Không gian xanh là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng, được ví như lá phổi của đô thị. Yếu tố này góp phần làm cân bằng môi trường sống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Thế nhưng công viên, vườn hoa vốn là không gian xanh cơ bản nhất lại đang chưa được quan tâm, chú trọng.
Nhiều đoạn đường tại Công viên Thống Nhất đã có dấu hiệu sụt lún (Ảnh: Vân Nhi - Dương Thùy)
Nơi xuống cấp, nơi bỏ hoang
Thủ đô Hà Nội là một trong những đô thị lớn của cả nước, là nơi tập trung đông đúc dân cư sinh sống và làm việc. Một thành phố lớn với mật độ dân cư cao như Hà Nội luôn cần có những mảng không gian xanh đô thị, vừa giảm ô nhiễm môi trường vừa nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, mật độ cây xanh ở Hà Nội còn quá thấp so với yêu cầu. Tại các quận trung tâm Thủ đô thì tỷ lệ cây xanh chỉ đạt khoảng 1m2/người.
Vườn hoa, công viên chính là những không gian xanh có sức hút, là địa điểm mở đặc biệt rất được người dân yêu thích. Thế nhưng theo quan sát, số lượng công viên, vườn hoa tại Hà Nội được xây dựng nhiều nhưng chất lượng lại chưa được đảm bảo. Nhiều công viên, vườn hoa đã có hiện tượng xuống cấp từ nhiều năm trở lại đây khiến người dân ngao ngán. Một số khu đô thị nhiều nhà cao tầng mọc lên nhưng công viên, vườn hoa lại chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu sót về không gian xanh trong khu đô thị.
Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, vườn Bách Thảo là ba công viên mức độ 1, có lịch sử tồn tại lâu đời nhất của Thủ đô. Những công viên này đều là điểm vui chơi và tổ chức các hoạt động ngoài trời quen thuộc của người dân Hà Nội. Theo thời gian, nhiều hạng mục như đường đi, vỉa hè đã có dấu hiệu sụt lún, bong tróc, dễ gây mất an toàn cho người dân. Ghế đá, nhà vệ sinh, khu vực trò chơi trong công viên đã hư hỏng, không thể sử dụng được.
Không chỉ có ba công viên lâu đời của Thủ đô, mà các công viên, vườn hoa có diện tích lớn, công viên hồ điều hòa ở từng quận, huyện như Công viên Việt Hưng, Công viên Bắc Linh Đàm… được xây dựng nhưng cũng không được quan tâm đúng mức, hạ tầng xuống cấp, hệ thống chiếu sáng hư hỏng; rác thải tràn lan, cỏ dại mọc um tùm, nước hồ điều hòa ô nhiễm gây mất mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân. Không những vậy, nhiều người còn biến đất công viên, vườn hoa thành nơi trồng rau, câu cá, buôn bán hàng nước khiến nhiều người dân xung quanh không khỏi bất bình. Công viên, vườn hoa vì thế mà bị bỏ hoang, người dân không còn hứng thú.
Một góc của Công viên Việt Hưng (quận Long Biên) đầy rác và cỏ mọc um tùm.
Chị Nguyễn Thị Hoa, sống tại khu vực quận Đống Đa cho biết, chị và gia đình thường dành thời gian cuối tuần cho các hoạt động vui chơi, tập thể dục. Tuy nhiên khi đến các công viên, vườn hoa hiện nay, chị Hoa không khỏi thất vọng.
“Các công viên, vườn hoa giờ hạng mục xuống cấp quá nên gia đình đều cảm thấy mất dần hứng thú. Sáng tập thể dục nếu không cẩn thận có thể bị vấp ngã lúc nào không hay. Tối thì công viên, vườn hoa đèn điện yếu, không dám vào vì tối, không an toàn. Công viên lớn thì quây rào, công viên nào có hồ thì lại có mùi hôi thối. Giờ người dân chúng tôi chỉ mong chính quyền quan tâm, phát triển công viên, vườn hoa theo hướng tốt hơn để dân có không gian để sinh hoạt văn hóa”, chị Hoa bày tỏ.
Xây mới, phục hồi không gian xanh cho người dân
Theo Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, ngoại trừ Công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên nhiều công viên, vườn hoa có kiến trúc, cảnh quan, hệ thống đèn chiếu sáng, thảm cỏ, đường đi, vỉa hè, hệ thống trò chơi cho trẻ em... đã trở nên lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn diễn ra tự phát, biến tướng. Nhiều công viên, vườn hoa trở thành bãi đỗ xe ôtô khiến không gian bị thu hẹp lại.
Trước tình hình trên, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có; đồng thời, hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư mở các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh.
Hiện nay, Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai kế hoạch này, chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị tổ chức nhanh chóng thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng xuống cấp của các công viên, vườn hoa và đầu tư xây mới để nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Không gian xanh đô thị góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, công viên, vườn hoa tại Thủ đô phải được quan tâm, chú trọng nhiều hơn, tránh việc bị bỏ hoang khi xuống cấp, hư hỏng nặng. Đây chính là không gian để người dân được sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Xây mới và phục hồi có hiệu quả những không gian xanh đang có dấu hiệu xuống cấp sẽ giảm bớt gánh nặng của quá trình đô thị hóa, bê tông hóa; trở thành điểm đến mát mẻ, nhiều cây xanh có bóng mát, không khí trong lành, có nhiều tiện ích để vui chơi, tập thể dục cho các gia đình vào cuối tuần và quan trọng nhất là không gây lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, với định hướng đưa các công viên đóng như Công viên Thống Nhất thành công viên mở của Thành phố Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đây là việc làm hết sức cần thiết. Một công viên mở về không gian, không thu vé người dân, giảm bớt hàng rào, tường bao quanh vào công viên để mọi người dễ tiếp cận sẽ thu hút hơn là một công viên đóng. Đồng thời các chuyên gia lưu ý, mô hình quản lý công viên, vườn hoa cần được xây dựng tốt hơn. Việc cải tạo và vận hành phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công viên, vườn hoa được duy tu sửa chữa thường xuyên.
Người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ không gian xanh đô thị tại nơi mình sinh sống, không giẫm lên thảm cỏ, cây hoa; gìn giữ các công trình vui chơi, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật nếu có; giữ công viên, vườn hoa xanh - sạch - đẹp, không xả rác thải... Có như vậy thì không gian xanh mới có thể phục hồi, hài hòa về tiện ích, đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô.
Yến Mai
(Báo Xây dựng)
- Di sản công nghiệp tại Việt Nam – Tài nguyên cần được nhận diện và khai thác bền vững, sáng tạo
- Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt: Cần xác định rõ hình thái kiến trúc
- Tích hợp quy hoạch xây dựng, đô thị vào Quy hoạch tổng thể quốc gia
- Hà Nội: Gấp rút xây dựng đô thị vệ tinh
- Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
- Phục dựng “nhan sắc” trung tâm phố thị Sài Gòn
- Annette M. Kim: Vị giáo sư người Mỹ say mê vỉa hè Sài Gòn
- Quy hoạch đã quá thời hạn, không khả thi cần kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ
- Ngập lụt đô thị nhìn từ trường hợp TPHCM
- Giải pháp "đặc biệt" giúp giải quyết ùn tắc giao thông cho các siêu đô thị