Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quảng trường - Trái tim của đô thị

Quảng trường - Trái tim của đô thị

Viết email In

Trong xã hội hiện đại, cuộc sống con người ngày càng phát triển kéo theo điều kiện sống và nhu cầu hưởng thụ ngày một tăng cao. Khái niệm "hưởng thụ" ở đây được hiểu là hưởng thụ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Đô thị càng hiện đại, người dân càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những hình thức giải trí mới mẻ, sinh động, càng có nhiều cơ hội trải nghiệm những tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, tất cả những bức tranh đẹp đẽ về một đô thị hài hòa, bền vững về mặt xã hội và hạ tầng chỉ có thể được vẽ nên một khi người dân cảm thấy thoải mái khi sống trong đô thị đó và sự tương tác giữa các cư dân thành phố được kích thích và phát triển một cách tích cực.  

Một trong những phát minh vĩ đại nhất của nghệ thuật quy hoạch đô thị châu Âu nhằm thể hiện sự công bằng và thúc đẩy tương tác giữa con người và các hoạt động xã hội đó là những trung tâm thành phố, không gian thương mại trung tâm của một thành phố được thiết kế một cách có chủ ý, hay còn được gọi với tên quen thuộc ngày nay là quảng trường. Bài viết muốn đưa đến một cái nhìn hết sức tổng quát về lịch sử phát triển của quảng trường, lý do quảng trường trở thành một trong những không gian quan trọng nhất trong tổng thể đô thị, cũng như những yếu tố chính quyết định thành công của một không gian quảng trường qua việc phân tích một vài ví dụ tiêu biểu.  

Những khái niệm và quá trình phát triển của quảng trường từ thời kỳ cổ đại đến nửa đầu thế kỷ 20 

Quảng trường là một điểm tập trung trong đô thị, cung cấp một không gian giúp cư dân đô thị trao đổi về cả mặt xã hội và kinh tế. Ý nghĩa của quảng trường thường khác với công viên và những không gian cảnh quan mềm trong đô thị. Nếu như vườn hoa và công viên là những không gian công cộng "đóng" về mặt cảnh quan, tương đối tách biệt với phần còn lại của đô thị về mặt vị trí và chỉ được sử dụng vào những thời điểm nhất định trong ngày thì quảng trường lại được coi là một thực thể cấu thành đô thị, gắn bó mật thiết với những yếu tố tạo thị khác như giao thông, kiến trúc, kinh tế, xã hội,... Quảng trường thường được sở hữu công cộng, có thể tiếp cận bởi tất cả mọi người. Đặc biệt, đối với các quốc gia châu Âu, sự phát triển và ra đời của quảng trường không chỉ mang ý nghĩa về mặt kiến trúc xây dựng hay thiết kế đô thị, mà còn là biểu tượng của sự phát triển về tính dân chủ và mức độ văn minh xã hội. 

Những khái niệm đầu tiên về quảng trường xuất hiện cách đây hơn 6000 năm dưới thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, cùng với sự ra đời của những thể chế chính trị đầu tiên tại châu Âu. Quảng trường thời Hy Lạp cổ đại được biết đến với tên gọi Agora. Mặt bằng của những không gian này thường được quy hoạch hình chữ nhật hoặc hình vuông. Quảng trường thời kỳ này là những không gian ngoài trời thường được đặt tại trung tâm thành phố, là giao của những trục giao thông quan trọng, dễ dàng tiếp cận từ mọi hướng. Về mặt xã hội, ngay từ những khái niệm đầu tiên, Agora đã được coi là biểu tượng cho sự dân chủ của người Hy Lạp cổ đại. Tất cả các hoạt động chính trị, thể thao, văn nghệ quan trọng đều diễn ta tại đây và tất cả mọi tầng lớp dân cư đều có quyền tham gia. Kế thừa những giá trị đó, quảng trường thời La Mã, với tên gọi forum, cũng là nơi tụ họp dân chúng và diễn ra những hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng của thành phố. Trên đà phát triển đó, đến thời kỳ trung đại vào khoảng thế kỷ 13, trên khắp châu Âu đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt quảng trường tại Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, ...


Mặt bằng agora trong đô thị Hy Lạp cổ đại (nguồn: greeceathensaegeaninfo.com) 


Mặt bằng quảng trường Trajan thành phố Roma vào thế kỷ thứ nhất (nguồn: www.studyblue.com) 


Tàn tích của quảng trường Trajan còn lại đến ngày nay (nguồn: wikipedia)

Sau đó, thế kỷ 15-16, thời kỳ Phục hưng đã mở ra một cuộc cách mạng về quảng trường với những phát kiến quan trọng của người Ý. Thiết kế quảng trường thời kỳ này đã được gắn chặt với quy hoạch và thiết kế đô thị, quảng trường trở thành một bộ phận then chốt không thể tách rời của đô thị. Với yếu tố con người là trung tâm, những quảng trường thời kỳ phục hưng đã rất thành công trong việc thiết lập nền tảng cho những bản thiết kế quảng trường chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ, tỷ lệ giữa con người và các công trình xung quanh cũng như việc kết hợp hệ thống dịch vụ công cộng với không gian nghỉ ngơi trong phạm vi quảng trường nhằm kích thích tối đa sự lưu lại và tương tác giữa con người. Một số quảng trường tiêu biểu thời kỳ này: quảng trường trung tâm del Campo (thành phố Sienna), quảng trường Santissima Annunziata (thành phố Florence), quảng trường St Marco (thành phố Venice),… 


Mặt bằng quảng trường Santissima Annunziata thành phố Florence (nguồn: Street & Square, tr.103, Cliff Moughtin)


Quảng trường Santissima Annunziata thành phố Florence (ảnh do tác giả chụp)


Tượng trang trí ở quảng trường Santissima Annunziata thành phố Florence (ảnh do tác giả chụp)


Quảng trường St Marco thành phố Venice nhìn từ trên cao (ảnh do tác giả chụp)

Thế kỷ 17-18, tư tưởng Phục Hưng tiếp tục được mở rộng và phát triển, cùng với đó là sự ra đời của phong cách kiến trúc Barocco tại các quốc gia Tây Âu, điển hình là Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,... Tại Pháp, từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 18 chứng kiến sự ra đời của nhiều thành phố được quy hoạch theo các nguyên tắc Phục hưng, điển hình là các thành phố Nancy, Charleville, Paris, ... Hệ thống quảng trường của các thành phố này do đó chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách Phục Hưng với mặt bằng kỷ hà cơ bản (hình chữ nhật, hình vuông) với chức năng là các quảng trường hạt nhân trung tâm thành phố, giao điểm của các trục giao thông quan trọng. Một số quảng trường tiêu biểu ở Pháp thời kỳ này là Place Stanislas (thành phố Nancy), Place Ducale (thành phố Charleville),... Trong khi đó tại Ý, thời gian này chứng kiến sự ra đời và phát triển của phong cách kiến trúc Barocco, phong cách kiến trúc vừa bổ sung kế thừa những thành tựu của phong cách Phục hưng ở giai đoạn trước, vừa có những phát triển mang tính đặc trưng trong cách thể hiện và tư duy. Điều này được chứng minh rất rõ trong việc thiết kế các quảng trường. Nếu các quảng trường thời kỳ Phục hưng thường có mặt bằng đơn giản, chủ yếu là các hình dạng kỷ hà đối xứng đơn trục thì mặt bằng của quảng trường thời kỳ Barocco đa dạng hơn với cách bố trí đối xứng đa trục (mặt bằng hình tam giác, hình thang cân)..., cùng với đó là cách xử lý các chi tiết trang trí phức tạp hơn, nhiều màu sắc hơn, qua đó tạo cho đô thị một hình thái động đa dạng và linh hoạt hơn. Một số quảng trường có thể coi là tiêu biểu cho phong cách Barocco là quảng trường St Peter và quảng trường Tây Ban Nha (thành phố Roma), quảng trường Vosges (thành phố Paris),... Phong cách kiến trúc Barocco đã đánh dấu cho sự phát triển đến đỉnh cao của kiến trúc cổ điển phương Tây, trước khi cách mạng công nghiệp nổ ra, nơi mà tư duy kiến trúc và quy hoạch đô thị đã thay đổi hoàn toàn. Và các quảng trường cũng không phải ngoại lệ.


Quảng trường Ducale (nguồn: www.henri-iv.culture.fr)


Quảng trường St Peter thành phố Roma (ảnh do tác giả chụp)

Quảng trường trong đô thị hiện đại và những yếu tố quyết định thành công của quảng trường 

Vào thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp đã mở màn cho một loạt thay đổi lớn trong thiết kế và quy hoạch đô thị. Sự xuất hiện của xe lửa và đầu máy hơi nước đã thúc đẩy sự giao thương giữa các thành phố, tạo nên những đại đô thị (megacities) với mật độ dân số lớn và nền kinh tế sôi động. Sự phát triển về kinh tế xã hội này đã gây những ảnh hưởng không nhỏ đến hình thái các đô thị. Việc dân cư đổ dồn về các thành phố lớn tạo nên hiện tượng bong bóng cho sự phát triển dân số của các thành phố. Sự phát triển này tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, dịch vụ, gây tác động lớn đến môi trường và tính liên kết cộng đồng. Như một hệ quả tất yếu, nửa đầu thế kỷ 20, sự tiếp diễn của các quá trình phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ cộng với sự ra đời của các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, mô tô đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong việc sử dụng quảng trường trong các thành phố, tác động tiêu cực đến sự tương tác giữa cư dân đô thị trong các không gian công cộng. Một ví dụ điển hình chứng minh sự thay đổi tiêu cực này: nhiều quảng trường đã bị biến đổi chức năng từ một không gian công cộng, nơi diễn ra các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi của dân cư trở thành một đảo giao thông thuần túy, mất đi nhiệm vụ và chức năng to lớn của nó trong đô thị. Những quảng trường ở Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước thuộc địa châu Á là những ví dụ điển hình(1).

Chỉ đến khi những vấn đề môi trường và chất lượng sống của con người trở nên đáng lo ngại tại các thành phố lớn, chức năng của quảng trường mới được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Bằng những cuộc cải cách trong tư tưởng quy hoạch chú trọng hơn đến môi trường và sự tương tác giữa con người và hình thái đô thị, quảng trường đã được định nghĩa lại và luôn được coi như hạt nhân của những đồ án quy hoạch đô thị từ quy hoạch chung tới quy hoạch chi tiết đơn vị ở hay nhóm ở.

Về mặt hình thái, đô thị hiện đại được coi là sự kết hợp của những khoảng đặc (công trình kiến trúc) và rỗng (đường giao thông, quảng trường, vườn hoa cây xanh,...). Số lượng và tỷ lệ của những khoảng đặc rỗng này quyết định hình thái và cấu trúc đô thị. Quảng trường, do đó, đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tạo nên sự cân bằng cho hình thái đô thị với những khoảng hở cần thiết dành cho hoạt động xã hội của con người. Quảng trường trong đô thị hiện đại được định nghĩa là một không gian công cộng được bao quanh bởi những công trình kiến trúc đa chức năng, từ hành chính xã hội đến giải trí, thương mại, dịch vụ, được thiết kế hợp lý phục vụ cho việc nghỉ ngơi của con người và khuyến khích các hoạt động nghệ thuật đô thị.

Phân loại quảng trường

Có rất nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, trong các công trình nghiên cứu của mình đã cố gắng phân loại quảng trường, chủ yếu qua chức năng và hình thái của chúng. Theo Paul Zucker, quảng trường có thể chia thành 5 loại: quảng trường đóng (enclosure square): quảng trường được bao quanh bởi những công trình kiến trúc và dịch vụ; quảng trường gắn với một công trình quan trọng của đô thị (dominated square); quảng trường được hình thành xung quanh trung tâm đô thị (quảng trường hạt nhân - nuclear square); quảng trường được tạo nên bằng sự liên kết của những thành tố không gian khác nhau (grouped square); quảng trường vô định hình (amorphous square). Còn theo Shalftoe (2008, p76), chỉ có 2 loại quảng trường là quảng trường mở (open square) và quảng trường đóng (enclosed square). Tuy nhiên, dù phân loại theo cách nào thì quảng trường vẫn đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là thu hút và kích thích hoạt động xã hội của con người. Những cố gắng phân loại quảng trường đều nhằm đề cao tầm quan trọng và thái độ nghiêm túc trong việc tiếp cận và nghiên cứu một cách khoa học về không gian công cộng này. 

Những yếu tố quyết định thành công của quảng trường 

Ngày nay, sự thành công của một quảng trường có thể quyết định bằng những yếu tố sau: 

- Khả năng tiếp cận (Yếu tố giao thông): Yếu tố giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của quảng trường: một quảng trường chỉ có thể thu hút tối đa sự tiếp cận và lưu lại của người sử dụng một khi nó tọa lạc tại một vị trí dễ tiếp cận về mặt giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng. Mặt khác, quảng trường cũng phải là điểm trung chuyển của các trục giao thông chính của thành phố, nơi mà từ đó người sử dụng có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực trung tâm khác trong thành phố. Quảng trường Bellecour (thành phố Lyon) có thể coi là một ví dụ điển hình cho thành công trong việc quy hoạch giao thông: Quảng trường Bellecour nằm ở vị trí trung tâm, là điểm trung chuyển lớn của thành phố, có thể dễ dàng tiếp cận bằng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay tàu điện. Mặt khác, từ Bellecour có thể di chuyển dễ dàng tới nhiều quảng trường khác, hai trung tâm khác của thành phố là khu phố cổ Lyon và quảng trường Tòa thị chính Lyon cũng không gian công cộng đặc sắc ven hai con sông Rhône và Saône trong khoảng chỉ 10 phút đi bộ. Quảng trường Bellecour do đó có thể coi là quảng trường hạt nhân, vừa đóng vai trò là không gian công cộng trung tâm, vừa đóng vai trò là điểm trung chuyển giao thông quan trọng kết nối các không gian đô thị.


Vị trí hạt nhân của quảng trường Bellecour trong trung tâm thành phố Lyon (nguồn: openstreetmap)


Quảng trường Bellecour nhìn từ trên cao (ảnh do tác giả chụp)

- Khả năng hấp dẫn và kích thích hoạt động và sự lưu lại của con người thông qua các biện pháp thiết kế đô thị, thiết kế và sắp đặt các công trình kiến trúc xung quanh quảng trường và hệ thống thương mại dịch vụ: Một cách cụ thể, từ những yếu tố lớn như vị trí tương quan của quảng trường với thành phố, bán kính phục vụ lớn, đối tượng sử dụng quảng trường đa dạng, đến những yếu tố nhỏ cấu thành không gian cụ thể như cách thiết kế lối tiếp cận, ghế đá, đài phun nước, cách thiết kế và bài trí cây xanh,... đều góp phần tạo nên sự thành công của một quảng trường. Nếu như những yếu tố lớn thu hút người sử dụng đến với quảng trường thì những yếu tố nhỏ vừa nêu đóng góp hiệu quả vào việc níu giữ người sử dụng ở lại. Ngoài ra, một quảng trường thành công còn cần phải là nơi diễn ra những hoạt đông đa dạng, từ nghỉ ngơi thuần túy đến những hoạt động có tính tương tác cao như biểu diễn âm nhạc, thể thao, nghệ thuật đường phố,… Xét những yếu tố này, quảng trường Campo [Piazza del Campo] (thành phố Siena, Italy) là một ví dụ điển hình cho việc thiết kế tinh tế và hợp lý nhằm thu hút số lượng tối đa người sử dụng. Quảng trường thời kỳ Phục hưng này đã được trang web Projects for public Spaces bình chọn là một trong số những quảng trường đẹp nhất thế giới. Quảng trường có mặt bằng hình rẻ quạt, được tạo một độ dốc hợp lý từ tây bắc đến đông nam với tác dụng hướng người sử dụng vào trung tâm là công trình Palazzo Pubblico. Những con đường đi bộ ngắn kết nối quảng trường với con đường song song phía tây bắc được tạo độ dốc lớn hơn độ dốc quảng trường với điểm thấp nhất là cốt sàn của quảng trường nhằm với mục đích định hướng người đi bộ vào trung tâm quảng trường. Mặt khác, cách sử dụng vật liệu và lát nền của khu vực trung tâm làm người sử dụng có cảm giác thân thiện và có thể ngồi ở mọi nơi. Các bục ngồi hình trụ đặt dọc theo chu vi của quảng trường có thể vừa làm ghế ngồi, vừa làm chỗ dựa lưng đồng thời có tác dụng về mặt định hướng và phân chia không gian. Không gian dịch vụ được bố trí hợp lý xunh quanh quảng trường đóng góp không nhỏ vào việc níu giữ du khách ở lại đây.


Mặt bằng quảng trường Campo thành phố Siena (nguồn: Outside the square, tr.12, Duncan Corrigal)


Phối cảnh quảng trường Campo thành phố Siena (nguồn : aeroflot-vn.com)


Đường đi bộ nhỏ thú vị dẫn hướng vào quảng trường Campo (nguồn: commons.wikimedia.org)

- Tỷ lệ tương quan của các yếu tố cấu thành quảng trường với con người: Một quảng trường đảm bảo được những tỷ lệ hài hòa giữa các kích thước quảng trường, chiều cao và chiều rộng của các công trình xung quanh,… có thể tạo cho người sử dụng ấn tượng gần gũi và sự thoải mái khi lưu lại. Theo Shaftoe (2008, p.73), những quảng trường với diện tích quá lớn có thể gây cảm giác không thân thiện với con người, ngược lại, những quảng trường quá nhỏ có thể tạo nên cảm giác claustrophobic (tạm dịch: cảm giác sợ không gian chật) cho người sử dụng và hơn nữa chúng không đủ diện tích cho những hoạt động xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến của các kiến trúc sư và các nhà thiết kế đô thị về tỷ lệ lý tưởng cho một quảng trường. Ví dụ, nếu như kích thước trung bình của một quảng trường thời kỳ Phục hưng là 57x140m thì Jan Gehl, trong cuốn Life between buildings (Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc – 1987) lại cho rằng kích thước lý tưởng cho một quảng trường trung bình là 70-100m, và khoảng cách tối đa để nhận biết các chi tiết kiến trúc trên mặt đứng của các công trình kiến trúc xung quanh quảng trường là 24m. 


Bảng tổng hợp những tỷ lệ đề xuất cho quảng trường (nguồn: The human meaning of urban squares, tr.44, Basak Zeka)

Qua những nét khái quát về nguồn gốc và quá trình phát triển cũng như những yếu tố cấu thành quảng trường, chúng ta có thể định hình rõ vai trò và chức năng của quảng trường trong không gian đô thị: Nếu coi một thành phố là một thực thể sống, thì những công viên cây xanh hay vườn hoa được nhìn nhận như là những lá phổi của cơ thể ấy còn quảng trường có thể coi là trái tim, củng cố và duy trì sức sống cho cơ thể đô thị. 

Thay lời kết

Yếu tố xã hội của một đô thị phát triển bền vững được khẳng định bởi sức khỏe cộng đồng, thái độ tích cực của cư dân đô thị trong những hoạt động tương tác xã hội. Điều này chỉ có thể đạt được một khi chúng ta có thể tạo ra những không gian hấp dẫn, hay nói cách khác, tạo ra môi trường lành mạnh để kích thích những hoạt động đó. Quảng trường là một trong số những không gian như vậy. Nhìn lại các thành phố Việt Nam, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc thiết kế và quy hoạch quảng trường trong không gian đô thị vẫn chưa được chú trọng và nhìn nhận một cách đúng mức. Những địa điểm được coi là lý tưởng cho các hoạt động của cư dân lại thiếu các công trình dịch vụ, trong khi những khu trung tâm dịch vụ giải trí thì không gian trống lại quá nhỏ về diện tích và manh mún, hời hợt về mặt thiết kế kiến trúc để được coi là quảng trường. Hơn nữa, hiện nay, tình trang ô nhiễm môi trường đã trở nên báo động do sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, khi mà tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, khu vực đô thị trung tâm trở nên ngày một nén, mật độ xây dựng tăng, con người cần nhiều hơn những không gian an toàn, hấp dẫn cho những hoạt động xã hội mà những không gian công cộng hiếm hoi hiện hữu không đủ tầm để giải quyết các nhu cầu đó. Từ thực trạng đó, chúng ta còn chờ gì nữa mà không bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc quy hoạch và kiến tạo những quảng trường sinh động, hấp dẫn, những khoảng hở quý giá tạo nên sức sống đô thị ? 

Lê Hà Phong - Sinh viên chuyên ngành quy hoạch đô thị, Viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon -CH Pháp 

Chú thích: (1) Còn nhớ, tại Hà Nội năm 1911, người Pháp hoàn thành Nhà hát Lớn, một trong những công trình quy mô và quan trọng nhất trong tham vọng biến Hà Nội thành “Paris của Đông Dương”. Nhà hát Lớn qua đó được xây dựng có nhiều nét tương đồng với nhà hát Garnier của Paris. Có lẽ người Pháp muốn biến quảng trường Nhà hát Lớn thành place de l’opéra (quảng trường nhà hát opéra) và phố Tràng Tiền trở thành avenue de l’opéra (đại lộ opéra) của Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị chắp vá của Hà Nội, một phần do chiến tranh nhưng đồng thời cũng do sự thiếu kiểm soát về mặt xây dựng và thái độ hời hợt với những không gian công cộng đã khai tử quảng trường Nhà hát Lớn và hầu hết các quảng trường khác, để giờ đây Hà Nội hầu như không có một quảng trường theo đúng nghĩa (hoàn toàn dành cho người đi bộ, thích hợp để lưu lại trong thời gian dài, thuận lợi về mặt giao thông, đầy đủ về mặt dịch vụ và hấp dẫn về kiến trúc cảnh quan), tất cả những nơi mà người dân thủ đô quen gọi là quảng trường thực chất chỉ là những đảo giao thông khổng lồ! 

Tài liệu tham khảo:  

- A.E.J. Morris, 1994, History of urban form before the industrial revolution, tr191 - tr207
- Basak Zeka, 2011, The human meaning of urban squares, 263tr
- Cliff Moughtin, 2003, Street & Square, tr87 - tr126
- Development type - Urban squares, www.healthyplaces.org.au
- Duncan Corrigal, 2011, Outside the square, 63tr
- Great public spaces: Piazza del Campo, www.pps.org
- Henry Shaftoe, 2008, Convivial urban spaces: Creating effective public spaces, tr73 - tr80
- Jan Gehl, 1987, Life between buildings, 216tr
- TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông , 2000, Lịch sử xây dựng đô thị cổ đại và trung đại phương Tây, tr231 - tr249


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo