Ashui.com

Tuesday
Nov 26th
Home Chuyên mục Kiến trúc Lòng Sông có kiến trúc Bồ

Lòng Sông có kiến trúc Bồ

Viết email In

Êm đềm dưới tàng cây sao xanh gần cửa Phú Hoà đổ ra đầm Thị Nại, là một tu viện có kiến trúc Gothic, trầm mặc, cổ kính, uy nghiêm – như một nốt son nổi bật trên nền xanh của miên man sông nước, ruộng đồng vùng Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định.


Sự hài hoà trong kiến trúc xây dựng là nét đẹp nổi bật của nhà thờ Lòng Sông

Ngược dòng lịch sử, dưới vương triều Vijaya – Chăm Pa từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, khu vực Thilibinai nay gọi là đầm Thị Nại là một thương cảng lớn nối với thế giới bên ngoài. Các giáo sĩ truyền giáo, trong đó có người Bồ Đào Nha từ thế kỷ 17 đã đặt chân đến vùng đất này. Cristophoro Borri, giáo sĩ dòng Tên người Ý đã viết trong tác phẩm Xứ đàng trong năm 1621 thuật lại chuyện ông được một viên quan trấn phủ Quy Nhơn đón tiếp nồng hậu, cho phép xây dựng nhà thờ để truyền đạo. Và điểm đầu tiên khi các giáo sĩ cập bến là cảng Nước Mặn vào năm 1618, được quan phủ Quy Nhơn là khám lý Trần Đức Tài cho phép vào giảng đạo. Sau do dòng chảy bồi đắp, việc đi lại giao thương ở cảng Nước Mặn không thuận tiện nên cơ sở truyền giáo chuyển về Lòng Sông. Khoảng năm 1862, giám mục người Pháp Stephano Cuénot cai quản giáo phận Đàng Trong giao cho linh mục Phaolô Châu coi sóc nhà thờ Lòng Sông.

Từ con đường giao thương thuỷ bắt đầu từ đầm Thị Nại, các tàu buôn ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, đến tận vùng núi Tây Sơn thượng đạo, một phần thuộc Vĩnh Thạnh ngày nay để tiếp tục chuyển hàng hoá lên vùng Tây Nguyên. Các giáo sĩ truyền giáo cũng theo con đường này đi truyền đạo, và nhà thờ Lòng Sông là một di tích còn lại của những giáo sĩ truyền giáo Bồ Đào Nha khi đặt chân lên vùng đất Quy Nhơn, Bình Định.

  • Ảnh bên : Kiến trúc cổ của nhà thờ lòng sông lọt thỏm trong tàng sao xanh cổ thụ.

Nhà thờ Lòng Sông, ở thôn Sanh Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định, trên đường từ Tuy Phước lên Gò Bồi, rẽ phải vào cầu Đôi, qua ba bờ tràn là đến gò đất giữa đồng, nơi nhà thờ Lòng Sông toạ lạc. Theo một số thông tin, nơi đây trước kia có tên gọi là nhà thờ Làng Sông, vì bao quanh là vùng ruộng đồng, sông nước, nhưng rồi tấm biển đề ở cổng nhà thờ qua thời gian, bị phai mờ nên khi sửa lại theo phát âm của người địa phương, chữ “làng” được chuyển thành “lòng”, và tên gọi đó được giữ cho đến bây giờ.

Nhà thờ Lòng Sông được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic – một lối kiến trúc đặc trưng của người châu Âu trong xây dựng nhà thờ và cung điện. Có thể nhận rõ điều này bởi phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí, và những hoa văn hoạ tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thánh đường. Mặt tiền của nhà thờ Lòng Sông thoạt nhìn rất giống với kiến trúc thánh đường Paul cổ kính ở Macao do người Bồ Đào Nha xây dựng. Tuy không hoành tráng và đồ sộ như thánh đường Paul, nhưng nhà thờ Lòng Sông đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng nét kiến trúc ngày xưa để lại.

Cả khu nhà thờ Lòng Sông nằm giữa một gò cao, trồng cây sao xanh cổ thụ. Những phần chính của kiến trúc nhà thờ Lòng Sông gần như còn nguyên vẹn, từng bước cầu thang gỗ, khung cửa được điêu khắc tỉ mỉ, chi tiết rất đẹp mắt.

  • Ảnh bên : Sự hài hoà trong kiến trúc xây dựng là nét đẹp nổi bật của nhà thờ Lòng Sông

Phần thánh đường Lòng Sông là kiến trúc xây dựng xưa nhất so với các kiến trúc còn lại trong khu vực nhà thờ, sau đó nhà thờ Lòng Sông được chuyển thành chủng viện Lòng Sông và xây dựng thêm các kiến trúc kế cận để phục vụ cho việc giảng dạy tu sĩ. Lục tìm tư liệu về thời điểm xây dựng nhà thờ Lòng Sông nhưng hoàn toàn không có, người hiện đang chịu trách nhiệm trông coi khu nhà thờ cũng không có manh mối gì về thời gian xây dựng. Theo một số thông tin thì vào ngày 14.1.1964, chủng viện Lòng Sông đã tổ chức lễ kỷ niệm (bách chu niên) 100 năm thành lập. Nhưng chắc chắn nhà thờ Lòng Sông đã được xây dựng trước đó khá lâu. Tính cho đến nay, kiến trúc chính này đã tồn tại tối thiểu là 165 năm.

Nằm đối xứng với thánh đường, là hai toà nhà xưa kia dành cho các tu sinh, được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp, tường vôi vàng, trường lang với những hàng cột và cửa vòm ở ban công – nét đặc trưng của lối kiến trúc thuộc địa quen thuộc. Màu xám của tổng thể và màu trắng của một số nét chi tiết ở mặt chính diện thánh đường Lòng Sông kết hợp cùng dãy nhà màu vàng hai tầng đối xứng nhau tạo nên sự hoà hợp trong một không gian rợp bóng cổ thụ và xanh tươi của hoa cỏ.

Chủng viện Lòng Sông ngừng hoạt động từ 1983, nay chỉ còn lại những người trông coi, săn sóc vườn cây, khu kiến trúc cổ, chăm chút những bông hoa, thảm cỏ. Nhờ vậy tổng thể khu kiến trúc cổ này không hề có sự hoang tàn, phế nát, mà trái lại rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, để bất kỳ ai từng có dịp đi về vùng Phước Sơn, ghé qua khu nhà thờ Lòng Sông nằm nổi trội giữa đồng, trên một gò đất cao được bao quanh là hào nước mát rượi, thoả sức mình tận hưởng những vẻ đẹp được lưu giữ của một kiến trúc cổ xưa, tìm vài phút giây thư thái trong không gian tĩnh lặng dưới hàng sao xanh cổ thụ, hẳn cũng là một chuyến đi đáng nhớ.
    

Kiến trúc gothic trong trang trí chi tiết ở nhà thờ Lòng Sông / Dãy nhà ở của chủng sinh vẫn còn nguyên vẹn
    

Nguyễn Đình

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...