Những diễn biến trên thị trường bất động sản Hà Nội đang quay lưng với giới đầu tư, cho dù có không ít yếu tố tích cực đang đứng về phía họ.
Thực tế này một lần nữa minh chứng cho một thị trường thiếu ổn định của thị trường bất động sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Còn với nhiều chuyên gia, sự trầm lắng của thị trường vào lúc này được xem như một dấu hiệu khẳng định vai trò của giới đầu cơ sau một thời gian thao túng và “tạo sóng” trên thị trường.
Giao dịch tiếp tục đóng băng
Theo khảo sát của VnEconomy và thông tin từ một số sàn giao dịch bất động sản như ACB, Detechland, Gia Nam... thị trường bất động sản Hà Nội đang rơi vào trạng thái trầm lắng, kéo dài suốt từ hồi đầu tháng 4 đến nay.
Thế nhưng, hầu hết chủ các sàn giao dịch bất động sản hay giới đầu tư vẫn không quá bi quan trước tình trạng đóng băng của thị trường.
Có mặt tại sàn giao dịch bất động sản Quang Minh (Hà Đông), người viết ghi nhận cả ngày chỉ có khoảng 1 - 2 người ghé vào tìm hiểu, hỏi han thông tin rồi rút lui lặng lẽ. Gặng hỏi vì sao không mặn mà với nhà đất vào thời điểm này, phần lớn đều vừa lắc đầu vừa buông lời “chưa phải lúc”.
Theo ông Phạm Mạnh Dưỡng (Sàn giao dịch bất động sản Quang Minh), những khu vực “hot” trước đây như Xa La, Dương Nội, Vân Canh... giờ cũng "vắng như chùa bà Đanh". Hầu hết các căn hộ, mảnh đất phân lô tại các khu vực trên được giới thiệu tại sàn này không ai sờ tới.
“Lẽ ra thời điểm này giao dịch trên thị trường phải được cải thiện để chuẩn bị nghỉ ngơi trong tháng 7 “cô hồn”, nhưng thực tế lại còn thê thảm hơn tháng 7 năm ngoái. Hơn nữa, thời điểm này những năm trước, giới đầu cơ sẽ tăng cường săn nhà đất để chuẩn bị cho một số đại gia tỉnh lẻ mua nhà cho con đậu đại học, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Dưỡng nói.
Tuy nhiên, vị này cũng tiết lộ, trong suốt thời gian thị trường trầm lắng vừa qua, vẫn có nơi “nuôi sống” cả sàn này là khu nội thành và khu An Khánh. Nhà, đất tại những khu vực trên vẫn có nhiều người tìm mua cho dù giá cao hơn nhiều so với các nơi khác.
Còn tại phía Đông Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh... các giao dịch đất nền, suất nhà, đất tại các dự án cũng rơi vào tình trạng đóng băng giao dịch.
Ông Hồ Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Môi giới bất động sản Hùng Phong (Đông Anh) cho biết, mặc dù giá đất liền kề tại nhiều khu vực trên địa bàn đã giảm từ 1 -2 giá (1 - 2 triệu đồng/m2) nhưng giao dịch vẫn không cải thiện là mấy.
Chẳng hạn đất liền kề tại dự án CIENCO 5 Mê Linh, khu đô thị mới Hà Phong... có giá chào bán liền kề hồi đầu năm từ 15 - 18 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay chỉ khoảng 12 - 16 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí và độ rộng của đường chạy qua.
Riêng giá đất biệt thự hiện được giới đầu cơ rao bán khoảng 10 - 13,5 triệu đồng/m2, thay vì 15 triệu như mấy tháng trước.
Thế nhưng, theo ông Hùng, cả vài tháng nay, trung tâm của ông cũng phải chấp nhận cảnh “ngồi chơi xơi nước” với vẻn vẹn 2 giao dịch thành công cho hàng trăm lô đất, suất căn hộ đang được rao bán tại đây.
Cơ hội cho ai?
Thực tế thì thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu rơi vào trầm lắng từ hồi đầu tháng 3. Khi đó một số sàn giao dịch bất động sản đã có tình trạng ứ hàng vì người gửi bán thì nhiều còn người mua thưa thớt.
Nguyên nhân được phần lớn giới đầu cơ đưa ra lúc đó là do họ còn “chờ nhiều thứ”, từ quy hoạch Thủ đô, việc hoàn thiện trục Láng - Hòa Lạc hay thậm chí có một số chờ ngân hàng hạ lãi suất.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người khó hiểu là bởi, xưa nay thị trường bất động sản vẫn được xem như một “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Và khi nền kinh tế trong nước đang trên đà hồi phục thì không có cớ gì bất động sản lại đi xuống.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nóng - lạnh trên thị trường bất động sản là chuyện bình thường và luôn có chu kỳ. Còn về lâu dài, thị trường vẫn có nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư, ông Nam nói.
Tuy nhiên, khi đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lưu ý rằng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có đặc thù riêng, đó là tần suất tăng - giảm ngắn và nhanh hơn nhiều nước trên thế giới. Điều này chứng tỏ thị trường đang thiếu ổn định.
Còn theo một số chuyên gia, sự trầm lắng hiện nay của thị trường có nguyên nhân từ nhiều yếu tố mang tính chủ quan. Một trong số đó là do hàng loạt các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản Hà Nội chưa được “thuận buồm xuôi gió” như nhiều nhà đầu tư phỏng đoán.
Bà Trịnh Tuyết Mai, một nhà đầu tư bất động sản tại sàn Gia Nam (Từ Liêm) cho hay, từ hồi tháng 3 sau khi thông tin quy hoạch Thủ đô được “rậm rịch” thông qua với hàng loạt dự án hoành tráng đi kèm nên bà đã “thoái vốn” từ tài khoản chứng khoán để chuyển sang bất động sản.
Tuy nhiên, rốt cuộc đến nay quy hoạch Thủ đô vẫn chưa thông qua, đường Láng - Hòa Lạc vẫn chưa hoàn thành... đã khiến bà mất đứt gần 1 tỷ đồng chỉ trong vài tháng trời do giá nhà đất giảm.
Không những thế, nhà đầu tư này con cho biết, hiện bà đang nắm giữ nhà đất với giá trị ngót gần chục tỷ đồng nhưng hoàn toàn mất phương hướng đầu tư bởi “cắt lỗ” cũng khó, còn "ôm" thì như ngồi trên đống lửa.
Theo ông Dưỡng, giá cả trên thị trường bất động sản Hà Nội hiện đang tiến gấn đến đáy, nên với những người có nhu cầu thực nên tranh thủ tìm kiếm những mảnh đất, căn hộ vừa túi tiền của mình.
“Với giới đầu cơ, việc ra vào thị trường trong những thời điểm như thế này cũng cần phải cân nhắc kỹ, bởi kinh nghiệm cho thấy, giá giảm - cung nhiều nhưng không có nghĩa là không có rủi ro rình rập”, ông Dưỡng lưu ý.
Từ Nguyên
- Chung cư bình dân được dự báo lên ngôi
- Minh bạch hóa thị trường bất động sản - vẫn là một giấc mơ xa
- Bất động sản liệu có lột xác sau Nghị định 71?
- 2010 – 2011: Thị trường Bất động sản VN phục hồi!
- Thị trường bất động sản TP.HCM: Nguội lạnh đến cuối năm?
- Thị trường bất động sản: Manh nha dấu hiệu tài chính hoá
- Xây dựng thương hiệu bất động sản
- Cần bắt đúng "sóng" thị trường bất động sản du lịch
- Dịch vụ quản lý bất động sản: Hết nhà sẽ qua dịch vụ
- Hy vọng điều gì ở dòng vốn ngoại trong thị trường bất động sản?