Không thể bắt buộc
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, kinh phí của Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ trích khoảng 1-2% tiền lương hàng tháng của người lao động. Như vậy, nếu giống như bảo hiểm xã hội, việc đóng quỹ sẽ là bắt buộc?
Mặc dù cùng chung mục đích an sinh xã hội, việc bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội là hợp lý hợp tình hơn và được người lao động dễ chấp nhận. Bảo hiểm xã hội đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả người lao động và cho an sinh xã hội của quốc gia. Song, đóng Quỹ tiết kiệm nhà ở thì khó bắt buộc vì không phải ai cũng có nhu cầu về nhà ở mà ép họ đóng.
Chính vì thế, việc quy định đóng quỹ bắt buộc vô hình chung là một mệnh lệnh của Nhà nước áp đặt với cả những người hưởng lương không có nhu cầu về nhà ở xã hội. Điều đó không khác gì một loại thuế mới đối với người dân. Hơn nữa, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, thu nhập khả dụng đã rất thấp nay phải trích thêm 1-2% để đóng Quỹ Tiết kiệm nhà ở thì quả là một gánh nặng với người làm công ăn lương.
Do vậy, đề xuất thu Quỹ theo hình thức bắt buộc rất có thể sẽ vấp phải sự phản ứng đối của người dân. Chưa kể, liệu có thể đảm bảo nguồn thu cho quỹ khi trên thực tế, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn thường xuyên xảy ra.
Chính vì thế, việc quy định tham gia Quỹ tiết kiệm nhà ở theo hình thức bắt buộc là khó khả thi.
Tự nguyện, e rằng không hiệu quả
Trong trường hợp đóng quỹ là tự nguyện, e rằng tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam là quá lạc quan khi cho rằng, mỗi năm quỹ có thể huy động được khoảng 10.000 tỷ đồng từ 9 triệu lao động đang hưởng lương.
Bộ Xây Dựng cần phải tính toán kỹ càng để tìm ra con số bao nhiêu % người hưởng lương có nguyện vọng tham gia quỹ. Nếu tỷ lệ này là quá nhỏ, thì quỹ sẽ không thể phát huy được tác dụng theo kỳ vọng của Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, tính toán, cứ tính trung bình thu nhập của một người hưởng lương là 5 triệu, nếu trích 1-2% thì số tiền mỗi người góp vào quỹ một năm cũng chỉ là 600.000 đồng -1,2 triệu đồng. Trong 10 năm, mỗi lao động cũng chỉ dành ra 6-12 triệu đồng, đó là một con số quá nhỏ để có thể sở hữu một căn nhà.
Còn tại văn bản vừa ký, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề án lập Quỹ Tiết kiệm nhà theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện 1% tiền lương hàng tháng của người lao động. Như vậy, nếu tỷ lệ người tự nguyện tham gia đóng quỹ là quá thấp, quỹ sẽ không thể được hình thành chứ chưa nói tới việc phát huy tác dụng như mong muốn.
Điều này, theo dự đoán của tác giả, là rất dễ xảy ra khi lãi suất của Quỹ Tiết kiệm nhà ở chỉ 3-5% một năm. Trong khi đó, lãi suất huy động tiết kiệm ở các ngân hàng thương mại hiện nay thấp nhất cũng 14%/năm.
Quản lý quỹ thế nào cho minh bạch?
Một trong những băn khoăn, lo ngại chính của người dân cũng như các chuyên gia là cơ chế quản lý quỹ để đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả và tránh được tiêu cực. Việc đóng góp quỹ là tự nguyện, nhưng vấn đề người đóng góp quan tâm là việc phân chia quỹ để cho vay và phát triển nhà ở xã hội được tiến hành ra sao để đảm bảo mọi người đều bình đẳng trong việc hưởng lợi từ quỹ này.
Hơn nữa, cơ quan nào sẽ làm vai trò quản lý quỹ cùng là một vấn đề quan trọng. Việc Bộ Xây dựng tự đề xuất rồi tự quản lý quỹ e rằng không ổn, bởi lẽ, đây là nghiệp vụ huy động tiết kiệm và cho vay tài chính, như vậy sẽ trái tay. Chưa kể, Bộ chủ trì rồi quản lý quỹ cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Do đó, Bộ Xây dựng chỉ nên tập trung quản lý về mặt chuyên môn, đưa ra đề xuất sử dụng nguồn vốn của quỹ, còn vấn đề tài chính nên giao cho một ngân hàng thì tốt hơn.
Đề xuất
Mặc dù đã được Thủ tướng đồng ý với mục tiêu tốt đẹp của ý tưởng đề án thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở, nhưng cần nghiên cứu kỹ trước khi bắt tay triển khai. Xin phép được đưa ra một số đề xuất cụ thể với Bộ Xây dựng như sau:
1. Bộ Xây dựng phối hợp với một ngân hàng tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn mua nhà ở của người hưởng lương để xem bao nhiêu phần trăm người hưởng lương sẽ tham gia tự nguyện đóng quỹ.
2. Cần tiến hành phân tích đánh giá tác động cụ thể của Đề án này. Trong đó tập trung phân tích hiệu quả hoạt động của quỹ.
3. Công bố Đề án thành lập quỹ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân góp ý.
4. Phối hợp với các bộ: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng Quy chế quản lý quỹ, rồi tham khảo ý kiến người dân. Sau khi quy chế được thông qua, sẽ công bố rộng rãi để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giám sát sử dụng quỹ.
Trần Ngọc Thịnh - Thạc sỹ Quản lý Hành chính công, ĐH Tổng hợp Missouri, Columbia
Tin mới hơn:
- Tư hữu đất đai: Nên hay không?
- Bất động sản - Cuộc chơi sóng gió
- Thị trường bất động sản: Trầm lắng chỉ là tạm thời
- Hết thời nhà nhà buôn đất?
- Nhà ở xã hội và thị trường bất động sản
Tin cũ hơn:
- Nhà ở cho người thu nhập thấp: Thất bại lớn
- Gia tăng rủi ro chéo từ bất động sản
- Bế tắc bất động sản
- Bất động sản TP.HCM: 80% là có thể phục hồi?
- Thị trường căn hộ tại TP.HCM: thời của khách hàng