Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Chuyên mục Kiến trúc Gustave Eiffel: Cha đẻ của những công trình đi vào lịch sử thế giới

Gustave Eiffel: Cha đẻ của những công trình đi vào lịch sử thế giới

Viết email In

Vị kỹ sư, kiến trúc sư, doanh nhân Gustave Eiffel chủ yếu được biết đến với công trình tháp Eiffel đóng góp vào cảnh quan thành phố Paris. Những cây cầu, mái vòm, nhà ga và những công trình khác nữa có bàn tay thiết kế của ông đều để lại ảnh hưởng lâu dài tới những dự án thiết kế sau này. Chúng tồn tại như minh chứng trường tồn cho tính cách mạng của thiết kế trong thế kỷ 19.


Gustave Eiffel


(Ảnh: Benjamin Staudinger)

Xây dựng tại không gian xanh Champ de Mar trải dài trên quận thứ 7 của thành phố Paris, tháp Eiffel chắc chắn là một trong những công trình mang tính biểu tượng lớn nhất của thời kỳ hiện đại. Một tòa tháp có các thanh sắt đan vào nhau như mạng lưới, các vòm trang trí trải rộng và đường cong mềm mại của bốn dầm đỡ xếp đối xứng tạo nên tính hài hòa thanh nhã của tổng thể cảnh quan xung quanh. Về kiệt tác của mình, ông Gustave Eiffel từng nói:

Liệu người ta có thể nghĩ rằng vì chúng ta là kỹ sư, vẻ đẹp không làm chúng ta bận tâm hay chúng ta không cố gắng xây dựng những cấu trúc đẹp, cũng như vững chắc và lâu dài? Phải chăng những chức năng cơ bản nhất của sức mạnh luôn phải đi cùng với những điều kiện bất thành văn của tính hài hòa?…Hơn nữa, luôn có một cái gì đó hấp dẫn, một sức quyến rũ đặc biệt từ những điều lý thuyết nghệ thuật thông thường không chạm tới.

Mặc dù có một số người đã thay đổi quan điểm sau khi tháp Eiffel hoàn thành, rất nhiều người vẫn cho rằng một kim tự tháp bằng sắt trông cực kì chướng mắt. Với những bản vẽ ban đầu do Maurice Koechlin và Emile Nouguier từ Compagnie des Establissement Eiffel (công ty do Gustave thành lập và phát triển) phác thảo, chính Gustave ban đầu cũng cảm thấy không hứng thú. Tuy nhiên sau những bổ sung, ông Gustave Eiffel đã đăng ký bản quyền cho bản thiết kế và đưa nó tham dự cuộc thi để chọn ra thiết kế chính thức cho lối vào World Expo. Cuộc bỏ phiếu đã nhất trí, kết quả là tháp Eiffel được xây dựng trong vòng 2 năm sau đó, chính thức hoàn thành năm 1889.


Bản vẽ thiết kế tháp Eiffel


Tháp Eiffel và những nền móng đầu tiên, năm 1887


Quá trình xây dựng tháp Eiffel (Nguồn: Archdaily và Pinterest)

Công trình tháp Eiffel là một cuộc cách mạng trong việc sử dụng sắt và đinh tán, phá vỡ quy luật kiến trúc xây dựng sử dụng nề đã thống trị các thành phố trong thời kỳ này. Tòa tháp có chiều cao đáng kinh ngạc lên tới 300m – cao nhất thế giới tại thời điểm xây dựng và duy trì  kỷ lục trong 40 năm. Tòa tháp đã suýt bị đưa ra phá hủy vào năm 1909, người ta đã phải gắn thêm vào đỉnh một ăng-ten radio, một chức năng ngoài việc chỉ làm cổng chào để có thể bảo tồn công trình. Không thể phủ nhận đây là một kiệt tác vĩ đại, thế nhưng độ nổi tiếng của nó còn hơn cả Gustave Eiffel, làm lu mờ đi các thành tựu khác của ông.


Chân dung Gustave Eiffel (nguồn: Pinterest)

Gustave Eiffel sinh ra vào năm 1832 tại Dijon, miền đông nước Pháp. Sau khi theo học tại trường École Polytechnique và École Centrale des Arts et Manufactures, ông bắt đầu sự nghiệp kiến trúc áp dụng kim loại, tập trung vào xây dựng cầu đường. Ông đã hoàn thành dự án lớn đầu tiên của mình – cây cầu đường sắt tại Bordeaux, cũng như một số công trình nhỏ khác trước khi thành lập công ty riêng của mình với tư cách một kỹ sư độc lập vào năm 1865.


Hình ảnh cây cầu Bordeaux năm 1861 (nguồn: Pinterest)

Vào cuối những năm 1860 đến giữa những năm 1880, các thiết kế chính của Gustave Eiffel bao gồm: Phòng trưng bày các máy móc cho Triển lãm Paris năm 1867, cây cầu vòm bằng thép dài 162m bắc qua sông Douro ở Oporto (Bồ Đào Nha), mái vòm cho đài quan sát thiên văn ở Nice (Pháp), ga xe lửa Budapest và phần khung kim loại cho Tượng Nữ thần Tự do ở New York (Mỹ). Tại Việt Nam, những dấu ấn của ông được thể hiện qua các công trình nổi tiếng như Cầu Tràng Tiền ở Huế và Nhà bưu điện Sài Gòn ở Hồ Chí Minh.


Cây cầu bắc qua sông Douro
(nguồn: Pinterest)


Thiết kế bên ngoài và trong mái vòm đài thiên văn Nice (nguồn: Côte d’Azur Observatory)


Ga xe lửa Budapest (nguồn: Pinterest)


Cầu Tràng Tiền trước đây được gọi với cái tên Clemenceau (nguồn: Pinterest)


Bưu điện Sài Gòn (ảnh: Dan)

Bức tượng Nữ thần là thành tựu đáng chú ý thứ hai của ông với nhiệm vụ hoàn thiện phần thiết kế cốt lõi khi nhà thiết kế ban đầu là Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc đột ngột qua đời vào năm 1879. Ủy ban đã chọn Gustave Eiffel vì sự hiểu biết phi thường của ông về áp suất gió. Bức tượng đã được lên kế hoạch và xây dựng tại Paris và sau đó được tháo rời để gửi đến Mỹ, nơi người ta đã xây sẵn phần đế cho Nữ thần Tự do.


Thiết kế phần khung sắt cho Tượng Nữ thần Tự do (nguồn: Pinterest)

Dù vị kỹ sư tài hoa không ngừng nỗ lực, thật quá khó để vượt qua cái bóng của tháp Eiffel. Thành tựu cuối cùng về mặt kỹ thuật của Gustave là khi ông được ký hợp đồng thiết kế các chốt của kênh đào Panama. Thế nhưng đã xảy ra bê bối về tài chính và chính khi Công ty Kênh đào Panama của Pháp ngừng thanh toán lãi vào năm 1888. Với tiếng tăm lừng lẫy, Eiffel sau đó tiếp tục gây chú ý với lĩnh vực khí động học – một chủ đề mà ông đã trở nên quen thuộc trong quá trình xây dựng tháp Eiffel.


Công trình kênh đào Panama (ảnh: VTV)

Trong phòng thí nghiệm của mình bên ngoài Paris, Eiffel đã xây dựng đường hầm gió đầu tiên. Các thí nghiệm của ông có ảnh hưởng lớn đến các phi công sau này, trong đó có thể kể đến anh em nhà Wright. Trong những năm cuối đời, ông tập trung vào ngành khí tượng học, một lĩnh vực mà ông nghiên cứu chuyên sâu trước khi qua đời vào năm 1923.

Di sản của Gustave Eiffel không chỉ hiện hữu tại trên 20 quốc gia mà còn có thể nhìn thấy qua những tiến bộ vượt bậc của khoa học và kiến trúc chịu ảnh hưởng từ ông. Tháp Eiffel của ông đã trở thành biểu tượng cho cách mà một thành phố có thể tạo được dấu ấn đặc trưng chỉ nhờ một công trình duy nhất, và thiết kế của nó đã truyền cảm hứng cho tất cả các tòa nhà chọc trời về sau.

Đức Tùng biên dịch

(Interior Vietnam /Nguồn: Archdaily, Ellen Von Weigand)

Chiếu phim "THÁP EIFFEL" (Gustave Eiffel)

  • Thời gian: 16:00 Thứ Năm, ngày 04/06/2020
  • Địa điểm: Eurotile Center, 297 Nguyễn Văn Linh, Quận Thanh Khê, Đà Nẵng
  • Link đăng ký tham dự (miễn phí): https://forms.gle/HC6teWpZ6E26mGfz8

Khi tạo dựng kiến trúc, người ta thường liên tưởng tới hình khối, không gian, ánh sáng. Và để hiện thực hóa được ba yếu tố đó chúng ta cần phải có vật liệu. Đây như là hai vế của một phương trình mà nhiều kiến trúc sư bắt đầu đồ án từ cái vế thứ hai.  

Cho tới thế kỷ 19, người ta thường dùng các vật liệu địa phương như gạch, đá, gỗ... để tạo dựng kiến trúc. Nhưng Cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ này tại châu Âu đã đưa ra một cách nhìn nhận mới khi vật liệu thép được sản xuất hàng loạt và ứng dụng trong kiến trúc. Trước tiên phải kể đến các nhà máy được xây dựng bằng vật liệu này. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được nghiên cứu lại để cho phù hợp với không gian mới. Chính những bước nhịp của hệ khung có khẩu độ lớn đã làm thay đổi hoàn toàn việc bố trí các công năng bên trong. Với sức chịu tải lớn mà trọng lượng lại nhẹ hơn gạch và đá, kết cấu thép đã tạo ra những hình thái kiến trúc hoàn toàn mới lạ. Hàng loạt các công trình được đưa vào ứng dụng như các cây cầu, nhà ga, bưu điện, mái che lối đi bộ, các toà nhà cao tầng... và đặc biệt, những công trình lần đầu xuất hiện ở thế kỷ 19 như siêu thị hay tòa nhà hội chợ triển lãm quốc tế.

Việc sử dụng kết cấu thép đã giải phóng không gian bên trong. Các công trình có sự kết hợp giữa thép và kính đã tạo ra một cảm giác nhẹ nhàng, có điểm nhìn xuyên suốt. Và đặc biệt ánh sáng thay đổi hoàn toàn so với kiến trúc trước đây. Đây là những luận điểm đã ảnh hưởng trực tiếp đến các kiến trúc sư hiện đại đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, hệ tư tưởng "hình thái phụ thuộc kết cấu" (form follows structure) đã theo nhiều thế hệ kiến trúc sư trong công việc sáng tác của mình. Để tìm hiểu lịch sử kiến trúc thế kỷ 20, chúng ta không thể bỏ qua trào lưu ứng dụng vật liệu thép ở thế kỷ 19. Điều rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác sáng tạo đi đúng hướng, đó là tính tiếp nối liên tục giữa các thế hệ, dựa trên một nền tảng lý luận rõ ràng.

CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ giới thiệu tới các bạn một trong những kỹ sư tài năng nhất thế kỷ 19, Gustave Eiffel. Ông đã trở thành huyền thoại khi để lại dấu ấn của mình khắp nơi trên thế giới. Chính ông là tác giả của cây cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương ở Huế (1897-1899) và hệ mái thép của toà nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn (1886-1891). Ông không chỉ đơn thuần là một kỹ sư, mỗi công trình của mình ông luôn đi tìm vẻ đẹp hoàn hảo khi sáng tạo ra những giải pháp kết cấu đầy ấn tượng. Cũng phải biết rằng vai trò của người kỹ sư rất quan trọng trong việc tạo hình kiến trúc cho các công trình bằng thép ở thế kỷ này.

Các bạn sẽ xem một tổ hợp phim tài liệu nói về công trình gây nhiều tranh cãi nhất của ông, nó đã trở thành biểu tượng của thành phố Paris, đó chính là toà tháp mang tên ông, Eiffel. Các phim này được thực hiện nhân kỷ niệm 120 năm ngày khánh thành tháp Eiffel (1889-2009). Các bạn sẽ biết được không chỉ lịch sử của công trình mà còn rất nhiều thông tin bổ ích khác như khám phá nhiều chi tiết kỹ thuật, phương pháp bảo tồn, những thách thức cho các kiến trúc sư hiện nay khi tạo thêm các nhà hàng trong toà tháp..., và đặc biệt công việc tiếp quản và quản lý một công trình lịch sử với hơn 7 triệu khách tham quan hàng năm.

Ngoài ra, một số công trình tiêu biểu khác của Gustave Eiffel cũng được đề cập đến. Đặc biệt là bức tượng Nữ thần Tự do, một món quà của nước Pháp tặng nước Mỹ, mà hệ kết cấu cũng do chính ông tính toán. Tất cả các phóng sự được thực hiện bởi chương trình truyền hình văn hoá nổi tiếng của Pháp "Des racines et des ailes" (Tạm dịch: Hiểu nguồn gốc để chắp cánh cho tương lai) !

(CLB Điện ảnh Kiến trúc thành lập năm 2015 do Ashui.com và VUUV phụ trách)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...