Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Kiến trúc Nhà ga hàng không Liên Khương: Màu tưởng tượng

Nhà ga hàng không Liên Khương: Màu tưởng tượng

Viết email In

Vừa qua khỏi khúc quanh dẫn tới nhà ga hàng không Liên Khương thì từ xa màu vàng đã đập vào mắt. Nhà ga nổi bật trên nền trời xanh với những chiếc mái cong ngời ngợi màu dã quỳ vàng.

Cứ tưởng tượng đang ngồi trên máy bay, chợt thấy rực lên một điểm vàng qua tầng mây trắng là biết mình đang bay qua ga hàng không Liên Khương! Một ý nghĩ thú vị vì cả nước chỉ có mỗi sân bay này là có màu sắc đặc trưng ấy. Giữa trời không mà thấy màu dã quỳ thử hỏi người Đà Lạt nào mà không ấm áp?


Mái ở sảnh đón hình cánh hoa tại ga đi.

Có lẽ đó là ý đồ của những nhà thiết kế, vì chỉ từ độ cao trên trời nhìn xuống mới thấy rõ mái nhà cong cong ấy xoè ra bảy cánh vàng, như một góc của loài hoa dại chốn cao nguyên. Còn nhìn ngang, chiếc mái cong đón khách vào ga đi giao với mặt đứng và mái đại sảnh trông như một nhánh lá vàng mềm mại từ mặt đất vươn lên đong đưa trong gió.

Phải đi hết cầu cạn chia đôi hai tầng của ga đi và đến vòng ngược trở ra mới có thể ngắm trực diện toàn bộ nhà ga. Một chút tưởng tượng nữa đã biến chiếc cầu thành mặt nước trải dài và toàn bộ nhà ga với hai cánh mái dài vươn ra từ dưới đài hoa dã quỳ, lại giống một chiếc thuyền trắng mui vàng trôi bềnh bồng. Những đường cong của nhà ga hàng không Liên Khương gợi cho khách quan chiêm ngưỡng những cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.



Bước vào bên trong lại là ấn tượng khác. Ở đây không có màu vàng mà chỉ có ánh sáng. Ánh sáng từ sáu khe sáng giữa các cánh dã quỳ rủ mềm trên cao. Ánh sáng tràn vào từ bốn bề lắp kính. Ánh sáng phản xạ từ mặt sàn gạch bóng và từ vòm cong của trần nhà màu nhạt khuếch tán long lanh.

Hệ kết cấu khung thép rõ ràng làm cho bên trong nhà ga mang dáng vẻ cứng rắn công nghệ, cùng với những cung tròn của mái đã tạo nên nét điệu đàng. Các đường cong duyên dáng nhất hội tụ ngay chính giữa, nơi hai cầu thang bộ xoắn xít vào nhau nối liền hai tầng của ga đi và ga đến.


Một góc bên ngoài sảnh đón.


Cầu thang lượn.


Mặt bằng tổng thể.

Cái thiếu vắng của nhà ga này không nằm ở thiết kế. Cái thiếu vắng ấy thì không kiến trúc sư nào có thể thiết kế được. Đó là tần suất chuyến bay – linh hồn của một cảng hàng không. Số chuyến lẫn tuyến bay hàng ngày đến và đi từ Đà Lạt qua sân bay Liên Khương còn quá ít.

Dù vậy, nhà ga hàng không Liên Khương đã dành sẵn chỗ cho những chuyến bay quốc tế tương lai. Đã nghe nói đến những dự tính mở đường bay Đà Lạt – Singapore và Đà Lạt – Siem Reap, nhưng ngày các ga quốc tế ở đây hoạt động hẳn còn lâu. Lại tưởng tượng một ngày không xa nhà ga này nhộn nhịp không ngừng nghỉ. Lại tưởng tượng cái màu dã quỳ vàng kia từng phút từng giờ rực sáng trong tim những người ra đi lẫn người quay về. Dưới cánh máy bay, cái nhà ga màu vàng ấy sẽ là nỗi nhớ mang theo và niềm vui gặp lại.


Sân bay nhìn từ bên ngoài.

  • Công trình: Nhà ga hành khách cảng hàng không Liên Khương, giải nhất Kiến trúc quốc gia 2010. 
  • Nhóm thiết kế: KTS Lưu Hướng Dương, KTS Trần Trung Vương, KTS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, KTS Phan Đình Kha (Công ty Xây dựng Kiến trúc Miền Nam).

Trần Đức Tài - minh họa: KTS Lưu Hướng Dương

KTS Lưu Hướng Dương: Tôi chọn hình ảnh hoa dã quỳ

Hoa dã quỳ là loại hoa dân dã có sức sống mãnh liệt, đặc trưng cho vùng cao nguyên và màu sắc rực rỡ. Cánh hoa dã quỳ được chọn làm hình dáng chính cho cả nhà ga với các mái che và hình dáng nhà ga nhìn từ trên cao xuống. Sự uốn cong mềm mại chuyển từ phần mái sảnh xuống mặt đứng của công trình tạo nên sự nhẹ nhàng và bay bổng. Tấm mái sử dụng màu vàng rực rỡ của hoa quy, nên nhìn từ trên cao giống như một bông hoa lớn.

Những trụ cột đỡ lấy ý tưởng của hình dạng cây thông nhẹ nhàng đỡ lấy vòm mái.

Hình khối của công trình rõ ràng, kết hợp những mảng cong mềm mại uốn lượn với các đường ngang tạo nên sự chuyển động sinh động. Về kỹ thuật, các chi tiết được giảm thiểu nhằm đưa ra hệ kết cấu giàn kèo không gian mái. Mái chính nhà ga là các cánh hoa, các khoảng cách giữa các cánh hoa chính là các khe sáng mang ánh sáng xuống bên dưới. Khi đứng dưới nhìn lên sẽ thấy những khe sáng như những dòng chảy của ánh sáng. Việc chọn vật liệu thép, kính cùng chi tiết các hệ giàn kính mặt trước sảnh là công nghệ được ứng dụng ở các sân bay quốc tế trên thế giới. Hệ lam nhôm cách điệu từ hình dáng cây thông, cùng các thanh lam nhôm ngang có tiết diện hình elíp được liên kết với hệ khung đứng che nắng thật hiệu quả cho công trình. Với hệ thống bao che bằng hệ khung kính tạo ra những góc nhìn đẹp, và đưa phong cảnh bên ngoài đến vào bên trong bằng mảng xanh ngay chính giữa nhà ga.

T.T (lược ghi)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo