Chiến thắng trong cuộc thi mang tầm quốc tế thiết kế phương án nhà ở sinh viên và nhà thi đấu cho trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), phương án của LOOK Architects tạo ra một hệ khung phân chia không gian phát huy cảm hứng sáng tạo và tự do. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật tranh vẽ truyền thống Trung Hoa, nơi những phần rỗng được xem là một yếu tố cân bằng, thậm chí chi phối khối đặc, những không gian trống trong công trình trở thành những không gian thúc đẩy tối đa cảm hứng sáng tạo.
Nhóm thiết kế: Look Boon Gee, Ng Sor Hiang, Lee Liting, Chow Khoon Toong, Widyanto Hartono Thenearto, Anton Siura, Doan Quang Vinh, Karno Widjaja. (LOOK Architects Pte Ltd) |
Tiếp cận sâu vào thiết kế, những khoảng-trống giàu-năng-lượng đó len lỏi như trò chơi trốn tìm giữa những phòng chức năng (học tập, thảo luận…) dọc theo hành lang của kí túc xá, làm hài hòa các không gian đa chức năng trong công trình. Nhìn toàn cảnh, vị trí phần không gian rỗng tưởng ngẫu nhiên ở tòa nhà kí túc xá 12 tầng này được định hướng để luồng thông gió tự nhiên làm thông thoáng khối công trình đặc, là phương án thông gió thụ động giúp giảm tải áp lực năng lượng cho công trình.
Trình diễn một cấu trúc sáng tạo ở loại hình nhà ở, sự module hóa từng không gian cho từng đối tượng sinh viên, ban ngành giúp thiết kế có thể thay đổi linh hoạt vị trí hay kích thước không gian chức năng trong nội tại hệ khung công trình. Những khối nhà giống nhau gắn kết với nhau hình thành dải nối dài liên kết bởi dải hành lang xuyên qua công trình.
Phương án trục hành lang “xương sống” đóng vai trò liên kết các khối nhà học tập, kí túc xá và nhà thi đấu là một giải pháp bền vững hiệu quả góp phần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng tổng thể, hình thành một kết nối đi bộ xuyên suốt giữa các không gian mà không cần vận hành các tuyến xe bus di chuyển trong khuôn viên công trình. Những không gian mở giữa công trình, dọc theo trục “xương sống” là những không gian phủ xanh, là nơi thư giãn cho sinh viên, nhân viên giữa ngày làm việc, học tập vất vả. Hồ nước sinh thái nhân tạo giữa không gian cảnh quan đó đóng vai trò bể thu nước mưa và nước chảy bề mặt để tái sử dụng cho tưới tiêu.
Hơn cả hình khối biểu tượng bắt mắt bên ngoài, phương án nhà thi đấu đặc biệt hướng đến yếu tố thiết kế bền vững, bằng việc sử dụng hệ vỏ bao che 2 lớp (double façade): lớp vỏ đa diện kim loại đục lỗ bên ngoài tăng cường ánh sáng tán xạ xuyên qua lớp kính bên trong, đảm bảo không gian luôn được chiếu sáng đầy đủ mà không bị chói. Thiết kế vỏ bao che phức tạp được module hóa tối đa, những mảng đa diện đều được hình thành từ biến thể của 1 module chuẩn duy nhất. Không gian nội thất tràn ngập ánh sáng của nhà thi đấu tạo ra một môi trường thân thiện kích thích các hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, qua lớp vỏ xuyên sáng, việc nhìn thấy những hoạt động bên trong góp phần không nhỏ tạo nên bản sắc độc đáo cho tổng thể khuôn viên trường.
Kevin Doan
- Những dự án được mong đợi nhất trong năm 2017
- Dự án nhà ở Eunma tại Daechi-dong, Seoul / thiết kế: UNStudio + Heerim
- Trung tâm văn hóa thanh niên quốc tế Nam Kinh (Trung Quốc) / Zaha Hadid Architects
- 7 điểm yếu trong thiết kế của KTS Frank Lloyd Wright
- Thiết kế ấn tượng của 7 sân bay trên thế giới
- Kiến trúc các công trình công cộng ở Hà Nội giai đoạn 1955 – 1965
- Kiến trúc Nhật Bản - Bài học lớn về Kiến trúc hiện đại bản địa cho Việt Nam?
- Pavilion KAPKAR.SF-P7S / thiết kế: Studio Frank Havermans
- “Trung tâm thực vật” ở Brussels / thiết kế: Vincent Callebaut
- Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đương đại