Khi KTS Võ Trọng Nghĩa được trao giải kiến trúc quốc tế với thiết kế nhà ống xanh của mình, một niềm hy vọng mới mở ra cho các đô thị Việt Nam. Ý tưởng phủ xanh những ngôi nhà ống nếu thành một trào lưu có ứng dụng thực tiễn cao sẽ mang lại một diện mạo mới cho các thành phố Việt Nam. Một diện mạo hậu hiện đại? Những câu chuyện về tăng trưởng xanh và kiến trúc xanh thường xuyên được nhắc đến gần đây như hướng đi đúng đắn cho hướng phát triển hiện đại và “đậm đà bản sắc dân tộc”. Không biết “con đường màu xanh” này liệu có thành hiện thực?
Gretna Landmark, The Star of Caledonia, Gretna, Scotland
“Hiện đại” khái niệm tưởng như chứa đầy ắp những gì tươi mới thức thời hóa ra đã trở thành lạc hậu trước những thay đổi trong tâm thức của thời đại ngày nay. Tâm thức này thôi thúc xóa bỏ chủ nghĩa hiện đại và xây dựng những cái mới với tên “hậu hiện đại”.
Khác với những ngành nghệ thuật hay ngay cả những sáng tác kiến trúc, những lý luận về “hậu hiện đại” của đô thị dường như còn khá lỏng lẻo và không có những nguyên mẫu đô thị hoàn toàn “hậu hiện đại”.
Tuy nhiên có thể thấy các đô thị ở mọi nơi, lần lượt lên tiếng đòi hỏi các nhà đô thị phải trả lời về con đường phát triển phía trước, nhất là ở châu Á. Những đô thị vội vã ken đặc nhà cao tầng như kiểu New York đã không còn là một phong cách quốc tế đơn giản mà các đô thị phải tuân theo. Sự nghèo nàn trong kiến trúc và những hậu quả về môi sinh bắt buộc các nước châu Á phải địa phương hóa thiết kế của mình, sao cho phù hợp với một xã hội đòi hỏi tính công bằng, đa dạng và …tất nhiên là hiện đại.
Đô thị Việt Nam vẫn đang lớn dần với đô thị hóa và tập trung dân cư, tuy nhiên nếu không lường trước những đòi hỏi đó để xây dựng một phong cách quy hoạch đô thị thích hợp, thì sự nghèo nàn của chủ nghĩa hiện đại mọc trên nền đô thị hỗn độn, sẽ trở thành thảm họa.
Quay trở lại lịch sử đô thị và kiến trúc thì thời kỳ hiện đại tuy đã có từ lâu, nhưng chủ nghĩa hiện đại thì chính thức có lẽ là khi Le Corbusier, Walter Gropius và Mies van der Rohe định hướng thiết kế theo Phong cách quốc tế (International Style) với các tiêu chí như “- trang trí là tội ác; – chân lý dành cho vật liệu; – hình thức tuân thủ công năng; – ngôi nhà như là “cỗ máy để sống””. Phong cách quốc tế như vậy đã cho ra đời các sản phẩm đáp ứng tối đa với mức kinh tế tối thiểu các nhu cầu sống và đặc biệt là đáp ứng nhịp độ khẩn trương của cuộc sống hiện đại. Chính vì thế mà nó phát triển rất nhanh và lan rộng khắp thế giới với hàng loạt các nhà cao tầng và khu trung tâm vuông vức nhạt nhẽo. Nhưng nỗi kinh hoàng thực ra không đến từ kiến trúc, mà chủ yếu là mặt trái của xã hội hiện đại thời đó. Sự xuống cấp của những công trình đi kèm với sự xuống cấp xã hội tại khu vực đó, khu vực vốn dành cho hộ nghèo, và đã tạo thành những ổ chuột trong đô thị. Đến nỗi mà nhiều chính phủ phải kiên quyết xóa bỏ. Đó là lý do năm 1972, 33 chung cư xã hội có tên Pruitt-Igoe do kiến trúc sư Minoru Yamassaki thiết kế, được coi là biểu tượng của sự duy lý theo trường phái Le Corbusier, tại thành phố St. Louis bị chính phủ Mỹ đánh sập sau những nỗ lực không thành nhằm giải quyết các vấn nạn xã hội tại đây, sau 18 năm hoạt động. Sự kiện này đi vào lịch sử như là cột mốc cho sự kết thức của Chủ nghĩa hiện đại (modernism).
Mở đầu cuốn sách “Ngôn ngữ của kiến trúc Hậu hiện đại”, tác giả Charles Jencks đã thông báo: “Kiến trúc Hiện đại đã chết ở Saint Louis, Missouri ngày 15 tháng 7 năm 1972 vào hồi 15h32″. Kèm theo đó là bức ảnh chụp một ngôi nhà nhiều tầng đang bị nổ tung.
Từ thời kỳ này, những kiến trúc sư tài năng đã giải phóng họ ra khỏi những tư tưởng Phong cách quốc tế trước đó, Micheal Graves và Frank Gehry ở Mỹ, Rem Koolhaus và Norman Foster ở châu âu, và một vài công trình tiêu biểu của phong cách mới đã trở thành “hậu hiện đại”. Những thiết kế mềm mại với những tiêu chí đi ngược lại với chủ nghĩa hiện đại. Những xu hướng quay về với giá trị lịch sử và môi trường hay xu hướng chiết trung đều được coi là những biểu hiện hậu hiện đại chống lại chủ nghĩa hiện đại.
Danh từ “hậu hiện đại” này được sử dụng một cách phổ biến vào thập niên 1960 tại New York, theo sau sự xuất bản hai cuốn sách phê bình về mỹ thuật kiến trúc: The Death and Life of Great American Cities của Jane Jacobs vào năm 1961 và cuốn Complexity and Contradiction in Architecture của Robert Venturi vào năm 1966. Trong khi Jacobs phê bình những quá trình hiện đại hoá đô thị đã làm mất đi tính mỹ thuật về kết cấu tổng thể của thành phố, Venturi phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng của diện tích mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng, sự hài hoà giữa lịch sử cổ điển và văn minh đương đại. Trong hai tập sách, mặc dầu không nhắc đến chữ chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cả hai tác giả đều đề nghị giới trí thức hiện đại phải có tầm nhìn vượt lên trên thời hiện đại. |
Trong quy hoạch, sự ra đời của Chủ nghĩa đô thị mới (New Urbanism) vào cuối thế kỷ cũng được coi là sự tấn công vào quy hoạch đô thị, trào lưu này tuy còn nhiều tranh cãi nhưng cũng là một hiện tượng cho thấy sự thiếu vắng những lý luận mới cho việc cơ cấu lại đô thị ở các nền kinh tế phát triển nhanh, đảm bảo công bằng, giữ gìn sinh thái và bảo tồn lối sống địa phương.
Cuối cùng thì một đô thị tạm coi là hậu hiện đại phải có một bản sắc địa phương đã được phát triển cùng với quá trình hiện đại hóa. Đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm người và giữa con người với môi trường. Thực ra thì đô thị hậu hiện đại cũng chính là sự hòa trộn giữa các yếu tố hiện đại và hậu hiện đại trong thiết kế và tổng thể. Là sự gặp nhau của việc đem cách thức thiết kế và quản lý hiện đại ra xây dựng các đặc trưng gắn liền với bản sắc đô thị địa phương. Điều này có lẽ phù hợp với đô thị, vì như Charles Jenks đã viết “Chủ nghĩa hậu hiện đại trên căn bản là một thứ hỗn hợp mang tính chiết trung của bất cứ truyền thống nào với những gì vừa mới qua: nó vừa là sự kế tục vừa là sự siêu việt hoá của chủ nghĩa hiện đại .”
Trần Quang - ảnh minh họa: Ashui.com (st)
- Định vị chuỗi đô thị miền Trung
- Trách nhiệm và những lợi ích có được từ quy hoạch với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị
- Vận dụng cách tiếp cận quốc tế vào quy hoạch nông thôn Việt Nam
- Phát triển Thành phố tri thức - Bài học từ các đô thị trên thế giới
- Xây dựng và quản lý không gian cao tầng khu vực nội đô Hà Nội
- Thành phố tuyến tính
- Quy hoạch không gian môi trường cư trú trong tái thiết đô thị
- Lược sử Quy hoạch đô thị: nhu cầu, ước mơ, tầm nhìn
- Hà Nội phát triển như thế nào trong công cuộc tái thiết đô thị?
- Bàn về quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch