Điểm sáng đầu tư của nước ngoài
Minh họa cho việc nguồn cung còn khan hiếm, ông Matthew Koziora, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Quỹ đầu tư BĐS Vina Capital dẫn chứng: Chỉ riêng TP.HCM, thị trường bán lẻ với 150.000m² diện tích sàn xây dựng tại 15 trung tâm và khu thương mại là quá ít so với nhu cầu, nhất là khi thị trường bán lẻ đang rất nóng với lượng khách du lịch quốc tế ngày càng gia tăng (7 tháng đầu năm 2007: 320.000 khách, 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng đến hơn 2,2 triệu khách và dự báo trong năm 2008 sẽ có khoảng 4,5 triệu khách).
Trong khi TP.HCM chỉ có khoảng 6.950 phòng khách sạn đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao. Số lượng căn hộ dịch vụ tại TP.HCM cũng còn hạn chế, hiện chỉ có 3.000 căn hộ nhưng số lượng người nước ngoài (khách hàng chính của sản phẩm này) lên đến hơn 50.000 người…
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội đầu tư vào ngành BĐS tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn khá tốt, đặc biệt là khi các chính sách của Nhà nước đã ngày càng thông thoáng, mức độ tăng trưởng khi đầu tư tốt... Ngoài ra, TP.HCM đang cần vài chục ngàn căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp và hàng triệu mét vuông đất cho nhà ở xã hội.
Theo các chuyên gia, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 57 tỷ USD và đang tiếp tục tăng. Dòng vốn tập trung vào những ngành hấp dẫn nhất như: các dự án nhà ở, resort, khách sạn, công nghiệp… Đây là một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra nhiều cơ hội lớn ở thị trường BĐS Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lo lắng với thị trường BĐS đang “yên ắng”, cộng với sự siết chặt tín dụng đã làm cho các DN trong nước lao đao, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài lấp chỗ trống.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù thị trường BĐS đang gặp khó khăn nhưng ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis (Việt Nam) cho rằng phân khúc thị trường căn hộ hiện nay đang khởi sắc vì khung pháp lý về quyền sở hữu đã vững chắc hơn, giúp cho thị trường này phát triển ngày càng ổn định và nhà đầu tư vững tin hơn.
Ông Marc Towsend cũng đã đưa ra một số mô hình thành công vừa qua như dự án An Viên ở quận 7, dự án E Home ở quận 9 và lý giải việc các dự án này thành công là có giá bán phù hợp (800 - 1.100 USD/m²), diện tích vừa phải (50 - 57m²/căn hộ), phương thức thanh toán hợp lý, tiến độ xây dựng tốt, vị trí giao thông thuận lợi…
Là một thị trường tiềm năng nhưng thị trường BĐS Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định: Thời điểm thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phục hồi nhanh nhất cũng vào cuối năm 2009. Hiện nay nhu cầu nhà ở của người dân rất cao, tuy nhiên phần lớn phải dựa vào sự hỗ trợ của ngân hàng.
Thế nhưng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao nên người dân có tâm lý chờ đợi lãi suất hạ xuống. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật trong quản lý và phát triển thị trường BĐS chưa hoàn chỉnh, thủ tục hành chính còn quá rườm rà, công tác đền bù-giải tỏa còn khó khăn đã dẫn đến việc triển khai các dự án kéo dài, chi phí tăng nên kéo theo giá thành sản phẩm tăng.
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, mặc dù thị trường BĐS hiện đang đứng giá, nhưng các nhà đầu tư và khách hàng vẫn còn tâm lý chờ giá xuống nữa nên cũng làm thị trường khó hồi phục. Hơn nữa, mức lãi suất ngân hàng từ 18%-21% vẫn là một rào cản rất lớn đối với người có nhu cầu mua nhà hiện nay.
Tin mới hơn:
- Kiến nghị nới lỏng tín dụng để cứu bất động sản
- Xu hướng lựa chọn bất động sản đang thay đổi
- Cần Thơ: Thời của nhà chọc trời
- Định hướng cho bất động sản
- Các thuộc tính quyết định của bất động sản
Tin cũ hơn:
- Ẩn số quan hệ giữa ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam
- Đánh thức thị trường nhượng quyền thương hiệu bất động sản
- Đà Nẵng: "Đua" xây cao ốc
- Đầu tư vào bất động sản: Những xu hướng mới
- Bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển chậm lại