Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Văn hóa đô thị Hà Nội những ngày Tết

Văn hóa đô thị Hà Nội những ngày Tết

Viết email In

Vẻ đẹp dung dị truyền thống của Hà Nội

Hà Nội bình yên nhất vào thời điểm nào trong năm? Tôi chắc chắn câu trả lời mà tất cả mọi người đều nghĩ tới đó là ngày Tết. Những ngày đầu năm, cái đẹp của Hà Nội, giống như một người phụ nữ đã được tẩy trang sau một ngày làm việc mệt mỏi, biểu hiện một nét đẹp nguyên sơ nhất, đơn giản và vô cùng gần gũi. Hà Nội chợt lặng lại trên thềm nghỉ sau một năm hoạt động vô cùng năng động, những đường phố vắng tanh, những hàng quán đóng kín. Phố cổ nhấp nhô đúng dáng dấp trong tranh cụ Phái, khu phố Pháp (phố cũ) giấu mình dưới những hàng cây cổ thụ, xà cừ, sao đen, sấu… những tòa biệt thự ẩn hiện, e ấp trong hơi lạnh của mùa xuân, những người khổng lồ của đô thị hiện đại – nhà cao tầng, đứng im, tĩnh lặng cúi xuống chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa ngàn đời được biểu hiện.

Đi trong cái không gian đô thị Hà Nội khi đó, một cảm giác hoài niệm hiện về, Hà nội xưa đã trở lại, và bản sắc của thành phố nghìn năm lại rõ ràng hơn bao giờ hết sau những ngày nấp mình trong xô bồ cuộc sống. Chỉ đến lúc này, khi Hà Nội hoàn toàn trút bỏ lớp áo của cuộc sống mưu sinh hàng ngày, mọi nhà đón tết, mọi người ăn tết, chơi tết mới là lúc dễ dàng nhất để nhìn ra những thay đổi của Hà Nội trong thời gian qua. Hà Nội ngày thường cũng như một bức tranh văn hóa có hai mảng truyền thống và hiện đại, chỉ khi những ồn ào của hiện đại tạm lắng xuống, ta mới nhận ra được đâu là các yếu tố truyền thống, và đồng thời cũng nhận ra được đâu là những yếu tố hiện đại và những ảnh hưởng của nó trong cuộc sống đô thị.

  • Ảnh bên: Phố Cầu Gỗ (Ảnh: VnExpress)

Toàn cảnh bức tranh văn hóa đô thị trong những ngày tết cổ truyền

Hà Nội, cùng với TP Hồ Chí Minh là hai đô thị trung tâm phát triển nhất cả nước. Sự vượt trội về kinh tế xã hội và văn hóa đã thu hút một số lượng rất lớn dân cư đổ về lao động và học tập. Họ đến mang theo cả những văn hóa của mình trộn vào văn hóa của Hà Nội, biến thành một bản nhạc giao hưởng hiện đại có thêm nhiều nét thú vị và góp phần không nhỏ cho nền kinh tế của thủ đô.

Nhưng bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư này cũng mang đến những tác động khiến một phẩn bản sắc của đô thị Hà Nội nay bị che lấp trong cái nhịp ồn ào của phát triển. Những không gian đường phố luôn luôn chật ních người, những sức ép kinh hoàng trong công việc và kinh tế… Văn hóa thủ đô bị chìm trong công cuộc chạy đua theo con số tăng trưởng bắt buộc phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu hiện đại. Những người dân ngoại tỉnh, sinh viên công nhân viên chức, suốt một năm trời chìm trong công việc đã phải gác sang một bên những mối quan hệ với gia đình và quê quán truyền thống. Cả năm trời làm việc, ai cũng mong đến Tết nguyên đán, Tết cổ truyền là cơ hội giúp họ trở về quê hương bản quán, quay lại cuộc sống của chính mình trước kia, bỏ lại bên ngoài sự lo lắng, mệt mỏi, bỏ lại sau một cuộc sống thủ đô đầy màu sáng nhưng cũng nhiều góc tối. Hà Nội rũ mình khỏi lớp áo khoác hiện đại nặng nề và có phần chật chội, khỏi hàng triệu phương tiện lưu thông trên đường. Những người chủ nhà dọn dẹp lại đường phố, trang hoàng những ngõ phố nhỏ, những con đường lớn.

Tết Nguyên Đán đến, mùi hương trầm tràn ngập trong lớp đẹp nhất của thủ đô văn hiến. Nhưng trước đó, những chuyển động mãnh mẽ để đóng lại cánh cửa năm cũ lần cuối cùng được biểu hiện. Xã hội hiện đại tại những thành phố lớn đang biến những nét đẹp của Tết cổ truyền thành những biến thể của một “xã hội quà cáp” đã được đề cập đến quá nhiều. Những trách nhiệm cuối cùng đối với cấp trên, với đối tác được thực hiện, những chiếc xe máy bon bon trở những khuôn mặt mệt mỏi mang trên mình những món quà to nhỏ, những chiếc ô tô làm nghĩa vụ không mong muốn lần cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Cả đô thị được khuấy lên với những cửa hàng dịch vụ tấp nập người mua bán, dòng lưu chuyển đông đúc, bụi băm, đấy chính là phần “lễ” của một xã hội đang phát triển nặng về quà biếu và hình thức. Nhưng có lẽ nó chỉ là một câu chuyện không vui về đời sống đô thị dịp tết, nhưng câu chuyện đó sẽ không phá vỡ được cái văn hóa truyền thống ngàn đời của cha ông về một lễ tết thiêng liêng và đậm hồn dân tộc.

Sáng mồng một tết, Hà Nội vắng. Những người dân mà Hà Nội chính là quê hương, là gia đình ở lại. Họ đón tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo, họ trữ trong nhà thịt gà, thịt lợn, bánh chưng, họ sắm sửa cho mình những bộ quần áo mới, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa bằng những cành đào, cây quất, hoa xuân, chiều 30 họ làm mâm cúng gia tiên, đêm 30 cho lễ đón giao thừa. Họ chuẩn bị hết đồ ăn trước cho mấy ngày tết.


Hà nội – ngày tết

Những nếp truyền thống đã truyền từ ngàn đời của một dân tộc đi lên từ lúa nước vẫn được còn tồn tại dù cho xã hội hiện đại nhiều phong tục tập quán đã mai một đi ít nhiều, nhưng cái hồn tết vẫn luôn luôn được giữ một cách đầy trân trọng. Là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi có trường đại học đầu tiên của đất Việt, là một đô thị nơi con người trọng lễ nghĩa và học vấn, họ thường chọn Văn Miếu làm điểm đến trong ngày mồng một, để cầu mong con cái học hành đỗ đạt, để xin chữ, những chữ tưởng vô hồn qua tay thầy đồ trở nên có sức sống và truyền được cái mong ước của người xin chữ. Thêm nữa, với truyền thống tâm linh thờ cúng tổ tiên và đạo Phật, những người dân Hà Nội đến chùa để cầu bình an và may mắn. Có lẽ, những ngày tết là những ngày đặc biệt nhất trong năm khi không phải các trung tâm vui chơi, văn hóa là điểm thu hút nhiều người dân, mà đó là không gian tín ngưỡng: chùa Phúc Khánh, chùa Trấn Quốc… được chọn cho những lễ nghi truyền thống. Truyền thống này đã có từ xưa, từ khi vào thời Lý, Trần, những ngôi chùa đó trở thành điểm tụ trong văn hóa đô thị dịp tết, mùi hương trầm thơm ngát, khói hương cuộn dày đặc trong không gian, một khoảng khắc tuyệt vời trong cuộc sống đô thị khi lòng người được tẩy sạch mọi tham sân si. Bên ngoài đó là một Hà Nội tĩnh, phố cổ nghi ngút khói hương từ căn nhà ống, nơi có cuộc họp mặt chúc tết gia đình đầu năm của một hộ có nhiều thế hệ, phố Pháp im lìm, trong sự rủ rỉ của mưa xuân, tiếng gió lất phất, hồ Gươm, hồ Tây, hồ Thiền Quang… những không gian mặt nước trở về đúng chức năng điều hòa môi trường đô thị để làm nó trở nên thân thiện và gần gũi hơn.

Qua ngày mồng một dành cho tâm linh và truyền thống, từ ngày mồng hai tết, dòng người đã bắt đầu di chuyển trong lòng phố, những khuôn mặt vui tươi, những chiếc xe di chuyển chậm rãi trong cái không khí đậm đặc hương vị tết. Họ đi thăm những người bạn thân thiết, những người họ hàng gần, xa. Đi thăm họ hàng là một nét văn hóa truyền thống rất đẹp của dân tộc, và những người dân phố thị cũng không quên điều đó, họ mang đến họ hàng, người thân những nụ cười tươi tắn, những câu chúc đầu năm may mắn, những phong bao lì xì đỏ thắm chúc thọ, mừng tuổi. Một sắc thái văn hóa của truyền thống ngàn đời trong một đô thị phát triển đầy năng động.

Nhưng bên cạnh đó, sự phát triển kéo theo những hoạt động vui chơi giải trí mở rộng và đa dạng hơn. Rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, một vài quán cafe, nhà hàng, quán bar đã được mở cửa, những văn hóa ngoại lại của xã hội hiện đại tiếp cận nhanh chóng thị hiếu ưa thích cái mới của người dân. Đô thị chuyển mình qua từng ngày tết. Người dân bắt đầu đổ ra đường nhiều hơn và tham gia các hoạt động văn hóa đô thị, những trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa đón khách đầu năm. Nhịp thở của Hà Nội bắt đầu gấp hơn do sự nắm bắt thị trường của các ngành dịch vụ. Lúc này cái văn hóa ngoại lại của phương tây tiếp cận và thâm nhập vào đời sống. Lại một lần nữa câu chuyện về sự hội nhập văn hóa đa sắc thái của một thủ đô cởi mở như Hà Nội lại được minh chứng rõ hơn bao giờ hết. Dường như tết Nguyên Đán đang ôm chính thứ văn hóa của phương tây vào mình. Chính vì thế, mà trong dịp tết, một xu hướng khác đang được những người dân và giới trẻ chọn lựa, đó là đi du lịch vào dịp tết cổ truyền. Họ bỏ qua những lễ nghi truyền thống của việc sum họp gia đình ngày tết, mà thay vào đó họ chọn cho mình một môi trường trải nghiệm mới, một không khí mới trong kì nghỉ dài nhân dịp tết. Nếp nghĩ của họ đã thoát ra khỏi nếp nghĩ xưa cũ, họ không còn câu nệ những phong tục truyền thống, và những tour du lịch xa được lựa chọn.

Đằng sau bức tranh văn hóa

Bức tranh toàn cảnh về văn hóa Hà Nội phía trên phản ánh một Hà Nội đầy màu sắc xen kẽ giữa hiện đại và truyền thống, mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi nhóm người trong tổng thể đó có những hành vi văn hóa khác nhau trong dịp Tết cổ truyền. Có những người rời Hà Nội về quê ăn tết, có những người chung vui với Tết cổ truyền Hà Nội, lại có những người trẻ tuổi yêu cuộc sống hiện đại muốn đi chơi xa nhân dịp những ngày lễ. Nguyên nhân của sự phân nhóm ứng xử văn hóa nói trên do những biến động của quá trình phát triển kinh tế xã hội tới cấu trúc dân cư và cuộc sống của dân thành thị. Nhưng sự đô thị hóa và tập trung dân cư đó là quá trình phát triển tổng quát mọi mặt kinh tế xã hội và văn hóa của Việt Nam, hiện tượng ăn tết cổ truyền là một hiện tượng văn hóa, vì vậy câu hỏi chúng ta quan tâm ở đây là thực sự đâu là vấn đề cốt lõi xảy ra trong Văn hóa đô thị. 

Vấn đề chính, theo tôi là sự chuyển hóa trong đặc trưng lối sống của người dân Hà Nội, cụ thể hơn là sự chuyển biến từ các đặc tính truyền thống sang đặc tính hiện đại của cuộc sống người dân đô thị. Các đặc tính truyền thống trong cuộc sống của người dân Việt Nam thường là sống nặng theo tục lệ, có trách nhiệm với gia đình và họ hàng. Hai đặc tính này gắn liền với cuộc sống nông thôn Việt Nam trước đây và giúp hình thành nên con người Việt Nam trong lịch sử. Ngược lại, những thuộc tính hiện đại của cuộc sống đô thị đặc trưng bằng lối sống dựa trên quan hệ giao ước thị trường, lý trí và sự tự chủ cá nhân (*).

Chính quá trình biến chuyển từ lối sống truyền thống sang lối sống đô thị hiện đại dẫn đến có sự phân chia ra các nhóm người có các lựa chọn ứng xử khác nhau với Tết cổ truyền như trên. Theo đó, những người dân đô thị vẫn còn nặng lối sống theo phong tục, đặc biệt là những người ngoại tỉnh, họ lựa chọn cách ăn tết dân tộc bên gia đình người thân ở quê hương như một truyền thống hàng năm, chính tâm lý đó nên dù nhiều người đã có gia đình, nhà cửa riêng trên thành phố, nhưng cứ đến tết vẫn mang cả gia đình về quê ăn tết bên họ hàng và gia đình gốc ở quê. Ngược lại, ở những người trẻ tuổi sinh ra ở thành thị, và một bộ phận gia đình có tư duy hiện đại, sự tự do, tự chủ cá nhân khá cao, ít có sự ràng buộc với một truyền thống cũ nên quan niệm tết chỉ là thời gian vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm học tập và làm việc. Vì “không có quê để về”, nên họ thường chọn cho mình cách tụ tập bè bạn hay đi chơi xa để thỏa mãn tâm lý sử dụng tốt nhất những ngày nghỉ. Và cuối cùng là những người đã định cư lâu ở Hà Nội, khi lối sống của họ chịu cả hai tác động của truyền thống và hiện đại. Họ lại có cách ứng xử mang đặc thù của cả hai phong cách sống trên. Họ vẫn chuẩn bị bàn thờ mâm quả đầy đủ để cúng gia tiên, ấm trà đĩa mứt đầy đủ để đón khách năm mới, nhưng những giờ đi shopping sắm tết đã dần thay cho những thời khắc canh nồi bánh chưng hay gói giò thủ ngày xưa. Cuộc sống hiện đại khiến cách thức chuẩn bị tết khác đi, họ mua sắm nhiều hơn, tiết kiệm thời gian hơn để đi biếu quà tết. Cũng như vậy, với không ít người, đằng sau phong tục đi chùa lễ phật đầu năm là những lời cầu cúng đầy vị kỷ cho một năm buôn bán, “đánh quả” thành công trước mắt. Người ta không còn đi chùa chỉ để vãn cảnh và hướng tới Phật để tìm nơi thanh tịnh nữa, điều họ thực sự muốn là Thần Phật hãy hướng về họ và ban phát tài lộc cho họ. Đó là sự pha trộn giữa các đặc tính truyền thống và hiện đại của lối sống đã chi phối những hành vi văn hóa của người dân đô thị Hà Nội.

Kết

Trong thời đại mới, là thủ đô và mang trọng trách là đầu tầu phát triển của đất nước trong mọi lĩnh vực, Hà Nội đã không còn và không thể sống tiếp tục mãi cuộc sống bình dị êm ả của mình. Cái thanh bình êm ả dung dị như một đặc trưng của Hà Nội từ ngàn xưa và được bảo vệ ngay cả trong thời chiến đã phải lùi lại nhường cho  bộ mặt sầm uất náo nhiệt muôn màu trong nhiệm vụ mới phát triển đất nước. Thành phố mở rộng vòng tay đón làn người tràn về thủ đô để lao động, nghiên cứu, học tập, để hoạt động nghệ thuật và để xây dựng một Hà Nội mới. Quá trình đô thị hóa cả về không gian và con người đã làm phân hóa tạm thời cuộc sống của dân cư Hà nội mới thành những nhóm đối tượng có văn hóa khác biệt nhau, có suy nghĩ và lựa chọn hành động khác nhau trong cùng một sự kiện đô thị.  Chính vì lẽ đó, tết Nguyên Đán không chỉ là thời khắc thiêng liêng của dân tộc, đó cũng là thời điểm để Hà Nội rũ mình và nhìn lại, cái gì là truyền thống, cái gì là hiện đại và sự giao thoa không thể tránh khỏi giữa truyền thống và hiện đại đó. Những nếp lang được bóc tách, bộ mặt trong cùng của đô thị Hà Nội được mở ra với những giá trị còn hay mất, để chúng ta định hình lại cách nhìn, định hình lại lối sống, từ đó xác định được hàm lượng văn hóa đô thị mà Hà Nội đang mang trong mình. Hòa nhập nhưng không hòa tan, hiện đại nhưng không xóa bỏ truyền thống, những giá trị nhân văn từ ngàn đời có thể không còn giữ nguyên vẹn nhưng sự sai khác phải ở mức chập nhận được chính là những câu hỏi lớn mà chỉ ở trong dịp Tết Nguyên Đán chúng ta, những người con của đô thị mới có thể tĩnh lại mà suy ngẫm.

  • Ghi chú: (*) Ferdinand Tönnies – Community and Society – 1887

 Nguyễn Tuấn – Trần Quang (dothiblog.wordpress.com)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo