Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Chuyên mục Bất động sản TP.HCM: Hàng trăm chung cư cũ sẽ sớm được cải tạo, xây dựng lại

TP.HCM: Hàng trăm chung cư cũ sẽ sớm được cải tạo, xây dựng lại

Viết email In

TP.HCM giao quyền cho cấp quận, huyện để cải tạo các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975…

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định uỷ quyền, phân công cho UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức quyền tự quyết việc cải tạo các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại hàng trăm chung cư xuống cấp trên địa bàn.


Nhiều chung cư cũ tại TP.HCM đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ủy quyền đến 2025

Theo đó, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức được ủy quyền để thực hiện các thủ tục về ban hành kết quả kiểm định nhà chung cư; quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp, cưỡng chế di dời trong trường hợp chung cư cần phải xử lý vì không đảm bảo an toàn.

Được ủy quyền để thực hiện quyết định phá dỡ công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc cưỡng chế di chuyển để bàn giao nhà trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện trách nhiệm trong việc phá dỡ công trình; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải xây dựng và ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; công khai tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư để các chủ sở hữu nhà chung cư biết và thực hiện lựa chọn chủ đầu tư.

Các đơn vị trên được uỷ quyền để phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo cũng như chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng; trong đó nội dung xác định rõ tên doanh nghiệp bất động sản được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án.

UBND TP.HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức không được uỷ quyền các công việc nói trên cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện.

Thời gian uỷ quyền từ ngày 17/8/2022 đến ngày 31/12/2025.

Khó về vốn và cơ chế

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975.

Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm); 116 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B; 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.

Về tháo gỡ, đã có 4/14 chung cư bị hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn; đã tháo dỡ 6 chung cư xuống cấp nhưng không thuộc loại bị hư hỏng nặng.

Bên cạnh đó, có 199 chung cư xây dựng trước năm 1975 được cải tạo, sửa chữa với tổng mức đầu tư gần 276 tỷ đồng. Tuy vậy, việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ tại TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn vốn.

Trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP.HCM ban hành năm 2021, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng 246 chung cư cũ.

Tuy nhiên, đến tháng 02/2022, các sở, ngành vẫn chưa thống nhất việc bố trí nguồn vốn để thực hiện. Điều này dẫn đến mục tiêu cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cũ khó triển khai đúng tiến độ.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sở này đang đề nghị UBND thành phố bố trí 500 tỷ đồng để sửa chữa những chung cư cũ này.

Trước đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng gỡ “điểm nghẽn” trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Theo UBND TP.HCM, quá trình di dời, tháo dỡ và xây dựng mới chung cư cũ đang gặp nhiều vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ di dời, an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như nhà nước.

Thứ nhất, về bồi thường đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước: UBND TP.HCM kiến nghị phương án bồi thường đối với các dự án chuyển tiếp thực hiện theo 2 bước: Nếu người đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước không có nhu cầu thuê lại nhà tái định cư thì hỗ trợ 60% giá trị nhà, đất; đồng thời chủ đầu tư phải nộp 40% giá trị còn lại vào ngân sách nhà nước.

Thứ hai, bồi thường cho nhà nước đối với phần diện tích sở hữu chung: UBND TP.HCM đề xuất đơn giá được tính tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường bổ sung.

Theo thống kê, vướng mắc về bồi thường nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có 9 dự án, gồm: chung cư 23 Lý Tự Trọng, 128 Hai Bà Trưng, 289 Trần Hưng Đạo - 74 Hồ Hảo Hớn, 100 Cô Giang (quận 1), 251 Hoàng Văn Thụ, 350 Hoàng Văn Thụ ( quận Tân Bình), chung cư Tân Phước ( quận 11), chung cư Soái Kình Lâm (quận 5), chung cư Nguyễn Kim (lô K, L, M, N, O thuộc quận 10).

Ngoài ra, UBND TP.HCM đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong các trường hợp không kêu gọi được nhà đầu tư, không thể xây dựng lại chung cư ở vị trí cũ.

Hiện có 7 dự án đang gặp vướng mắc về vấn đề này, gồm: 155 - 157 Bùi Viện (quận 1), 6Bis Nguyễn Tất Thành, Trúc Giang ( quận 4), 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), 119B Tân Hòa Đông (quận 6), 137 Lý Thường Kiệt, 149 - 151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình).

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng xử lý là nhà nước sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân ở các địa điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công; đồng thời khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất để tổ chức đấu giá, thu hồi ngân sách.

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...