Ở Nghệ An trong nhiều năm qua, nhiều cơ quan nhà nước có lợi thế trụ sở đóng ở mặt tiền một số tuyến phố lớn đều xây kiốt cho thuê. Một số cơ quan khác lại dùng nhà ăn, hội trường… để cho thuê.
Thậm chí, người đứng đầu “âm thầm” ký hợp đồng lúc nào mà cơ quan không ai hay. Những người đáng được biết nhất theo quy định như kế toán, trưởng phòng có nhiệm vụ quản lý tài sản của cơ quan cũng… không hay biết.
Người đi thuê lại nhanh chóng đem mặt tiền cho người khác thuê lại để kiếm tiền. Việc này tạo ra cho họ một khoản lãi rất lớn, gọi là lãi từ buôn… mặt tiền.
Luật Công sản cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm dùng tài sản nhà nước để cho thuê, nếu không được phép của cấp có thẩm quyền. Nhưng, núp dưới danh nghĩa tạo quỹ công đoàn, người ta vẫn cứ lén lút cho thuê.
- Ảnh bên: Loạt bài về xà xẻo mặt tiền các cơ quan nhà nước đăng trên Lao Động Nghệ An.
Người cho thuê được tiền, thậm chí là một khoản rất lớn từ việc ký hợp đồng cho thuê, hoặc đồng ý về chủ trương. Người đi thuê gọi đó là chi phí ''bôi trơn''. Người thuê cũng được tiền, hoặc là hưởng lãi trong việc buôn mặt tiền, hoặc là dùng mặt bằng đắc địa đó để kinh doanh. Mặt bằng ở những vị trí này được coi là mỏ vàng nên họ có lãi khủng.
Chính vì thế mà khi báo chí vào cuộc, UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt việc cho thuê mặt tiền cơ quan nhà nước thì có kẻ đã nhắn tin đe dọa nhà báo. Điều đó cho thấy họ thu lợi rất lớn từ việc cố tình phớt lờ quyết định của Thủ tướng và bất chấp quy định của pháp luật về tài sản công.
Ở Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, hiệu trưởng tiền nhiệm đã đem nhà ăn của học viên cho một giáo viên của nhà trường thuê ngay sau khi Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực. Hợp đồng thuê mướn được lập, thời hạn cho thuê dài những 10 năm, thế mà kế toán và ban bệ của trường lại không được chứng kiến… lễ ký.
Và, kỳ lạ là những nội dung ký kết luôn dành phần có lợi về cho bên đi thuê. Sau khi được thuê, giáo viên này đã cho người khác thuê lại với giá gần gấp đôi giá thuê của nhà trường. Chính vì thế mà việc thu hồi lại phần tài sản cho thuê của trường này chưa thể thực hiện theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh- trước ngày 28/2.
Cũng ở Nghệ An, người ta gọi những cơ quan có đất ''vàng'' cho thuê bất hợp pháp là nơi có hai mặt tiền. Một là, mặt tiền của cơ quan được cho thuê để lấy tiền. Hai là, người lén lút cho thuê tài sản công, bất chấp quy định cũng được gọi là… mặt tiền.
Việt Thắng (Lao Động)
- Sài Gòn, con tàu chở đầy hy vọng
- Khi chính quyền và doanh nghiệp chung một cuộc chơi
- Góc nhìn thú vị về sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
- Chính quyền đô thị: nói thế nào cho dễ hiểu?
- Làng xã - cá nhân trong các giai tầng
- Phát triển giao thông khác mức - Lối thoát tất yếu cho đô thị
- Làng xã - cộng đồng và cá nhân
- Chùa Cò nay về đâu...
- Hoang vắng ở đô thị kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á
- Lợi ích đất nước và “cuộc cờ” bất động sản