Số lượng công trình xây dựng sử dụng gạch không nung đến nay vẫn còn khiêm tốn. Vì sao?
Nhiều quy định bắt buộc, khuyến khích sản xuất, sử dụng
Nhà nước đã ban hành nhiều quy định bắt buộc, khuyến khích việc sản xuất cũng như sử dụng gạch không nung nói riêng và vật liệu không nung nói chung.
Về mặt sản xuất, đáng chú ý là Chương trình phát triển vật liệu không nung được Chính phủ ban hành vào năm 2010 với mục tiêu sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1696 năm 2014 về một số giải pháp sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu xây dựng.
Về mặt sử dụng, có các nghị định của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng năm 2012 về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng. Nghị định 121 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có quy định chế tài đối với các vi phạm về sử dụng vật liệu không nung trong công trình xây dựng...
Theo thông tư mới được Bộ Xây dựng ban hành, kể từ tháng 2/2018, đối với các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu không nung được quy định như sau: các tỉnh đồng bằng trung du Bắc bộ và Đông Nam bộ sử dụng tối thiểu 90% vật liệu không nung tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên, với các tỉnh còn lại là tối thiểu 70% tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên; các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu không nung (tăng 30% so với quy định hiện hành). Riêng TPHCM và Hà Nội áp dụng tỷ lệ sử dụng gạch không nung là 100%...
Một công trình dân dụng sử dụng gạch không nung. (Ảnh: Thành Hoa)
Chủ yếu vì chất lượng thấp và nguồn cung chưa đa dạng
Việc tăng tỷ lệ sử dụng gạch không nung chắc chắn mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường khi hạn chế được việc khai thác đất làm gạch nung truyền thống. Tuy nhiên, thống kê mới nhất từ các địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn, cho thấy các chủ công trình xây dựng vẫn hờ hững với loại vật liệu thân thiện với môi trường này. Vì sao lại như vậy? Do chất lượng chưa phù hợp, kỹ thuật thi công khó khăn hay do nguồn cung gạch không nung vẫn thiếu hụt?
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tính đến nay, cả nước có khoảng 2.200 dây chuyền sản xuất gạch bê tông (gạch block xi măng cốt liệu) với tổng công suất thiết kế khoảng 6 tỉ viên/năm (chiếm khoảng 28% tổng lượng gạch cần cho các công trình xây dựng cả năm). Trong đó, Công ty Gạch Khang Minh tại Hà Nam đầu tư đến sáu dây chuyền sản xuất gạch bê tông với tổng công suất khoảng 270 triệu viên/năm. Các loại vật liệu không nung khác như bê tông khí chưng áp (gạch AAC), gạch bê tông bọt... cũng được một số doanh nghiệp rót vốn đầu tư với công suất hàng tỉ viên mỗi năm.
Cũng theo Bộ Xây dựng, song song với tình hình đầu tư sản xuất gạch không nung, 54 tỉnh, thành đã ban hành lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công và xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn. Một số địa phương đã hoàn thành việc xóa bỏ lò gạch thủ công như TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương...
TPHCM là địa phương “đi đầu” trong việc kiên quyết xóa sổ các lò gạch sử dụng đất sét truyền thống để qua đó đẩy mạnh hơn nữa lượng gạch không nung sử dụng trong các công trình. Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, một cán bộ quản lý ngành xây dựng tại TPHCM cho hay mặc dù thành phố đã có nhiều khóa đào tạo về thiết kế và xây dựng các công trình sử dụng gạch không nung nhưng tại nhiều dự án thuộc diện bắt buộc sử dụng gạch không nung, cơ quan quản lý phải thường xuyên “nhắc nhở” thì chủ đầu tư mới thực hiện.
Ông Trần Thanh Phương, Giám đốc một công ty xây dựng hoạt động lâu năm tại quận 10, TPHCM cho biết trong quá trình hành nghề, ông thấy số lượng công trình chủ đầu tư sử dụng gạch không nung rất hiếm hoi. Theo ông Phương, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến chủ đầu tư ngại sử dụng gạch không nung. Đó là nguồn cung chưa phong phú, không sẵn có như loại gạch đất sét nung luôn được chủ đại lý vật liệu xây dựng chở tới nơi. Bên cạnh đó, chất lượng của gạch không nung chưa được kiểm định và công bố rộng rãi cũng khiến chủ đầu tư chưa mặn mà với nó.
Trong một tổng kết về thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng thừa nhận: Dù đã có một số nhà đầu tư tham gia nhưng chủng loại và số lượng gạch không nung vẫn chưa đa dạng nên chưa được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, nhiều địa phương dù muốn hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung nhưng lại thiếu hoặc không có nguồn nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây không nung thay thế nên đành phải duy trì sử dụng gạch đất sét nung.
Nhưng nguyên nhân chính nhất khiến gạch không nung chưa đến tay người dùng một cách rộng rãi là yếu tố chất lượng. Điều này bắt nguồn từ việc một số hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung sử dụng máy móc, thiết bị chưa hiện đại, sản phẩm đầu ra có chất lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn, từ đó nhiều công trình có hiện tượng nứt tường hoặc chưa đảm bảo kỹ thuật, dẫn đến tâm lý e ngại chung khi sử dụng vật liệu xây dựng không nung.
Giải pháp sử dụng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện làm phụ giaHiện cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện hoạt động. Theo tính toán, nếu sử dụng than cám trong nước để đốt phát điện thì bình quân 1 kWh điện tốn khoảng 0,5 ki lô gam than và thải ra khoảng 0,18 ki lô gam tro, xỉ. Theo quy hoạch điện VII được phê duyệt thì đến năm 2030, cả nước có gần 60 nhà máy nhiệt điện than hoạt động. Nếu không sớm tìm đầu ra cho tro, xỉ than thải ra (chủ yếu dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng không nung) thì ngoài việc tốn kém chi phí để xử lý, nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng sẽ rất lớn. Đến nay, tổng lượng lượng tro, xỉ tồn chứa trên cả nước là khoảng 40 triệu tấn. Hàng năm, các nhà máy nhiệt điện thải ra thêm khoảng trên 15 triệu tấn nữa. Để tránh hiểm họa môi trường có thể xảy ra từ lượng tro, xỉ này, vào giữa năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2020 sẽ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy đến năm 2020. Trong đó, sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất clinker xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn; làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn... Để đạt được các mục tiêu nói trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện giải pháp để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất những loại vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. |
Văn Nam
(TBKTSG)
- Ứng dụng vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện môi trường: Nền tảng phát triển đô thị bền vững
- Ứng xử với hạt… cát
- Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng xanh
- Nghiên cứu khoa học - Nhiệm vụ trọng yếu trong quá trình phát triển bền vững tại Vicostone
- Hành trình đưa thương hiệu VICOSTONE tới năm châu
- Saint-Gobain Việt Nam trình diễn giải pháp trần tường thạch cao sáng tạo tại triển lãm BCI Equinox
- Những bản thiết kế từ thiên nhiên cho xi măng chống nứt gãy
- Vật liệu "Xanh" – Giải pháp hữu ích xử lý tro bay
- JM CladStone - Vật liệu chống thấm và chống cháy mới cho các công trình xây dựng
- Xây dựng công trình kiến trúc "Xanh" hướng tới tương lai bền vững