Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hướng tới một Việt Nam xanh

Hướng tới một Việt Nam xanh

Viết email In

Có lần bên lề cuộc hội nghị quốc tế về Việt Nam, một học giả nước ngoài khá am hiểu tình hình nước ta đã tâm sự với tôi : “Suy cho cùng, tôi nghĩ các bạn đừng tham vọng gì nhiều, mà chỉ cần làm vừa sức mình, biết tận dụng được hết tiềm năng thiên nhiên, trí tuệ con người đang có là các bạn đủ sung túc, hạnh phúc hơn nhiều người lắm rồi !...

Nhớ lại một cuộc hội thảo quốc tế vào thời đầu Mở Cửa nhằm tìm kiếm phương hướng phát triển, tại Hà Nội vào tháng 6 năm 1990, đề xuất của chị bạn Lê Anh Tú, chuyên gia kinh tế Việt kiều Mỹ đang làm tư vấn cho Ngân hàng Thế giới, cũng có ý nghĩ tương tự và gây chú ý đặc biệt. Bài tham luận mang tên: “

Những xu thế công nghệ và chủ nghĩa môi trường toàn cầu - Các yếu tố tác động đến chiến lược phát triển Việt Nam” tuy ngắn nhưng đầy ắp thông tin và đề xuất giá trị. Các luận điểm của chị Tú đưa ra lúc đó nghe giống như những đề xuất phát triển mà nay nhiều nhà hoạch định chiến lược kinh tế quốc tế thường khuyến nghị các nước nghèo thuộc Thế giới thứ ba nên theo.


Thế mạnh sinh thái

Theo chuyên gia Lê Anh Tú thì nước ta ở vị thế thuận lợi để triển khai chiến lược phát triển dựa trên thế mạnh sinh thái mang tính công nghệ cao, vừa phù hợp với xã hội chủ yếu còn nặng về nông nghiệp, với điều kiện tự nhiên lẫn những xu thế toàn cầu bảo vệ môi trường sống, phát triển công nghệ mới.

Ngày nay người ta đang tạo ra nhiều công cụ sản xuất nhỏ, máy móc phục vụ gia đình như: tủ lạnh, máy đun nước, máy sưởi ấm hoặc làm mát vừa tiết kiệm năng lượng, vừa không gây ô nhiễm. Công nghệ vi sinh rất đa dạng, áp dụng trong nông nghiệp không mấy tốn kém và cũng không độc hại. Nguồn năng lượng vô tận rút ra từ sinh khí, ánh nắng mặt trời, quạt gió, thủy triều, địa nhiệt...

Du lịch sinh thái đưa con người trở lại với thiên nhiên, sử dụng vật liệu tái sinh, kết hợp với ẩm thực tuyệt vời nghiêng về rau quả hấp dẫn mọi người. Nhà cửa chủ yếu sử dụng vật liệu sản xuất tại chỗ có cải tiến phù hợp với những mô hình kiến trúc sinh thái nay được cả thế giới ca ngợi. Một nước nghèo có thể nhanh chóng vươn lên nếu biết nắm bắt những xu thế mới của thời đại và đề ra chiến lược phát triển phù hợp. Nước ta có đủ tiềm năng và cơ sở để xây dựng một Việt Nam xanh, phát triển bền vững.

Những đề xuất này rất giống những ý tưởng mà nhà dự báo nổi tiếng người Mỹ Alvin Toffler nói về khung cảnh sinh hoạt loài người ở thế kỷ 21, của nền văn minh đợt thứ ba hậu - công nghiệp. ở đây có sự trùng hợp kỳ lạ giữa nền văn minh nông nghiệp của Thế giới thứ ba và nền văn minh hậu - công nghiệp mà phương Tây đang muốn vươn tới. Ðó là sự phân tán sản xuất, nơi ăn chốn ở, làm việc chủ yếu diễn ra tại nhà, con người sẽ quay về với thiên nhiên, nguồn năng lượng đa dạng không gây ô nhiễm, nông nghiệp với công nghệ vi sinh, vi tính hóa.




Ði tắt đón đầu

Hãy lắng nghe các nhà tương lai học nói gì về kỷ nguyên mới và cấu trúc nên văn minh đó.

Từ đầu các năm 1990, Alvin Toffler đã viết rằng : Trong kỷ nguyên thông tin, những nước nghèo nặng về nông nghiệp thuộc Thế giới thứ ba có thể sử dụng lợi thế của người đi sau, bằng con đường tắt xây dựng mô hình “Sinh thái - Công nghệ thấp” tiến thẳng vào nền văn minh hậu - công nghiệp mà không phải kinh qua giai đoạn phát triển công nghiệp cổ điển.

Alvin Toffler cũng mô tả những nét chính của nền văn minh hậu - công nghiệp trong cuốn sách “Tạo dựng một nền văn minh mới -  chính trị của làn sóng thứ ba” như sau:

  • Tập trung một số trung tâm kinh tế - tài chính cực lớn.
  • Ðổi mới nguồn năng lượng.
  • Giải - đô thị hóa, đưa con người quay về với thiên nhiên
  • Sản xuất nông nghiệp năng suất cao dựa vào công nghệ mới.

Những điều đó có nhiều điểm tương đồng với các phác họa về xu thế phát triển kiến trúc - đô thị thế giới thế kỷ 21. Ngày nay các chuyên gia đô thị Mỹ đang nói nhiều về sự phát triển của những “làng đô thị” (urban villages) hoặc những “chòm đô thị” (urban constellations) trong một “ngân hà đô thị trung tâm” (metropolitan galaxy). Việc sản xuất như vậy sẽ phân tán theo quy mô thích hợp  từng địa phương. Nếu kỷ nguyên công nghiệp sản sinh ra các thành phố, thì kỷ nguyên thông tin có thể phi tập trung chúng.

Sẽ hình thành các làng và đô thị sinh thái phân tán, hướng về nông thôn, làm việc chủ yếu tại nhà. Nhờ thế mà có tác dụng chặn lại hiện tượng dịch chuyển dân nông thôn ồ ạt vào thành phố, làm giảm đi sự cách biệt quá lớn giữa thành thị và nông thôn.



Tại phương Tây, ngày nay các nhà kiến trúc được cập nhật hóa thường xuyên kiến thức về tiết kiệm năng lượng, thiết kế kết hợp công nghệ cao và phù hợp với điều kiện sinh - khí hậu tại chỗ. Người ta chủ trương tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác, không gây ô nhiễm. Sản xuất nông nghiệp dựa vào toàn bộ các hệ sinh thái đa dạng với công nghệ vi sinh, vi tính hóa. Ðiều này rất thuận lợi đối với những nước nông nghiệp nghèo đa phần nằm trong vùng nhiệt đới.

Những phác họa mới về nền văn minh thế kỷ 21 nêu trên là hết sức quan trọng đối với những nước như chúng ta trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế - xã hội phát triển tương lai. Nó giúp ta kịp thời tránh những sai lầm xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật rất tốn kém nhưng sẽ sớm bị lạc hậu trong cấu trúc hậu - công nghiệp. 

Thực tế hiện nay, do chúng ta thiếu thốn mọi thứ và khát khao một nền văn minh công nghiệp như ở các nước phát triển. Nhưng chúng ta đâu có biết rằng hiện nay ở các nước tiên tiến người ta đang loại bỏ dần cơ cấu nền văn minh công nghiệp cũ đó để xây dựng cơ cấu mới của nền văn minh của trí tuệ, nền kinh tế tri thức, nghiêng về sinh thái.




Lợi thế của người đi sau

Lâu nay, những nhà hoạch định chiến lược phát triển thường lúng túng khi rập khuôn theo tiến trình phát triển cổ điển : chuyển biến phải từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, rồi từ đó mới có thể bước sang kinh tế tri thức hậu - công nghiệp.

Nhưng phải chăng các nhà nghiên cứu kinh tế Lê Anh Tú, nhà tương lai học Alvin Toffler muốn chứng minh điều ngược lại. Những nước nông nghiệp còn nghèo của Thế giới thứ ba có thể xử dụng lợi thế của người đi sau, bằng con đường tắt, ít tốn kém hơn nhiều, khi xây dựng mô hình “sinh thái - công nghệ thấp” tiến thẳng vào nền văn minh hậu - công nghiệp mà không cần phải kinh qua giai đoạn phát triển công nghiệp cổ điển.

Nước ta cơ bản còn làm nông nghiệp, về lâu dài ta vẫn cần khai thác ưu thế này. Ta nên sớm tránh sử dụng hóa chất trong phân bón và thuốc trừ sâu từng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như môi trường ô nhiễm, bệnh tật phát triển, đất đai bạc màu, sản phẩm nông nghiệp kém chất lượng. Hiện nay hướng phát triển nông nghiệp là phải dựa vào toàn bộ các hệ sinh thái, góp phần tạo nên môi trường cộng sinh giữa con người và tự nhiên. Cần khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, xử dụng côn trùng trừ sâu, trồng và xử dụng Nam dược, nuôi trồng rong biển.

Khác với những xứ lạnh như Canada chẳng hạn, cây cối vật nuôi ít chủng loại, chỉ nuôi trồng được 1/2 năm; thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta giúp duy trì nhiều hệ sinh thái phong phú và đa dạng cũng như cho phép nuôi trồng quanh năm. Phát triển kinh tế sinh thái là một thế mạnh khác của chúng ta.



Trong tương lai không xa, công nghiệp qui mô vừa và nhỏ nhưng có hàm lượng cao sẽ phân tán về nông thôn, như vậy nhà máy và sức lao động sẽ trở lại vùng nông thôn, có thể hòa nhập những kỹ thuật mới vào xã hội mà không bó buộc phải di chuyển toàn bộ dân số. Như vậy thì ta có thể ngăn chặn được hiện tượng dịch chuyển dân nông thôn ồ ạt vào đô thị và cả làm giảm đi sự cách biệt thành thị - nông thôn.

Phân tán năng lượng ngay trong nông thôn thông qua việc xử dụng nguồn năng lượng tại chỗ, như nhà máy khí sinh, điện mặt trời, quạt gió, giòng nước, thủy triều. Ta có thể học hỏi ấn Ðộ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên xây dựng hàng loạt nhà máy khí sinh lớn nhỏ tại cộng đồng, nhà ở, xử dụng chất thải của người và động vật để thắp sáng, đun nước, chạy máy. Nhà máy điện mặt trời, quạt gió, tua bin nhỏ quay bằng giòng nước đang tạo nguồn năng lượng với công xuất 10 - 20 kw tại chỗ đủ dùng cho một làng một bản, có điện thắp sáng, chạy máy bơm, xem vô tuyến.
 
Qui mô lớn hơn là tạo ra và xử dụng năng lượng mặt trời, quạt gió, địa nhiệt trong khu phố, cao ốc, chung cư và cả trong sinh hoạt, sản xuất ở đô thị. Các Hội nghị kiến trúc sư quốc tế gần đây rất chú ý đến các đề xuất sinh sống kiểu mới nầy khi trao giải thưởng sáng tạo công nghệ cho các nhà kiến trúc Ðức Thomas Herzog (năng lượng mặt trời) và Malaysia Ken Yeang (kiến trúc sinh thái). Kinh nghiệm xây dựng đô thị sử dụng năng lượng mặt trời, thiết kế công trình cao ốc sinh thái trong vùng nhiệt đới đó đã áp dụng thành công ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Malaysia, Hải Nam (Trung Quốc) phải chăng nên được nhanh chóng đem vào áp dụng vào nước ta, góp phần tạo một Việt Nam xanh, thực hiện được lý tưởng hài hòa Thiên - Ðịa - Nhân truyền thống.

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...