Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhà ở xã hội: Thước đo về chất của sự tăng trưởng

Nhà ở xã hội: Thước đo về chất của sự tăng trưởng

Viết email In

Nhà ở xã hội - Nền tảng bền vững của sự phát triển!

Mở đầu câu chuyện bằng một tư duy rất logic và uyên bác, ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINACONEX - phân tích: Những năm qua nhất là 20 năm đổi mới, đất nước ta đang ở một giai đoạn phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sự phát triển của đất nước  trong những năm vừa qua là sự phát triển có chất lượng. Ông Tuân nói: “Ngoài khía cạnh tốc độ của sự phát triển, tôi muốn nói đến chất lượng của tốc độ. Nó cần thiết cho việc định hướng của sự chỉ đạo lãnh đạo đảm bảo tính bền vững”. Ví dụ tốc độ hiện nay bình quân khoảng 7 - 8 hay 10% hoặc cao hơn nữa. Nói như thế chỉ là tốc độ lượng hóa GDP năm sau cao hơn năm trước. Để đạt được chất lượng của tốc độ phát triển thì cần định hướng của cả bộ máy, cơ chế, định hướng, quyết tâm…

  • Ảnh bên : Ông Nguyễn Văn Tuân
Chúng ta nói tốc độ phát triển GDP hàng năm là 7 - 8 hoặc trên 10%... nếu chúng ta quan tâm đến chất lượng phát triển. Vấn đề ở chỗ tốc độ phát triển của một đất nước cần lượng hóa bằng giá trị phát triển. Tốc độ phát triển phục vụ ai, đúng đối tượng đúng mục tiêu hay chưa để tạo chất lượng của sự phát triển. Chỉ nói đến vấn đề rất nhân văn là NƠXH, sẽ khó hơn rất nhiều nếu như bài toán phát triển NƠXH, nhà thu nhập thấp giao cho thế hệ trẻ, những người sinh ra ở thời bình (sau năm 1975) và lớn lên khi đất nước không còn khó khăn.

Chúng ta cần hiểu trong hơn 87 triệu dân của đất nước, chúng ta cần lo cho ai, chính là lo cho người nghèo - đối tượng của chương trình NƠXH. Chúng ta phải phục vụ đối tượng ấy. Trong xã hội có người thu nhập khá, có người thu nhập trung bình có người thu nhập thấp. Tất cả các đối tượng ấy đều cần phải được chăm lo. Người ta có một mái nhà, được có chỗ để ngủ yên, có một điều kiện để phát triển thì mới tạo ra chất lượng phát triển của xã hội được. Chương trình NƠXH chính là đang đi vào chất của sự phát triển xã hội.
  • Ảnh bên : Lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Lãnh đạo TCty VINACONEX... cắt băng khánh thành chung cư thu nhập thấp tại Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Chúng ta không nói đến chuyện phân biệt người giàu người nghèo nhưng ở đây có thể thấy rõ ràng rằng đó là những đối tượng mà chúng ta phải lo. Cái sâu xa, cái trực tiếp của nó thì người nghèo, người thu nhập thấp chiếm số lượng lớn trong xã hội chính là đối tượng mà chúng ta phải phục vụ đó là một phần Chất của sự phát triển. Có thể thấy rõ đây là việc làm rất nhân văn. Chúng ta đang lo nhà ở cho 80% dân số, những người có bình quân thu nhập rất thấp. Đó là chưa muốn nói đến những người sống ở thành thị và nông thôn. Lo cho người nghèo có chỗ ăn, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh… Qua nền tảng ấy đã tạo ra xã hội mang tính cộng đồng quan tâm chia sẻ lẫn nhau chính là sự tồn tại, sự bền vững và phát triển của một đất nước. Nhưng chúng ta lo cho ai, lo bao giờ cũng phải lo cho đa số.

Lâu nay, có những thời kỳ chúng ta cũng phải thừa nhận vì mục tiêu phát triển nọ mà đành tạm gác mục tiêu kia. Nhưng tôi cho rằng, lo nhà ở cho người lao động nghèo, người thu nhập thấp chính là quan tâm một cách sâu xa và tạo nền tảng bề vững nhất cho xã hội. Đó là quy luật. Xã hội nào cũng thế dù là Á hay Âu, hay Mỹ La tinh... ở đâu cũng phải lo cho con người. Còn lo như thế nào là hoàn cảnh của từng nước. Chúng ta đang sử dụng sức lao động của con người. Lo cho họ được chỗ ở, con người phát triển được thì mới tạo nền tảng cho xã hội được.


Hầm để xe cao cấp trong dự án nhà cho người thu nhập thấp / Khuôn viên được quy hoạch đồng bộ trong dự án chung cư cho người thu nhập thấp do VINACONEX Xuân Mai xây dựng tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Phát triển NƠXH - toàn xã hội phải thực hiện đồng bộ
Ngay sau khi có các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, chủ trương của Bộ Xây dựng... về phát triển NƠXH, Đảng ủy, HĐQT TCty đã có Nghị quyết về phát triển NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp. VINACONEX đã đang và sẽ sẵn sàng cung cấp sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh để làm công tác xã hội tạo điều kiện cho nhiều khách hàng biết đến thương hiệu của nhà cung cấp.

Giai đoạn đầu VINACONEX tập trung vào xây dựng nhà ở cho các lực lượng học sinh sinh viên thuộc các lực lượng an ninh quốc phòng, các trường ĐH Quốc gia: Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM; xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN và người thu nhập thấp tại các địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai... 

Với câu chuyện phát triển NƠXH, lâu nay chủ trương có rồi, có từ rất lâu và xuyên suốt. Tuy nhiên cách làm có lúc nặng, có lúc nhẹ. Nhưng đến bây giờ, vấn đề này đã thành chủ trương từ quan điểm đến các vấn đề chính sách cụ thể. Như vậy, có thể thấy điều kiện để xây dựng, phát triển NƠXH đã có và có khá đầy đủ. Vấn đề hiện nay là thực hiện như thế nào?

Chúng ta đang lo cho người nghèo cái ở. Nhưng chính cái ở thì cần phải kèm theo cái ăn và điều kiện đi lại, vui chơi, học hành, y tế... Giữa chính sách thực hiện và người thực hiện thì đâu  quan trọng hơn? Ông Tuân cho rằng: Vấn đề “thực hiện” phải cần được hiểu đúng. Không phải chỉ có mấy anh doanh nghiệp thực hiện phát triển NƠXH là đủ. Tính đồng bộ của toàn xã hội phải thực hiện từ trên xuống dưới, từ các bộ phận với nhau. Cụ thể: Cấp quản lý phải ra cơ chế chính sách; Đơn vị quản lý vốn phải cấp vốn đúng đối tượng; Các bộ phận giúp việc ở các ngành, địa phương phải tích cực tham gia và các doanh nghiệp là người làm trực tiếp. Mỗi cấp, theo chức năng nhiệm vụ của mình cùng làm thì chương trình mới phát triển nhanh.

Không thể đưa người nghèo đến nơi ở xa, hẻo lánh đối với các đô thị. Điều này sẽ khiến các điều kiện sinh hoạt, kinh tế, đi lại càng khó khăn. Như vậy bao nhiêu chi phí khác lại đi theo, người nghèo càng nghèo thêm. Như vậy, chọn địa điểm để xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp là hết sức quan trọng. Vì không phân biệt giữa người giàu, người nghèo nên chúng ta làm sao tạo điều kiện cho người nghèo bằng cách khai thác các quỹ đất xen kẽ giữa các đô thị mới để người giàu và người nghèo đều được thụ hưởng chéo của nhau hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng văn hóa. Như vậy người nghèo mới bớt nghèo đi được. Điều này đương nhiên phải là cấp chính quyền địa phương làm chứ không thể doanh nghiệp làm được chính vì vậy mới cần quyết tâm một cách đồng bộ.

  • Ảnh bên : TGĐ VINACONEX Xuân Mai Đặng Hoàng Huy kiểm tra thiết bị bếp trước khi bàn giao căn hộ cho người thu nhập thấp.

Khi có địa điểm xây dựng (đất) rồi thì phải làm như thế nào? Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng vào cuộc, đồng bộ triển khai. Những vấn đề như: Vốn ra sao? Đối tượng nào được vào ở? Quy hoạch ra sao? Mật độ sử dụng đất như thế nào? Kiến trúc dự án, thiết kế căn hộ thế nào?...  Tôi cho rằng các doanh nghiệp xây dựng cần tập trung vận dụng nhiều giải pháp để làm nên chất lượng bền vững cho các dự án nhà cho người thu nhập thấp. Chúng ta phải làm sao để người dân hiểu rằng, nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp.

Trả lời câu hỏi: Trong số các bộ máy ấy, theo ông, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính, cơ quan nào sẽ “đứng mũi chịu sào” trong chương trình phát triển NƠXH? Ông Tuân cho rằng: Đương nhiên phải có người, có cơ quan. Các cơ quan tùy theo chức năng phải chịu trách nhiệm để chương trình phát triển đúng mục đích đã đề ra. Doanh nghiệp chỉ là một khâu trong triển khai công việc đó. Như vậy có thể thấy đây là cộng đồng trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận làm.

Cần chữ Tâm của doanh nghiệp

  • Ảnh bên : Người thu nhập thấp hài lòng với  trang thiết bị nội thất căn hộ.

Vậy tham gia chương trình phát triển NƠXH, doanh nghiệp cần phải làm những gì? Ông Tuân cho rằng: Với mỗi dự án, ngoài các bài toán về kinh tế, trong thiết kế, doanh nghiệp phải làm sao để phù hợp với người thu nhập thấp. Có một dự án, một khu đất, doanh nghiệp phải làm như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu ở của nhiều hộ gia đình nhất? Một căn hộ rộng bao nhiêu mét vuông? Bố trí bao nhiêu buồng phòng? Trang thiết bị trong tòa nhà, trong căn hộ, như thế nào? VLXD ra sao? Công nghệ xây dựng áp dụng là gì?... là những bài toán mà doanh nghiệp cần làm để mục tiêu vừa phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp mà vẫn sống được, vẫn đủ điều kiện sinh hoạt xã hội của người dân sống trong các căn hộ, các dự án NƠXH mà mình xây dựng. Đó là việc doanh nghiệp phải làm bằng trách nhiệm, bằng chính cái Tâm của mình.

Thêm nữa, nói về thiết kế, doanh nghiệp phải làm sao cho hợp lý. Liệu nên dùng căn hộ 40 - 50 hay 70m2 hoặc rộng hơn. Trong căn hộ bố trí mấy buồng, bếp nấu, phòng ăn, phòng ngủ... ở đâu là những vấn đề mà doanh nghiệp xây dựng, ngành Xây dựng phải lo điều ấy. Nghề mà Nhà nước, mà xã hội giao cho mình đồng thời cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng. Người xây dựng phải nghĩ hộ cho các cấp ngành, các địa phương và phải làm thay cho người dân để có những căn hộ xã hội đúng theo yêu cầu sử dụng. Và như mục tiêu của chương trình, những căn hộ cho người thu nhập thấp chỉ để phục vụ cho người thu nhập thấp, cho các công chức, viên chức, lao động mới lập nghiệp, khi họ có điều kiện, họ không còn là “người thu nhập thấp” họ tự cải thiện điều kiện ở của mình thì những căn hộ ấy sẽ dành cho các gia đình ở thế hệ sau đang là người thu nhập thấp.

  • Ảnh bên : Chung cư 9T1 do VINACONEX Xuân Mai xây dựng với kỷ lục xây 9 tầng trong 9 tháng. 

Làm sao để ông và lãnh đạo TCty (những người nhiều tuổi) truyền được lửa nhiệt tình cho các thế hệ cán bộ của VINACONEX sau này?” - chúng tôi hỏi, vị Chủ tịch HĐQT trả lời: “Cán bộ VINACONEX thường nói xây NƠXH là việc làm đòi hỏi chữ Tâm, đòi hỏi văn hóa doanh nghiệp lên trên bài toán kinh tế thị trường. Điều này chúng tôi đã đưa vào nghị quyết của Đảng ủy, của HĐQT và các thế hệ cán bộ VINACONEX từ trước đến nay đều hiểu trách nhiệm xã hội của mình đối với từng dự án, từng công việc và trong cả chiến lược sản xuất kinh doanh là như thế nào”.

Nhấp chén trà nóng, đắm mình trong suy tưởng chừng vài phút ông Tuân chậm dãi nói như lời kết của câu chuyện: “Từ ngày ra đời và trong suốt hơn 20 năm nay, VINACONEX luôn quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Một phần trong đó là quan tâm đến người lao động, quan tâm đến xã hội. Có thể nói, xây nhà cho người lao động, người nghèo, người thu nhập thấp được chúng tôi thể hiện qua chính các việc làm như: Các dãy nhà công nhân kiên cố, sử dụng lâu dài thay cho lán trại ở mỗi công trình; Nhà ở bán tiền chế cho người nghèo ở ĐBSCL mà mỗi căn hộ chưa đến 10 triệu đồng; Các dự án nhà ở cho công nhân, cho người thu nhập thấp đầu tiên của cả nước đã bàn giao tại Đông Anh, tại Xuân Mai (Hà Nội), tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)... Và lãnh đạo TCty khẳng định rằng, các thế hệ nối tiếp nhau của VINACONEX sẽ tiếp tục làm tốt con đường mà chúng tôi đã chọn”.

Những dự án NƠXH mà VINACONEX đã và sẽ triển khai tại khu vực phía Nam:

- Dự án hợp tác đầu tư tại P.Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai diện tích 6.000m2 với 400 căn hộ.

- Dự án tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM diện tích 70.000m2 với 4.500 căn hộ.

- Dự án nhà thu nhập thấp tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diện tích 55.000m2 với 2.000 căn hộ.

- Dự án hợp tác đầu tư tại huyện Nhà Bè, TP.HCM có diện tích 10.000m2, xây dựng 1.100 căn hộ.

- Dự án chung cư Bình Trị Đông B đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM diện tích: 5824,2m2  xây dựng: 352 căn hộ diện tích từ 45 - 65m2. 

Trí Hòa - Tâm Anh

[ Chuyên đề : Nhà ở xã hội ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo