Theo các chuyên gia bất động sản, đại đô thị đang tái định hình không gian đô thị tại Việt Nam, nơi các dự án cũ thông thường là các khu đô thị ngổn ngang với điều kiện hạ tầng cơ bản thiếu đồng bộ.
Các dự án đại đô thị với diện tích từ 100 ha trở lên được triển khai tại các quận, huyện xa trung tâm đang là nguồn cung chủ yếu cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ.
Đây cũng là chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư trong bối cảnh quỹ đất tại các khu trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm.
Hinode Royal Park là đại đô thị tiện nghi, an yên giữa lòng thiên nhiên. (CĐT/Vietnam+)
Với hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, nhu cầu sống rộng rãi, thoáng đãng, hòa mình cùng thiên nhiên đang khiến cư dân các thành phố lớn có xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt thời gian qua càng thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu này.
Những ngôi nhà đủ rộng rãi, tiện nghi với các dịch vụ hoàn chỉnh không quá xa đang trở thành hình mẫu hướng tới của nhiều gia đình. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án đại đô thị có diện tích trên 100ha hầu hết đều ở Thành phố Thủ Đức, Nhà Bè hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
Tương tự, tại Hà Nội, nhiều dự án đại đô thị cũng đang được định vị tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh… hoặc tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…
Cũng không trói buộc vào khái niệm cố hữu về một không gian sống rộng rãi, khoáng đạt, các đại đô thị mới được quy hoạch bằng cách “nén” cư dân trong một không gian đô thị phong phú, nhường diện tích cho các tiện ích khác như trường học, bệnh viện, bể bơi, thậm chí biển nhân tạo, khu vui chơi, đường giao thông…
Theo các chuyên gia bất động sản, đại đô thị đang tái định hình không gian đô thị tại Việt Nam, nơi các dự án cũ thông thường là các khu đô thị ngổn ngang với điều kiện hạ tầng cơ bản thiếu đồng bộ do bị hạn chế về diện tích, áp lực lợi nhuận của chủ đầu tư, do đó vận hành thiếu hiệu quả.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đưa ra phân tích, nếu hình dung các luồng giao thông là các bình thông nhau, thì việc hình thành các khu đại đô thị là cách tạo thêm những nhánh rẽ mới, giảm áp lực đến các đường ống chính. Áp lực mà hệ thống giao thông đang phải chịu đến từ việc tổ chức hệ thống giao thông chưa thực sự thông minh, dẫn đến việc quá tải.
Vấn đề của hệ thống đô thị Việt Nam là giải quyết giao thông bằng cách tăng mật độ sống tại các khu chung cư khu đô thị, dành diện tích còn lại để mở rộng đường sá, tăng lưu lượng.
Vinhomes Ocean Park 2.
Sống trong một khu đô thị đông đúc không phải là mơ ước của phần lớn mọi người. Họ hướng ước mơ ra các khu vườn rộng rãi, thoáng mát ở khu vực ngoại thành. Nhưng để so sánh với sự tiện lợi cho đời sống hàng ngày, các khu đại đô thị với đầy đủ các chức năng vẫn là sự lựa chọn của phần lớn gia đình.
VARS cho rằng đa dạng không gian sinh hoạt và các tiện ích dành cho cư dân không chỉ là cách giúp chủ đầu tư thu hút khách hàng - những người có yêu cầu ngày càng cao về không gian sống và làm việc, mà còn giúp dự án có giá bán tốt hơn.
Mặc dù xa trung tâm, nhưng với chất lượng xây dựng tốt, cùng với hạ tầng đồng bộ, các dự án đại đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh thường có mức giá thấp nhất khoảng 35-40 triệu đồng/m2; nhiều dự án cao cấp còn có mức giá lên tới 70-80 triệu đồng/m2.
Một số dự án đại đô thị nổi bật tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Vạn Phúc City, Khu đô thị An Phú-An Khánh, Laimian City, Đông Tăng Long, Vinhomes Grand Park, Zeitgeist Nhà Bè, Aqua City…
Tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, các dự án đại đô thị nổi bật, cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn căn hộ với mức giá xung quanh 30-40 triệu đồng/m2 có thể kể đến Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Ocean Park 2, Vinhomes Riverside Long Biên, Ecopark (Hưng Yên, tiếp giáp Hà Nội), Gamuda City, Ciputra…
Mở rộng đô thị đồng thời với việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc, cầu, cầu vượt, mở rộng các con đường hiện hữu... đang tạo cơ hội cho nhà đầu tư phát triển những dự án đại đô thị.
Tuy nhiên, VARS nhận xét, vấn đề thời gian cấp phép cho dự án vẫn kéo dài cũng như thủ tục phức tạp đang là một cản trở cho các chủ đầu tư trong kế hoạch phát triển đại đô thị trên thị trường bất động sản trong ít nhất một năm tới./.
Thu Hằng
(TTXVN / Vietnam+)
- Nhà ở xã hội và nhà vừa túi tiền được "kích hoạt" trở lại
- TPHCM sẽ xây dựng hơn 100 triệu mét vuông nhà ở trong 10 năm tới
- Phát triển nhà ở xã hội nhìn từ kinh nghiệm của Singapore và Anh
- Nhiều ẩn số cho thị trường bất động sản nửa cuối năm
- Châu Á sôi động với không gian "chia sẻ" vừa ở vừa làm việc
- Bảo vệ môi trường, xã hội, quản trị: Tác động tới thị trường bất động sản như thế nào?
- Sở hữu có thời hạn chung cư, nhìn từ Singapore
- Vốn ngoại rót vào bất động sản Việt Nam tăng gần gấp ba lần trong 5 tháng
- Tín dụng bất động sản có đang bị siết hay không?
- Nhìn lại 4 "cơn sốt" của thị trường nhà đất TP.HCM