Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Chuyên mục Kiến trúc "Tương lai nguyên thủy"

"Tương lai nguyên thủy"

Viết email In

Ngày 30/8/2008 hai KTS nổi tiếng Nhật bản là Sousuke Fujimoto và Tetsuo Furuichi đã có buổi thuyết trình ấn tượng tại Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) - Đại học Xây dựng. Buổi thuyết trình đã được đông đảo người nghe nhiệt liệt hoan nghênh và ngưỡng mộ. Theo yêu cầu của nhiều KTS và đồng nghiệp không có điều kiện tham dự buổi thuyết trình quý báu đó, chúng tôi xin ghi lại tóm tắt nội dung bài thuyết trình của KTS Sousuke Fujimoto để các bạn tham khảo.

Trong khoảng 45 phút, KTS Fujimoto Sousuke đã thuyết trình cực kỳ lưu loát và thuyết phục bằng tiếng Anh về những xu hướng kiến trúc của tương lai mà ông đề xuất: đó là những kiến trúc hướng đến tự nhiên, tìm về với những mô hình không gian nguyên thủy, tìm về với nguồn cội cuộc sống của loài người… để phát hiện ra những giá trị cốt lõi, tiềm ẩn nhưng vô cùng phong phú của không gian nguyên sơ – những giá trị mà chúng ta đã bỏ qua, lãng quên hoặc, đã làm khô cứng và công năng hóa trong kỷ nguyên của chủ nghĩa kiến trúc hiện đại. Trân trọng, gần gũi và mô phỏng thiên nhiên, nhân tạo một cách tự nhiên là tư tưởng bản lề - là kim chỉ nam cho những thiết kế thực tế độc đáo, giàu nhân bản của ông.



Sousuke bắt đầu bài thuyết trình của mình với 4 cụm từ khóa, mà triết lý hàm chứa trong đó được thông suốt, nhấn mạnh và lặp lại trong toàn bài nói thông qua các công trình kiến trúc cụ thể, đó là:

  • Nest and Cave (Tổ và Hang)
  • Space is relationship
  • Between …. And….
  • Before … And….

Nest’ và ‘Cave’ là hai mô hình không gian cư trú nguyên sơ của loài người, nhưng lại khác nhau về bản chất. Tổ là không gian nhân tạo, được con người tạo ra phục vụ nhu cầu cư trú của mình. Còn ‘hang’ là không gian tự nhiên, được con người tìm thấy và ẩn náu... rồi dần dần các không gian trong hang được phát hiện và sử dụng nó một cách linh hoạt phục vụ nhu cầu trú ngụ. Thiên nhiên đã tạo ra những cái ‘hang’ hình dạng bất định, vô thức, nhưng cũng chính vì vậy, con người có thể sáng tạo ra cách sự dụng không gian ‘hang’ mà mình tìm thấy bằng trí tưởng tượng phong phú và sự thông minh vốn có. Sousuke Fujimoto cho rằng, tương lai của kiến trúc chính là những cái hang nhân tạo mà ông mô tả bằng cụm từ ‘Transparent Cave’ – đó là những không gian đa dạng, bất định hình, những không gian ‘tự nhiên’, giống với những gì mà Mẹ Thiên nhiên đã tạo ra. Chính những cái ‘hang’ đó cho phép con người tìm ra cách sử dụng, thưởng thức và trải nghiệm không gian theo nhiều cách riêng của mình, thoát khỏi sự gò bó và phân định không gian khô cứng của chủ nghĩa công năng trong thiết kế kiến trúc. Với Sousuke, thiết kế kiến trúc trong tương lai là một quá trìnhsáng tạo đầy chủ ý nhằm tạo ra các không gian gần như là vô ý.

Để minh chứng cho tư tưởng thiết kế của mình, Sousuke đã thiết kế một cái ‘hang’ thực sự bằng những khối gỗ đặc được ghép với nhau một cách khéo léo thành những không gian đặc – rỗng rất linh hoạt và sáng tạo. Công trình được đặt trên một vách núi, hướng ra một thung lũng, hoàn hợp hoàn hảo với thiên nhiên. Trong cái ‘hang’ nhân tạo đó, chúng ta có thể tìm thấy bàn, ghế (chỗ ngồi), giường (chỗ nằm), hiên, giá để đồ và nhiều không gian thiết yếu khác ... tại chỗ nào ta thấy tiện mà không cần gán cho chúng công năng cũng như tên gọi tách biệt. Tất nhiên, một không gian
có thể vừa là cái bàn, vừa là cái ghế, hay chính là cái phản để nằm, tùy vào cách ta sử dụng chúng.

Từ đây, Sousuke lại đề cập đến một tư tưởng thứ hai ‘SPACE is relationship’ – ‘không gian là mối quan hệ’. Sousuke cho rằng, một trong những đặc điểm về không gian của kiến trúc tương lai là nó cho phép kết nối các không gian chuyên biệt lại với nhau thành một chuỗi không gian liên hoàn, mà tại từng không gian trong chuỗi đó chúng ta cảm thấy mình không bị tách biệt với các không gian khác mà vẫn không bị mất đi tính riêng tư tương đối của từng không gian. Với Sosuke, không gian là một chuỗi gần như bất tận và nó luôn cuốn hút sự khám phá của người sử dụng. Liên hệ và đa công năng là những giá trị của những không gian nguyên sơ đã được Sousuke phát hiện.

Điển hình cho triết lý này của Sosuke là công trình Trung tâm điều trị cho trẻ em bị suy nhược thân kinh (Treatment Center for Mentally Disturbed Children). Để khôi phục nhanh chóng tinh thần bị suy nhược của trẻ em được điều trị ở đây, Sousuke đã biển trung tâm điều dưỡng thành một thế giới của trẻ, nơi chúng có thể tìm thấy tất cả những giá trị cơ bản cần thiết cho đời sống tinh thần của con người : đó là sự tồn tại đồng thời thế giới riêng của mỗi cá thể hòa nhập cùng thể giới rộng lớn chung của nhiều cá thể. Trung tâm điều trị được thiết kế thành một không gian cực kỳ phong phú với sự kết hợp tích chất gần gũi của một ngôi nhà và tính đa dạng, hỗn loạn của một thành phố - cơ sở để hình thành nên xã hội, nhờ đó trẻ có thể phát triển và nuôi dưỡng các quan hệ xã hội.

Sousuke đã sử dụng phương pháp mà ông gọi là nguyên tắc ‘lỏng’ (loose method): những khối hình vuông là những phòng riêng được sắp xếp có chủ ý tạo thành một tổng mặt bằng dường như ngẫu hứng, bất quy tắc. Các không gian xen giữa các hình vuông trở thành không gian sinh hoạt chung và kết nối toàn bộ công trình, đây cũng chính là không gian sinh hoạt chung: phòng ăn chung, phòng đọc chung, phòng vui chơi chung, chính là ‘xã hội’ thu nhỏ của trẻ.

Một ví dụ khác là công trình HOUSE O, ở Chiba. Đây là nhà nghỉ cuối tuần của một đôi vợ chồng trẻ. Khu đất đặt công trình nằm ven biển, ở một đoạn bờ biển nhiều đá, cách Tokyo hai giờ lái xe. Mặt bằng tổng thể ngôi nhà được thiết kế mô phỏng hình dạng của cành cây, nhờ đó mà các không gian được kết nối liên hoàn thành một ‘phòng’ duy nhất. Tất cả các không gian chức năng như tiền phòng, phòng sinh hoạt, phòng ăn, bếp, phòng ngủ, phòng kiểu Nhật, phòng đọc, phòng tắm … đều được bố trí và kết nối với nhau trong cái chuỗi không gian đó. Với yêu cầu của chủ nhà là ‘ngôi nhà phải tạo được cảm giác ở cạnh biển’ Sousuke đã mở ‘một chuỗi biển’ bằng cách tạo nhiều góc nhìn ra biển với nhiều độ mở tầm nhìn khác nhau: góc nhìn toàn cảnh biển, góc nhìn từ một khung hẹp như nhìn từ một cửa hang. Lại có chỗ công trình như phóng ra phía biển, tạo cảm giác đang ở trên biển. Nhờ mặt bằng zigzag như cành cây mà khi di chuyển chúng ta có thể trải nghiệm các góc nhìn ra biển cực kỳ phong phú, tựa như đang dạo chơi dọc bờ biển. “Từng không gian tiện ích được bổ trí dải rác thành chuỗi – đó chính là hình dung về công trình này của tôi.  Các không gian riêng tư được kết nối liên tục không ranh giới rạch ròi, tựa như lúc chúng chưa bị tách rời, đó chính là ý đồ của tôi: kiến trúc là nguyên thủy, là cái nằm giữa tự nhiên và nhân tạo”.

Công trình thứ tư mà KTS Sousuke giới thiệu là công trình House N, minh họa cho triết lý về sự mong manh, ước lệ giữa các khái BEFORE và BETWEEN, giữa IN và OUT.

House N thực chất là 3 cái hộp chồng úp lên nhau, hộp to trùm lên hộp giữa và hộp giữa trùm lên họp nhỏ trong cùng. Với sự dịch chuyển từ trong ra ngoài qua 3 khối hộp, ta sẽ trải nghiệm dần cảm giác từ riêng tư đến bán riêng tư, đến công cộng; cảm giác từ đóng đến mở dần, gần gũi dần với thiên nhiên và môi trường bên ngoài. Vườn và cây cối được trồng ngay cả trong hộp giữa và hộp ngoài. Sousuke đã làm cho ngôi nhà trở nên cực kỳ thú vị và nên thơ bằng cách khoét các cửa sổ trên tường và để các khoảng thủng trên trần các khối hộp, để lộ những khoảnh xanh lung linh của cây cối và bầu trời qua các lỗ khoét đó. Khung cảnh xung quang cũng trở nên đẹp hơn rất nhiều khi được ngắm qua những khung hình là các khoảng rỗng trên tường. Chủ nhân và những người hang xóm đều rất yêu thích ngôi nhà độc đáo này. Thông điệp mà Sousuke truyền tải là không có một ranh giới rạch ròi giữa trong và ngoài, giữa trước và sau. Tất cả sẽ trở nên thú vị nếu chúng ta làm nhòe và mờ dần đi các khái niệm này bằng cách tạo ra sự chuyển tiếp liên tục các không gian.

Công trình cuối cùng được Sousuke giới thiệu là công trình “căn hộ Tokyo” (Tokyo Apartment). Công trình này được xây tại một khu dân cư ở trung tâm Tokyo Nhật bản. Công trình gồm 5 căn hộ, mỗi căn hộ có 2 hoặc 3 phòng độc lập có hình thức của một ngôi nhà đơn giản. Các phòng trong cùng một căn hộ được thiết kế cách biệt, ví dụ một phòng ở tầng một nối với một phòng ở tầng 3 thông qua một cầu thang ngoài trời. Điều này có ý nghĩa của nó: trải nghiệm về không gian của mỗi căn hộ sẽ bao gồm không gian cá nhân trong từng phòng và cảm nhận về đô thị mỗi khi di chuyển từ phong nọ sang phòng kia qua cầu thang lộ thiên. “Khi bạn leo cầu thang, bạn sẽ cảm nhận như đang leo lên một quả núi lớn tựa như một thành phố, và bạn có một ngôi nhà ở chân núi và một ngôi nhà ở đỉnh núi”. Toàn bộ công trình chung cư này như là một Tokyo thu nhỏ - cái bản ngã hỗn mang của Tokyo được biểu hiện trong một hình hài cụ thể. Sosuke đã tài tình tạo ra trạng thái đông đúc, lộn xộn trong một dạng hình khối vô định cực kỳ phong phú. Với công trình này, Sousuke khẳng định một lần nữa tư tưởng kiến trúc của ông về mối liên hệ ước lệ của các khái niệm BEFORE và BETWEEN.

Ghi chép: TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị (UAI) - Đại học Xây dựng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo