Quỹ tiết kiệm nhà ở được xây dựng như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến khoảng 2% lương/người/tháng. Đó là nội dung quan trọng đang được bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ.
Bộ Xây dựng đang đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm giúp người dân có điều kiện cải thiện chỗ ở, theo TTXVN.
Quỹ tiết kiệm nhà ở được xây dựng như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến khoảng 2% lương/người/tháng. Quỹ này sẽ cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp (đối tượng được vay sẽ có quy định rõ ràng); đồng thời ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở vay vốn triển khai dự án.
Theo tính toán của bộ Xây dựng, nếu duy trì theo hình thức như bảo hiểm xã hội thì có khoảng 9 triệu người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở và hàng năm sẽ dành được khoảng 10.000 tỷ đồng cho việc cải thiện chỗ ở cũng như đầu tư xây mới.
Quỹ tiết kiệm nhà ở, theo bộ xây dựng, sẽ giải quyết được vấn đề vốn dài hạn trên cơ sở lấy số đông giúp số ít và xã hội hoá công tác phát triển nhà ở; thu hút mọi đối tượng tham gia hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà.
Bên cạnh đó, bộ Xây dựng cũng đề xuất việc nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (đây là hình thức đầu tư theo ủy quyền của các nhà đầu tư nhỏ, Quỹ này được phép đầu tư 100% vốn vào bất động sản). Đây là một loại hình quỹ đã thành công ở rất nhiều quốc gia.
Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết nhu cầu về nhà ở của Việt Nam vẫn đứng ở mức cao mặc dù diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2010 đã tăng hơn hai lần so với năm 1999. Trong đó, nhu cầu lớn nhất vẫn là loại hình nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cho khu vực đô thị; nhà ở cho sinh viên và công nhân khu công nghiệp...
Theo thống kê sơ bộ, tại khu vực đô thị hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400 ngàn tỷ đồng. Điển hình là Hà Nội cần 5,5 triệu m2, tương đương 110 ngàn căn hộ và 11 ngàn chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp. TP.HCM cũng cần khoảng 5 triệu m2 và trên 50 ngàn chỗ ở cho công nhân thuê.
Tuy nhiên, vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương về việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa lập quỹ nhà ở theo quy định tại Nghị định 90/CP của Chính phủ; chưa thực hiện dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên hoặc trích một phần tiền sử dụng đất trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội./.
T.H.
- "2011 - năm khắc nghiệt nhất của bất động sản TP HCM"
- 8 vấn đề và sự kiện bất động sản Việt Nam năm 2010
- Bất động sản 2011: Cạnh tranh về giá
- Bất động sản và chuyện “củ cà rốt” của nhà đầu tư
- Bất động sản 2010: 'Chóng mặt' và 'toát mồ hôi'
- Bất động sản năm 2010: Khi dự án Nam hút khách Bắc
- Những hậu quả từ tham nhũng đất đai
- Thị trường bất động sản sẽ minh bạch khi có thông tin?
- Nhà giá gốc và "mê lộ" tiền bạc
- Bất động sản Hà Nội: Hấp dẫn nhưng khó vào