Nhà ống sinh ra từ sự cần thiết tạo lập phố thị. Cái định nghĩa đó không còn thực tế nữa khi sự tăng trưởng hàng ngày rất đáng kể của loại hình nhà ở này tại các làng quê Việt Nam. Người Việt Nam thân thuộc cả nhà ống cũng như dùng cơm trong những bữa ăn của mình.
Khi nói đến nhà ống người ta còn tưởng tượng được luôn đến sự tổ chức mặt bằng của ngôi nhà: “Hành lang giao thông đặt về một phía. Thang và buồng tắm ở giữa để lại các phòng ở hai đầu”. Người Việt Nam quen thuộc kiểu bố trí mặt bằng này cũng như đã quen thuộc việc nấu cơm bằng nồi cơm điện. Nó đã trở thành tiêu chuẩn. Nhưng kiến trúc khi đã trở thành tiêu chuẩn thì không còn hấp dẫn nữa. Vậy thì còn cách thể hiện mặt bằng nào khác? Không phải tìm kiếm đâu xa, chúng ta quay lại với truyền thống.
- Ảnh bên: Nhà truyền thống Trung Quốc ở tỉnh Shansi. Lối vào nhà cũng là một không gian riêng biệt. Một chuỗi không gian trong nhà và ngoài sân nối tiếp nhau theo một trục xuyên suốt. (ảnh: A.Chester Ong)
Enfilade rooms theo tiếng Anh hay Pièces en enfilade theo tiếng Pháp đều mang ý nghĩa một loạt các phòng được đặt thẳng hàng và nối liền trực tiếp với nhau theo một trục giao thông xuyên suốt. Từ enfilade được dùng chủ yếu cho kiến trúc và mô tả đặc tính của loại không gian này. Khi tra sang tiếng Việt thì từ enfilade mang hai nghĩa là chuỗi và dẫy. Cả hai từ đều muốn nói tới sự sắp đặt liền kề của nhiều phần tử nhưng khi dùng từ chuỗi có nghĩa là các phần tử này có mối liên hệ trực tiếp với nhau trong khi đó thì không hẳn cho từ dẫy. Vậy là ý nghĩa của từ vựng cũng nêu lên được bản chất của không gian.
Mặt bằng chuỗi là mặt bằng đơn giản nhất và xuất hiện rất sớm trong lịch sử phát triển nhà ở. Các gian nhà chính của nhà ở truyền thống nông thôn miền Bắc cũng đặc trưng cho kiểu mặt bằng này. Chúng thường là ba, năm hay bảy gian tuỳ theo sự khá giả của từng gia đình. Các gian nhà này như một chuỗi các không gian thông liền với nhau hoặc theo hệ cửa lật ở giữa hoặc theo những cửa đi nhỏ sát với mặt tiền. Vị trí của các cửa bao giờ cũng nằm trên một trục thẳng xuyên suốt.
Kiểu phân chia mặt bằng này được ứng dụng từ nhà của những quan lại cho tới những kẻ thường dân. Sự phân biệt chỉ ở kích cỡ, vật liệu hay cách trang trí nội ngoại thất cho ngôi nhà. Người dân xây nhà không để ý đến cấu trúc của không gian nhưng trước đây thường dựa theo sách của Lỗ Ban (Lỗ Ban Kinh) của Trung Quốc để chọn ngày giờ cũng như tìm hiểu nhiều chi tiết và kích thước cấu tạo nên ngôi nhà. Tuy sự phân bổ không gian một cách đơn giản, nhưng theo vị trí cũng đã nói lên được sự “chính phụ” của các không gian. Nếu nhà ba gian thì gian ở giữa, nơi đặt bàn thờ gia phả, là không gian sinh hoạt chung của gia đình và cũng là nơi để tiếp khách. Bên phải là phòng của ông chủ nhà và bên trái dành cho bà chủ, nơi cũng thường được cất giữ các tài sản có giá trị của gia đình. Đây là hai phòng ngủ của mọi người trong nhà. Gian nhà giữa cũng có thể trở thành phòng ngủ cho khách mời nhưng chỉ thường dành cho khách nam giới.
Khi nhà ống xuất hiện ở phố thị thì mặt bằng chuỗi mới phát huy được hết khả năng của nó. Đó cũng là lẽ tự nhiên vì hình thái của dạng nhà này tạo ra các không gian nối liền nhau như những toa tàu. Kiến trúc nhà ống xuất hiện ở nhiều các thành phố cổ trên thế giới cũng bởi lý do vì kết cấu rất đơn giản. Với hai tường bên chịu lực, các sàn nhà chỉ cần được đỡ bởi các xà ngang bắc qua hai bức tường. Các xà ngang bằng gỗ có giới hạn về khả năng chịu lực đã là hệ quả của độ hẹp ngôi nhà. Với kết cấu như vậy thì các tường ngăn giữa các không gian không phải là tường chịu lực. Chúng thường là các cửa lật và chiếm hết chiều ngang ngôi nhà. Cái giới hạn “mong manh” giữa các không gian bởi hệ cửa này cũng là lý do chính cấu tạo nên mặt bằng chuỗi.
Ảnh trái: Phòng ngủ của bà chủ nhà gia đình họ Kang ở Trung Quốc được tổ hợp bởi ba không gian theo mô hình truyền thống. Gian giữa nơi bà tiếp đón bạn bè thân thích. Gian bên trái là phòng ngủ còn bên phải dành cho những công việc thường ngày. Sự phân định giữa các không gian rất nhẹ nhàng bởi những tấm rèm. Ảnh chụp khi bà tròn 100 tuổi. / Ảnh phải: Nhà ống truyền thống Trung Quốc ở tỉnh Henan. Giới hạn “mong manh” giữa các không gian bởi hệ cửa lật cũng là lý do chính cấu tạo nên mặt bằng chuỗi. (ảnh: A.Chester Ong)
Với sự tăng trưởng dân số ở phố cổ Hà Nội, nhiều thế hệ phải chung sống trong cùng một ngôi nhà đã dẫn tới lý do người dân đòi hỏi phải có những không gian kín đáo hơn trong cuộc sống. Những bức tường mới được dựng lên và từ đây đã nảy sinh hành lang giao thông riêng biệt. Kiểu hành lang đặt lệch về một phía được ứng dụng cho các nhà ống xây dựng mới sau này. Đây là kiểu bố cục mặt bằng mang nặng tính chức năng rất thích hợp cho việc tận dụng nhiều nhất diện tích đất xây dựng. Nhưng chất lượng của một công trình kiến trúc không chỉ nhìn vào “số lượng” mà còn phải phụ thuộc vào “cảm xúc” mà không gian của nó gây ra cho tinh thần của con người.
Thực sự thì mặt bằng chuỗi còn được áp dụng ngay cả trong kiến trúc cung đình của vua chúa nước ta hay Trung Quốc. Nếu nhìn trên mặt bằng của Đại nội cũng như các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, ta sẽ nhận thấy các toà nhà chính được liên hệ với nhau bởi một trục giao thông duy nhất ở chính giữa. Trong cuốn sách Kiến trúc cố đô Huế tác giả Phan Thuận An gọi đây là đường “dũng đạo”, nó đã chỉ ra một thể chế chính trị độc tôn quân quyền. Các khu nhà được đan xen nhau bởi các khoảng sân, khu vườn hay hồ nước. Đây được coi như những phần tử kiến trúc thiên nhiên riêng biệt. Các không gian trong và ngoài nối liền nhau theo chuỗi. Kiến trúc hoà nhập với thiên nhiên chứ không ngự trị thiên nhiên. Đó cũng là đặc tính rất riêng của kiến trúc châu Á.
Ở châu Âu thì mặt bằng chuỗi cũng bắt đầu xuất hiện từ nhà ở vào cuối thế kỷ 15 tại nước Ý (thời kỳ Phục hưng), sau đó mô hình này được ứng dụng rất nhiều tại nước Pháp ở những thế kỷ tiếp theo (cung điện Versailles được xây dựng bởi vua Louis XIV là đặc trưng cho loại mặt bằng này). Kiểu mặt bằng này thường được ứng dụng cho những gia đình khá giả chủ sở hữu những ngôi nhà hay lâu đài lớn. Đó cũng bởi vì cấu trúc của không gian đòi hỏi phải có diện tích đất đáng kể. Các gian phòng thường rất lớn và tổ hợp lên chiều ngang mặt tiền, chúng liên hệ với nhau bởi một hoặc hai cửa đi và hướng ra mặt tiền với những ô cửa sổ rộng. Các phòng ngủ thường được đặt ở hai đầu để có được sự thầm kín nhất. Tuy nhiên do không có hành lang giao thông riêng rẽ nên sự kín đáo vẫn không được đảm bảo. Thực ra, lối sống của người châu Âu lúc bấy giờ vẫn còn mang tính cộng đồng. Phòng ngủ vẫn luôn là không gian mà nhiều sinh hoạt trong gia đình diễn ra hàng ngày.
Dần dần thì lối sống cá nhân hoá đã tác động đáng kể đến cấu trúc không gian nhà ở. Con người sống bắt đầu co lại và không muốn bày tỏ cái thế giới riêng của mình. Trong các căn hộ các công năng đã được phân định rõ ràng và tách biệt. Nhiều khi sống trong cùng một ngôi nhà nhưng chưa hẳn đã gặp nhau, người nào đóng chặt cửa phòng người đấy.
Bức tranh Nativité de la Vierge của hoạ sĩ người Ý Vittore Capaccio được vẽ khoảng năm 1504 – 1508. Một kiểu tưởng tượng riêng của hoạ sĩ để diễn đạt sự sinh thành đức mẹ Maria. Bức tranh dàn dựng lại một khung cảnh thường ngày trong một phòng ngủ của ngôi nhà xây theo mặt bằng chuỗi. Lối sống cộng đồng ngay cả trong những không gian thầm kín nhất.
Vào khoảng nửa sau thế kỷ 20, phong trào “mở thông” không gian trong các căn hộ bắt đầu xuất hiện ở châu Âu. Bếp, phòng ăn và phòng khách tổ hợp thành một không gian duy nhất (mô hình du nhập từ Mỹ). Họ coi đây là phòng sinh hoạt chung (living room) với mong muốn tạo được cơ hội cho các thành viên của gia đình gặp gỡ nhau được nhiều hơn. Các phạm trù về không gian liên tục hay không gian xuyên suốt luôn được nhắc tới. Ngày nay, nhiều đôi vợ chồng trẻ còn muốn căn hộ của mình mở thông cả phòng ngủ cũng như phòng tắm. Đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà “không cửa”. Đây là hiện tượng mới chăng? Không hẳn là thế, thực ra chúng ta đang quay lại với lịch sử. Những ngôi nhà truyền thống nơi mà mọi sinh hoạt xảy ra trong cùng một không gian đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Ba ngôi nhà ống xây tại nước Nhật giới thiệu sau đây, có sự tìm tòi rất mới về không gian thông qua mặt bằng chuỗi. Nhưng tất nhiên chúng không mang dự định là những ngôi nhà mẫu. Kiến trúc mà làm theo mẫu thì ai cũng trở thành kiến trúc sư được. Bài viết muốn chỉ ra sự nhạy cảm của các kiến trúc sư Nhật Bản khi tìm về văn hoá truyền thống để ứng dụng cho một cuộc sống hiện đại. Truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, đây là những phạm trù mà những nhà sáng tạo Nhật Bản luôn muốn chứng tỏ với thế giới họ là những người có khả năng nhất.
Tuy nhiên, sự thành công của các kiến trúc sư Nhật Bản đều có sự đóng góp đáng kể của những chủ đầu tư cũng như những nhà quản lý cấp phép. Đây là những người có những cảm nhận về “văn hoá” tương tự như họ. Những khách hàng Nhật Bản khi chọn một kiến trúc sư tức là đã chọn kiểu kiến trúc mà họ yêu thích, lúc đó họ trao hết quyền hạn cho nhà thiết kế. Khi có được niềm tin này thì người kiến trúc sư mang hết khả năng cũng như niềm đam mê của mình để thực hiện công việc một cách hoàn thiện nhất. Kiến trúc phải có được sự đồng bộ “trung thực” từ nhiều phía thì mới nảy sinh ra được những tác phẩm hoàn hảo.
Ảnh chụp trong ngôi nhà ở khu Koamicho cho chúng ta liên tưởng tới những ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội với những khoảng sân xen kẽ bên trong. Cũng như Tadao Ando, các kiến trúc sư của văn phòng Suppose Design Office sử dụng bêtông, vật liệu đến từ châu Âu, để thể hiện ý nghĩa của không gian Nhật Bản.
Ảnh chụp vào thời điểm khác trong ngày tại cùng vị trí trong ngôi nhà ở khu Koamicho. Vẫn theo tính cách của mặt bằng chuỗi truyền thống, các ô cửa đi nằm trên một trục giao thông xuyên suốt. Thời gian thay đổi trong ngày tạo ta những cảm nhận khác nhau trong không gian. Việc đưa thời gian vào không gian là công việc thường gặp của các kiến trúc sư khi họ muốn thể hiện đặc tính riêng của kiến trúc truyền thống Nhật bản.
Vườn khô truyền thống trở thành căn phòng của thiên nhiên “phòng – vườn”. Với cách bố trí cũng như tỷ lệ, chúng mang cùng một lúc hai trạng thái: “trong” và “ngoài”.
Ngôi nhà hoàn toàn hướng nội. Hình thái bên ngoài ngôi nhà không thể hiện một biểu cảm gì, do đó đã tạo nên một đối lập rất mạnh với cảm xúc của không gian bên trong.
Nhà ở khu Koamicho, thành phố Hiroshima, 2009
Văn phòng kiến trúc Suppose Design Office, Ảnh Toshiyuki Yano.
Ngôi nhà ở khu Koamicho được xây hai tầng với tổng diện tích khoảng 120m2. Tầng một dành cho các phòng ngủ (hai vợ chồng cùng hai con) và tầng hai là những không gian sinh hoạt chung của gia đình. Ngôi nhà thể hiện sự “tối giản” (minimalism) mà kiến trúc Nhật Bản đã có truyền thống trong lĩnh vực này. Sự tối giản không chỉ nhận thấy ở tính hình thức mà còn ăn sâu vào lối sống người Nhật. Sự sử dụng đồ đạc ít nhất để lại không gian hầu như trống rỗng, không gian mới là phần tử chính ngự trị trong căn nhà. Theo tiếng Nhật thì không gian được gọi là “ma ”(phiên âm theo chữ La tinh) và nước Nhật là nước duy nhất của châu Á nơi mà khái niệm về không gian mang ý nghĩa,“ma ” được hiểu như không gian nối liền, liên tục chứ không phải là phân đoạn hay thêm vào hoặc cộng lại với nhau.
Cũng như Tadao Ando các kiến trúc sư của văn phòng Suppose Design Ofice thiết kế ngôi nhà không tập trung vào hình thái cũng như vật liệu của kiến trúc truyền thống mà tìm đến ý nghĩa của kiểu không gian này. Họ lập luận vấn đề khi đặt hai câu hỏi trong lúc thiết kế. Thế nào là “trong” và “ngoài”? Thế nào là “không gian ống” và “không gian mở”? Việc đặt câu hỏi ngược lại với bản chất của sự việc là thái độ rất cần thiết của những người làm công tác sáng tạo.
Ngôi nhà dài và hẹp nên để đánh mất đi cảm giác “ống” các kiến trúc sư đưa ra giải pháp “mở” khi sử dụng mặt bằng chuỗi.
Phòng tắm cũng là một không gian thư giãn. Sự sắp đặt của cửa sổ như một bức tranh của ánh sáng, bức tranh thay đổi theo thời gian.
Ngôi nhà nằm tại một khu vực không có cảnh quan đẹp đẽ nên đã hoàn toàn hướng nội. Khi bước vào bên trong ta liên tưởng tới những ngôi nhà ống ở phố cổ Hà Nội với những khoảng sân trong lấy ánh sáng. Mỗi công năng nằm trong một không gian riêng rẽ của mình, chúng được phân cách bởi những khoảnh vườn và bởi những bức tường ngang mở rộng không cửa. Những khoảnh vườn cũng được coi như những công năng thiên nhiên riêng biệt. Các kiến trúc sư thiết kế chúng như những căn phòng của thiên nhiên: “phòng – vườn”. Với cách bố trí cũng như tỷ lệ, chúng mang cùng một lúc hai trạng thái: “trong” và “ngoài”. Trong vì nó nằm trong ngôi nhà khi bị bao bọc tứ phía, ngoài khi so sánh với các công năng khác. Cái giới hạn không rõ ràng giữa trong và ngoài, giữa thiên nhiên và kiến trúc là đặc tính rất riêng của kiến trúc Nhật Bản.
Vì ngôi nhà hẹp và sâu (khoảng 4 x 15m), nên để đánh mất đi cảm giác “ống” các kiến trúc sư đưa ra giải pháp “mở” khi sử dụng mặt bằng chuỗi. Việc chọn đúng tỷ lệ kích thước những ô cửa của những bức tường ngăn đã tạo ra một không gian mở rộng xuyên suốt ngôi nhà nhưng đồng thời vẫn giữ được sự phân định cần thiết giữa các công năng.
Sự tối giản được thể hiện một cách “triệt để” cho cả hình khối cũng như vật liệu cấu tạo nên ngôi nhà. Bêtông là vật liệu duy nhất có mặt cả ở trong lẫn ngoài công trình. Hình thái bên ngoài ngôi nhà không thể hiện một biểu cảm gì, do đó đã tạo nên một đối lập rất mạnh với cảm xúc của không gian bên trong.
Việc chọn đúng tỷ lệ kích thước những ô cửa của những bức tường ngăn đã tạo ra một không gian mở rộng xuyên suốt ngôi nhà nhưng đồng thời vẫn giữ được sự phân định cần thiết giữa các công năng.
Mặt bằng tầng một và tầng hai. Các “phòng – vườn” được lấy hết chiều cao ngôi nhà.
Nhà ở khu Tokoro-gun, thành phố Hokkaido, 2008
Văn phòng kiến trúc Jun Igarashi Architects, Ảnh Jun Igarashi Architects.
Ngôi nhà ở khu Tokoro-gun có tổng diện tích 150m2 và được chia làm hai phần chính riêng biệt. Phần công năng “kín” hai tầng bao gồm garage để xe, bếp, phòng tắm cũng như các phòng ngủ cho hai vợ chồng cùng hai con. Phần công năng “mở” lấy hết chiều cao trần nhà bao gồm các không gian sinh hoạt chung cũng như các phòng làm việc. Ngoài ra phần “mở” này còn nối liền với hàng hiên trông ra phía vườn. Đây là khu vườn nằm ở phía sau nhà chung với ngôi nhà cũ của thân mẫu đôi vợ chồng trẻ. Nó là phong cảnh thiên nhiên hiếm hoi duy nhất của khu vực nên đã trở thành mục tiêu chính cho việc thành lập ý tưởng cấu tạo nên ngôi nhà.
Trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản các tầm nhìn trong không gian luôn được lưu ý, đặc biệt là từ trong ra ngoài. Các không gian nối liền với nhau nhiều khi chỉ cần thông qua những tầm nhìn xuyên suốt. Ngôi nhà hầu như được bịt kín bởi ba phía, chỉ tập trung mở ở mặt sau hướng nam trông ra phía khu vườn. Để thể hiện tầm nhìn quan trọng nhất, phần tử nối trong nhà ra ngoài vườn, các kiến trúc sư đã tổ chức các không gian sinh hoạt chung thông qua mặt bằng chuỗi. Một điểm nhìn phối cảnh được thành lập bởi sự thu nhỏ dần của các ô mở từ các vách ngăn. Chiều cao sàn nhà cũng được lấy giật cấp để tăng thêm hiệu ứng. Điều này được thể hiện một cách rõ ràng trên mặt cắt của ngôi nhà.
Ngôi nhà nằm sát lề đường nên mặt tiền được đóng kín để tránh đi tiếng ồn.
Khu vườn phía sau là phong cảnh thiên nhiên hiếm hoi duy nhất của khu vực nên đã trở thành mục tiêu chính cho việc thành lập ý tưởng cấu tạo nên ngôi nhà
Hàng hiên là không gian trung gian nối liền trong nhà và ngoài vườn.
Tính truyền thống cũng được hiểu khi sử dụng các vật liệu bản địa cũng như tái tạo lại các phần tử kiến trúc đặc trưng. Ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ theo một kết cấu rất đơn giản. Các ô mở của các tường ngăn có thể được khép kín bởi những tấm rèm trắng mờ. Chúng làm cho ta liên tưởng tới những bức cửa trượt truyền thống bằng giấy của Nhật (shôji ). Chúng không những tạo ra sự linh hoạt khi mở rộng hay thu nhỏ không gian mà còn mang đến những âm hưởng khác nhau trong nhà khi ánh sáng truyền qua. Mối liên hệ không thể tách rời giữa thời gian và không gian cũng là đặc tính rất riêng của kiến trúc Nhật Bản.
Hơn nữa với sự tổ hợp của những tấm rèm theo từng lớp như đã tạo ra một sự dàn cảnh trong một vở kịch mà hình ảnh phông nền chính là hình ảnh thiên nhiên của khu vườn phía sau. Hình ảnh này được thay đổi cùng với thời gian trong ngày và diễn viên của vở kịch chính là những thành viên của gia đình. Vở kịch của một cuộc sống đời thường.
Cũng như ngôi nhà ở khu Koamicho, ngôi nhà này cũng mang một tính cách tối giản. Sự tối giản không chỉ theo việc thể hiện hình thức mà cũng được hiểu khi ý tưởng của đồ án được thể hiện một cách rõ ràng và minh bạch nhất.
Sự thành công nhất của ngôi nhà là việc hiện đại hoá vật liệu cũng như các phần tử kiến trúc truyền thống để mang đến một hình thái mới hoàn toàn hiện đại, trong khi đó vẫn luôn bảo tồn được cái “hồn” của không gian Nhật Bản.
Sự tổ hợp của những tấm rèm theo từng lớp như đã tạo ra một sự dàn cảnh trong một vở kịch, vở kịch của một cuộc sống đời thường. Tuy vật liệu cũng như các phần tử kiến trúc truyền thống được hiện đại hoá, nhưng cái “hồn” của không gian Nhật Bản vẫn luôn được bảo tồn.
Ngôi nhà được chia làm hai phần chính riêng biệt. Phần công năng “kín” và phần công năng “mở”.
Điểm nhìn phối cảnh duy nhất trong nhà hướng ra ngoài vườn được thể hiện theo mặt bằng chuỗi. Những tấm rèm trắng mờ không những tạo ra sự linh hoạt khi mở rộng hay thu nhỏ không gian mà còn mang đến những âm hưởng khác nhau trong nhà khi ánh sáng truyền qua.
Tầm nhìn quan trọng nhất từ trong nhà ra ngoài vườn được khai thác ở mọi không gian.
Mô hình miêu tả các mặt của ngôi nhà.
Mô hình miêu tả các mặt của ngôi nhà
Mặt cắt và các mặt bằng của ngôi nhà. Các ô mở ở các bức tường cũng như các bản sàn được lấy giật cấp để làm rõ nét điểm nhìn phối cảnh. Trục giao thông của phần công năng “kín” cũng được đặt thẳng hàng theo điểm nhìn này để tăng thêm hiệu ứng.
Nhà ở thành phố Kasugai, 2010
Kiến trúc sư Akitoshi Ukai/AUAU, Ảnh Suzuki Ken’ichi.
Cũng như hai ngôi nhà kể trên, ngôi nhà ở thành phố Kasugai này cũng khai thác không gian mở từ mặt bằng chuỗi. Sự ngăn cách “mong manh” của những công năng từ những bức tường ngang, cái vừa ngăn cách nhưng cũng vừa nối liền các không gian, là đặc tính riêng của kiểu mặt bằng này. Ở đây các ô mở trong các bức tường được lấy một cách tự do, các không gian liên hệ với nhau theo các điểm nhìn xuyên suốt trong nhà.
Tất nhiên khi nói tới không gian không thể không nhắc tới mặt cắt, ngôi nhà khai thác các độ cao khác nhau để từ đó tạo ra các công năng riêng biệt. Ngôi nhà dành cho hai vợ chồng cùng hai người con có diện tích nhỏ (110m2 cho cả hai tầng), nên việc khai thác không gian mở sẽ tạo ra sự thông thoáng trong nhà. Việc tiến hành khai thác không gian được chú trọng theo cả ba chiều: chiều dọc, chiều ngang cũng như chiều cao của ngôi nhà. Sự phân chia không gian theo từng cấp độ kích thước khác nhau được thực hiện bởi sự tổ hợp rất tài tình của các phần tử kiến trúc. Với đủ kiểu phân chia nhưng ngôi nhà vẫn luôn chỉ có một không gian tổng thể duy nhất, một không gian liên tục hay không gian Nhật Bản.
- Ảnh bên: Mặt tiền cũng nằm trong hệ tường ngang nên đã tạo ra sự liên hệ rất khăng khít từ ngoài vào trong và ngược lại.
Các tấm tường ngăn được thể hiện bằng vật liệu riêng để minh hoạ rõ ràng ý tưởng của đồ án. Mặt tiền cũng nằm trong hệ tường này nên đã tạo ra sự liên hệ rất khăng khít từ ngoài vào trong và ngược lại.
Sự thành công của công trình là việc tìm ra được tỷ lệ rất hài hoà giữa không gian và cơ thể con người. Đặc biệt là sự tìm tòi cá tính riêng của từng công năng thông qua những không gian được chia nhỏ. Chúng tuy khác nhau về tính cách nhưng vẫn liên hệ với nhau để tạo nên một không gian chung tổng thể.
Không gian được khai thác không chỉ theo chiều dọc mà cả ở chiều ngang lẫn chiều cao trong ngôi nhà. Sự khai thác không gian mở sẽ làm ngôi nhà rộng thoáng hơn.
Không gian của con thấp ở dưới, không gian sinh hoạt chung cao ở trên, sự tìm tòi tỷ lệ giữa không gian và cơ thể con người.
Phòng ngủ bố mẹ có thể được đóng kín hoặc hoàn toàn mở thông theo hệ rèm trượt. Một tính cách riêng của không gian ngủ.
Biểu đồ minh hoạ ý tưởng cho ngôi nhà. Các ô mở được lấy tự do, các không gian liên hệ với nhau theo các điểm nhìn xuyên suốt.
Mặt bằng tầng một và tầng hai. Bố cục không gian của ngôi nhà hầu như không có “cửa”.
Không gian sinh hoạt chung theo hai tầng mang một tính cách riêng. Phía bên ngoài là không gian tránh nắng với hệ lưới thép ngăn chặn ánh nắng nhưng gió vẫn có thể xuyên qua. Mỗi công năng tuy khác nhau về tính cách nhưng vẫn liên hệ với nhau để tạo nên một không gian chung tổng thể.
Sự nhạy cảm trong việc tìm đúng chiều cao ngôi nhà khi đặt nó vào trong khu vực.
KTS Vũ Hoàng Sơn
- Haus der Stille – Ngôi nhà của sự tĩnh lặng
- Công trình Dinh toàn quyền Đông Dương
- Trung tâm mua sắm MyZeil tại Frankfurt am Main
- Đột phá kiến trúc đền đài Hy Lạp cổ đại
- Kiến trúc và hình ảnh
- Đại bản doanh mới của Apple tại California (Mỹ)
- Nhà ống: Mối liên hệ không gian theo mặt bằng “một vế”
- Nhà thờ “trong suốt” tại Limburg, Bỉ
- Khu phức hợp Le Monolithe ở Lyon (Pháp)
- "Ngôi nhà sách" Querosene tại Sao Paulo - Brazil