toàn quốc Kháng chiến), hoặc làm “chợ tạm” chỉ là do tình huống hoặc do năng lực quản lý một thời. Việc di chuyển hài cốt để bảo đảm môi trường đô thi, việc giải toả chợ tạm để lấy lại quy hoạch tổng thể là đúng đắn.

   Nhưng việc xây một công trình  kiến trúc vĩnh cửu có thể khối lớn, có công năng không thích hợp cần đựoc xem xét lại... Trong khi áp lực về giao thông (động và tĩnh) trong khu vực đang đòi hỏi khôi phục lại con đường nối hai trục  quan trọng là Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt là hợp lý và đáng được ưu tiên hơn cả. Vả lại cho đến nay, tất cả bản đồ thành phố đều môt tả không gian này là một con đường . Khôi phục lại con đường  cũng là bảo tồn được một trong những hàng cây xanh (long não) vốn thuộc lại đẹp nhất thành phố (mà chắc chắn nó sẽ bị đốn hạ để xây dựng ?!) . Thêm nữa, đây cũng lại là một không gian để có thể tưởng niệm những người đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng chiến mà một thời cả chính quyền tạm chiếm (1947-1954) và chính quyền chúng ta đã từng tổ chức tưởng niệm (cho đến 1981 mới di dời). Điều đó cũng có nghĩa đây là một không gian văn hoá và tâm linh.

   Tôi không nghĩ rằng siêu thị là không cần thiết nhưng chắc chắn với không gian này thì con đường giao thông phục vụ dân sinh và không gian tưởng niệm đáp ứng nhu cầu tâm linh liên quan đến một sự kiện lịch sử là cần hơn rất nhiều so với một siêu thị. Hơn thế nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng rộng lớn hơn là nơi chỉ để thu phí và lợi nhuận mang lại không phải cho nhiều người.

   Việc lãnh đạo Thành phố đã sẵn sàng giải toả một không gian đã giao cho dự án xây dựng để làm công viên công cộng như ở trước Nhà Hát Lớn là một quyết định sáng suốt và hợp lòng dân. Chúng tôi mong sự sáng suốt ấy đến với nhiều nơi của thành phố trong đó có “con đường 19-12”. Chắc chắn khôi phục con đường này và ghi dấu tại đó những lưu niệm của một thời hy sinh gian khổ của Hà Nội trong chiến tranh sẽ làm Hà Nội giàu có hàm lượng văn hoá hơn rất nhiều việc thay vào đó là một toà nhà 17 tầng chỉ để kinh doanh.

   Cảm xúc một lần được thấy các công trình văn hoá của thành phố Bắc Ninh làm tôi chạnh lòng  mà mong rằng Hà Nội sẽ được như tỉnh bạn. Và tôi lại tin rằng những gì ông đã đóng góp cho quê hương của Đức Lý Công Uẩn sẽ được phát huy vào công cuộc lãnh đạo để xây dựng Thủ đô của quốc gia mà Đức Lý Thái Tổ đã đặt nền móng.

   Kính chúc Chủ tịch thành đạt trong trọng trách của mình.

                                                                    Ngày 5-12-2008

                                                                         Kính thư
                                                               Dương Trung Quốc
 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1614 khách Trực tuyến

Quảng cáo