
Giới thiệu chung
Sông Tô Lịch, con sông lớn nhất nội đô, vốn từng là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ thượng lưu ở sông Hồng sang sông Nhuệ. Đến đoạn trung lưu, nó gặp hồ Tây (là dấu tích của đoạn sông Hồng cũ, nằm cạnh Quán Thánh) và một phần nước từ hồ Tây được cung cấp cho đoạn sông từ đó đến hạ lưu.
Hiện nay, trong tổng số 4 sông thuộc lưu vực tổng chiều dài 37,9 km, sông Tô Lịch lớn nhất với chiều dài 13,4 km, có điểm đầu từ hạ lưu cống qua đường Hoàng Quốc Việt, điểm cuối là ngã ba sông Nhuệ; chảy qua địa phận các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì. Là sông chính trong hệ thống các sông thoát nước khu vực trung tâm thành phố, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực diện tích 77,5 km2 với lưu lượng khoảng 30 m3/s, để vận chuyển qua 2 hướng thoát là ra sông Nhuệ (khi đập Thanh Liệt mở) và ra sông Hồng (qua điểm hạ lưu sông Kim Ngưu và trạm bơm Yên Sở).
Tuy nhiên, sự phát triển đô thị đã làm cho nước bị ô nhiễm nặng, khả năng tiêu thoát nước mưa của các sông giảm sút… Nguồn bổ cập nước chính cho sông vẫn là nước thải về mùa khô và nước mưa về mùa mưa. Hiện toàn tuyến sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150 nghìn m3 nước thải mỗi ngày từ 436 cửa xả lớn nhỏ, chưa kể lượng nước thải sông Lừ và sông Kim Ngưu đổ vào. Do dòng chảy nhỏ và tiếp nhận tải lượng lớn các chất ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng… nên chất lượng nước sông ngày càng giảm sút. Các nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội… cho thấy, với tải lượng hữu cơ xả vào sông từ 8,2 – 15 kg BOD/ha.ngày, toàn bộ dòng chảy sông từ cống Bưởi đến cống Thanh Liệt trong trạng thái ô nhiễm nặng polysaprobe và α-mezosaprobe, oxy hòa tan hầu như không có, nước sông màu đen và bốc mùi nặng về mùa khô [1]. Ngoài ra, khả năng điều tiết và vận chuyển nước sông cũng bị hạn chế do bùn cặn lắng đọng và chướng ngại vật trên sông. Nguy cơ tái ô nhiễm sông sau mùa mưa và sau mỗi lần nạo vét bùn cũng rất cao do dòng chảy chậm và nước thải trong sông không được xử lý và úng ngập trên lưu vực sông do năng lực thoát nước của các công trình tiêu thoát nước mưa. Tình trạng suy thoái và ô nhiễm nước các sông Kim Ngưu, Sét và Lừ cũng tương tự như sông Tô Lịch.
Như vậy, các sông nội đô Hà Nội cần phải khôi phục lại dòng chảy với chất lượng nước được cải thiện. Sông phải đảm bảo dòng chảy tự nhiên về mùa khô; thể tích chứa (điều tiết) nước lớn để tiêu thoát nước mưa; và có khả năng tự làm sạch cao để chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn môi trường cũng như tạo điều kiện phát triển các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí trên sông. Các sông hồ thoát nước nội đô sẽ tạo nên hệ thống hạ tầng thoát nước xanh cho thành phố.

Các yêu cầu để phục hồi dòng chảy và chất lượng môi trường nước các sông nội đô
Khi nghiên cứu quản lý nguồn nước cho một dòng sông có hai khái niệm được đề cập thường xuyên đó là dòng chảy môi trường và dòng chảy tối thiểu. Dòng chảy môi trường được nghiên cứu từ khá lâu trên thế giới nhưng khái niệm về dòng chảy tối thiểu lại khá mới mẻ.
Dòng chảy môi trường (Environmental Flows) là dòng chảy có đủ nước trong sông và chế độ nước này được quản lý nhằm bảo đảm các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là chế độ nước được cung cấp trong một dòng sông, vùng đất ngập nước hoặc vùng ven bờ để duy trì các hệ sinh thái và những lợi ích của chúng ở những nơi dòng chảy bị điều tiết và có sự cạnh tranh trong sử dụng nước. Dòng chảy môi trường được biểu thị bởi một chế độ dòng chảy đáp ứng yêu cầu bảo vệ các hệ sinh thái thuỷ sinh khi nguồn nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác sử dụng nước trên sông [2]. Dòng chảy môi trường thích hợp không chỉ là đặc trưng duy nhất của một hệ thống sông khỏe mạnh mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như giảm thiểu ô nhiễm và kiểm soát các hoạt động trên sông. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào dòng chảy môi trường mà không chú ý tới bối cảnh của nó sẽ khó có thể đạt được kết quả tốt. Vì vậy, dòng chảy môi trường cần được xem xét như một bộ phận cấu thành tổng thể của quản lý lưu vực sông hiện đại.
Theo Khoản 18 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2023 [3] thì “dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông, suối hoặc đoạn sông, suối nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nước”. Theo đó, dòng chảy tối thiểu có thể hiểu là phải có một lượng nước tối thiểu chảy qua sông để giữ cho dòng chảy không bị ngừng hoặc suy giảm nghiêm trọng. Dòng chảy tối thiểu phải đủ để duy trì các điều kiện sống thích hợp cho các loài sinh vật thủy sinh, bao gồm các động vật và thực vật sống dưới nước. Bên cạnh việc bảo vệ hệ sinh thái, dòng chảy tối thiểu còn đảm bảo đủ lượng nước tối thiểu cho các nhu cầu khai thác và sử dụng nước, như phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các hoạt động khác. Dòng chảy tối thiểu là một chỉ số quan trọng nhằm cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước của con người. Như vậy, dòng chảy môi trường sẽ là dòng chảy tối thiểu khi nó đáp ứng được yêu cầu duy trì dòng sông và bảo đảm mức tối thiểu cho các hoạt động khai thác nước trên sông.
Dòng chảy tối thiểu gồm 3 thành phần: Dòng chảy duy trì sông, dòng chảy sinh thái và dòng chảy đảm bảo nhu cầu tối thiểu của các ngành khai thác sử dụng nước [4]. Dòng chảy duy trì sông là dòng chảy ở mức thấp nhất về lượng để duy trì sự liên tục của dòng chảy trong sông. Dòng chảy sinh thái được xác định là dòng chảy đảm bảo sự phát triển bình thường của hệ sinh thái và duy trì các giá trị môi trường của dòng sông. Dòng chảy đảm bảo nhu cầu tối thiểu của các ngành khai thác sử dụng nước được xác định trên cơ sở yêu cầu sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên của các đối tượng khai thác nước.
Để các sông nội đô là khung sinh thái đô thị của trung tâm Thủ đô Hà Nội cần phải phục hồi lại dòng chảy môi trường không chỉ có sông Tô Lịch mà còn cả 3 con sông khác là sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Như vậy, với chức năng và ý nghĩa của 4 sông nội đô thì cần phục hồi để đảm bảo dòng chảy môi trường với 2 yêu cầu:
– Phục hồi cả về số lượng (lưu lượng và vận tốc tối thiểu) và chất lượng (chỉ tiêu chất lượng nước, điều kiện ổn định hệ sinh thái) cả về mùa khô (bổ cập nước pha loãng, tạo chế độ động cho các sông và hồ trong lưu vực Tô Lịch 77,5 km2 và đảm bảo một phần nước tưới cho khu vực phía Nam Hà Nội) và mùa mưa (tiêu thoát nước, giải quyết úng ngập cho thành phố).
– Cải thiện môi trường sống, khai thác và phát triển cảnh quan kiến trúc, dịch vụ văn hóa, tâm linh khu vực sông cả trên mặt nước và trên bờ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Hai yêu cầu về phục hồi và phát triển 4 con sông nội đô này kết hợp hài hòa với nhau để các sông có dòng chảy môi trường và tạo nên khung sinh thái đô thị của Hà Nội. Phục hồi số lượng và chất lượng nước ổn định dòng chảy sông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội lưu vực sông, và ngược lại phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí dọc bờ và trên mặt nước sẽ tăng cường quá trình tự làm sạch nước sông và duy trì khả năng chống chịu cho các thành phần hệ sinh thái thủy vực. Đây là sự tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước với hai nội dung phục hồi chất lượng môi trường và phát triển tài nguyên nước lưu vực sông Tô Lịch, bao gồm 4 sông nội đô Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hệ thống hồ đô thị liên quan.
Các giải pháp tổng hợp để phục hồi chất lượng, đảm bảo dòng chảy môi trường cho sông Tô Lịch và các sông nội đô Hà Nội
Trên cơ sở đánh giá tình trạng ô nhiễm nước và tiến độ thực hiện các dự án thoát nước và môi trường liên quan, với mục tiêu phục hồi dòng chảy và cải thiện chất lượng môi trường để phát triển hệ thống 4 sông nội đô, phù hợp với Quyết định số 725/QĐ-TTg quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 725) [5], giải pháp tiến hành với các bước như sau.
a. Tách, thu gom và xử lý các nguồn nước thải vào sông.
Thu gom và xử lý nước thải (XLNT), kể cả nước thải công trình thoát nước tập trung và phân tán, đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông. Trong nội đô Hà Nội hiện nay có 3 nhà máy XLNT tập trung đang hoạt động là nhà máy Yên Sở (công suất 200 nghìn m3/ngày, xả nước thải sau xử lý vào sông Kim Ngưu), nhà máy Kim Liên (công suất 3.600 m3/ngày xả nước thải sau xử lý vào sông Lừ), nhà máy Hồ Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày xả nước thải sau xử lý vào hồ Bảy Mẫu và sau đó vào sông Sét). Nhà máy Yên Xá xử lý nước thải cho lưu vực S2, công suất 270 nghìn m3/ngày đang được vận hành thử nghiệm, nước thải sau xử lý vào hạ lưu sông Tô Lịch. Các nguồn nước thải phân tán cũng được thu gom xử lý tại chỗ với các trạm XLNT công suất từ 20 – 100 m3/ngày, đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả vào nguồn tiếp nhận là các sông nội đô [6].
b. Xử lý ô nhiễm tồn lưu (bùn thải, rác thải…) trong sông.
Sau khi nước thải được tách ra khỏi các sông nội đô để đưa về các nhà máy/trạm XLNT, cần tiến hành dọn sạch rác thải, nạo vét bùn cặn tồn lưu… trong sông. Các biện pháp sục ozon, cấp khí bọt nano (nano bioreactor)… có thể ứng dụng để xử lý lượng bùn cặn lắng đọng trong sông.
c. Kè và cải tạo các kết cấu bờ sông.
Sông Tô Lịch và các sông nội đô trung tâm đã được cải tạo, nạo vét và kè bờ trong giai đoạn 1 từ năm 2001 – 2005 của Dự án thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay các bờ sông bị sạt lở, hư hỏng nhiều. Vì vậy, để ổn định dòng chảy các sông nội đô cần thiết phải sửa chữa các bờ kè hư hỏng hoặc xây dựng, tôn tạo lại phù hợp với đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa chất công trình và cảnh quan khu vực.
d. Bổ cập nước sạch đảm bảo dòng chảy tối thiểu về mùa khô cho sông.
Về mùa khô khi nước thải được thu gom về các nhà máy/trạm XLNT thì cần thiết phải bổ cập nước sạch để phục hồi dòng chảy cho sông, đồng thời cung cấp nước qua sông Nhuệ cho khu vực nông nghiệp phía Nam thành phố. Nguồn bổ cập nước sạch chính là từ sông Hồng, theo tính toán trong Quy hoạch thoát nước Hà Nội cũng như các nghiên cứu liên quan, với lưu lượng từ 5,0 – 5,5 m3/s trực tiếp vào sông Tô Lịch. Nguồn nước sông Hồng có thể kết hợp bổ cập cho hồ Tây để đảm bảo mực nước cảnh quan trong hồ, sau đấy qua các cửa phai để đưa nước hồ về sông Tô Lịch. Theo Hội Thủy lợi Việt Nam, nước sạch cũng có thể được cấp từ hồ Hòa Bình về cho các sông Nhuệ, sông Tô Lịch [7]. Các nguồn nước thải sau khi xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường từ các nhà máy XLNT Hồ Tây, Phú Đô, Yên Xá… có thể được cấp cho sông để nâng vận tốc lên khoảng 0,2 – 0,3 m/s, đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho sông Tô Lịch… Nước sạch từ hạ lưu sông Tô Lịch, các hồ Bảy Mẫu, hồ Yên Sở, hồ Linh Đàm… cũng có thể là nguồn bổ cập lại cho các sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu về mùa khô. Như vậy nhờ sự bổ cập và tuần hoàn nước sạch này, các sông hồ nội đô vùng trung tâm thành phố sẽ luôn ở trạng thái thủy vực động.
e. Tôn tạo cảnh quan, kiến trúc ven bờ và trên mặt nước sông.
Sau khi dòng chảy các sông nội đô được phục hồi, cần xây dựng các công trình kiến trúc cảnh quan, vui chơi giải trí trên bờ và trên mặt nước sông. Đó là các bè thủy sinh kết hợp với guồng quay, vòi phun nước… tạo mảng xanh, cảnh quan và làm giàu oxy cho nước sông, là các vườn hoa, công viên nhỏ và dải cây xanh ven sông… Các công trình này vừa để phát triển dịch vụ văn hóa, tâm linh… kết hợp với tăng cường khả năng tự làm sạch nước sông, đảm bảo ổn định hệ sinh thái sông và cải tạo điều kiện vi khí hậu khu vực.
Giải pháp bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch
Bổ cập nước sạch về mùa khô cho sông Tô Lịch là giải pháp cấp bách và ưu tiên để phục hồi dòng chảy sông. Trước mắt, sông Tô Lịch có thể có các nguồn bổ cập nước sau đây:
Nguồn 1: Nước sông Hồng tiếp cho sông Tô Lịch tại vị trí đường Hoàng Quốc Việt, lưu lượng 5 m3/s.
Nguồn 2: Nước thải sau xử lý nhà máy XLNT Hồ Tây dự kiến công suất Q=30 nghìn m3/ngày, xả vào sông Tô Lịch tại vị trí đường Hoàng Quốc Việt.
Nguồn 3: Nước thải sau xử lý nhà máy XLNT Phú Đô dự kiến xả khoảng 40 nghìn m3/ngày (trên tổng số 84 nghìn m3/ngày) vào sông Tô Lịch tại vị trí Cầu Giấy.
Nguồn 3: Nước thải sau xử lý nhà máy XLNT Yên Xá lưu lượng trung bình về mùa khô 270 nghìn m3/ngày xả vào sông Tô Lịch tại vị trí trước hợp lưu với sông Lừ.
Việc bổ cập nước sông Hồng từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch với lưu lượng 5 m3/s đã được đưa ra trong Quy hoạch 725. Tuy nhiên hiện nay phương án lấy nước sông Hồng từ sông Nhuệ tại Cổ Nhuế để bổ cập cho sông Tô Lịch gặp phải một số khó khăn, bất cập như: dự án trạm bơm hai chiều lưu lượng 170 m3/s tại Liên Mạc chưa được triển khai, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm do trộn lẫn nước thải chưa được xử lý lưu vực xung quanh đổ vào, tuyến mương dẫn nước sông Nhuệ về sông Tô Lịch không thể thi công được vì không còn đất…

Để bổ cập khẩn cấp nước sạch sông Hồng cho sông Tô Lịch từ thượng lưu, tháng 12/2024 Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường [8], với việc xây dựng trạm bơm công suất 3 – 5 m3/s tại bãi sông khu vực phường Phú Thượng. Tuyến ống dẫn nước thô từ vị trí trạm bơm đi dọc tuyến đường nội bộ trong vùng bãi sông cắt qua đê sông Hồng, qua đảo giao thông đi dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí nút giao Hoàng Quốc Việt. Tại vị trí đường Võ Chí Công (đối diện ngõ 685 Lạc Long Quân) bố trí 1 họng chờ để sẵn sàng cấp nguồn bổ cập nước hồ Tây. Phương án thi công tuyến ống là khoan rút ống hoặc khoan kích ngầm kết hợp đào mở hố giếng. Sử dụng vật liệu ống gang dẻo hoặc HDPE D1200. Trên sông Tô Lịch sẽ xây dựng 3 đập dâng nhằm duy trì mực nước trung bình trên sông Tô Lịch trong khoảng cao độ dưới +3,3 hoặc dưới +3,8 m để không vượt quá ngưỡng các giếng tràn nước mưa theo Dự án hệ thống XLNT Yên Xá đã đầu tư xây dựng và đảm bảo dòng chảy trung bình trong sông khoảng 0,075 m/s. Tổng kinh phí để đầu tư cho phương án này là khoảng 550 tỷ đồng.
Với phương án này sông Tô Lịch có thể được bổ cập nước sạch kịp thời vào tháng 9/2025. Điều kiện thi công các công trình và tuyến cống là khả thi và kinh phí đầu tư có thể huy động được trong thời gian cần thiết. Tuy nhiên, lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và Hồ Tây là 3,0 m3/s là quá thấp so với phương án đề xuất của Viện Khoa học thủy lợi là 18 m3/s [9] hoặc trong Quy hoạch 725 là 5 m3/s. Dòng chảy tối thiểu trong sông hoàn toàn không đảm bảo khi làm các đập dâng cao su tại vị trí cống Mọc, cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch – sông Kim Ngưu. Nguy cơ phú dưỡng các khúc sông tù với vận tốc dòng chảy quá nhỏ là hiện hữu. Vì vậy, mức độ bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch cần phải được xem xét cụ thể trong điều kiện khả thi khi thi công tuyến ống HDPE qua đê sông Hồng và dọc đường Võ Chí Công để đảm bảo được dòng chảy tối thiểu của sông Tô Lịch vừa khô, đồng thời đủ nước sạch để bổ cập cho các sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu sau này. Mặt khác, cần xác định lượng nước và phương pháp bổ cập nước sông Hồng hợp lý cho hồ Tây vừa đảm bảo duy trì mực nước cảnh quan, vừa tránh hiện tượng sốc sinh thái trong hồ.
Nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng nguồn nước sông nội đô Hà Nội
Tài nguyên nước thành phố Hà Nội nói chung, lưu vực 77,5 km2 sông Tô Lịch nói riêng, phải được quản lý tổng hợp: Đây là một quá trình đẩy mạnh phối hợp phát triển và quản lý nguồn nước, đất đai và tài nguyên liên quan, để tối đa hoá lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu. Quản lý và phát triển nguồn nước phải dựa trên cách tiếp cận cùng tham gia của người hưởng thụ nguồn nước (cộng đồng), người lập kế hoạch (tư vấn) và quyết định chính sách (quản lý nhà nước) [10].
Để kiểm soát tình hình ô nhiễm cũng như đảm bảo dòng chảy môi trường, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình và dự án cũng như khi khai thác, vận hành các con sông này cần thiết thực hiện các chương trình quan trắc tài nguyên nước (chất lượng và lưu lượng) các con sông.
Các sông nội đô vùng trung tâm nội đô thành phố Hà Nội có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh và sinh thái rất lớn. Các sông này cũng đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đề án theo các bước nêu trên, các nội dung về giáo dục, thông tin truyền thông đối với cộng đồng, những người hưởng thụ môi trường và các dịch vụ văn hóa, tâm linh, giải trí,… trên sông, phải được triển khai đồng thời và hài hòa. Nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về bảo vệ môi trường nước, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tầng lớp xã hội là nội dung cơ bản khi thực hiện các dự án khôi phục môi trường nước sông hồ nội đô. Cần phải phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân với hình thức xây dựng các trung tâm giáo dục và triển lãm môi trường, giới thiệu và cung cấp thông tin về giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế xã hội các sông hồ, các giải pháp bảo vệ môi trường nước sông hồ, xử lý ô nhiễm nước,… tại các nhà máy XLNT Yên Xá, nhà máy XLNT Yên Sở, công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ,… như trong Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước các sông nội đô mà Sở TN&MT Hà Nội đề xuất [11].
GS.TS Trần Đức Hạ