Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Trụ sở toà án - Một di sản kiến trúc quí giá của Hà Nội

Trụ sở toà án - Một di sản kiến trúc quí giá của Hà Nội

Viết email In

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau khi củng cố về cơ bản chính quyền đô hộ trên toàn vùng Đông Dương, người Pháp tập trung các hoạt động xây dựng nhằm biến Hà Nội từ trung tâm hành chính Bắc Kỳ thành thủ phủ xứ Đông Dương thuộc Pháp. Có thể nói đây là giai đoạn mở rộng và xây dựng quy mô bậc nhất ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Một khu phố mới được hình thành theo quy hoạch kiểu Châu Âu từ phía Tây thành cổ tới phía Nam hồ Hoàn Kiếm với những đường phố rộng rãi kiểu ô cờ có đầy đủ các chức năng của một đô thị Châu Âu. Các công trình kiến trúc công cộng quy mô lớn cũng bắt đầu được xây dựng tại các địa điểm có thể coi là đắc địa trong thành phố: những vị trí án ngữ các trục đường lớn, tầm nhìn đẹp và có thể tạo ra những điểm nhấn không gian đô thị.


Trụ sở Toà án (ảnh chụp đầu thế kỷ 20) 

Một loạt công trình hành chính tiêu biểu cho quyền lực của người Pháp trên xứ sở Đông Dương đã được xây dựng ở Hà Nội như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống sứ & phủ Thống sứ, Toà án; trong đó trụ sở Toà án được coi là một công trình kiến trúc lớn thời bấy giờ. Công trình do kiến trúc sư, chánh sở kiến trúc trung ương Auguste Henri Vildieu thíêt kế năm 1905.

Toạ lạc trên một khu đất rộng được giới hạn bốn bốn tuyến phố, trong đó có hai đại lộ lớn lúc bấy giờ là Boulevard Carreau ( phố Lý Thường Kiệt ) và Boulevard Rollandes ( phố Hai Bà Trưng ), công trình có mặt chính hướng ra một giao lộ lớn được tạo thành bởi Boulevard Carreau, Rue Jean Soler ( phố Thợ Nhuộm ) và Rue Lambert ( phố Dã Tượng ) và là công trình án ngũ tuyến phố Lambert tạo ra một điểm nhấn kiến trúc cho khu vực.


Mặt chính công trình với hàng cột Doric và cầu thang lên chính sảnh 

Mặt bằng không gian toà nhà được cấu trúc kiểu đối xứng qua trục trung tâm gồm năm tầng: hai tầng chính, tầng áp mái, tầng mái & tầng hầm. Tầng hầm nửa nổi nửa chìm, cao 1,6m, được cấu tạo bởi các cuốn vòm xây gạch, xung quanh bố trí các cửa thông gió; tầng này đơn thuần mang chức năng cách ẩm cho sàn tầng 1. Tầng mội có khu vực trung tâm là một sảnh lớn với lối vào chính từ phía trước & hai lối vào nhỏ từ phía sau nhà, từ đây có các hành lang rộng tới 2,9m toả ra hai cánh nhà, nơi bố trí các phòng làm việc hàng ngày của các chuyên viên, nhân viên toà án và một phòng xử án nhỏ.

Khối phòng làm việc được bố trí theo kiểu hành lang bao quanh nên việc lấy ánh sáng & thông gió tự nhiên phải thông qua hệ thống cửa sổ hành lang qua các cửa ra vào mở rộng. Các phòng phụ, cầu thang phụ được bố trí ở hai đầu hồi nhà và nhô hẳn ra so với khối phòng chính. Tầng hai bao gồm một sảnh trung tâm, hai phía là các phòng xử án lớn, phía sau phòng xử án là các phòng nghị án, phòng làm việc của chánh án & các thẩm phán. Khối phòng này cũng được bố trí theo kiểu hành lang bao quanh. Sảnh và các phòng xử án có cấu trúc thông tầng nên có độ cao khá lớn. Tầng ba chỉ bố trí một số kho nhỏ và các hành lang liên kết do khu vực trung tâm là không gian thông tầng của sảnh và các phòng xử án ở tầng hai. Tầng mái có diện tích khá lớn được bố trí các kho lưu trữ tài liệu cùng hệ thống hành lang bao quanh.


Thang lên chính sảnh

Giao thông theo phương đứng của toà nhà được đảm trách bởi một hệ thống cầu thang hoàn chỉnh gồm hai cầu thang ngoài rộng tới 4,3m dẫn từ sân trước lên chính sảnh tầng hai. Phía trong nhà có cầu thang chính rộng rãi cấu tạo theo hình chữ T  nối giữa sảnh tầng 1 và sảnh tầng 2, đầu hồi là các thang phụ đảm trách giao thông từ tầng 1 lên tầng mái.

Hình khối kiến trúc của công trình được thiết kế theo dạnh đối xứng kiểu mặt gương qua trục trung tâm với việc sử dụng tỷ xích lớn tạo ra một khối toà nhà hình chữ H rất đường bệ và trang trọng. Khối trung tâm được thiết kế với bộ mái nhô cao, được đỡ bởi hàng cột theo thức Doric La Mã, kết hợp với hai cầu thang ngoài hình chữ L được trang trí cận trọng tạo ra điểm nhấn làm tăng tính oai vệ của toà nhà. Đây không chỉ là nét độc đáo của công trình so với các toà nhà Tân cổ điển ở Hà Nội mà cũng là nét độc đáo khi so sánh với các toà án theo phong cách Tân cổ điển ở chính nước Pháp. Hai cánh nhà được thiết kế với nhịp điệu nhỏ hơn, giữa các cửa là hàng cột giả theo thức Ionic với dáng vẻ nhẹ nhàng càng làm tôn nối khối trung tâm. Cuối hai cánh nhà là hai khối hình chắc đậm nhô mạnh ra phía trước tạo ra sự kết thúc khoẻ khoắn theo phương ngang và góp phần làm tăng vẻ hoành tráng cho toà nhà. 


Hàng cột trong sảnh tầng hai  


Chi tiết trang trí cửa mái 

Theo phương đứng thì tầng hầm và tầng một được tổ chức như một khối chắc đặc với lượng mở cửa không lớn, kết hợp với các yếu tố trang trí theo phương ngang tạo thành một bệ đỡ vững chắc cho toà nhà. Tầng hai và tầng ba được phối kết bởi các hàng cột Doric và Ionic với các cửa sổ chạy dọc theo phương đứng tạo không khí tương phản mạnh với khối tầng một. Kết thúc công trình theo phương đứng là một mái Marsard kinh điển với độ cao nổi trội ở khối trung tâm kết hợp với hệ thống cửa mái được trang trí khá cầu kỳ theo hình thức Fronton La Mã.

Với phương cách bố cục hình khối kiến trúc theo tinh thần Tân cổ điển một cách chuẩn mực cùng các hình thức trang trí được cân nhắc kỹ lưỡng, trụ sở Toà án rất xứng đáng với sự khen nhận của các chuyên gia kiến trúc Nhật Bản là “tác phẩm đẹp nhất trong kiến trúc nhà công cộng thời kỳ đầu” (finest work of early public architecture)[1]. Nằm trong nhóm bộ ba công trình hành chính – công quyền tiêu biểu thời kỳ Pháp thuộc, trụ sở Toà án không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn có những giá trị đặc biệt về mặt lịch sử và văn hoá, do vậy vấn đề bảo tồn công trinh này cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Ngoài việc bảo tồn tính nguyên gốc của toà nhà, vấn đề quy hoạch tổng thể khu vực lân cận công trình cũng phải được cân nhắc cẩn trọng. Rất tiếc là tầm nhìn hiện nay đã không còn nên chúng ta không thể cảm nhận trụ sở Toà án như bản nguyên vốn có của nó, nên chăng tạo ra một quảng trường rộng phía trước để việc cảm thụ toà nhà được đầy đủ hơn (?)

  • [1]. Fujimori Terunobu và cộng sự: Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội, Nhà Xuất bản Xây dựng, 1997.
  • Ảnh : Tống Ngọc Long


KTS. Trần Quốc Bảo
Giảng viên Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, ĐH Xây dựng / Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận-đại (GRAH)
Mobile : 0903255640 / E-mail : Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

>> Những phong cách chủ đạo trong kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc 

[ FORUM : Kiến trúc Pháp ở VN có đẹp hay không? ]
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo